Nhược Tích [...]

5 điều thú vị về Định luật Murphy

Đăng 7 năm trước

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao “vận đen” cứ bám riết lấy mình? Tại sao mình luôn gặp phải những sự cố trớ trêu, có một không hai? Những rắc rối, khó khăn không phát sinh ngẫu nhiên mà chịu sự tác động từ một định luật nổi tiếng có tên gọi Murphy.

Câu chuyện bánh mì và bơ

Chuyên gia tên lửa Edward A. Murphy đã chứng minh thành công "Định luật Murphy" vào năm 1949. Ông tiến hành một thí nghiệm có vẻ “hài hước” nhưng khá thuyết phục khi dùng bánh sandwich, phết lên đấy một lớp bơ thơm lừng rồi thả rơi tự do. Trong nhiều lần, miếng bánh đều tiếp đất bằng phần ngon nhất (tức là mặt có dính bơ). Vì vậy, định luật này còn được nhiều người biết đến dưới cái tên "Định luật bánh bơ".

Nếu một điều xấu CÓ THỂ xảy ra, nó SẼ xảy ra, và vào thời điểm TỆ NHẤT

Đây là nội dung chủ yếu được nhắc đến trong "Định luật Murphy". Nó lý giải cho việc đôi khi bạn gặp phải những chuyện xui xẻo, oái ăm mà chẳng thể nào hiểu được. Cả học kỳ, bạn chỉ trốn tiết một buổi duy nhất thì y như rằng sẽ bị điểm danh hoặc có bài kiểm tra đột xuất. Bạn ăn diện điệu đà, háo hức đến quán cà phê vào cuối tuần và ngay khi bước chân ra khỏi nhà, một cơn mưa bất ngờ ập xuống làm tan vỡ kế hoạch. Nhìn quầy thu ngân bên cạnh có vẻ ít khách hơn, bạn nhanh chóng di chuyển sang, để rồi chỉ muốn “cười ra nước mắt” khi thấy xe hàng chất cao như núi của người phía trước. Còn có rất nhiều ví dụ thường nhật khác nữa chứng minh cho sự tồn tại không thể phủ nhận của "Định luật Murphy".

Tiền đề mở rộng của định luật này cũng không đem lại ánh sáng tươi mới hơn khi luận giải rằng: Vào những thời khắc quyết định đứng trước một ngã rẽ, bạn thường xuyên lựa chọn đi vào ngõ cụt. Nói cách khác, thi thoảng việc khép lại một cánh cửa cũng đồng nghĩa với việc bạn đang mở ra một cánh cửa khác nhưng… bế tắc hơn.

Thoạt tiên, rất nhiều người ngộ nhận “Định luật bánh bơ" hoàn toàn mang  ý nghĩa tiêu cực vì khiến con người dần đánh mất niềm tin - thứ vũ khí tinh thần vô cùng lợi hại. Thực ra những nguyên tắc của định luật  này cực kỳ hữu ích và góp phần cân bằng cuộc sống. Nhờ thái độ chủ động dự liệu, chúng ta sẽ kiểm soát tốt hơn trạng thái tâm lý khi phải đối mặt với thất bại. Mặt khác, chúng ta cũng có thể nhanh chóng tìm ra cách giải quyết, khắc phục và điều chỉnh suy nghĩ theo chiều hướng lạc quan trước những tình huống không mong muốn.

"Thất bại không phải là rào cản, nó là một phần của thành công"

Định luật Murphy và Giải Ig Nobel Vật lý

Một số nhà khoa học vẫn kiên quyết cho rằng “Định luật bánh bơ” chỉ là một quy luật “ngớ ngẩn” và tìm mọi cách để chứng minh tính phi lý của nó. Thế nhưng rất ngạc nhiên là mọi nỗ lực phản biện, tính toán của họ đều thất bại. Đến năm 1995, Robert Mathews đã bẻ gãy luồng ý kiến hồ nghi bằng việc vận dụng kiến thức vật lý cơ học để chuyển hóa "Định luật  Murphy" dưới dạng phương trình. Kết quả này mang lại cho ông giải Ig Nobel Vật lý. Đây là giải thưởng dành cho những côngtrình “đầu tiên làm con người cười, sau đó khiến họ phải suy nghĩ”, được trao tặng với mục đích khích lệ tinh thần nghiên cứu.

Định luật Murphy và điện ảnh

“Quy luật bánh bơ” trớ trêu này cũng là nguồn cảm hứng để các nhà làm phim Đài Loan cho ra đời tác phẩm “Định luật tình yêu Murphy”, công chiếu vào năm 2015. Trong phim, Quan Hiểu Đồng và Kỷ Gia Úy luôn xung khắc và không hề có bất kỳ điểm tương đồng nào nhưng họ không thể nào cưỡng lại sức hút từ phía đối phương. Câu chuyện của hai nhân vật này chính là sự mô phỏng chuyện yêu đương của khá nhiều cặp đôi khác trong đời thường. Dẫu cho lý trí mách bảo không thể hòa hợp, trái tim vẫn cất lên thanh âm vẫy gọi, đó phải chăng cũng chính là sự can thiệp tất yếu của "Định luật Murphy" vào đời sống tình cảm con người? Tất nhiên, trong thực tế bản tình ca ngọt ngào có kết thúc viên mãn như trên màn ảnh hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chân thành và cố gắng hòa hợp của người trong cuộc.

Chủ đề chính: #định_luật_murphy

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn