mirumirumirumo Every day may not be good, but there is something good in every day.

8 điều cần biết về đôi đũa của người Trung Quốc

Đăng 5 năm trước

Hiện tại đôi đũa là một vật dụng ăn uống phổ biến. Chúng được sử dụng đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó mới được giới thiệu đến các khu vực khác trên thế giới. Đũa được coi là tinh hoa văn hóa Trung Quốc và đại diện cho nền văn minh phương Đông. Bài viết này sẽ bật mí cho bạn 8 điều thú vị về đôi đũa của người Trung Quốc.

1. Đôi đũa được phát minh vào thời điểm nào?

Trên thực tế, trước khi phát minh ra đũa, tổ tiên của người Trung Hoa thật sự đã dùng tay để ăn. Nhưng vấn đề là họ đã ăn súp và cháo như thế nào? Họ phải dùng một vật dụng gì để ăn chứ nhỉ? Người Trung Quốc bắt đầu sử dụng đũa khoảng 3.000 năm trước dưới triều đại nhà Thương. Theo bộ "Sử ký", vua Trụ - vị vua cuối cùng của triều đại nhà Thương đã sử dụng đũa làm bằng ngà voi. Trên cơ sở này, Trung Quốc có ít nhất ba nghìn năm lịch sử. Những chiếc đũa thời kỳ tiền Tần được gọi là "Jia", còn dưới các triều Tần và Hán chúng được gọi là "Zhu". Bởi trong tiếng Hán, "Zhu" đồng âm với từ "dừng lại" - một từ không may mắn, nên mọi người đã chuyển sang gọi bằng "Kuai" (trong tiếng Trung có nghĩa là nhanh). Đây là nguồn gốc cái tên đôi đũa của Trung Quốc hiện tại.

2. Ai là người phát minh ra đũa?

Những ghi chép về việc sử dụng đũa đã được tìm thấy trong nhiều cuốn văn thư, nhưng lại thiếu bằng chứng vật lý. Tuy nhiên trong dân gian còn lưu truyền nhiều quan niệm về việc phát minh ra đôi đũa. Có người nói rằng Khương Tử Nha - một chiến lược gia quân sự cổ đại Trung Quốc đã tạo ra đũa do gợi ý của chim thần. Lại có người cho rằng Đát Kỷ - Vương hậu của Trụ Vương đã làm ra đũa để làm vui lòng nhà vua. Người khác lại nghĩ Đại Vũ - nhà trị thủy huyền thoại của Trung Hoa cổ đại đã sử dụng nhánh cây lấy thức ăn nóng trong nồi nước sôi để tiết kiệm thời gian, từ đó hình thành nên ý tưởng về đôi đũa. Tuy nhiên tất cả những điều trên đều chỉ là lời đồn đại và chưa hề có ghi chép lịch sử chính xác về người đã tạo ra đũa. Chúng ta chỉ có thể nói rằng chiếc đũa là phát minh của một người Trung Quốc cổ đại có bộ óc thông minh.

3. Đũa được làm từ vật liệu gì?

Đũa có thể được tạo ra từ nhiều vật liệu khác nhau như tre, gỗ, nhựa, sứ, bạc, đồng, ngà, ngọc, xương, thậm chí là đá. Tuy nhiên đũa tre vẫn là loại được sử dụng thường xuyên nhất trong cuộc sống hàng ngày của người Trung Quốc.

4. Sử dụng đũa Trung Quốc như thế nào?

Sử dụng hai chiếc que mỏng để gắp thức ăn thực sự không khó đâu. Nếu bạn thực hành sử dụng một thời gian, bạn hoàn toàn có thể thành thạo. Thật ra nhiều người nước ngoài ở Trung Quốc bắt buộc phải thông thạo việc dùng đũa. Bí quyết của việc sử dụng đũa là phải giữ một chiếc đũa ở nguyên vị trí trong khi xoay chiếc còn lại để lấy thức ăn. Bạn có thể tham khảo thêm ở video nhé.

5. Nghi thức dùng đũa

Đũa thường được giữ trong tay phải và việc sử dụng đũa bằng tay trái được coi là nghi thức không thích hợp ở Trung Quốc. Nghịch đũa được coi là một hành vi xấu còn gắp thức ăn cho người già, trẻ em sẽ được coi là lịch sự và chu đáo. Khi đi ăn với người lớn tuổi, người Trung Quốc thường để người lớn cầm đũa trước mình. Thông thường, một người chủ nhà mến khách sẽ chủ động gắp thức ăn từ đĩa vào đĩa của khách. Gõ đũa vào thành bát được cho là hành động bất lịch sự bởi vào thời cổ đại Trung Quốc, những người ăn xin thường làm vậy để thu hút sự chú ý.

6. Triết lí về đôi đũa của người Trung Quốc

Khổng Tử (551 - 479 BC) - một triết gia Trung Quốc đã khuyên mọi người nên dùng đũa thay vì dao bởi dao bằng kim loại gợi về những thứ vũ khí lạnh lẽo tượng trưng cho bạo lực và giết chóc. Vì vậy, ông đã đề nghị cấm dùng dao trên bàn ăn và thay vào đó là sử dụng đũa gỗ. 

7. Đũa được du nhập vào các nước khác từ khi nào?

Đũa được giới thiệu đến nhiều quốc gia láng giềng khác do sự nhẹ nhàng và tiện lợi của nó. Đũa được du nhập vào bán đảo Triều Tiên từ Trung Quốc vào thời nhà Hán và nó đã được mở rộng ra toàn bộ bán đảo vào khoảng năm 600 sau Công nguyên. Đôi đũa cũng được đưa vào Nhật Bản bởi một tu sĩ Phật giáo có tên Konghai từ thời Đường. Konghai từng nói trong công việc truyền giáo của mình rằng những người sử dụng đũa sẽ được cứu chuộc. Chỉ cần sử dụng đũa, mọi người có thể được cứu vớt sau khi chết, vì vậy việc dùng đũa đã sớm lan rộng ở Nhật Bản. Sau triều đại nhà Minh và nhà Thanh, đũa dần dần được đưa đến Malaysia, Singapore và các nước Đông Nam Á khác.

8. Một bảo tàng theo chủ đề đũa có thể được tìm thấy ở Thượng Hải

Nếu bạn thực sự quan tâm đến đũa, bạn có thể ghé thăm Bảo tàng đũa Thượng Hải (上海民间民俗筷箸馆). Bảo tàng quy tụ hơn 1.200 đôi đũa từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Đôi đũa cổ nhất là từ thời nhà Đường.  

Nguồn dịch: chinawhisper.com

Chủ đề chính: #văn_hóa_trung_quốc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn