Nguyễn Kế Lê Tiến “Kim loại vì cứng mà hay gãy, nước vì mềm mà được vẹn toàn.”

Căm ghét, từ suy nghĩ đến hành động.

Đăng 5 năm trước

Căm ghét là gì? Thực ra tồn tại nhiều cách hiểu về căm ghét. Có người cho rằng căm ghét gần với sự sợ hãi và khiến con người tránh đi. Người lại nói nó liên quan tới thịnh nộ và khiến người ta muốn tấn công. Người khác nữa thì cho rằng căm ghét là một nỗi đau và khiến người ta muốn phá hủy đối tượng bị ghét, hoặc nhìn thấy nó bị tiêu hủy.

Căm ghét?

Căm ghét, cũng như tình yêu, chính là những trải nghiệm hết sức bình thường của con người. Căm ghét thể hiện một thái cực cảm xúc của sự cực kỳ không thích ai đó hoặc cái gì. Cảm xúc này có thể hướng đến các cá nhân, các nhóm người, các tổ chức, hành vi, ý tưởng hoặc cụ thể hơn, là một đối tượng nào đó. Lòng căm thù thường được gắn liền với những cảm xúc tức giận, ghê tởm và có khuynh hướng thù địch.

Nền tảng của căm ghét

Nền tảng của căm ghét chính là niềm tin rằng bản thân của đối tượng bị ghét là cái xấu, cái ác. Nếu như khinh bỉ tới từ ý nghĩ rằng người kia không có giá trị, thì căm ghét đến từ ý nghĩ rằng người kia là cái xấu, cái ác, một phần tử đáng bị loại trừ ra khỏi tập thể. Từ nền tảng này, mà người (tập thể) căm ghét, sẽ đưa các hành động căm ghét đến cá nhân (tập thể) bị ghét: Cô lập, giễu cợt, chọc phá, ... Cuối cùng là loại trừ cá nhân đó ra khỏi tập thể. Tệ hơn nữa, chính là phá hủy, tiêu diệt cá nhân bị ghét - cả về vật chất, lẫn tinh thần. Đó là khi cái ghét đạt tới mức cực đại: Căm ghét cuồng nộ.

Căm ghét cuồng nộ thường đi liền với các tưởng tượng về phục thù, nó làm người ta cảm thấy mạnh mẽ và phấn khích. Vì vậy, tha thứ thường được xem là hành động của một kẻ yếu đuối, bởi anh ta đã buông thả quyền lực mà căm ghét và thù hận đem lại.

Lấy ví dụ rõ ràng như: Những người căm ghét ca sĩ Hồ Ngọc Hà không chỉ có những bình luận chê trách, khiếm nhã. Người ta còn đem những bình luận mang tính bạo lực, lăng mạ vào cuộc sống của cô: "Con hồ ly này phải ăn trọn gáo Axit thì thật yomost" hay đến với một bình luận công kích cả 2 người mẫu Ngọc Trinh và Hồ Ngọc Hà: "Cả hai con phò này đều đáng cho lên máy chém hết", ...

Một trong những "phần thưởng" lớn nhất tới từ căm ghét chính là cảm giác ưu việt về mặt đạo đức. Căm ghét ngăn cản người ta nhận ra những khuyết điểm của bản thân, cũng như che mắt người ta trước những ưu điểm của đối tượng bị ghét. Người ta bám vào sự căm ghét để thấy bản thân có giá trị.

Căm ghét làm mù lòa.

Căm ghét trong suy nghĩ

Trong rất nhiều trường hợp, người căm ghét coi chính mình là nạn nhân. Họ thấy mình bị tấn công, và bắt buộc phải tự vệ. Giống như những người căm ghét Hồ Ngọc Hà và Ngọc Trinh, họ cảm thấy cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn khi những kẻ "phá hoại" kia bị triệt hạ.

Nhà tâm lý học Paul Ekman, người có công lớn trong việc vẽ bản đồ vi chuyển động của các cơ mặt ứng với các cảm xúc, đã từng căm ghét bố đẻ của mình trong 50 năm. Khi ông tha thứ được cho người bố, bỗng nhiên trong ký ức của ông xuất hiện lại những chi tiết tích cực về người bố mà trước đó ông không nhớ tới. Căm ghét đã chặn những kỷ niệm này lại và làm méo mó cái nhìn của ông về người bố.

Nhiều thập kỷ trước, Martin Luther King đã nói về điều này: "Bạn không nhìn rõ nữa khi bạn ghét, bạn không đi thẳng được nữa khi bạn ghét. Bạn không đứng thẳng được, cái nhìn của bạn bị méo mó. Không có gì bi kịch hơn là chứng kiến một con người với trái tim đầy căm ghét. Anh ta trở thành một con bệnh".

Căm ghét, giống như tình yêu, là những trải nghiệm thông thường của con người. Nhưng trong những trường hợp bệnh lý, căm ghét trở nên bao trùm, nuốt chửng tất cả, trở thành một cái hố đen tiêu thụ toàn bộ tâm trí của người ghét.

Từ căm ghét tới hành động

Cuối cùng, căm ghét là khởi nguồn của bạo lực, người ghét thường không còn một chút thương cảm hay trắc ẩn gì với đối tượng mình ghét.

Thể hiện căm ghét một đối tượng đã được cộng đồng duyệt là đáng căm ghét là một hành vi nhằm giảm thiểu sự cô đơn và tăng giá trị bản thân. Người ta xuống tay với kẻ cắp để chứng tỏ phẩm chất đạo đức của mình, cùng nhau hành hạ đối tượng đó để cảm nhận được tình đoàn kết trong nhóm và để yên tâm là cộng đồng chấp nhận mình. Giống như trong các xung đột giữa dòng tộc hay giữa các băng đảng, thể hiện sự căm thù với kẻ bên ngoài là một cách để người ta bảo đảm có được sự yêu thương ở bên trong.

Ngắn hạn, người ta có thể thấy khoái cảm khi căm ghét, nó xuất hiện khi sự bất lực chuyển hóa sang kinh bỉ. Nhưng rồi căm ghét sẽ đầu độc bạn, nó bám cứng vào não bạn và khiến bạn đánh mất bình an trong tư tưởng.

Bạn sẽ đau khổ.

Lê Tiến - Ohay.tv tổng hợp

Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn,

chủ yếu trong cuốn sách "Thiện, ác và smartphone - Đặng Hoàng Giang"

Xin chân thành cảm ơn!

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn