Trần Đình Gia Bảo

8 loài động vật đi được trên nước như Ninja

Đăng 7 năm trước

Trên thế giới có hơn 1200 loài động vật có khả năng đi trên mặt nước, từ các con côn trùng nhỏ bé cho tới những loài lớn hơn như chim, bò sát, động vật có vú... Hãy cùng xem qua một số động vật có khả năng như Ninja này nhé.

1. Thằn lằn Basilisk (Basilisk Lizard)

Thằn lằn Basilisk, hay còn gọi là thằn lằn Jesus Christ, là loài sinh vật đặc trưng ở các khu rừng nhiệt đới của Trung và Nam Mỹ. Chúng có những ngón chân dài được kết nối bằng các vân da. Khi chúng chạy, thằn lằn Basilisk đập chân xuống nước thật nhanh và mạnh để tạo thành một túi khí. Túi khí này sẽ giúp chúng nổi trên mặt nước nếu duy trì được tốc độ.

Vận tốc của chúng có thể đạt đến hơn 1.5 m/s trong khoảng cách gần 5 m. Khi có lỡ “hụt chân”, thằn lằn Basilisk vẫn có thể bơi tiếp được. Tuy nhiên, chạy vẫn là thượng sách nếu chúng không muốn làm mồi cho những con vật khác đang ẩn náu dưới lòng nước. Dù là một loài phổ biến và không có mối nguy hại lớn, những loài săn mồi trong tự nhiên như rắn và chim đang dần đe dọa số lượng thằn lằn Basilisk.

2. Tắc kè Pygmy (Brazilian Pygmy Geckos)

Nhờ trọng lượng nhỏ nhắn của mình và có tính kỵ nước, tắc kè Pygmy dễ dàng bước đi trên mặt nước. Chúng sinh sống Brazil, nơi có nhiều rừng nhiệt đới và mưa. So với nhiều loài côn trùng khác ở rừng nhiệt đới Amazon, những con tắc kè này quá bé và thậm chí có thể bị chìm nghỉm trong các vũng nước nhỏ nhất. Các nhà khoa học cho rằng chúng đã tiến hóa với khả năng đi trên mặt nước để khắc phục nhược điểm này.

3. Nhện nước (Water Striders)

Những con bọ có thể di chuyển trên mặt nước, hay ở đây là nhện nước, thuộc họ Gọng vó (Gerridae). Chúng được tìm thấy trên khắp Hoa Kỳ lục địa, ở các hồ và đầm lầy có mặt nước phẳng lặng. Để đi trên nước, chúng dùng những cái chân kỵ nước của mình để làm tăng sức căng bề mặt và phân bổ trọng lượng giữa các chân một cách đồng đều. Chúng có thể đẩy mình về phía trước bằng cách quét các chân giữa thành một vòng tròn tương tự như những mái chèo.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu chân của nhện nước để tạo ra các nguyên liệu giúp di chuyển đồ vật qua nước nhanh hơn.

4. Nhện bắt cá (Fishing Spiders)

Nhện bắt cá là loài sống nửa ở dưới nửa ở trên cạn. Chúng thường cư trú ở các vực sông và suối từ New England và miền Nam Canada cho đến Florida và Texas để tìm kiếm thức ăn. Khi nhìn thấy bất kỳ một vết lăn tăn nào trên mặt nước, chúng sẽ nhảy bổ đến và chế ngự con mồi. Hầu hết các loài nhện bắt cá thường ăn côn trùng, tuy nhiên nhiều loài lớn hơn có thể ăn cả các con cá nhỏ, nòng nọc và ếch. 

Giống như tắc kè Pygmy, chúng có thể di chuyển trên mặt nước nhờ trọng lượng nhẹ và bộ lông ngắn kỵ nước của mình. Các bóng khí sẽ bao quanh bộ lông này và giúp nhện trốn dưới mặt nước. Một số con nhện có thể lặn trong nước đến nửa giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng chúng sẽ đứng lên bằng vài chân và để gió đẩy đi, nương theo dòng nước. Tuy nhiên, do rất dễ nổi nên chúng thường phải bám vào một thứ gì đó dưới nước khi lặn.

5. Cá heo

Không như những động vật khác dùng khả năng đi trên mặt nước như một lợi thế tiến hóa. Cá heo hầu như chỉ “đi”, hay đúng hơn là “nhảy” trên nước bằng đuôi cho vui, cũng như con người nhảy để giải trí vậy.

Dù sinh ra với khả năng đi trên nước bằng đuôi này, cá heo không bao giờ “nhảy” như thế trong tự nhiên cho tới khi nhìn thấy một con cá heo khác được huấn luyện “nhảy” bởi con người. 

Ngày nay, cá heo sống ở khắp các đại dương trên hành tinh và thậm chí ở những con sông lớn. Tuy nhiên chúng cũng được săn lùng và bị tàn sát ở khắp mọi nơi, đặc biệt là Nhật Bản. Cá heo luôn phải đối mặt với nhiều hiểm họa khác như ô nhiễm môi trường biển, thất thoát môi trường sinh thái, bị bắt để luyện tập và trình diễn,... 

6. Chim lặn phương Tây và chim lặn Clark (Western and Clark’s Grebes)

Các loài chim lặn phương Tây và chim lặn Clark có một phương pháp giao phối cực kì độc đáo gọi là “vội vã” (rushing). Những con chim này khi giao phối sẽ lao về phía trước, đứng thẳng chân và đập cánh liên hồi. Sau đó chúng sẽ cùng nhau chạy trên mặt nước đến tận 9 m với 22 bước 1 giây. Chúng “ghép đôi” như thế này ở nhiều hồ và ao của miền Tây và Bắc Mỹ. Vào mùa đông chúng di cư đến bờ Thái Bình Dương.

Với cặp chân cứng chắc nhưng đôi cánh ngắn, loài chim này không thích hợp với đất liền. Chúng dành cả đời của mình để sống dưới nước.

7. Chim hải âu báo bão (Storm Petrel)

Loài chim này được tìm thấy ở hầu hết tất cả các vùng biển và đại dương. Chúng lấy tên từ thánh Peter - vị thánh được cho là đã đi được trên nước. Tuy nhiên trong thực tế, chim hải âu báo bão không đi được trên nước, chúng chỉ bay mấp mé mặt nước để kiếm ăn và lướt nhẹ chân theo nước. Chân chúng quá yếu nên chỉ trụ được phần trọng lượng cơ thể trong vài bước đi, nghĩa là chúng có thể tiến xa trên nước hơn là trên đất liền.

Nhiều loài hải âu báo bão đang bị đe dọa bởi con người. Hải âu bão Guadalupe được cho là đã bị tuyệt chủng; hải âu bão New Zealand cũng được cho là đã tuyệt chủng cho tới khi được tìm thấy lại vào năm 2003.

8. Con chim diệc lướt cực êm trên mặt nước (Heron)

Loài chim này di chuyển cực nhẹ nhàng nhé.

Đùa thôi! Con chim diệc này trông có vẻ như đang đi trên nước nhưng thật ra là đang “lướt sóng” trên lưng một con hà mã. Loài chim diệc này xuất hiện ở mọi lục địa trừ Nam Cực và ở mọi môi trường sống trừ những nơi quá khắc nghiệt như Bắc Cực hay sa mạc. Những loài như chim diệc Xám nhờ chiếc mỏ cực khỏe của mình mà tránh được nhiều loài thú săn mồi.


Nguồn: Oddee, Wikipedia

Dịch và tổng hợp: Trần Đình Gia Bảo


Chủ đề chính: #động_vật

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn