Mai Chí Trung

Giảm cân thất bại vì... Ăn ít

Đăng 7 năm trước

Bạn có đang theo một chế độ giảm cân nào không? Tại sao ăn ít lại giảm cân thất bại? Cùng Ohay theo dõi bài viết sau đây nhé!

Nếu bạn muốn giảm cân, giải pháp đơn giản có phải là “ăn ít đi và vận động nhiều hơn”? Việc này thì ai cũng biết. Tuy nhiên, một số người có thể theo nguyên tắc này dễ dàng hơn những người khác, nhất là nếu họ có cân nặng bình thường nhưng bị lên một vài cân sau kỳ nghỉ lễ. Một nghiên cứu mới đây cho biết vì sao phương pháp “ăn ít đi và vận động nhiều hơn” lại thường không hiệu quả đối với những ai mắc chứng béo phì, và nêu lên lý do mà một số loại calo lại tốt hơn cho quá trình giảm cân.  

Vai trò của các hooc-môn

Có thể nói rằng cảm giác no hay đói, tràn đầy năng lượng hay uể oải, phụ thuộc vào một số hooc-môn nhất định – cụ thể là Leptin và Insulin. Thông thường, khi các tế bào mỡ trong cơ thể bị đầy chất béo, chúng sẽ làm sản sinh hooc-môn Leptin để báo với não là cơ thể cần ăn ít đi, vận động nhiều hơn. Tuy nhiên, đối với một người mắc chứng béo phì thì quá trình “truyền tín hiệu” này lại bị biến đổi. Leptin không còn được sản sinh và não sẽ nhận được thông điệp là “ăn nhiều lên, vận động ít đi”. Chính vì vậy việc ăn nhiều, kém vận động – vốn được xem là nguyên nhân gây ra béo phì – thực chất có thể là KẾT QUẢ của tình trạng béo phì.

Sean Lucan, Tiến sĩ Y khoa, Thạc sĩ ngành Sức khỏe Công cộng – thuộc Trường Y Albert Einstein, và James DiNicolatonio, Tiến sĩ Dược khoa – thuộc Viện Tim mạch Trung - Mỹ của bệnh viện St. Luke, thành phố Kansas, bang Missouri, đã tiến hành một nghiên cứu về những vấn đề về y tế công cộng, béo phì và giảm cân.

Họ cho rằng nguồn gốc của chứng béo phì kéo dài chính là đường tinh luyện, các loại carbohydrate hấp thu nhanh và hooc-môn Insulin. Đường tinh luyện và tinh bột làm tăng lượng đường trong máu. Sự tăng lên nhanh chóng của Insulin làm cho đường huyết giảm đột ngột, dẫn đến cảm giác thèm ăn – đặc biệt là đồ ngọt.

Dần dần, việc tiêu thụ quá mức các loại tinh bột và đường tinh luyện có thể dẫn đến hiện tượng “kháng Leptin”, khiến cho người ta không thể xác định mình ăn no hay chưa. Do vậy, kết quả của một chế độ ăn quá nhiều tinh bột và đường tinh luyện là tình trạng thèm ăn ngày càng tăng và vận động thì ngày càng giảm – một vòng lặp nguy hiểm đối với cơ thể và khó có thể phục hồi được.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nguyên nhân chính dẫn đến chứng béo phì không phải lượng calo tiêu thụ, mà là loại thực phẩm được tiêu thụ – cụ thể là đường tinh luyện và các loại tinh bột. Các thực phẩm này sẽ kích hoạt những thay đổi trong não làm hạn chế khả năng xác định trạng thái no và dẫn tới tình trạng bơ phờ, uể oải.

Phương pháp “ăn ít đi, vận động nhiều hơn” có vấn đề gì?

Lucan và DiNicolantonio giải thích vì sao phương pháp giảm béo với chủ trương ăn ít calo hơn là một phương pháp không thỏa đáng và quá đơn giản: “Suy nghĩ theo hướng này thì một calo có nguồn gốc từ cá hồi, dầu ô-liu, gạo trắng hoặc rượu vodka đều có giá trị và tác động như nhau đến thể trọng và tình trạng béo của cơ thể.”

Thực tế, mỗi loại protein, chất béo, carbohydrate và chất cồn đều có những ảnh hưởng riêng đến các hooc-môn tham gia vào quá trình nảy sinh cảm giác no. Lucan và DiNicolantonio đưa ra một số ý kiến khác về việc giảm cân, đó là: một số loại calo làm thỏa mãn cơn thèm ăn và thúc đẩy tiêu hao năng lượng, trong khi một số loại khác làm dậy lên cảm giác đói và khiến cơ thể dự trữ năng lượng – nói cách khác, không phải tất cả các loại calo đều có tác dụng giống nhau.

Hơn nữa, nếu bạn chỉ đơn giản ăn ít thức ăn hơn và tiêu thụ ít calo hơn, bạn sẽ trở nên mệt và đói hơn – chính vì lý do đó, bạn thấy không muốn vận động thêm nữa. Nếu bạn “bỏ đói” cơ thể thì bạn càng thèm ăn những thực phẩm giàu calo, và nhiều khả năng sẽ dẫn đến tình trạng ăn uống vô chừng, không kiểm soát.

Những thực phẩm nào khiến bạn muốn ăn ít đi và vận động nhiều hơn?

Cần nhớ rằng bạn bên lưu ý đến loại thực phẩm thay vì số lượng calo mà mình tiêu thụ. Một số thực phẩm khiến bạn muốn ăn ít đi và vận động nhiều hơn, còn những loại khác sẽ khiến bạn muốn ăn nhiều hơn và gây cảm giác lười vận động.

Xem: 16 loại thực phẩm giúp bạn giảm cân cực nhanh

Ví dụ, chất béo – vốn chứa nhiều calo – có thể làm thỏa mãn cảm giác thèm ăn và kích thích vận động. Các loại hạt, chế phẩm từ sữa, dầu cá, dầu ô-liu thì đều giàu calo và chất béo. Tuy nhiên những thực phẩm này khiến bạn thấy no và tràn đầy năng lượng, nhờ đó bạn sẽ ăn ít đi và năng vận động hơn, giúp quá trình giảm cân được duy trì.

Những chế độ ăn chỉ đơn giản hạn chế gắt gao lượng calo cũng như không chú ý đến loại thực phẩm tiêu thụ sẽ có thể gây tác dụng ngược, nhất là đối với những ai đã mắc chứng béo phì và còn trở nên “kháng Leptin”. Để giải quyết tình trạng “kháng Leptin”, họ cần chuyển sang ăn những thực phẩm giúp não nhận được các tín hiệu xác định tình trạng no hay đói của cơ thể, nhờ đó làm tăng cảm giác no và tràn đầy năng lượng.

Một vấn đề về y tế công cộng

Nếu có “kết tội” những thanh thiếu niên ăn uống vô chừng và kém vận động là “béo quá” thì cũng không có ích gì. Phương pháp đơn giản “ăn ít đi và vận động nhiều hơn” lại cho kết quả trái ngược. Nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy nguyên nhân của việc ăn nhiều và kém vận động là những thay đổi về nội tiết tố thần kinh gây ra bởi những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều tinh bột và đường tinh luyện.

Việc tăng tiêu thụ các loại thực phẩm toàn phần hoặc được chế biến một cách ít nhất có thể (whole/minimally processed food) với những chất béo “lành” như dầu ô-liu, dầu cá và các loại hạt, giúp chúng ta hướng đến việc thay đổi từ gốc (các nội tiết tố thần kinh) hơn là giải quyết hậu quả. Và điều này cũng hướng đến việc giải tỏa cảm giác thất bại, vô vọng mà nhiều người béo phì gặp phải khi họ được ai đấy khuyên một cách đơn giản là: “Hãy ăn ít đi và vận động nhiều hơn”.

Tác giả: Susan Kolod

Chủ đề chính: #giảm_cân

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn