H.T

9 điều thú vị tại thế vận hội mùa đông 2018. Choáng với điều #3

Đăng 6 năm trước

Thế vận hội mùa đông 2018 là kỳ Olympic thứ 23, được tổ chức tại Pyeongchang, Gangwon, Hàn Quốc. Sự kiện sẽ diễn ra trong khoảng 17 ngày, từ ngày 9 - 25/2/2018. Olympic Pyeongchang thu hút hơn 3000 vận động viên tham gia, tranh tài 15 bộ môn với 102 bộ huy chương. Mời bạn đọc Ohay TV hãy cùng tìm hiểu thêm 9 điều thú vị khác tại kỳ Thế vận hội mùa đông lần này, được chúng tôi tổng hợp dưới đây nhé!

1. Thế vận hội lạnh nhất trong lịch sử

Thế vận hội mùa đông 2018 được coi là kỳ thế vận hội lạnh nhất trong lịch sử. BTC đã phải chuẩn bị các tấm giữ nhiệt, chăn, ghế nệm giữ ấm và áo mưa để cung cấp tới khán giả, giúp họ có thể theo dõi được các trận đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Pyeongchang, nơi mà nhiệt độ xuống thấp hơn 0 độ C lần thứ ba trong năm.

Các bộ môn thi đấu được tổ chức quanh hai địa điểm chính là khu nghỉ mát Alpensia và vùng biển Gangneung, với các địa điểm tại Bokwang và Jeongseon. Nhiệt độ vùng Gangneung giao động từ 6 độ C và -2 độ C nhưng phong hàn ở vùng đồi núi khiến gió mạnh làm cho nhiệt độ rơi xuống mức -25 độ C.

Mức nhiệt tại Thế vận hội lần này vượt xa kỷ lục cũ năm 1994 tại Lillehammer (Na Uy) với nhiệt độ dưới mức -11 độ C.

Điều kiện thời tiết tại Pyeongchang cũng khác hẳn với kỳ Thế vận hội tại Sochi 4 năm về trước, khi nhiệt độ lên tới 20 độ C và các trận đấu diễn ra trong thời tiết cao kỉ lục.

2. Thế vận hội mùa đông đầu tiên sử dụng công nghệ mạng 5G

Một trong những điểm nổi bật của Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 là việc ứng dụng các công nghệ cao. Kỳ thế vận hội này sẽ đi vào lịch sử trở thành thế vận hội đầu tiên sử dụng công nghệ mạng 5G.

Mạng 5G được phủ sóng từ sân bay cho đến trung tâm báo chí, các địa điểm thi đấu của thế vận hội. Công nghệ này không chỉ cho phép người sử dụng truy cập mạng với tốc độ “khủng” mà còn có thể chụp ảnh không gian 3 chiều hay trải nghiệm thực tế ảo...

Ngoài ra, khán giả có thể theo dõi trực tiếp phần thi đấu của các vận động viên một cách sống động. Ví dụ như camera được gắn vào người các vận động viên thi trượt tuyết truyền hình ảnh trực tiếp để khán giả có cảm giác như đang ở ngay trên đường trượt.

3. Chuẩn bị 110 nghìn bao cao su cho thế vận hội, BTC vẫn lo thiếu hụt

Thế vận hội mùa đông 2018 diễn ra tại Hàn Quốc có sự tham dự của khoảng 3000 VĐV. Tất cả sẽ sinh hoạt từ ngày 9 - 25/2 ở làng VĐV tại PyeongChang trong thời gian diễn ra Olympic.

Chính vì vậy để kiểm soát đời sống tình dục của VĐV, BTC Olympic đã cung cấp khoảng 110 nghìn chiếc bao cao su miễn phí, được đặt rải rác khắp các địa điểm công cộng, dễ dàng nhìn thấy như nhà vệ sinh, bàn tiếp khách của các trạm y tế, nhà ăn, trung tâm báo chí, khu truyền thông…

Con số này lập kỷ lục mới về số lượng bao cao su phát ra ở một kỳ Thế vận hội, nhiều hơn 10.000 chiếc so với các kỳ Thế vận hội trước tại Vancouver vào năm 2010 và tại Sochi vào năm 2014. Tuy nhiên, con số này đang đứng trước nguy cơ không đủ với nhu cầu.

Trước đó, một thành viên BTC đã phát biểu cho rằng các VĐV có thể chỉ lấy bao cao su về làm kỷ niệm.Tuy nhiên mới đây, một nhân viên y tế tại PyeongChang bác bỏ điều này: “Mỗi VĐV khi đến thường lấy 2-3 cái. Chúng tôi có những chiếc bao cao su có in logo Olympic. Nhưng con số này rất hiếm và khó tìm thấy. Chính vì vậy tôi không nghĩ rằng họ lấy bao cao su để làm kỷ niệm”.

Trong khi đó theo thống kê, nơi số lượng bao cao su nhanh hết nhất là ở nhà vệ sinh nam. Theo lời nhân viên ở đây, thường thì chỉ 2-3 ngày họ phải nạp thêm cho hộp đựng số lượng mới.

Phát ngôn viên Olympic, ông Chung Geun-Sik kêu gọi các VĐV nên sinh hoạt lành mạnh: “Chúng tôi không mong muốn cảnh bao cao su sẽ cháy hàng dù rằng chúng tôi luôn có phương án cho mọi trường hợp”.

4. Cái bắt tay lịch sử giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tại Thế vận hội mùa Đông

Lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bắt tay với bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa Đông năm 2018 ở PyeongChang, CNN đưa tin.

Trong những thời khắc khai mạc Thế vận hội, Tổng thống Moon đã chào đón một số nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có bà Kim Yo Jong và quan chức dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên, ông Kim Yong-nam, 90 tuổi.

Bà Kim Yo-jong là thành viên đầu tiên của triều đại cầm quyền Triều Tiên đến thăm Hàn Quốc kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953. Ngay cả những tháng trước đây, cả hai bên cũng chưa bao giờ dự định sẽ có cuộc gặp gỡ như vậy.

Cũng trong lễ khai mạc, các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên đã cùng nhau đi dưới một lá cờ thống nhất.

Sự có mặt của bà Kim Yo-jong tại sự kiện thể thao toàn cầu tại Hàn Quốc là một động thái quan trọng trong việc làm “tan băng” các mối quan hệ giữa hai nước láng giềng.

Theo các nguồn ngoại giao, khả năng cao bà Kim sẽ mời ông Moon tới thăm Bình Nhưỡng vào năm nay. Nếu điều này xảy ra, chuyến thăm của ông Moon tới Triều Tiên sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Hàn Quốc tới nước láng giềng Triều Tiên kể từ năm 2007.

5. Dàn mỹ nhân Triều Tiên khuấy động Thế vận hội mùa Đông 2018

Phái đoàn Triều Tiên đến tham dự Olympic mùa đông tại Hàn Quốc có 280 thành viên. Trong đó, có 229 người thuộc đội cổ động, được gọi là “đội quân mỹ nhân”. Cùng ngắm "đội quân mỹ nhân" này qua những tấm hình dưới đây nào!

Những thành viên còn lại có các VĐV Taekwondo, 21 nhà báo và 4 thành viên Ủy ban Olympic Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên có cuộc đổ bộ lớn đến thế, giữa biên giới liên Triều. Giới truyền thông và người hâm mộ Hàn Quốc đã chào đón “đội quân mỹ nhân” Triều Tiên một cách háo hức.

6. Đoàn Nga bị cấm tham dự Thế vận hội mùa đông 2018

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã ra quyết định cấm đoàn Nga tham dự Thế vận hội mùa Đông 2018 diễn ra tại Pyeongchang (Hàn Quốc). Quan chức Nga không được mời tham dự, cờ của Nga sẽ không xuất hiện tại lễ khai mạc sự kiện và quốc ca Nga sẽ không được cất lên.

IOC cáo buộc Nga điều hành một chương trình doping được nhà nước tài trợ. Chính Grigory Rodchenkov, cựu giám đốc cục chống doping Nga, đã tiết lộ quy mô của chương trình bao che doping mà Nga áp dụng, không chỉ cho các VĐV dự Sochi 2014 mà cả các VĐV đã từng dự Olympic 2012. Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA) cũng công bố các tài liệu xác thực nghi án chính phủ Nga can thiệp trực tiếp vào phòng kiểm tra doping ở Olympic mùa Đông Sochi 2014. Các tài liệu này chỉ ra đã có một thỏa hiệp ngầm để bảo trợ cho các VĐV Nga ở Sochi 2014 sử dụng doping một cách có hệ thống. Moscow phủ nhận các cáo buộc này.

Tuy nhiên, các nhà chức trách cũng không muốn trừng phạt các VĐV không gian lận. Họ được mời tham gia dưới lá cờ trung lập "Vận động viên Olympic đến từ Nga".

Những VĐV Nga được xác định "trong sạch" sẽ tranh tài với tư cách VĐV trung lập dưới lá cờ Olympic, đồng phục của họ sẽ được ghi tên là "Vận động viên Olympic đến từ Nga". Nếu bất kỳ VĐV Nga nào giành huy chương vàng, bài hát Olympic sẽ được phát tại lễ trao giải. Trên bảng tổng sắp huy chương sẽ không hiển thị bất cứ thành tích nào của Nga.

7. Chính quyền Hàn Quốc kêu gọi các nhà hàng dừng phục vụ món thịt chó trong thời gian diễn ra Olympic

Để tạo thiện cảm với du khách tại Thế vận hội mùa đông 2018, Hàn Quốc đã tích cực vận động các nhà hàng tại Pyeongchang dừng ngay việc phục vụ món thịt chó cũng như tạo sự tiện nghi tốt nhất có thể.

Theo yêu cầu của chính quyền Seoul, xuyên suốt từ hôm khai mạc đến khi kết thúc thế vận hội (vào ngày 25-2), các nhà hàng bán thịt chó tại Pyeongchang sẽ phải dừng phục vụ món ăn này.

Theo hãng tin AFP, chính quyền địa phương đã yêu cầu 12 nhà hàng bán thịt chó tại Pyeongchang dừng phục vụ các món ăn ưa thích của người Hàn trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội. Đổi lại, các nhà hàng này sẽ nhận được một khoản đền bù từ chính phủ.

Theo lý giải, trước đó nhiều nhà hoạt động đã tăng cường chiến dịch kêu gọi dừng tiêu thụ thịt chó tại Hàn Quốc. Hàng loạt kiến nghị được đăng lên mạng xã hội kêu gọi tẩy chay Olympic mùa đông ở Pyeongchang vì vấn đề này. Nhiều cuộc biểu tình cũng diễn ra ở thủ đô Seoul. Do đó, việc kêu gọi các nhà hàng bán thịt chó không bày bán loại thức ăn này là để tránh áp lực từ dư luận và thứ hai là mang lại hình ảnh đẹp cho Hàn Quốc trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông.

Tuy nhiên, ông Lee Yong Bae, một quan chức chính quyền Pyeongchang, hôm 8-2 cho biết gần như mọi nhà hàng bán thịt chó ở Pyeongchang hiện phớt lờ yêu cầu của chính phủ. Trong số 12 nhà hàng bán thịt chó trên, chỉ hai nhà hàng hiện tuân theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

"Chúng tôi chịu nhiều than phiền từ chủ các nhà hàng địa phương. Họ nói rằng chúng tôi đang đe dọa sinh kế của họ. Một vài nhà hàng lúc đầu chuyển sang bán thịt lợn hoặc những thứ khác thay vì thịt chó. Nhưng vì doanh thu giảm mạnh, họ sau đó đã quay lại bán thịt chó" - ông Lee giải thích.

Vị quan chức cho biết thêm những tấm bảng hiệu quảng cáo các món ăn làm từ thịt chó như boshintang (canh tăng cường sinh lực), yeongyangtang (canh dinh dưỡng) hay sacheoltang (canh quanh năm) nay đã được thay thế bằng những tấm bảng có nội dung thiện cảm hơn như yeomsotang (canh thịt dê) nhằm tránh gây "ấn tượng xấu cho du khách" trong suốt thời gian diễn ra thế vận hội.

Nhà chức trách Hàn Quốc thường xuyên thuyết phục các nhà hàng ở nước này thay đổi thực đơn hoặc giảm các bảng quảng cáo thịt chó như thế này mỗi khi Seoul làm nước chủ nhà cho các sự kiện quốc tế lớn.

8. Sự cố bất ngờ cho các đầu bếp của đội tuyển Na Uy

Các đầu bếp chịu trách nhiệm nấu ăn cho đội tuyển Na Uy tại Thế vận hội mùa đông đang diễn ra tại Hàn Quốc cho hay, họ đặt hàng 1.500 quả trứng nhưng lại nhận được gấp 10 lần như vậy.

Đơn đặt hàng của các đầu bếp Ståle Berge, Ståle Johansen và Trond Skogvoll được Google Dịch chuyển ngữ sang tiếng Hàn Quốc. Tuy nhiên, dường như có một lỗi đã xảy ra trong quá trình đó.

"Khi xe tải tới nơi, họ bắt đầu mang trứng vào", phát ngôn viên Ủy ban Olympic Na Uy Halvor Lea nói với CNN. "Một lúc sau, các đầu bếp thấy việc vận chuyển kéo dài, mãi không ngừng".Giữa lúc bối rối, các đầu bếp hỏi tài xế đơn hàng ghi bao nhiêu quả trứng. Người này trả lời 15.000 quả. Các đầu bếp nói, đó là lỗi của Google Dịch, nhật báo New York dẫn lời ông Lea cho hay.

Tuy nhiên, may mắn là siêu thị nhận đơn hàng trên đã đồng ý lấy lại số trứng thừa.

9. Linh vật của Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018

BTC Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 đã chọn linh vật cho sự kiện này là Soohorang - một chú hổ trắng và Bandabi - một chú gấu đen châu Á.

Soohorang được lấy cảm hứng từ loài động vật đặc trưng của Hàn Quốc, đó là hổ. Trong văn hóa Hàn Quốc, hổ được xem như thần giám hộ, và hổ cũng mang tinh thần của Olympic là bảo vệ hòa bình thế giới cũng như bảo vệ mọi người đến với Thế vận hội mùa đông. Linh vật hổ trắng Soohorang cũng phù hợp với Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 vì sự kiện này diễn ra ở khu vực toàn tuyết trắng.

Còn Bandabi lại biểu thị cho cảm giác đặc biệt gần gũi mà người dân Hàn Quốc dành cho loài gấu đen châu Á có xuất xứ từ bán đảo Triều Tiên. Bandabi xuất hiện nhiều trong các truyền thuyết của Hàn Quốc, đại diện cho ý chí và lòng dũng cảm.

Linh vật Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 thể hiện cho sự thân thiện, lòng can đảm, ý chí cũng như nỗ lực vượt qua mọi thách thức của những người tham dự sự kiện này.

Cùng xem thêm những hình ảnh về hai linh vật đáng yêu này nhé!

Các bạn cũng đừng quên chia sẻ những suy nghĩ của mình và để lại những comment phía dưới bài viết nhé!

H.T - OhayTV

(Tổng hợp)

Xem thêm:

Chủ đề chính: #thế_vận_hội_mùa_đông

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn