Phan Pham Uyen Nhi

ĐỜI NHƯ Ý - Thư gửi mẹ

Đăng 6 năm trước

Mỗi người đều có những lá thư thầm kín dành cho những người mình yêu thương, tôi cũng vậy.

Thư gửi mẹ

THƯ GỬI MẸ 

 Sài Gòn, 

10/11/2016 

 Chào mẹ, con viết cho mẹ bức thư này vào lúc trường con đang tổ chức thi giữa kì. Thực sự, nếu không vô tình đọc lại câu truyện "Đời như ý" khi đang lướt mạng, con cũng sẽ quên mất mẹ giữa cuộc sống nhộn nhịp chốn đô thị Sài Gòn, quên mất có một người vẫn luôn dõi theo từng bước chân chập chững của con khi bước vào đời. Con xin lỗi mẹ nhiều.Mẹ biết không? Lần đầu con đọc tác phẩm "Đời như ý " (trích từ  truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), con đã khóc nhưng con khóc cho nhân vật chú Đời trong truyện mà không hề nghĩ đến mẹ, người cũng đã vất vả không kém để lo lắng cho con mình như nhân vật trong câu truyện ấy. Con ít khi nào tâm sự với mẹ nhưng con sẽ viết cho mẹ bức thư này để mẹ nghe những điều con suy nghĩ. Vì vậy, để con kể cho mẹ nghe... về một câu chuyện giản đơn giữa đời thường.Chú Đời là một người bị mù, gồng  gánh một gánh hát, chú ca cải lương, bán vé số kiến thiết. Vợ chú nửa điên nửa tỉnh, hai đứa con gái phụ cha đem vé số tới mời từng sạp chợ. Đứa nào mặt mày cũng xấu xí, lem luốc, đen đúa, nên nghe cha tụi nó kêu con Như con Ý ai cũng cười. Cả gia đình dắt díu nhau đi trong chợ ca hát, như không hề biết đến những thiếu thốn về vật chất họ vẫn đối mặt hàng ngày. Cuộc sống "như ý" ấy luôn hiện trên nụ cười thanh thản của chú Đời, một hình ảnh thật đẹp. Cho đến khi chú bị bệnh và để có tiền chữa bệnh cho vợ mình trước khi sức khỏe cùng kiệt, chú cắn răng đưa đứa con gái út của mình cho một gia đình khá giả. Để đuổi con đi, chú nói cho con Ý nghe một câu chuyện đau lòng, chú nói nó không phải là con ruột của chú, chú lượm nó ở ngoài đống rác bệnh viện. Chú nuôi nó tới chừng này là để kiếm người bán lại. Rồi khi con mình bỏ đi, chú hỏi con Như, "Nó có nhìn theo không, con". Con Như nói không. Chú ừ, nấc khan một tiếng rồi cất tiếng ca, "Nuôi con khôn lớn không mong gì con nuôi lại mẹ... ", sao mà nghe nghẹn ngào như đang khóc...Tất cả câu chuyện chú kể đều là nói dối, con biết điều đó nhưng con vẫn chưa đủ lớn để cảm nhận được hết nỗi đau mất con của người cha nghèo. Điều đọng lại trong con là một cái gì chặn ngang cổ họng, cay đắng và không cất thành lời được. Câu từ sâu lắng và đậm chất miền Tây của Nguyễn Ngọc Tư đã khiến con rơi nước mắt và ám ảnh mãi câu nói của chú Đời : "Nuôi con khôn lớn không mong gì con nuôi lại mẹ." Ám ảnh bởi từ nhỏ câu nói này đã in sâu vào tâm trí của con, con tò mò về ý nghĩa của nó. Mẹ biết không? Mẹ thương con một cách kì lạ, tình yêu ấy luôn ngập tràn và đầy ắp. Nhiều đến nỗi nhiều khi con không nhận thức được nó vì nó không bao giờ vơi đi. Và mẹ không bao giờ nói ra tình cảm ấy, con vẫn luôn đợi một câu nói: " Mẹ thương con nhiều lắm" từ mẹ. Mẹ biết không? Một người bạn con đã từng nói rằng :" Nhi à, có bao giờ mày đặt mình vào một vai trò như một người mẹ không, mày sẽ chăm sóc nó, nhìn con mày lớn lên và nó cũng sẽ sinh một đứa cháu cho mày, rồi cứ thế... cuộc sống là vậy." Đứa bạn này cùng quê với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nó nói trong dòng nước mắt đong đầy nỗi nhớ về mẹ mình khi rời xa quê hương để đi học ở Sài Gòn. Và con ngoái nhìn lại bản thân mình, đọc lại những dòng tin nhắn không dấu mà mẹ gửi cho con hàng ngày qua facebook. Con chợt nhận ra rằng, mẹ đã tập tành chơi facebook để nhắn tin cho con kể từ khi con đi học đại học, con cũng chợt nhận ra rằng mẹ đã lấy cớ đi thăm họ hàng dưới Sài Gòn hay đi khám bệnh chỉ để ghé qua thăm con một chút, ngắm nhìn con một chút xem con có ốm đi không. Con nhận ra rằng mẹ luôn là người chủ động nhắn tin với con, còn con mãi trò chuyện với những người bạn mới mà nhắn vài dòng nhát gừng cho mẹ : "ok", "dạ, con biết rồi", "mẹ khỏi lo", "mẹ ngủ đi", ... Con vẫn nhận ra rằng dù ở xa mẹ đến hơn hai trăm cây số nhưng những sợi tóc của mẹ dần chuyển sang màu bạc rồi.Con nhận ra rằng cuộc đời mẹ gắn với hai chữ "gia đình" như chú Đời gắn cuộc đời với gánh hát rong nhỏ của mình. Và nếu có một ngày con có một gia đình nhỏ của riêng mình, con sẽ như thế nào? Con của con có nhận ra tình yêu thương của con dành cho nó không, hay đến khi mười tám tuổi rời xa mái ấm thân thuộc, nó mới biết đến điều quý giá ấy...

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn