Meredith

7 người tị nạn làm thay đổi thế giới

Đăng 8 năm trước

Một số quốc gia và một nửa nước Mỹ hiện vẫn kiên quyết không chấp nhận người tị nạn Syria. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy nhiều người tị nạn đã làm nên lịch sử và thay đổi diện mạo thế giới mà chúng ta đang sống.

Hàng triệu người từ Syria và Iraq chạy trốn khỏi những khu vực xung đột đến Châu Âu cùng những biến cố gần đây đã khiến chính phủ nhiều nước kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập cư cho di dân. Chúng ta hãy khoan bàn về tính nhân đạo của việc chấp nhận hay không chấp nhận di dân tị nạn. Hãy cùng nhớ lại 7 nhân vật từng là người tị nạn, họ có vai trò rất quan trọng trong lịch sử và những đóng góp của họ vẫn tác động đến thế giới ngày nay.

Albert Einstein – Nhà vật lý học

Albert Einstein là người Do Thái sinh năm 1879 tại Ulm, Đức. Năm 1921 ông nhận giải Nobel Vật lý. Năm 1933, Hít-le lên nắm chính quyền và bắt đầu đàn áp lực lượng trí thức, đặc biệt là những người chống chiến tranh như Albert Einstein. Các nghiên cứu của ông bị bác bỏ, tài sản bị tịch thu, sách của ông bị đốt thành tro, bản thân ông bị buộc tội phản quốc. Albert Einstein đã chọn nước Mỹ làm nơi dừng chân cho đến cuối đời, trở thành giáo sư Vật lý Lý thuyết tại ĐH Princeton.

Victor Hugo – Nhà văn

Victor Hugo sinh năm 1802 tại Besançon, Pháp. Khi Napoleon III lật đổ chế độ Cộng hòa năm 1851, Hugo lúc này là nhân vật có tiếng nói tích cực về chính trị đã bị trục xuất khỏi Pháp. Sau khi bị từ chối ở Bỉ, ông đã tị nạn ở Anh. Chính tác phẩm kinh điển “Những người khốn khổ” đã ra đời trong những năm tháng Victor Hugo sống lưu vong tại xứ sở sương mù.

Henry Kissinger – Cựu Ngoại trưởng Mỹ

Henry Kissinger sinh năm 1923 tại Fürz, Đức. Năm 1938, gia đình gốc Do Thái của ông đã rời nước Đức đến New York,Mỹ. Sau khi phục vụ trong quân đội Mỹ và tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị tại ĐH Havard, Kissinger trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Richard Nixon, là ngoại trưởng Hoa Kỳ cho cả TT Nixon và Gerald Ford.

Frédéric Chopin – Nhà soạn nhạc

Chopin (Sô-panh) Sinh năm 1810 tại Ba Lan. Giới phê bình nhận định về tài năng của ông như sau: “Chopin biết hết những âm thanh trên đồng ruộng và những cánh rừng, ông đã lắng nghe bài hát của làng quê Ba Lan, biến nó thành của mình rồi kết hợp các giai điệu quê hương trong các sáng tác điêu luyện và thanh tao.”

Năm 1830, Chopin sang thành Viên,Áo với tấm lòng vẫn muốn trở về Ba Lan khi chiến tranh qua đi nhưng cha ông (nhạc sĩ gốc Pháp) đã khuyên ông không nên vì quá nguy hiểm. Cuối cùng, ông đã đến Paris năm 1831 làm nghề dạy đàn, chơi đàn và soạn nhạc cho đến khi qua đời vì bệnh lao phổi năm 39 tuổi.

Những sáng tác của ông cho đàn piano là đóng góp vô cùng lớn lao. Nhờ có ông, cây đàn piano kềnh càng mới được tôn vinh với những bản dạ khúc (nocturne) do chính ông soạn ra.

Madeleine Albright – Cựu ngoại trưởng Mỹ

Sinh năm 1937 tại Praha, gia đình cô bé sau này là ngoại trưởng Hoa Kỳ đã phải di tản hai lần khỏi quê hương. Lần đầu họ đến nước Anh khi Đức chiếm đóng Tiệp Khắc và lần thứ hai sau khi trở lại tổ quốc là năm 1948 để đến Colorado, Mỹ. Năm 1997,  Madeleine Albright trở thành nữ ngoại trưởng Mỹ đầu tiên (dưới thời tổng thống Bill Clinton) sau 4 năm là đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc.

Paul Kagame – Tổng thống đương nhiệm Rwanda

Ông sinh năm1957 tại Rwanda – đất nước với xung đột sắc tộc từ thế kỷ 13 giữa hai bộ tộc Hutu (chiếm 85% dân số) đại diện cho tầng lớp nông dân và Tutsi (chiếm 15%) đại diện cho tầng lớp cao cấp. Cuộc “cách mạng nông dân” do người Hutu lãnh đạo đã khiến 20.000 người Tutsi thiệt mạng. Gia đình ông Kagame – đều là người Tutsi –đã rời đất nước đến một trại tị nạn ở miền tây Uganda, nơi cậu bé Kagame không có quyền công dân nên không được đến trường.

Sau này, khi ở Uganda, Paul Kagame đã gặp nhà hoạt động Yoweri Museveni, người đã truyền cảmhứng để ông gia nhập Mặt trận yêu nước Rwanda (RPF) và vận động 480.000 người Rwanda sống lưu vong hồi hương.

Sau nạn diệt chủng Rwanda1994 đẫm máu khiến gần 1 triệu người Tutsi ôn hòa bị giết, RPF lúc này do Kagame lãnh đạo đã kiểm soát được lãnh thổ và thiết lập chính phủ lâm thời thống nhất. Paul Kagame trở thành phó tổng thống trong 7 năm và giữ chức Tổng thống Rwanda từ năm 2000 cho đến nay.

Đạt Lai Lạt Ma - Lãnh tụ tinh thần Phật Giáo Tây Tạng

Lhamo Thondup sinh năm 1935 tại Tây Tạng. Hai năm sau, ông được xem là hóa thân thứ 14 của Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính thức đăng quang chức vị vào năm 1950. Ông rời đất nước vào năm 1959 giữa cuộc khởi nghĩa của người Tây Tạng và sống lưu vong ở Ấn Độ cho đến nay.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10/2015, khi được hỏi liệu ngài có thấy mối liên hệ nào với những người rời bỏ Syria để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn hay không, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời: “Dĩ nhiên, dĩ nhiên. Khi tôi gặp người tị nạn mới, tôi luôn nói tôi là người tị nạn thâm niên! Đó là vấn đề do con người tạo ra, với nhiều lý do khác nhau. Trước đây, nguyên nhân chủ yếu là chính trị - các quốc gia khác nhau có thái độ tiêu cực với nhau rồi một số lượng lớn người dân trở thành người tị nạn. Ngày nay người ta tị nạn vì lý do tôn giáo. Giết nhau vì khác biệt tín ngưỡng … Không thể tưởng tượng nổi. Mọi tôn giáo đều nói về lòng từ bi, tình yêu, sự tha thứ, khoan dung, trong khi đó những khái niệm tôn giáo này lại đang chia rẽ còn con người thì tàn sát lẫn nhau … Thật khủng khiếp!”

Tuy nhiên, ngài khá lạc quan. Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, ngài nói: “Thay đổi 100% là không thể. Phải từ từ thay đổi. Chúng ta phải làm việc với thái độ lạc quan. Tại lúc này hai nhóm xem nhau là kẻ thù, không có ý định hòa giải. Nhưng hãy cố gắng.Nỗ lực đối thoại. Hãy gặp gỡ. Chín lần thất bại, chín lần lại cố gắng.”

Chủ đề chính: #người_tị_nạn

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn