Lê Anh Tuấn Là kỹ sư xây dựng thế hệ 8x đời đầu, có niềm đam mê đặc biệt với các vấn đề về xe cộ.

Cách tính toán đường dốc cho xe lên xuống

Đăng 5 năm trước

Hiện nay, nhiều bạn khá loay hoay khi tính toán để làm đường dốc cho ô tô của mình đi vào nhà hay gara khi mà nền nhà cao hơn mặt đường. Nhiều bạn do không tính toán, làm theo cảm tính nên sau khi làm xong và lái xe vào nhà thì ô tô bị chạm gầm nên phải đập ra làm lại rất tốn kém. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn các bước tính toán để làm được đường dốc vừa vặn với xe của mình dựa trên các thông số có sẵn của xe

Lý thuyết tính toán

Khi bạn đưa xe lên, xuống dốc sẽ có hai trường hợp va chạm xảy ra như hình trên. Trường hợp 1 là khi xe bạn đã xuống hết dốc và mũi xe va chạm với mặt đường. Trường hợp 2 là khi xe bạn nằm giữa đỉnh dốc, thân xe bạn va chạm với đỉnh dốc.

Hiện nay, đa số các loại xe thông dụng trên thị trường đều có chiều dài từ mũi xe đến bánh trước ngắn hơn ½ chiều dài cơ sở của xe nên bạn chỉ cần tính toán cho trường hợp 2 là đủ. Với trường hợp 1, bạn chỉ cần lưu ý khi xuống dốc, bạn nên cho xe di chuyển chậm và đều. Vì nếu bạn đi quá nhanh, ngay tại thời điểm bánh trước của xe tiếp xúc với mặt đường, gần như toàn bộ trọng lượng xe dồn về đầu xe sẽ khiến lò xo giảm xóc bánh trước nén lại làm cho mũi xe bạn chúi xuống và xảy ra va chạm.

Tính toán các thông số của đường dốc

Với chiếc xe của mình, bạn sẽ có hai thông số chính bạn có thể tìm trong quyển sách thông số kỹ thuật của xe hoặc cũng có thể tra trên mạng, đó là:

  • H:  Khoảng sáng gầm xe (là khoảng cách nhỏ nhất từ gầm xe đến mặt đường) 
  • L: Chiều dài cơ sở của xe (là khoảng cách giữa 2 trục của bánh xe)

Bây giờ chúng ta sẽ tính góc tối đa của đường dốc theo công thức sau: 

αmax = 2ARCTAN(2H/L)

Trong đó:

  • αmax: Là góc dốc lớn nhất (đơn vị đo là Radian)
  • ARCTAN: Là TAN nghịch đảo của 1 số

Ví dụ với xe Kia K3, chúng ta có khoảng sáng gầm xe H =150mm, chiều dài cơ sở L = 2.700mm. Vậy góc dốc lớn nhất được tính như sau:

αmax = 2ARCTAN(2H/L) = 2ARCTAN(2x150/2.700) =0,22 Radian = 12,68 độ

Đây là góc dốc lớn nhất, để xe không bị chạm gầm, chúng ta nên chọn góc dốc bé hơn góc αmax trên.

Khi đã có góc dốc tối đa như trên, chúng ta sẽ tính được chiều dài đường dốc nếu biết chiều cao hoặc ngược lại. Giả sử nền nhà của bạn cao hơn mặt đường một khoảng là h, lúc đấy, chiều dài tối thiểu đường dốc cần tính (lmin) là:

lmin = h/TAN(αmax)

Hay ngược lại, nếu biết chiều dài đường dốc là l, để biết chiều cao tối đa hmax của nền nhà ta sử dụng công thức sau:

hmax = l x TAN(αmax)

Để đảm bảo xe lên xuống mà không bị chạm gầm, ta chọn chiều dài của đường dốc lớn hơn chiều dài tối thiểu hoặc độ cao của nền nhà thấp hơn độ cao tối đa theo tính toán bên trên.

Tính toán bằng các công thức trên phần mềm Excel

Bảng trên là ví dụ tính toán cho xe Kia K3 với công thức trên phần mềm Excel. Nếu bạn nào còn thắc mắc, vui lòng để lại ý kiến trong phần bình luận bên dưới, tôi sẽ giải đáp trong thời gian sớm nhất.

Chủ đề chính: #xây_nhà

Bình luận về bài viết này
2 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn