Hoài Anh

8 việc làm đơn giản để quản lý tài chính cá nhân

Đăng 7 năm trước

Việc quản lý tiền bạc như thế nào cho hiệu quả luôn là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi xung quanh bạn có quá nhiều thứ phải chi tiêu. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn 8 cách dễ áp dụng để duy trì tình trạng tài chính ổn định.

1. Đừng chi tiêu nếu bạn không có tiền.

Điều này nghe có vẻ rất hiển nhiên bởi làm sao chúng ta có thể tiêu tiền nếu đang trong tình trạng rỗng túi chứ? Thực ra, có rất nhiều người mắc phải thói quen này. Chẳng hạn, bạn là sinh viên và hiện đang là tuần cuối cùng của tháng, có nghĩa là sau một tháng sử dụng gần hết số tiền dự định sẽ chi tiêu cho các vấn đề như ăn uống, đi lại, tiền thuê nhà, mua sách tham khảo, vui chơi giải trí vv...vv, bạn vẫn quyết định mua một cái áo có giá không coi là rẻ so với số dư hiện tại của mình. Bạn có thể cho rằng, số tiền mua áo vượt quá ngân sách này sẽ được bù lại bằng việc cắt bớt tiền ăn uống, chi tiêu hằng ngày nhưng thực ra, việc bù đắp qua lại như vậy cho thấy bạn chưa thực sự sẵn sàng để mua cái áo.

2. Mua những sản phẩm chất lượng.

Một khi bạn đầu tư vào những món đồ có chất lượng tốt, thời gian sử dụng sẽ kéo dài hơn, cũng có nghĩa là bạn không phải lo lắng việc sắp tới sẽ phải chi tiền mua một sản phẩm tương tự để thay thế khi nó hỏng. Hơn nữa, đồ dùng có chất lượng tốt thường có kiểu dáng tinh tế, thiết kế đẹp mắt nên bạn sẽ hài lòng hơn về quyết định mua sắm của mình cũng như hạn chế việc bị dao động bởi những món đồ mới mẻ mà bạn đang để mắt đến trong cửa hàng.

3. Ghi lại những gì mà bạn đã mua.

Ghi lại những thứ đã mua kèm theo giá tiền của chúng vào bất cứ phương tiện nào mà bạn có thể dễ dàng kiểm tra và quản lý chẳng hạn như sổ tay, điện thoại, laptop là một biện pháp đơn giản để kiểm soát chi tiêu. Việc liệt kê những thứ đã mua còn giúp bạn đánh giá lại xem bản thân đã phân bố tiền bạc hợp lý cho từng mục đích sử dụng hay chưa để cân nhắc cho lần mua sắm tiếp theo.

4. Hạn chế chi tiêu cho những thứ bạn không thực sự cần.

Những thứ bạn không thực sự cần có thể hiểu đơn giản là bạn muốn có nó nhưng bạn không cần nó, chẳng hạn bạn mua nó chỉ đơn giản bởi vì nó đang giảm giá trong khi ở nhà bạn đã có cái tương tự như thế này, hoặc bạn cảm thấy khá buồn chán và quyết định dạo một vòng quanh các cửa hàng thời trang. Việc mua sắm theo cảm tính rất dễ đẩy bạn vào tình trạng thiếu hụt ngân sách bởi số tiền đáng lẽ được dùng để trang trải cho nhu cầu cơ bản hàng ngày đã trôi theo những lần mua sẵm ngẫu hứng mất rồi.

5. Lên danh sách những thứ cần mua.

Đơn giản là bạn chỉ cần ghi ra giấy hoặc ghi chú vào điện thoại trước mỗi lần đi mua sắm. Bạn nên ưu tiên những thứ cần phải mua lên đầu danh sách và tự thưởng một hai món mà bạn muốn chiêu đãi bản thân vào cuối danh sách. Lên danh sách trước những thứ cần mua không chỉ giúp bạn kiểm soát tốt ngân sách mà còn tiết kiệm khá nhiều thời gian trong mỗi lần mua sắm.

6. Phân loại tiền dùng cho những nhu cầu sử dụng khác nhau.

Thay vì bỏ tiền vào chung một ngăn trong ví, bạn hãy chia thành nhiều phần nhỏ bỏ vào các ngăn khác nhau để phân loại theo từng mục đích sử dụng. Việc này giúp bạn nắm rõ hơn tình hình chi tiêu trong ngày hoặc trong tuần cũng như tự nhắc nhở bản thân việc mình được phép sử dụng bao nhiêu tiền trong khoảng đã dự tính cho từng nhu cầu nhất định. Nếu ví tiền không có quá nhiều ngăn, bạn có thể dùng các loại thẻ cứng như thẻ bảo hành, thẻ tích điểm, thẻ quà tặng hay thẻ đánh dấu sách để chia tiền thành từng phần nhỏ.

Dùng các loại thẻ có sẵn trong ví để phân loại tiền theo từng mục đích sử dụng

7. Tiết kiệm tiền. 

Số tiền tiết kiệm này có thể đến từ khoản dư sau khi tiêu dùng cuối mỗi tháng cũng như những khoản tiền nhỏ mà bạn nhận được từ việc làm thêm hoặc bán đồ cũ. Để dễ dàng theo dõi số dư mỗi tháng, bạn nên ghi lại rõ ràng số tiền tiền này là bao nhiêu và tổng kết lại sau từng quý. Có thể một hai tháng đầu sau khi bạn bắt đầu tiết kiệm, số tiền có thể không khả quan như mong muốn, hãy coi đó là nền tảng cho khoản tiết kiệm của mình và điều chỉnh lại chi tiêu hàng tháng. Bạn cũng không nên đặt quá nhiều áp lực cho bản thân về việc có thể để dành được bao nhiêu, sẽ dễ dàng hơn nếu như mỗi tháng bạn để dành nhiều hơn một chút so với tháng trước đó cho đến khi đạt được trạng thái cân bằng và đều đặn sau mỗi quý.

8. Tự thưởng cho bản thân. 

Sau tất cả những nỗ lực trong việc quản lý tiền bạc cũng như kiên định trước những cám dỗ hấp dẫn của việc mua sắm, tại sao chúng ta lại không thể tự thưởng cho mình một món quà có ý nghĩa vào một dịp đặc biệt nào đó nhỉ? Sẽ thật tuyệt nếu như bạn tận dụng cơ hội này để sắm sửa từ khoản tiền tiết kiệm một thứ mà mình ao ước đã lâu. Mua sắm vào một khoảng thời gian nhất định còn giúp bạn có thêm động lực tiết kiệm tiền, bởi bạn biết rằng việc dành dụm đến một mức nào đó cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ được quyền nuông chiều bản thân một chút. Đừng quên việc cân nhắc kỹ trước khi mua để đảm bảo rằng bạn sẽ không phải hối hận về số tiền đã bỏ ra nhé!

Xem thêm: 5 bộ phim cho 5 bài học tài chính đắt giá

Hoài Anh

Chủ đề chính: #chi_tiêu_hằng_ngày

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn