tbc

Điểm qua các chặng đường của Hài kịch VIệt Nam

Đăng 8 năm trước

Hài kịch giờ đây không còn xa lạ, nhưng hài kịch cách đây mấy mươi năm đã sinh ra thế nào và trong tương lai sẽ như thế nào ? Hãy cùng nhìn lại tiến trình phát triển của Hài kịch Việt Nam.

"Thuở lọt lòng" của Hài kịch

Lúc bấy giờ, hài kịch trong nước vẫn hoàn toàn chưa có khái niệm, chỉ đơn giản là các diễn viên đã tự mở ra con đường mới cho chính mình đó chính là diễn như chính kịch nhưng vẫn mang tính hài hước đặc trưng của từng nghệ sĩ. Điển hình trong thời gian này có các diễn viên như nghệ sĩ Kiều Oanh, Việt Hương, Thúy Nga, Bảo Chung, Anh Vũ, ... với rất nhiều loại hình khác nhau như các bộ phim ngắn hài, cải lương pha hài, nhạc hài , ... Nhưng tất cả vẫn còn rất mờ nhạt và chưa tạo đc dấu ấn trong lòng khán giả.

Hài kịch là "đứa con Việt kiều"

Khác với trong nước, hài kịch của người Việt tại hải ngoại có phần khởi sắc hơn. Và đây có thể xem là cái nôi của hài kịch, nơi mà nó sinh ra thực thụ và tạo dựng được tiếng vang đầu tiên. Người đi tiên phong mở ra hài kịch hải ngoại có thể coi là nghệ sĩ Vân Sơn. Trung tâm ca nhạc cùng tên của nghệ sĩ Vân Sơn đã sản xuất và đem đến hài kịch lần đầu cho khán giả hải ngoại, thậm chí những sản phẩm của trung tâm Vân Sơn còn được truyền tay đến tận khán giả trong nước. Cũng từ trung tâm này, các cây đa cây đề của làng hài bắt đầu lớn lên trong đó có nghệ sĩ hài bậc nhất Hoài Linh, cặp đôi danh hài Quang Minh - Hồng Đào, nghệ sĩ Bảo Liêm, Lê Huỳnh, Bé Ti,... Các sản phẩm của họ đã gắn chặt với tuổi thơ của bất cứ người Việt nào yêu thích sự hài hước với các video hài như Hoa hậu ba miền (Hoài Linh - Vân Sơn), Hội thi chim (Hoài Linh), Đắc Kỷ ho gà ( Vân Sơn, Bé Mập, Chú bảy Văn Chung,...), Chung một mái nhà ( Quang Minh - Hồng Đào, Trang Thanh Lan), Hắc Bạch công tử ( Hoài Linh, Vân Sơn, Hồng Đào, Bé Mập), ...

Hài kịch bước tiến vang dội

Hài kịch hải ngoại bước vào đà phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này khi các trung tâm ca nhạc như Thúy Nga (Paris By Night), ASIA, Vân Sơn đưa hài kịch vào các buổi diễn của họ. Hàng loạt các vở hài kịch xuất sắc được biên soạn và trình diễn, từ đây xây dựng được lượng khán giả trung thành cho hài kịch. Tiêu biểu có các vở hài kịch chủ yếu của nghệ sĩ Hoài Linh song tấu với nghệ sĩ Chí Tài như Con sáo sang sông, Ru lại câu hò, Lầm, Thi hoa hậu,... Nhiều nghệ sĩ khác như cặp nghệ sĩ Quang Minh - Hồng Đào, Kiều Oanh- Lê Huỳnh, Việt Hương - Hoài Tâm, Kiều Oanh- Lê Tín cũng không ngừng trình diễn để phục vụ khán giả. Nhìn chung, hài kịch hải ngoại tạo được ấn  tượng rất tốt đối với khán giả trong và ngoài nước, và khán giả giờ đây đã mặn mà hơn với hai chữ "hài kịch".

Hài kịch trong nước bắt đầu phát triển

Bắt đầu từ miền bắc, hài kịch bắt đầu phát triển với chương trình truyền hình đầu  tiên Gặp nhau cuối tuần và tạo dựng được ấn tượng mạnh với khán giả trong nước. Các tiểu phẩm hài hước quy tụ nhiều nghệ sĩ khắp hai miền nam bắc đã trở thành món ăn tinh thần của khán giả truyền hình mỗi cuối tuần. Nổi danh có rất nhiều nghệ sĩ như Vân Dung, Xuân Bắc, Minh Vượng, Tự Long, Công Lý, Quang Còi, Giang Tèo, Hồng Vân, Minh Nhí, Cát Phượng...và MC Thảo Vân. Tuy nhiên, Gặp nhau cuối tuần đã phải khép lại vì vấn đề kinh tế và đã chiêu đãi khán giả với chương trình hoành tráng Gặp nhau cuối năm để tri ân khán giả sau hơn 10 năm hoạt động. Tiếp đó đến các show Táo Quân là món ăn đêm giao thừa không thể thiếu của người dân Việt Nam.

Hài kịch Miền Nam bùng nổ

Sự ra đời của sân khấu chuyên về hài kịch đầu tiên Nụ Cười Mới của nghệ sĩ Hữu Lộc đã làm nóng lên môn nghệ thuật hài kịch tại miền nam. Công ty Nụ Cười Mới còn là cái nôi của nhiều danh hài triển vọng như Trường Giang, Nam Thư,... khi họ mới chập chững vào nghề. Nổi lên với làng hài Việt Nam vào thời điểm này phải nói đến Trấn Thành với sức ảnh hưởng nhanh chóng về cả khả năng diễn xuất và dẫn chương trình, ngoài ra anh chàng MC kiêm diễn viên này còn gây ấn tượng với liveshow đầu tiên được khán giả chú ý quy tụ các nghệ sĩ danh tiếng như Cát Phượng, Kiều Linh, Thu Trang - Tiến Luật,...

Bùng nổ gameshow hài

Rõ ràng là hài kịch ngày càng được lòng khán giả, nắm được thị hiếu này các công ty truyền thông Việt Nam bắt đầu từ việc mua bản quyền các chương trình nước ngoài mang yếu tố hài hước điển hình là Ơn Giời Cậu Đây Rồi (Thanks God You Are Here) từ giám khảo nổi tiếng Hoài Linh đến dàn trưởng phòng ăn khách như Việt Hương, Trấn Thành, Công Lí, Chí Tài, Trường Giang để hút khán giả. Cho đến các chương trình hài kịch tự sản xuất như Danh hài đất Việt, Diêm vương xử án,... Nhìn chung hài kịch đến thời điểm này chính thức bùng nổ trên sóng truyền hình chưa kể đến các video clip, vblog hài với các nhóm hài kịch tự phát như Damtv, BB&BG, Fap cơm nguội, ... cũng là những cây hài yêu thích của khán giả trẻ trên youtube.

Khán giả Việt "bội thực" vì hài

Tiếp nối thành công trên, các gameshow truyền hình tìm kiếm tài năng hài cũng bắt đầu xuất hiện , điển hình là Cười xuyên Việt phiên bản người bình thường và phiên bản nghệ sĩ hay Người bí ẩn, Thách thức danh hài, Hội quán tiếu lâm Bí mật đêm chủ nhật và mới đây là Đấu trường tiếu lâm. Không dừng lại ở đó, song hành với hài kịch thì khán giả Việt Nam lúc này đã quan tâm nhiều hơn đến phim Việt trên màn ảnh rộng, điều này đã tạo động lực cho các đạo diễn các nhà sản xuất phim bắt tay vào việc thực hiện "bữa tiệc" điện ảnh hài, phải kể đến có Công chúa teen ngũ hổ tướng, Nhà có năm nàng tiên, Ma dai, Gia sư nữ quái, Trùm cỏ và rất nhiều những bộ phim chiếu rạp lấy yếu tố hài làm vũ khí bí mật hút khán giả. Chưa đề cập đến tính nghệ thuật hay chất lượng, những bộ phim này luôn có sự góp mặt của các danh hài lớn nhỏ nhằm lôi kéo khán giả đến rạp, đây cũng là giai đoạn mà nghệ thuật thứ bảy đem lại lợi nhuận khổng lồ. Có thể nói khán giả đã được chiêu đãi quá nhiều món ăn liên quan đến hài kịch, bằng chứng là bất cứ khi nào mở tv lên đều có thể xem được ít nhất một chương trình mang yếu tố hài kịch. 

Hài kịch bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào ?

Hài kịch phát triển có thể xem là yếu tố thuận lợi cho ngành giải trí Việt đồng thời tạo thêm nhiều đất diễn cho thế hệ diễn viên ra trường. Tuy nhiên, hài kịch dường như đã vượt qua đỉnh cao của sự hưng thịnh, và theo một định luật tự nhiên thì bất cứ hiện tượng nào cũng sẽ đi đến thoái trào. Khán giả đã dần bớt nhiệt và không mấy mặn mà với hài kịch , đơn giản vì họ đã ngao ngán với những lối diễn hài làm quá làm lố hay có thể là do khán giả đang bị nhấn chìm trong hàng loạt các sản phẩm tạo tiếng cười từ thiếu đầu tư đến đầu tư kĩ lưỡng. Lúc này, hài kịch cần lắm những định hướng mới, những lối diễn mới và cả những sản phẩm mới mang tính chuyên nghiệp và đầu tư kĩ lưỡng hơn. Môn nghệ thuật mang lại tiếng cười cho khán giả thực sự đáng quý song nếu hài kịch không tìm được hướng đi mới cho mình thì cũng sẽ nhanh chóng bị khán giả quay lưng.

Chủ đề chính: #Hài_kịch

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn