Minh Tiệp Làm Culi tại Ohay TV

5 phương thức tình báo của Trung Quốc

Đăng 8 năm trước

Bẫy Hổ: Cuộc chiến âm thầm của tình báo Mỹ với Trung Quốc, so sánh sự khác biệt trong phương thức thu thập thông tin về một bãi biển giữa các nước Nga, Hoa Kỳ,

Để so sánh phương thức các quốc gia trên thế giới thu thập thông tin tình báo khác nhau như thế nào, David Wise, một chuyên gia về tình báo và tác giả của cuốn sách “Tiger Trap: American’s Secret Spy War with China” (tạm dịch: Bẫy Hổ: Cuộc chiến âm thầm của tình báo Mỹ với Trung Quốc), so sánh sự khác biệt trong phương thức thu thập thông tin về một bãi biển giữa các nước Nga, Hoa Kỳ, và Trung Quốc. “Người Nga sẽ điều một tàu ngầm đi trong đêm tối và thu thập một vài xô cát”, và “người Mỹ sẽ gửi một vệ tinh do thám, thu thập thật nhiều dữ liệu và sau đó sẽ phân tích thông tin ở thủ đô Washington.”

Còn người Trung Quốc “sẽ gửi một nghìn khách du lịch, mỗi người được chỉ đạo mang về một hạt cát”. Sau đó, họ sẽ “giũ cái khăn và cuối cùng Trung Quốc sẽ nắm được nhiều thông tin về bãi biển đó hơn tất cả các nước khác.”

Trong cuộc chạy đua quốc tế nhằm thu thập thông tin tình báo nước ngoài, Trung Quốc vượt hơn hẳn về số lượng tình báo, tuyển dụng một số lượng lớn điệp viên xâm nhập vào mọi lĩnh vực xã hội.

Và hiệu quả của tổ chức gián điệp không gian mạng của Trung Quốc là đáng lo ngại nhất, đặc biệt là sau vụ xâm phạm dữ liệu liên bang Mỹ gần đây khi tin tặc Trung Quốc đánh cắp các hồ sơ nhạy cảm của hơn 20 triệu nhân viên liên bang đang làm việc cũng như đã nghỉ hưu của Văn phòng Quản lý Nhân sự (OMP).

Trong bối cảnh người dân Mỹ ngày càng trở nên lo lắng về hoạt động tình báo trong bóng tối của Trung Quốc, bài viết này đề cập 5 phương thức mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để do thám nước ngoài và ăn cắp thông tin tình báo.

1. Tấn công không gian mạng

Mô tả hình ảnh

Giám đốc của Văn phòng Quản lý Nhân sự (OMP) Katherine Archuleta đến muộn trong một buổi điều trần của Thượng viện An ninh Nội địa và Ủy ban Ngoại giao Chính phủ về việc xâm phạm dữ liệu OPM gần đây ở tòa nhà Dirksen Senate Office trên Capitol Hill vào ngày 25 tháng 6 năm 2015 tại Washington, DC. (Chip Somodevilla / Getty Images)

Tin tặc Trung Quốc đang ngày càng gây chú ý sau rất nhiều lần xâm nhập mạng lưới văn phòng chính phủ và các công ty nước ngoài trong những năm gần đây.

Vụ xâm nhập mạng lưới OPM gần đây đã giúp Trung Quốc thu thập nhiều thông tin hữu ích cho việc tuyển dụng ứng viên tình báo tiềm năng cũng như hồ sơ cá nhân của hàng triệu nhân viên liên bang Mỹ từ yếu điểm cho đến số an sinh xã hội của họ.

Những cuộc tấn công mạng tương tự nhắm mục tiêu vào dữ liệu của BlueCross, BlueShield, và đánh cắp 80 triệu hồ sơ từ Công ty Anthem, một công ty bảo hiểm y tế của Mỹ. Từ năm 2010, tin tặc Trung Quốc cũng đã nhiều lần xâm phạm cơ sở dữ liệu của Bộ Cựu chiến binh chứa thông tin của khoảng 20 triệu cựu chiến binh.

Các chuyên gia cho rằng có thể chính quyền Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ về người Mỹ, sử dụng những dữ liệu đánh cắp thông qua các cuộc tấn công không gian mạng. Với phần mềm đang được sử dụng để theo dõi người dân Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc có thể tạo một lộ trình hoàn hảo để tuyển dụng nhiều tình báo người Mỹ hơn.

Và thông tin cá nhân của người Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất của họ. Người Trung Quốc cũng đã tung ra nhiều cuộc tấn công mạng vào các tập đoàn lớn để ăn cắp bí mật thương mại và công nghệ mới. Ủy ban về Trộm cắp Sở hữu trí tuệ ước tính những vụ trộm cắp thông tin như vậy làm thiệt hại 300 tỷ USD và 1,2 triệu việc làm mỗi năm.

Vào tháng 5 năm 2014, một bồi thẩm đoàn ở Mỹ đã cáo buộc 5 người Trung Quốc làm tình báo mạng cho Quân đội Giải phóng Nhân dân nhắm vào các công ty Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân, kim loại, và các ngành công nghiệp năng lượng mặt trời để thu thập thông tin mật cho các ngành công nghiệp thuộc nhà nước Trung Quốc.

2. Trà trộn tình báo

Hình thức tình báo mà Trung Quốc thường sử dụng hơn là trà trộn gián điệp hoặc tuyển dụng những người dễ sai khiến để lấy nguồn thông tin nhạy cảm từ các tập đoàn lớn hoặc các cơ quan chính phủ lớn ở nước ngoài

Vào tháng 5, 2015, tại tòa án liên bang Mỹ, sáu người, trong đó có ba giáo sư người Trung Quốc, bị cáo buộc vì tội ăn cắp bí mật thương mại từ hai công ty Mỹ là Avago Technologies và Skyworks Solutions, và cung cấp thông tin cho Đại học Thiên Tân (một trường đại học nhà nước). Các bị cáo đã lấy được mã nguồn, bố cục thiết kế, và các tài liệu bí mật khác và bị buộc tội âm mưu tình báo kinh tế và ăn cắp bí mật thương mại.

Chính quyền Trung Quốc không những xâm nhập vào chính phủ hoặc các doanh nghiệp lớn để ăn cắp thông tin tình báo mà họ còn trà trộn gián điệp vào các nhóm được cho là có khả năng đe dọa đến chế độ và thu thập thông tin chi tiết về họ. Năm 2011, Thụy Điển kết án một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ 16 tháng tù giam cho tội danh làm gián điệp những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ khác và gửi thông tin cho chính quyền Trung Quốc. Người Duy Ngô Nhĩ là một nhóm người Hồi giáo nói tiếng Đột Quyết sống ở Tân Cương, một vùng ở Tây Bắc Trung Quốc, vốn là những người bị chính quyền Trung Quốc đàn áp trong một thời gian dài.

3. Tuyển dụng sinh viên du học

Mô tả hình ảnh

(Jirka Matousek/Flickr)

Mỗi năm, hàng ngàn sinh viên Trung Quốc du học ở các nước như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Trước khi rời khỏi Trung Quốc đại lục, các quan chức an ninh Trung Quốc tiếp cận họ, nói với họ phải trung thành với Tổ quốc và báo cáo bất kỳ thông tin hữu ích dưới vỏ bọc “nghĩa vụ yêu nước”. Như vậy, vô hình chung sinh viên Trung Quốc được giới thiệu vào một mạng lưới phức tạp của tình báo viên Trung Quốc ở nước ngoài. Vì mỗi một học sinh chỉ đóng góp rất ít thông tin nên cũng không giống như họ đang làm công việc tình báo lắm.

Với vai trò ăn cắp thông tin, theo dõi phần tử đối kháng chính trị, và ngăn chặn hoạt động của các nhóm phản đối chính quyền Trung Quốc, gián điệp sinh viên giúp chính quyền Trung Quốc dễ dàng mở rộng phạm vi hoạt động của họ ra lãnh thổ nước ngoài. Là sinh viên, họ cũng ở thế thuận lợi hơn khi gia nhập lực lượng lao động làm việc cho các tập đoàn lớn hoặc các cơ quan chính phủ và lấy được thông tin được xem là bảo mật ở đó.

Người Trung Quốc cũng xâm nhập từ bên đầu Trung Quốc, tuyển dụng người Mỹ hoặc sinh viên quốc tế học tập tại Trung Quốc, như trong trường hợp của Glenn Duffie Shriver. Trong thời gian học ở Thượng Hải vào năm 2004, Shriver được một người phụ nữ có liên quan đến tổ chức tình báo của chính quyền Trung Quốc tiếp cận. Sau khi giả vờ yêu đương một vài tháng, cuối cùng anh cũng chấp nhận 70.000 USD để gia nhập vào Bộ Ngoại giao và CIA. Khi kế hoạch tình báo của anh ta bị đưa ra ánh sáng, Shriver đã bị kết án 4 năm tù giam.

4. Khai thác truyền thông

Mô tả hình ảnh

Phóng viên và tác giả Mark Bourrie bỏ công việc của mình tại Tân Hoa Xã sau nhiều lần bị yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ tình báo cho chính quyền Trung Quốc. (Ảnh do Mark Bourrie)

Vào năm 2012, Mark Bourrie, một phóng viên của quốc hội Canada và phóng viên nước ngoài cho phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, tiết lộ các công ty Trung Quốc đã ra lệnh cho anh ta thu thập thông tin tình báo cho Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều hơn là làm công việc phóng viên. Sau khi anh kết nối lại các sự kiện và nhận ra mình đang bị khai thác như một gián điệp cho chính quyền Trung Quốc, anh đã bỏ việc.

Hầu hết thời gian, anh được giao nhiệm vụ viết bài, nhưng thỉnh thoảng, anh được đưa cho những nhiệm vụ mà rõ ràng là công tác tình báo. Ví dụ, Tân Hoa Xã yêu cầu anh ghi âm một cuộc họp báo với Đức Đạt Lai Lạt Ma và tìm hiểu Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thảo luận với Thủ tướng Stephen Harper những gì trong cuộc họp riêng của họ. Trong những sự kiện trước đó, anh cũng được ra lệnh theo dõi những người bất đồng chính kiến và thu thập thông tin tình báo về những người biểu tình, như những người thực hành môn tập luyện tinh thần bị bức hại Pháp Luân Công.

Trên Parliament Hill, Tân Hoa Xã thường xuyên sử dụng đặc quyền truyền thông của mình để có được thông tin tình báo nước ngoài về những người bất đồng chính kiến người Trung Quốc, những người biểu tình tôn giáo, hoặc các nhân vật chính trị. Vào tháng 8 năm 2014, sau khi các phóng viên Tân Hoa Xã bị phát hiện đang do thám thủ tướng Harper trong các chuyến đi Bắc Cực của ông, họ đã bị cấm du lịch tiếp với vị Thủ tướng trong suốt năm đó.

Cựu thư ký báo chí của Thủ tướng, Sara Macintyre cho biết, “Đây không phải là phóng viên, họ làm việc cho một cơ quan truyền thông nhà nước, một cơ quan tuyên truyền, và Văn phòng Thủ tướng Chính phủ cho biết họ không đủ điều kiện để đến với tư cách phương tiện truyền thông, điều này hoàn toàn hợp lý.”

5. Cài spyware vào sản phẩm công nghệ tiêu dùng

Một nhiếp ảnh gia cầm smartphone Sony Xperia Z3 ở Berlin, Đức. Một tập tin bị nhiễm virus cài trong smartphone đã bị phát hiện dùng để chuyển dữ liệu cho Trung Quốc. (Sean Gallup / Getty Images)

Smartphone và các công nghệ khác từ Trung Quốc có thể đi kèm với các chương trình phần mềm gián điệp được cài đặt trước nhằm gửi thông tin cá nhân của người sử dụng trở lại Trung Quốc. Chiêc Generic Star N9500 , một smartphone giá rẻ được sản xuất tại Trung Quốc, cài một chương trình phần mềm gián điệp dùng để ăn cắp tất cả các dạng dữ liệu, từ thông tin cá nhân đến email, từ điện thoại và gửi nó cho một máy chủ ở Trung Quốc. Bán trên Amazon và eBay với giá khoảng 160 USD, nó có chứa phần mềm gián điệp trá hình như một dịch vụ của Google Play chạy ở chế độ nền. Trong các trường hợp khác, Redmi Note smartphone của công ty điện thoại Xiaomi và hai kiểu smartphone của Sony Xperia cũng bị phát hiện dùng để chuyển dữ liệu đến các máy chủ của Trung Quốc.

Và các phần mềm gián điệp không chỉ dừng lại ở điện thoại và công nghệ tiêu dùng.

Vào năm 2014, các nhà nghiên cứu thuộc TrapX Security, một công ty có trụ sở tại California chuyên về bảo vệ an ninh không gian mạng, tìm thấy trong các thiết bị quét cầm tay sử dụng trong ngành vận chuyển toàn cầu có chứa phần mềm gián điệp. Nhằm vào mạng lưới cấp cao trong ngành công nghiệp vận chuyển, phần mềm gián điệp này có thể được sử dụng để theo dõi thông tin về hàng hoá quá cảnh và cuối cùng là kiểm soát toàn bộ hệ thống máy tính của công ty. TrapX không tiết lộ tên của nhà máy Trung Quốc sản xuất thiết bị này, nhưng họ tiết lộ tên của trường đại học Trung Quốc liên quan -Trường dạy nghề Lam Tường, vốn đã từng tham gia vào những cuộc tấn công mạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ

Xem thêm các bài viết về chủ đề tình báo tại đây 

 Irene Luo, Epoch Times

Hannah/ Đại Kỷ Nguyên VN

Chủ đề chính: #tình_báo

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn