Huỳnh Khánh Trang

Bí quyết nuôi và chăm sóc chó đến khi trưởng thành để chó sống lâu

Đăng 6 năm trước

Chó là một đứa con, đứa em mãi không lớn trong gia đình. Ai mà không cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến những 'đứa con' của mình khỏe mạnh, trưởng thành qua từng ngày. Nhưng cũng không ít người đau khổ tột cùng khi nhìn những chú chó ra đi trong vòng tay mình vì những lí do không ngờ tới. Sau đây là một số bí quyết được đúc kết từ những kinh nghiệm 'xương máu' cần lưu ý để không xảy ra những sự cố đáng tiếc với các 'bé cún'.

Bí quyết chăm sóc chó con

Những thức ăn cấm kỵ với chó

Giai đoạn chưa trưởng thành (dưới 6 tháng tuổi), hệ tiêu hóa của chó chưa được ổn định, hệ miễn dịch cực kì yếu nên các loại thức ăn sau đây tuyệt đối không cho chó ăn:

  • Không cho chó ăn thức ăn nóng hoặc vừa lấy từ tủ lạnh ra, gây ảnh hưởng không tốt đến dạ dày của chúng.
  • Không cho chó ăn thức ăn tanh hoặc nhiều dầu mỡ, chất béo (cá, thịt mỡ, trứng gà sống,...), gây ra những bệnh đường ruột ở chó, nhất là bệnh tiêu chảy.
  • Không cho chó ăn đồ ngọt (bánh, kẹo, đặc biệt là sôcôla,...), tạo cảm giác no nê, đầy bụng, làm phá vỡ quá trình tiêu hóa của chó.
  • Không cho chó ăn các loại thực phẩm làm sẵn (giò, chả, xúc xích,...), những thực phẩm hun khói hoặc những đồ ăn quá mặn, làm hỏng gan và có thể làm chó chết trước khi trưởng thành.
  • Không cho chó ăn thức ăn thừa, ôi thiu, uống nước lã, gây đau bụng.
  • Không cho chó con ăn xương các loại vì lúc này răng chúng còn yếu, hệ tiêu hóa kém, hơn nữa nhiều bé có thói quen nuốt không nhai nên rất dễ chết ngay tức thì.

Thức ăn tốt cho chó

Cho chó ăn không chỉ đơn giản là no mà còn phải cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để chúng phát triển thể chất, trí não và quan trọng hơn hết là an toàn. Sau đây là một số loại thức ăn nên cho chó ăn:

  • Thức ăn hạt: không mất công chế biến vì có thể dễ dàng tìm mua ở các Pet Shop, có chứa nhiều chất dinh dưỡng rất cần cho chó. Tuy nhiên, nhiều loại hạt thành phần đạm cao nên tốt hơn là chỉ cho cho ăn vào buổi sáng và buổi tối.
  • Sữa: chỉ nên cho uống sữa giành riêng cho chó, các loại sữa giành cho con người không phù hợp với cơ địa của chó, và chỉ nên cho uống với mức độ ít vừa phải, tránh gây đau bụng cho chó. Lưu ý là khi chó có dấu hiệu tiêu chảy thì ngưng cho chó uống sữa.
  • Thịt: là cần thiết vì chó là động vật ăn thịt, có thể cho ăn cơm với thịt, cá nhưng với tỉ lệ cá/thịt = 1/10.
  • Rau, củ, quả: ngoại trừ khoai tây, ngô, các loại đậu ra thì rau củ được nấu nhừ và làm nhuyễn rất tốt cho chó.
  • Đặc biệt các bạn có thể tự chế biến thức ăn an toàn cho chó dưới 3 tháng tuổi nếu có điều kiện. Chuẩn bị: cà rốt đã được nấu nhừ và xay nhuyễn, bột ăn dặm Cerelac (bán ở mọi tiệm tạp hóa) và men tiêu hóa (bán ở mọi tiệm thuốc tây). Trộn theo tỉ lệ: 4 thìa cà rốt - 2 thìa bột - 1/3 gói men tiêu hóa (tùy vào khối lượng chó mà tăng thêm lượng thức ăn). 

Chế độ ăn cho chó

Tùy thuộc vào độ tuổi của chó mà mức độ tiêu hóa thức ăn là khác nhau nên số lần cho ăn trong 1 ngày và lượng thức ăn trong 1 lần là khác nhau:

  • Dưới 2 tháng tuổi: 6 lần/ ngày (mỗi lần cách nhau 3,5h).
  • Từ 2 - 4 tháng tuổi: 5 lần/ ngày (mỗi lần cách nhau 4h).
  • Từ 4 - 6 tháng tuổi: 4 lần/ ngày.
  • Từ 6 - 10 tháng tuổi: 3 lần/ ngày.
  • Từ 10 tháng tuổi trở lên: 2 - 3 lần/ ngày (mỗi lần cho ăn nhiều hơn bình thường).

Tẩy giun định kỳ cho chó

Thống kê cho thấy tỉ lệ nhiễm giun ở chó con lên đến hơn 70%, để lại nhưng hậu quả không thể xem thường được như bỏ ăn, nôn, rối loạn tiêu hóa và nghiêm trọng hơn là dẫn đến chết. Vậy nên tẩy giun cho chó là vấn đề cần được coi trọng. 

Có 2 hình thức để tẩy giun là tiêm (đến gặp bác sĩ thú ý) hoặc cho uống thuốc (tại nhà). Lịch xổ giun:

  • Dưới 2 tháng tuổi: 2 tuần xổ 1 lần. 
  • Từ 2 - 6 tháng tuổi: 1 tháng xổ 1 lần. 
  • Từ 6 - 12 tháng tuổi: 2 - 3 tháng xổ 1 lần. 
  • Từ 1 năm tuổi trở đi: 1 năm xổ 1 lần (lúc này sẽ sạch giun sán).

Lưu ý: khi xổ giun tại nhà cần chia thuốc theo trọng lượng của chó (thường thì 1 viên thuốc ứng với 5kg trọng lượng), việc cho chó uống thuốc sẽ khó khăn nên dễ dàng hơn ta có thể đặt viên thuốc vào đồ ăn của chó (như thịt viên) vì thường chó sẽ ít nhai kĩ mà nuốt vào luôn.

Ngừa bệnh và ngừa dại cho chó

Cũng giống như con người, tiêm vắc xin rất cần thiết đối với chó con để tránh được những bệnh thường gặp phải, nguy hiểm đến tính mạng (như viêm ruột, xuất huyết đường ruột,...) và những căn bệnh không có thuốc chữa hiện nay.

Vắc xin cho chó có nhiều loại: ngừa 5 bệnh, 6 bệnh hay 7 bệnh. Tốt hơn hết chúng ta nên chọn loại vắc xin ngừa 7 bệnh cho chó dù giá thành cao hơn 2 loại kia (khoảng 180.000 đ/ 1 mũi).

Bắt đầu tiêm phòng khi chó được 6 - 8 tuần tuổi, nhắc lại mũi tiêm thêm 2 lần nữa sau mỗi 3 - 4 tuần. Cuối cùng nhắc lại mũi tiêm sau 1 năm để hoàn thành miễn dịch.

Tiêm phòng bệnh dại cho chó sau 3 tháng tuổi và sau khi đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin ngừa bệnh đầu tiên. Có thể tiêm triệt sản cho chó khi đã được 6 tháng tuổi (nếu cần).

Lưu ý:

  • Chó phải trong tình trạng khỏe mạnh mới được tiêm phòng bệnh hoặc tẩy giun. 
  • Sau khi tiêm phòng bệnh phải mất 2 tuần chó mới hình thành kháng thể nên thời gian này chúng rất dễ mắc bệnh, phải chú ý chăm sóc thật cẩn thận: kiêng sữa, kiêng tắm, hạn chế cho chó ra khỏi nhà và không cho ăn những thức ăn có hại cho chó.

Một số lưu ý khác

Chó cũng có sữa tắm riêng, không sử dụng dầu gội, sữa tắm của người để dùng lên chó vì sẽ gây dị ứng, ngứa, không tốt cho da chúng.

Thường xuyên dắt chó đi dạo, cho chúng tắm nắng (có vitamin D tốt cho xương), chơi đùa cùng chúng sẽ rất tốt cho sức khỏe và trí thông minh của chúng. Không phải ngẫu nhiên mà ở nước ngoài người ta thống kê được rằng những người nuôi chó luôn hạnh phúc hơn, cười nhiều hơn, khỏe mạnh và sống lâu hơn so với những người không nuôi chó.

Không nên nuôi chó với tư tưởng chỉ để giữ nhà, làm "đồ chơi" cho trẻ em, hay chỉ để nhân giống và lấy tiền. 

Khi nhà bạn có 1 chú chó thì trước hết đó đã là 1 thành viên trong gia đình bạn. Chó là loài duy nhất tiến hóa để gần hơn với con người, có thể tương tác được với chúng ta bằng những cái nhìn, những các vẫy đôi, hay những cái "hôn"... Bạn yêu thương, trân trọng chúng thì chúng cũng yêu và trân quý bạn hết mực.

Người bạn chung thủy của con người.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn