autumna90

Bí kíp sống sót nơi công sở

Đăng 7 năm trước

“Thế giới thay đổi khi bạn thay đổi” – Hãy tin tôi và cùng thử xem danh sách những việc dưới đây sẽ giúp các bạn cảm thấy đi làm không còn mệt mỏi tí nào nhé!

Đi làm – nhiều người cho rằng đó là một gánh nặng, là sự bắt buộc, thúc ép của xã hội, hay đơn giản chỉ là “học xong rồi đi làm kiếm tiền, mua nhà, mua xe, lấy vợ gả chồng…” Tuy nhiên với những suy nghĩ tiêu cực như thế, các bạn sẽ khó có thể gắn bó bản thân mình với một nơi nào lâu được. “Thế giới thay đổi khi bạn thay đổi” – Hãy tin tôi và cùng thử xem danh sách những việc dưới đây sẽ giúp các bạn cảm thấy đi làm không còn mệt mỏi tí nào nhé!

1. Tìm được công việc phù hợp

Thế nào là phủ hợp? Phù hợp với giới tính, với chuyên môn hay kinh nghiệm? Tôi thấy điều quan trọng là phù hợp với cá tính của mỗi người. Nếu bạn thích bay nhảy, cho dù bạn tốt nghiệp loại Xuất sắc bằng kế toán, bạn cũng nên xem xét lại xem mình có nên làm việc trong ngành này không nhé. Hãy nhớ câu nói “Nếu công việc là đam mê của bạn, thì ngày nào bạn cũng không phải đi làm”. Tuy nhiên tìm được công việc phù hợp với bạn hay không điều đó không phải là dễ dàng. Cuộc sống này vốn có quá nhiều ràng buộc, khiến bản thân ta xa rời những ước muốn ban đầu. Bạn ra trường được 2 năm, bạn muốn theo đuổi một ngành khác, nhưng có quá nhiều mối bận tâm trong bạn, bạn khao khát được trải nghiệm nhưng những nỗi lo về cơm áo gạo tiền khiến bạn nhụt chí?

Cái bạn cần bây giờ là QUYẾT TÂMLIỀU LĨNH. Nếu thiếu hai điều đó, bạn sẽ vẫn giam hãm bản thân mình tại công việc hiện tại và không thể thoát khỏi những dằn vặt mà nó mang lại.

2. Tạo một môi trường phù hợp

Môi trường phù hợp là môi trường bạn cảm thấy thoải mái khi làm việc trong đó. Nếu bạn thích yên tĩnh, đừng để người khác bắt ép bạn phải ở trong một không gian ồn ào, náo nhiệt. Tuy nhiên bạn cũng không thể quá đòi hỏi công ty/phòng ban phải đáp ứng cho bạn điều đó. Nếu hiện thực không được như mong đợi, bạn hãy hành động, hãy tạo ra những lý do để mình thêm yêu thích nơi làm việc của mình. Hãy trang trí những đồ vật nhỏ xinh tại bàn làm việc, hãy cắm những chùm hoa xinh nếu bạn thấy điều này mang lại cho bạn cảm giác thích thú khi làm việc. Hãy trang trí không gian xung quanh bạn theo cách mà bạn muốn (tuy nhiên đừng lố quá nhé, cá tính là tốt nhưng cũng nên hòa nhập với xung quanh chút!)

3. Cười

Nghe có vẻ rất đơn giản nhỉ, nhưng không hề đâu nhé!

Nếu có 1 ai đó nói xấu sau lưng bạn, bạn có thể cười với họ được không? Hãy nghe tôi, đừng tức giận, đừng nói xấu họ lại với người khác, càng đừng nhỏ nhen. Hãy cười – như không có chuyện gì xảy ra. Bạn biết đấy, những lời nói khi tức giận bao giờ cũng khó kiểm soát và hậu quả thì thường đến sau. Hãy biết kiềm chế, hãy biết che giấu những suy nghĩ của chính mình. Có lẽ bạn sẽ nói tôi thực dụng, nhưng trong xã hội này, nếu nghe những lời khuyên phù phiếm hoa mỹ như trao đổi trực tiếp, hóa giải hiểu lầm… mà nhiều nơi viết, bạn chỉ có thể tự mình hại chết mình. Và khi bạn đã làm quen được với sự nhẫn nhịn đó, bạn cũng từ từ nhận ra rằng, mọi việc đều có cách giải quyết, mọi mối quan hệ đều có thể trở nên tốt đẹp (hoặc xấu đi – đó là điều đương nhiên)

Bạn hãy cười, cười thật tươi và chào hỏi mọi người. Dù ngày nắng hay mưa – hãy cứ cười!

4. Quan hệ tốt với đồng nghiệp và sếp

Mỗi người một tính cách khác nhau, làm thế nào để có thể quan hệ tốt với nhiều người? Điều đó cần cả một quá trình để bạn rèn luyện. Hãy nói chuyện với những người bạn cảm thấy phù hợp, hãy xã giao với những người bạn cảm thấy không an toàn. Đừng quá thật lòng, đừng thổ lộ hết tâm tư của mình cho ai đó nếu bạn không chắc chắn là họ hiểu bạn.

Hãy làm 8 nói 10 với sếp. Vì sao ư? Vì nếu bạn làm nhiều mà không nói gì, sếp sẽ không bao giờ biết, và bạn mãi mãi chỉ là đứa tép riu trong vô vàn những hạt ngọc trai chói sáng ở trong phòng. Tôi không bảo bạn phải nói quá thành tích của mình, nhưng nếu bạn làm cố hết sức mà không nói ra, bạn chỉ chịu thiệt mà thôi. Lúc đầu bạn có thể nghĩ, vì trách nhiệm bạn làm là được, nhưng nếu người khác được trọng dụng, được khen tặng mà họ còn làm ít hơn bạn, hiệu quả không bằng bạn. Thì lúc đó, bạn sẽ cảm thấy rất hối hận.

5. Tranh luận đúng lúc, dừng đúng thời điểm

Đừng tự cho mình là nhất, càng đừng cho mình là giỏi hơn thiên hạ. “Núi cao còn có núi cao hơn” – hãy khiêm tốn vừa phải, tự tin vừa đủ. Và đặc biệt, đừng cố tỏ ra mình hiểu biết, tranh luận vô tội vạ, phải cãi cho bằng được thì thôi. Người xung quanh tự có đánh giá của mình khi nghe tranh luận của bạn và đồng nghiệp. Tuy nhiên, nếu trong công việc thì hãy cố gắng bảo vệ lý lẽ của mình một cách thông minh nhất. Đừng nói kiểu tôi thích thế! Hãy nói rằng nó tốt thế nào, kế hoạch khả thi ra sao, hãy tỏ ra chuyên nghiệp và quan tâm đến ý kiến của người khác.

6. Hãy đề phòng

Đúng, hãy đề phòng mọi người, đương nhiên tôi không bảo bạn phải đa nghi như Tào Tháo, hay kiểu kì thị tất cả mọi người. Nhưng liên quan đến lợi ích sẽ khiến mọi người đều nghi kị nhau. Sếp khen ai đấy, những người còn lại sẽ không vui đâu. Hãy nhớ điều đó, cho dù họ không thể hiện ra. Hãy nhớ, đồng nghiệp nếu không phải bạn thân thì chỉ có thể là khách vãng lai.

Chủ đề chính: #Bí_kíp_sống_sót_nơi_công_sở

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn