Nguyen Mai Này cô gái, cười lên đi, cuộc đời này đẹp lắm...

7 thói quen nên làm mỗi sáng để nạp năng lượng cho cả ngày

Đăng 5 năm trước

Tạo ra một thói quen sinh hoạt buổi sáng là một trong những chiến lược quan trọng biến mỗi buổi sáng của bạn thành một món quà thay vì một cơn ác mộng. Khởi đầu một ngày mới một cách tích cực, chủ động và có hệ thống, bạn sẽ ngạc nhiên với hiệu quả giảm thiểu lo lắng cũng như những lợi ích khác mà thói quen này mang lại.

Thức dậy sớm: Khoảng từ 5 giờ rưỡi đến 6 giờ sáng

Theo Hannal Hepworth, chuyên gia về liệu pháp giảm căng thẳng tự nhiên, “khi thức dậy sớm, bạn có thể có nhiều thời gian để đạt được mục tiêu hơn. Thay vì vội vã và la hét, bạn có thể làm việc một cách thong thả”. Dậy sớm chỉ để “hoàn thành nhanh chóng công việc” không phải là ý hay. Khi dậy sớm, bạn có nhiều thời gian hơn để tập trung vào những việc chẳng hạn như chăm sóc bản thân và đọc sách báo – những việc mà bạn thường sẽ không tập trung làm nếu phải vội vã rời khỏi nhà mỗi sáng. Hãy từ từ điều chỉnh thời gian thức giấc của mình. 

Dọn giường

Lý do khiến việc dọn giường mang lại nhiều hiệu quả đến thế là vì nó giúp bạn hoàn thành được một việc đầu tiên vào buổi sáng. Sau đó, điều này sẽ tạo đà để bạn tiếp tục hoàn thành nhiều việc hơn trong suốt quãng thời gian còn lại trong ngày.  Việc dọn giường tuy rất đỗi giản đơn nhưng ít nhất nó dạy bạn rằng cách bạn làm bất kỳ việc gì sẽ là cách bạn làm tất cả mọi việc. Bất kể ngày của bạn tồi tệ hay căng thẳng đến mức nào và nếu dọn giường là tất cả những gì bạn làm được trong ngày thì nó vẫn là một thành công nho nhỏ của bạn. 

Tắm nước lạnh

Việc này nghe thật khủng khiếp vào mùa đông nhưng có lẽ bạn chưa biết khoa học đằng sau việc ngâm mình trong nước lạnh không còn mới. Liệu pháp tắm nước lạnh là một phương pháp chữa bệnh của hệ thống y học Ấn Độ cổ xưa và có rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ, chẳng hạn như điều trị lo lắng và trầm cảm, cải thiện sự tuần hoàn và làm săn chắc da. Cách sử dụng nhiệt độ lạnh như một “yếu tố gây stress có lợi” có thể giúp kích hoạt một số phản ứng hữu ích trong cơ thể - kích thích một cách có kiểm soát khả năng hồi phục tế bào tự nhiên và các quá trình trao đổi chất, giúp giảm đau và giảm viêm. 

Một nghiên cứu được tiến hành bởi nhà nghiên cứu Nikolai Shevchuk thuộc Khoa Ung thư Bức xạ tại Đại học Y Virginia Commonwealth đã phát hiện ra rằng, tắm nước lạnh có thể làm dịu và thậm chí còn ngăn chặn trầm cảm và lo lắng. Shevchuk khẳng định, tắm nước lạnh có thể kích thích nhân lục (locus ceruleous) hay “điểm xanh” – vùng não cung cấp chất sinh hoá noradrenaline tự nhân giúp xua tan cảm giác phiền muộn và lo lắng. 

Phương pháp dễ dàng nhất để cải thiện tâm trạng là tắm nước lạnh trong 2 – 3 phút mỗi ngày – trước đó bạn có thể dành 5 phút để cơ thể từ từ quen với độ lạnh này. Tắm nước lạnh có thể giúp củng cố hệ thần kinh đối giao cảm và giao cảm của cơ thể, tăng sự tuần hoàn máu đúng cách trong cơ thể và làm co các cơ bắp, giúp loại bỏ độc tố và các chất thải độc hại. 

Đi bộ

Đi bộ 30 phút sẽ là một cách tuyệt vời để bắt đầu ngày mới, không những giúp bạn tận hưởng thiên nhiên mà còn giúp tăng sự lưu thông máu và cải thiện tâm trạng. Hãy thử cách này với điều kiện để điện thoại của bạn ở nhà. Chỉ tập trung vào mọi điều quanh bạn và biết ơn vì bạn đã thức dậy sáng hôm đó. 

Tập biết ơn

Hãy viết hoặc nghĩ về những điều khiến bạn cảm thấy biết ơn nhiều nhất trong ngày hôm đó. Đừng viết những lời sáo rỗng như biết ơn gia đình và cuộc sống. Hãy tập trung vào những điều đơn giản, nhỏ bé mà có thể bạn sẽ bỏ lỡ nếu bạn không để ý đến. Đây là phương pháp vô cùng hiệu quả được tận dụng bởi những người khắc kỷ, các tỷ phú và các thầy tu để giúp họ trân trọng cuộc sống hơn và bớt lo lắng. Tiến sĩ Emmons, nhà nghiên cứu về lòng biết ơn, xác nhận rằng việc tập biết ơn hàng ngày là rất có ích. 

3 đối tượng mà bạn dễ hướng đến nhất là: 

-     Con người: Người yêu, bạn bè, thậm chí là người mới quen…hãy biết ơn vì cuộc đời này đã mang họ đến bên bạn để ngày hôm nay của bạn trở nên ý nghĩa đến nhường nào. 

-     Điều bình dị nhỏ bé xung quanh: Đó có thể là cơn gió đang thổi, chiếc lá lìa cành, không gian yên lặng của phòng ngủ…Đây là một phương pháp mà người khắc kỷ sử dụng để nhận ra rằng cho dù mọi thứ bạn sở hữu bị lấy mất thì bạn vẫn còn có những niềm vui nho nhỏ bên đời. 

-     Điều mà bạn tự hỏi nếu nó biến mất thì sao, chẳng hạn như nước sinh hoạt, khả năng nói, khả năng ngôn ngữ, khả năng chạy…

Viết ra danh sách các việc quan trọng nhất cần được hoàn thành

Đó thường là những việc mà bạn trì hoãn cho đến những ngày cuối cùng. Hãy viết chúng theo thứ tự ưu tiên về mức độ quan trọng và cấp thiết. Bạn có thể tự hỏi bản thân những cậu hỏi sau để sắp xếp tính ưu tiên: 

 -     Công việc nào sẽ làm cho những việc còn lại trở nên dễ dàng hơn nếu được hoàn thành trước? 

 -     Công việc nào khiến bạn lo lắng nhất? 

 -     Công việc nào sẽ giúp bạn đến mục tiêu số 1 của bạn nhất?

Dành 60 – 90 phút tập trung thực hiện theo danh sách trên

Tại sao việc ưu tiên hoàn thành những công việc quan trọng nhất vào buổi sáng lại cần thiết đến thế? Theo chuyên gia tâm lý Ron Friedman, 3 tiếng đầu tiên trong ngày là thời gian quý gía nhất giúp bạn đạt hiệu suất làm việc tối đa. 

Mặc dù mỗi người trong chúng ra đều có lịch làm việc và những trách nhiệm khác nhau, nhưng nếu muốn vượt qua cảm giác lo lắng thì bạn rất cần tận dụng hiệu quả buổi sáng của mình. Hãy dành ra ít nhất 60 – 90 phút đầu tiên trong ngày làm việc để tập trung cho những việc, nhiệm vụ quan trọng nhất để có được những kết quả xứng đáng nhất. 

Trên đây là một số lời khuyên giúp bạn giảm bớt lo lắng bằng cách tạo và duy trì thói quen sinh hoạt buổi sáng hiệu quả. Tuy nhiên, không có chiến lược nào đúng với tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, hãy tham khảo và tìm cho mình chuỗi thói quen phù hợp để thực hiện và duy trì lâu dài, biến mỗi ngày thành một ngày vui bạn nhé. 

Nguồn: BenjaminFoley/Tô Thị Ngọc Tuyền/UBrand Content Team

Chủ đề chính: #thói_quen_tốt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn