Ngọc Trâm Bản thân là người yêu sách, thích viết lách. Một cuộc sống đơn giản, vừa đủ nụ cười, vừa đủ nước mắt, miễn đừng vượt qua giới hạn vừa đủ đó đã là an yên rồi. Đôi lúc thích ồn ào, lắm khi lại thích tĩnh mịch. Là một người có phần hơi mâu thuẫn....

Bản chất con người là cô đơn!

Đăng 6 năm trước

Cột mốc đầu tiên đánh dấu sự sống con người là tiếng khóc chào đời của họ. Cột mốc cuối cùng đánh dấu kết thúc sự sống là tiếng khóc của những người xung quanh họ. Nếu một trong hai không xảy ra, nghĩa là họ không tồn tại hoặc bất hạnh. Suy cho cùng cũng là cô đơn. Nhưng không có nghĩa điều đó đủ để nói lên bản chất cô đơn của con người

Những bí mật tạo nên sự cô đơn

Hầu như trong mỗi chúng ta ai cũng có những bí mật của riêng mình mà dù là người mà ta tin tưởng nhất cũng không thể chia sẻ được hoặc dẫu có nói ra lại không thể truyền đạt hết nội tâm, bởi không có ngôn từ nào có thể diễn tả được những nỗi niềm ấy. Chỉ mỗi ta cứ khư khư giữ cho mình một, hai hay nhiều hơn nữa, những bí mật làm nên thế giới cách biệt với những thực thể đang diễn ra quanh ta. Vậy nên ta cô đơn.

Những chuẩn mực xã hội

Số đông thường tỉ lệ thuận với những chuẩn mực, nguyên tắc chung của xã hội. Cuộc sống được ví như cuộc sinh tồn của loài vật, không thích nghi được sẽ bị đào thải. Một đề tài mang ra tranh cãi bên nào được ủng hộ nhiều nhất thường bên ấy sẽ thắng, dù chưa phân định được đúng hay sai thì thiểu số vẫn phải chào thua. Trong một số trường hợp, thay vì nghe theo những định mức chung của một cộng đồng, ta lại không ít lần đi ngược lại, điều đó khiến ta cảm thấy lạc lõng và cô độc dù rằng ta đang cố để bảo vệ lập trường của bản thân.

Khả năng lắng nghe và chia sẻ

Không muốn quy chụp, nhưng có lẽ con người ta luôn đặt bản thân lên hàng đầu. Dù có là ai, hoàn thiện hay củng cố bản thân luôn là điều ta luôn muốn hướng tới và được quan tâm trọng yếu. Mục đích cuối cùng của cuộc sống cũng là muốn được hạnh phúc. Mà hạnh phúc thì bao hàm bản thân ta đầu tiên và những người mang đến ý nghĩa đặc biệt đối với ta. Nên những câu chuyện của người khác dù có quan tâm thì cũng sẽ kém phần quan trọng hơn câu chuyện của ta một chút. Và họ đối với ta cũng vậy, nếu có thật sự muốn lắng nghe, muốn chia sẻ thì hầu như cũng là dựa trên lập trường của họ, đặt trong hoàn cảnh của họ, không ai đủ khả năng để thấu hiểu hết mọi vấn đề mà người khác đang găp phải và đủ sức để có thể giải quyết trọn vẹn giúp ta. Vì họ vốn còn có những vấn đề cần giải quyết của họ. Nên thường là những người ít - khi - được - lắng - nghe này sẽ cô đơn và sinh ra than trách.

Niềm vui thì dễ vơi mà nỗi buồn thì dễ tới

Con người ta luôn phải đối mặt với những vấn đề trong từng giai đoạn sống. Vấn đề lớn nhất ở đây là chúng ta phải lớn lên để còn giải quyết những vấn đề khác theo cách nhìn nhận và trách nhiệm của một người trưởng thành. Từ "phải" mang cho ta cảm giác nặng nề của một trọng trách. Những lo toan, bộn bề cuộc sống sẽ lớn dần theo suy nghĩ của một người trưởng thành. Chúng ta lại bắt đầu so sánh bản thân với những cảm xúc đơn giản của những đứa trẻ mà ta từng trải qua. "Gía như..." lại là cụm từ thường trực được ta nhắc đến khi va phải nghịch cảnh mà tự thân phải giải quyết để hoàn thành sứ mệnh của một kẻ "Người lớn".

Dây dưa với quá khứ

Trong cuộc sống có không ít những nỗi buồn dù ta đã trải qua, nhưng vẫn không thể bỏ qua được. Những câu chuyện khiến ta tổn thương từ hồi xa lắc xa lơ lại có sức hút đến lạ, ta cứ mãi đau đáu nhìn về mà không chịu vứt bỏ. 

Cuộc sống vốn chẳng trải dài những tháng ngày bình yên và có những người làm tổn thương ta như một sứ mệnh (Iris Cao - Mỉm cười cho qua)

Thật đơn giản để hiểu, những người có khả năng thực hiện "sứ mệnh" ấy chính là người mà ta trân trọng, người mà bản thân ta cho phép họ làm ta buồn. Mà khi buồn vì một người khá quan trọng với mình tức là ta chưa thể chấp nhận được sự tổn thương mà họ mang đến cho ta. Ta thất vọng về tình huống xảy đến kia hoặc thất vọng về người thân quen đó, không chỉ tại thời điểm của câu chuyện mà nó mang theo trong ta một cái gai mãi không gỡ được, cứ chất chứa trong lòng. Đến một ngày ủ dột nào đó ta lại mang ra phơi mưa thêm lần nữa. Vậy càng buồn lại thêm buồn. Thế là lại dễ nảy sinh cô đơn.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn