Khang Ninh

15 biểu hiện người thành công luôn nói không

Đăng 8 năm trước

Trong môi trường làm việc, có những biểu hiện tưởng chừng không hề nghiêm trọng nhưng về lâu dài nó có thể hủy hoại sự nghiệp của bạn. Những tư tưởng, hành vi sau đây luôn bị những người thành công lắc đầu ngao ngán.

1. Không nói chữ tín

“Con người không nói chữ tín thì không làm nên chuyện”, trong công việc câu này càng trở nên đúng đắn hơn bao giờ hết. Từ cuộc hẹn không mấy quan trọng giữa cá nhân với nhau cho đến các giao dịch làm ăn hàng tỷ đồng đều cần phải đặt chữ tín lên hàng đầu. Người không giữ chữ tín khiến người khác không thể xem trọng và không thể có chỗ đứng trong xã hội.

2. Không có lòng hiếu kỳ     

Trong công việc, không phải chỉ có tốc độ hay theo đuổi mục tiêu là bạn đã có đầy đủ không gian để phát triển tương lai. Cái quan trọng nhất vẫn là tư duy của bạn.

Ví dụ, trước đây khi bạn thường nhận được phàn nàn của khách hàng, khi suy nghĩ giải quyết vấn đề, bạn không thể chỉ nghĩ làm thế nào để “trấn an” khách hàng thôi, bạn cần phải kiểm tra lại hồ sơ cũ của vấn đề, xem điều mà khách hàng phàn nàn là vấn đề mới hay vấn đề cũ tái diễn. Sau đó suy nghĩ trọng điểm nằm ở đâu để tìm cách giải quyết tối ưu chứ không phải dựa theo cách cũ. Điều này giúp bạn phát triển lên một giá trị cao hơn.

Để làm được những điều này, cái bạn cần chính là lòng hiếu kỳ. Nó khiến bạn muốn suy nghĩ nhiều hơn và phải làm nhiều hơn. Lòng hiếu kỳ tốt nhất nên nuôi dưỡng ngay khi còn trẻ, nếu để tuổi tác càng cao thì càng khó thay đổi.

3. Tự phụ

Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, tinh thần hợp tác tập thể càng trở nên cần thiết hơn. Trong quá trình hợp tác, điều tệ hại nhất chính là có ai đó tỏ ra tự phụ, đã vốn không có thực lực nhưng lại vô cùng kiêu căng, luôn cho mình là đúng là giỏi. Kiểu người này không những không lắng nghe ý kiến của người khác mà còn làm trở ngại việc hợp tác thuận lợi của mọi người.

4. Thắng kiêu, bại nản

Một vị tổng giám đốc công ty khoa học kỹ thuật đã bày tỏ: Khi đối mặt với thử thách trước mắt, tôi khó chịu nhất chính là tâm trạng của cả tập thể trở nên tụt dốc không phanh. Ngược lại cũng thế, vừa mới có chút thành tựu đã hô hào kiêu ngạo. Cả hai loại trạng thái quá khích này đều dễ dàng khiến bạn phạm sai lầm trong những bước đi tiếp theo.

5. Phạm sai không dám nhận, không hiểu không hỏi

Làm việc trong tập thể, cấm kị nhất là chuyện phạm sai không dám nhận và nghĩ mọi cách che giấu. Ngoài ra, sợ người khác biết mình không hiểu mà giả vờ đã hiểu thông mọi chuyện cũng là thói quen cần sửa đổi. Bất cứ vấn đề nào, khi bạn không hiểu thấu nhưng cũng im lặng ậm ừ không hỏi lại, cũng không chủ động đi tìm hiểu thì mãi mãi bạn cũng không biết được bản chất của vấn đề. Về lâu dài, bạn thiếu đi khả năng nắm bắt thông tin và thậm chí khiến cộng sự, công ty theo đó mà có những quyết sách sai lầm.

6. Không giải quyết vấn đề từ căn bản

Một lãnh đạo giỏi luôn không thích những kiểu nhân viên sai đâu đánh đó, giải quyết vấn đề cục bộ mà không triệt để. Khi gặp khó khăn, bạn cần tìm ra được bản chất của vấn đề, không ngừng đặt câu hỏi để biết được căn nguyên của nó nằm ở đâu, có như vậy mới có thể giải quyết từ gốcvà hoàn thiện công việc tốt nhất.

7. Ảo tưởng thân phận

Những doanh nghiệp lớn và uy tín thường tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động. Họ thường mời và tiếp xúc với các danh nhân, người nổi tiếng. Trong quá trình này, một số người lại không phân biệt được bản thân đóng vai trò gì, thậm chí mượn danh công ty để ảo tưởng thân phận của mình cũng là giới thượng lưu.

Trong sự mê muội này, có thể bạn thu về được vài mối quan hệ nhưng lại không có được sự cạnh tranh trọng tâm trong công việc. Bạn cần phân biệt rõ, người khác tôn trọng là tôn trọng công ty và thương hiệu sản phẩm công ty bạn, chứ không phải riêng cá nhân bạn hay bất cứ ai.

8. EQ thấp

Công việc luôn xảy ra những tình huống bất ngờ và đòi hỏi phải xử lý nhanh chóng. Vì vậy, năng lực quản lý tâm trạng của mỗi cá nhân luôn chiếm vị trí quan trọng. Nếu tâm trạng không tốt và nó được phản ánh rõ trên khuôn mặt hay biểu hiện thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phán đoán, khả năng giải quyết vấn đề của bạn và của cả tập thể.

9. Đến trễ trong cuộc họp

Rất nhiều người trẻ có thói quen đến trễ 5, 10 phút trong cuộc họp. Có thể bạn cho rằng 5, 10 phút này không đáng là gì nhưng thực ra nó đang phản ánh thái độ thiếu tôn trọng người khác của bạn. Mọi người có thể vì sự trễ nãi của bạn mà làm trì trệ tiến trình công việc của cả ngày hôm đó. Lãnh đạo cũng sẽ đánh giá thấp mức độ chuyên nghiệp và lòng trách nhiệm ở bạn.

10. Nhảy việc bừa

Nhiều người trẻ bây giờ luôn theo đuổi một mức lương lý tưởng và môi trường phát triển cao, vì vậy họ không ngại nhảy việc. Không có gì nghiêm trọng nếu bạn thực sự xác định mục tiêu của mình là gì,nhưng nếu chỉ chạy theo xu hướng hay vì đồng tiền mà nhảy việc liên tục lại là điều không nên. Thay đổi công việc quá nhiều khiến bạn không có được sự ổn định và phát triển lâu dài, thậm chí còn khiến bạn mất phương hướng trong việc xác định mục tiêu sự nghiệp.

11. Giữ bộ mặt quá nghiêm

Cứ đóng vai “kẻ khó đăm đăm” không những khiến không khí làm việc căng thẳng mà còn gây mất thiện chí, thậm chí là hiểu lầm từ những người xung quanh. Bạn nghiêm túc trong công việc là chuyện phải làm, nhưng nghiêm túc với bộ mặt không hề có cảm xúc sẽ khiến người xung quanh cảm giác bạn giả tạo, khó gần và kiêu căng. Vì vậy, nụ cười thiện chí luôn là sợi dây gắn kết trong tập thể, nó có thể giúp bạn thuận lợi và dễ thở hơn trong quá trình hợp tác.

12. Thể hiện bằng việc ăn mặc

Những người trẻ thường thích thể hiện cá tính của mình. Họ thường ăn mặc đặc biệt nổi bật so với người khác. Tuy nhiên do quá nóng lòng biểu hiện lại có lúc khiến bạn trở nên thiếu lịch sự ngay từ trang phục cơ bản nhất.

Nên nhớ, mỗi công việc có tính chất khác nhau, cho nên trang phục bạn chọn cũng nên xem xét trường hợp và đối tượng mình tiếp xúc. Một bộ trang phục diêm dúa không phù hợp hoàn toàn không khẳng định được năng lực của bạn, mà còn khiến bạn mất điểm trong mắt người khác.

13. Lựa việc để làm

Nơi công sở không thể tránh những việc tập thể, mà công việc tập thể thì không phải việc gì cũng thú vị, nhẹ nhàng hoặc là việc mà bạn thích. Khi được giao phó chuyện bản thân không thích, nếu bạn vẫn vui vẻ dốc toàn lực hoàn thành nó thì sẽ dễ tăng ấn tượng tốt cho nhà quản lý. Họ sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn về sau.

Do đó, đừng phàn nàn, cũng đừng chọn việc để làm. Biểu hiện này dễ khiến bạn đánh mất cơ hội được thể hiện năng lực, học tập và tích lũy kinh nghiệm. Việc “kén cá chọn canh” trong công việc chỉ cho thấy bạn là người kém cỏi và thiếu lòng trách nhiệm.

14. Thái độ nhân viên công vụ

Điều mà nhà quản lý không hài lòng nhất chính là thái độ “dân văn phòng”. Giờ làm việc bạn vẫn thảnh thơi ngồi uống trà, đọc báo, tán gẫu điện thoại, chưa đến giờ tan sở thì đã chuẩn bị sẵn đồ đạc như chỉ chực chờ “hết giờ” là về ngay lập tức. Những thói quen này không bao giờ được đánh giá cao. Nó cho thấy bạn là một nhân viên thiếu chăm chỉ, thích nhàn hạ và không chuyên nghiệp.

15. Không có hiệu suất

Công việc cạnh tranh, rất nhiều vấn đề cần phải giao tiếp tức thời, đặc biệt là khi điện thoại di động, email quá phổ biến như hiện nay thì đối tượng hợp tác của bạn có thể cũng rất quen với tác phong làm việc hiệu suất cao. Nếu bạn thao tác chậm chạp sẽ làm trễ tiến độ công việc. Do đó, không ngừng tìm tòi học hỏi nghiệp vụ, kỹ năng hỗ trợ công việc là điều đòi hỏi bạn phải duy trì thường xuyên.

Chủ đề chính: #người_thành_công

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn