Võ Thị Thơm Thích viết lách, hay lảm nhảm. Yêu Sài Gòn, thích làm màu, mong muốn có những ngày lê lết đi khắp nơi, những chốn hoang sơ, lạc người. Những ngày còn lại thì cuộn tròn bên máy tính viết linh tinh, về tình về đời về người.. Cái thú vui ở đời, như vậy là đủ :))

10 điểm đến miền Tây không thể bỏ qua

Đăng 7 năm trước

Lả lướt trên chiếc xe máy nhỏ, tìm về miền an yên của những người con đất Nam. Miền Tây, miền của sông nước, của rừng đước mênh mông, miền của những con lũ dâng ngày mùa. Về miền Tây, ăn con cá nướng trui để nhớ mãi cái vị, cái tình của con người ở đây.

Chợ nổi Cái Răng

Về miền Tây, mà không ghé chợ nổi Cái Răng, Cái Bè, ăn tô bánh canh, lượm trái nhãn lồng, sao mà đi cho đặng. Từ bến Ninh Kiều, ngược dòng về Cái Răng, hơn trăm con thuyền ngược xuôi, chống cái sào treo đủ loại cây trái, nông sản ở trên, bởi có rao hàng cũng ai nghe được đâu. Tiếng sóng, tiếng nước khua chèo, tiếng máy nổ banh bách, ồn ào cả khu chợ nổi. Tiếng la mắng trẻ nhỏ, tiếng gọi í ới giá hàng, tiếng đờn ca văng vẳng đâu đó. Cảnh chợ nhộn nhịp như trăm bề sông bể. Có cô hàng bán rượu lả lướt áo bà ba, có đứa nhỏ bán dưa ôm trái ôm phải, miệng cười chào ông khách Tây, tự dưng thấy thú vị, thấy nó đẹp lạ. Nhìn đám thuyền con thuyền bự cứ bấp bênh lên xuống, sao mà như cái đời của người chợ nổi ở đây.

Vườn trái cây Mỹ Khánh

Xuôi về hướng Sóc Trăng, qua cầu Cái Răng để đến khu miệt vườn Mỹ Khánh, nổi tiếng nhất nhì Nam Bộ này. Hơn hai mươi loại cây trái, có ngọt có chua, có bùi có thanh, từng chùm từng chùm trĩu nặng, nhìn mà no con mắt, mát cái lòng. Vô vườn cây, dọc theo lối mòn của đường, hai hàng cây trái bên cạnh, cứ xum xuê như mời như gọi, như âu yếm đứa con nhỏ từ lòng Sài Gòn về đây.

Cái miền đất ngọt của cây trái, ăn cho no căng cái bụng, rồi lò giò đi câu cá sấu, coi đua heo, đua chó,... Trốn cái nắng ngày hè, chui vô vườn cây toàn trái là trái đu đưa, còn gì bằng nữa đâu.

Vườn cò Bằng Lăng

Ngược về Ô Môn, lên Thốt Nốt rồi vượt cầu Bằng Lăng, để ngắm… cò. Cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò đúm, cò lép, cò sen,... biết bao nhiêu cơ ngơi là cò. Buổi sớm, cò bay sang sảng trắng cả bầu trời, rời tổ rời cành để đi kiếm ăn. Rồi tối mờ, lại lội về tổ, xao động cả một vùng, cò mà, kiếm ăn như cái đời cơ cực của người dân miền này, mà vẫn lặn lội sớm tối, coi nó như là cái thú vui ở đời. Chiều chiều, xách cái ghế mây, ngồi ngắm cò, rồi sẵn ngẫm lại đời của mình, cứ chông chênh như cành trúc dài trên cao. Quệt lên quệt xuống, mẹ thiên nhiên cũng sẽ ưu ái như cái nơi này chăng.

Rừng tràm Trà Sư

Qua An Giang, đi thăm rừng tràm đẹp nhất miền Tây. Cái xuồng ba lá chất đống người, lênh đênh lội dọc hai bên rừng tràm. Một màu xanh thăm thẳm, như về miền đất mới, bao la cả một vùng. Mùa nước nổi, nó ngập ngang rừng tràm. Bông điên điển, cá linh, nhắc tới mà thèm, bơi thuyền ngược dòng nước, sắc vàng của hoa rực rỡ hai bờ.

Thuê chiếc xe đạp rồi chạy một vòng, ngó trời ngó đất, săn ảnh săn chim, hơn 70 loài chim tụ họp nơi này, ríu rít một trời, miền đất mặn mà nghe sao nó ngọt thanh.

Chùa Dơi

Với lịch sử hơn 400 tuổi, chùa Dơi hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup là quần thể kiến trúc độc đáo của tín ngưỡng đồng bào Khmer. Chùa Dơi chào đón với nụ cười huyền bí của bức tượng tiên nữ Kemnar, đằng sau cánh cổng rắn 5 đầu dữ tợn. Hồ kè đá, cây cổ thụ rồi vườn cây trái đan xen đến hơn một triệu con dơi treo ngược cành, chỉ đậu trong khuôn viên chùa, tuyệt không đậu ở ngoài, chùa Dơi mang lại những bí ẩn lý thú đầy tính khám phá. Đến đây, trong màn đêm, rập rời cánh dơi lả lướt, ta còn được nghe những truyền thuyết, cốt tinh về lợn 5 móng..

Vườn quốc gia Tràm Chim

Được mệnh danh là vương quốc của sếu đầu đỏ, quý hiếm, thướt tha và mê hoặc. Là khu sinh thái xếp thứ 4 Việt Nam. Là nơi cư ngụ của các loài nằm trong sách đỏ như cá còm, cá mang hổ, cá ngựa nam, cá duồng bay,... Hệ chim, hệ cá cực kì phong phú, là nguồn tài sản vô giá mà mẹ thiên nhiên trao tặng cho nơi này.

Mùa nước nổi, người ta chèo xuồng ba lá ngắm sen, súng bung sắc, ngắm cái màu mát xanh rười rượi mà chỉ có ở nơi đây, rồi học theo cư dân miền lũ giăng lưới, đặt lợp, đặt trúm, câu cá, săn chuột,... Để ngồi nơi đồng xanh tưởng thưởng cái món dân dã tự tay mò bắt. Mùa khô, về với Tràm Chim, ngồi ngắm vũ điệu của đàn sếu đầu đỏ xinh đẹp, bung mình bên ao sấu, chụp một tấm ảnh bằng mắt, để đem về giấu trong từng vùng ký ức miền ngập mặn.

đảo Tứ Linh

Cù lao xanh ngát ở vùng miền nước nổi, sông rạch ngoắc nghéo. Đặt chân lên con sông Tiền mênh mang, thử cái kẹo dừa ngọt bùi, thơm nức lòng như cái tình con người ta ở đây. Long Lân hay còn gọi là Thới Sơn, Qui Phụng (cồn Đạo Dừa), nghe cái tên mà nao nao lòng người tới. Ngồi trên cái láng tre, lợp mái lá dừa, miệng ngậm mứt trái cây miền nhiệt đới, nhấp ngụm trà mật ong ngọt thanh. Tiếng đờn ca nó quanh quẩn không gian, như tiếng lòng nức nở của người xưa.

Nhà thờ cù lao Giêng

Dọc theo sông Tiền khắc khoải, thôi thì ghé lại cù lao Giêng, hưởng chút gió mát thanh ở nơi lòng con sông mênh mông. Hàng rào dâm bụt đậm chất yên bình, lối dẫn vào một kiến trúc phương Tây giữa dòng cù lao. Hơn 120 năm, tháp chuông, trụ cột, ô gió,... như còn vẹn nguyên khi ngày đầu khai hoang. Lăng ba quan, nơi thờ ba ngôi mộ của người cù lao Giêng, mỗi ngôi có một con vật miền biển mặn, bố cục kỳ bí mà có ngụ ý “về trong im lặng”. Vậy mới thấy, người cù lao Giêng xưa thâm thúy đến nhường nào.

Ghé ngang chùa Phước Minh, ăn chén cơm chay, nghe kể chuyện xưa, thấp thoáng dáng người dân cù lao tần tảo. Một ngày an yên bên tiếng chuông chùa, thấy lòng nhẹ hẵng sau chuyến đi dài của cuộc đời.

Đảo ngọc Phú Quốc

Leo lên xe, một lần tìm về với miền đảo xa. Bon bon trên cái đầu tàu nhìn biển, mặn mòi như đời người. Tới Phú Quốc, ghé ngang vườn tiêu Khu Tượng, mũi Gành Dầu hoang sơ rồi về Dinh Cậu ngắm mặt trời xuống biển, đẹp sao kể cho xiết. Còn muốn ngắm biển san hô thì đi Hòn Thơm, xem ngọc trai, làng mực nơi miền biển mặn. Đừng quên qua lại suối Tranh, suối Đá Bàn, Đá Ngọn, hòa mình giữa cỏ cây tiếng suối, tiếng chim, róc rách như thời xưa còn trong nôi mẹ được ru à ơi. Mẹ thiên nhiên sẽ vòng tay mà ôm trọn lấy ta một lần. Vùng biển hoang sơ bãi Sao, bãi Khem bên bờ nam Phú Quốc, cát trắng biển vàng, thả mình trôi theo dòng con nước, lênh bênh như giữa bể dâu cuộc đời.

Chợ đêm, câu cá, câu mực, làng chài,... biết đâu là cơ ngơi của vùng biển xa. Tới đảo rồi, lăn tăn mãi chẳng biết đi đâu, thế là xách cái balo, lặn lội từng khu đông nam, trải ra với biển, lòng ta cũng bớt chơi vơi.

Quần đảo Bà Lụa “Tiểu Hạ Long”

Chẳng được đón mời như ở Phú Quốc, Bà Lụa với hơn 40 đảo lớn nhỏ, vòng tay ôm trọn lấy ta bằng miền cát trắng hoang sơ, ít sóng, ít gió, như một nhóm hoa hải đường, đẹp kiêu sa nhưng đầy hoang dại.

Chẳng thể ghé hết đảo nhỏ, ta bỏ ngỏ nơi ba hòn Đầm (hòn Đầm Dương, hòn Đước, hòn Giếng), được ưu ái hơn với vẻ đẹp đầy tính khám phá, như đứa con gái mỹ miều mà thân thương, tới rồi lại chẳng muốn đi. Là nơi trốn khỏi cái tiếng còi, tiếng xe, tránh nắng tránh gió ở thành phố xô bồ. Là nơi ta trải lòng mình đầy hoang mang với biển mặn, là nơi thức trọn một đêm để canh bình minh nơi biển vắng. Sao mà đẹp quá, miền hải sản với những món ngon lạ, như nhấn chìm ta ở vùng đảo xa.

Miền Tây, có sông, có cồn, có đảo. Có biển mặn, có nước ngọt, cái mưu sinh nơi vùng nước lũ cứ chông chênh như bao đời. Rồi để thiên nhiên ưu ái sinh ra những hòn ngọc trong lòng vùng miền an yên. Một lần về miền Tây, dọc theo con sông nước, trải dài chín phía, miền Cửu Long ấm ngọt như cái đất của người con xa quê. Đi đâu thì đi, nhớ về miền Tây một lần, sẽ chẳng hối tiếc cho một cái đời tuổi trẻ mê mang đâu.

Chủ đề chính: #cái_răng

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn