Nguyễn Kế Lê Tiến “Kim loại vì cứng mà hay gãy, nước vì mềm mà được vẹn toàn.”

Harry Reichenbach và những chiêu trò huyền thoại đã làm nên ngành truyền thông ngày nay

Đăng 5 năm trước

Xuất thân là dân gánh xiếc nay đây mai đó với đủ loại chiêu trò tinh quái, Harry Reichenbach đã nâng ngành truyền thông lên một tầm cao mới, với những kỹ thuật sáng tạo vượt ra ngoài mọi khuôn khổ. Đường phố đã dạy cho ông cách phản ứng nhanh cùng với tư duy linh hoạt trong mọi tình huống. Và đó chính là cách mà huyền thoại đặt tiền đề cho ngành truyền thông lẫn điện ảnh ngày nay.

Harry Reichenbach là ai?

Harry Reichenbach (1882 - 1931), chuyên gia truyền thông kỳ cựu người Mỹ. Ông là một trong những người tiên phong đưa ngành điện ảnh Mỹ từ thuở sơ khai trở thành một ngành công nghiệp bạc tỷ như ngày nay. Reichenbach đã từng làm việc với những hãng phim lớn như MGM, Paramount, ... và làm nên tên tuổi của nhiều minh tinh thời bấy giờ. Có thể nói, Reichenbach là một trong những người giúp định hình cả ngành truyền thông lẫn điện ảnh hiện đại.

David Freedman

David Freedman (1898 - 1936), tác giả, chuyên gia viết tiểu sử người Mỹ gốc Romania. Trong suốt 38 năm cuộc đời của mình, ông đã viết ít nhất 9 quyển sách, 11 sô diễn sân khấu và 4 bộ phim. Freedman đã từng được đề cử Pulitzer (Một giải thưởng danh giá về văn học và báo chí) cho tác phẩm của mình.

Từ gánh xiếc đến thương vụ bạc tỷ

"Một gã đàn ông gầy gò, cao lêu nghêu đi dọc con đường lớn ở Frostburg, Maryland, một tay cắp theo một cuộn giấy, tay còn lại cầm theo hai viên gạch.

Bỗng dưng gã ngừng lại, đặt một viên gạch trên vỉa hè, đi khoảng mười bước và đặt tiếp viên thứ hai. Rồi gã quay người lại, ngó ngó nghiêng nghiêng vẻ như đang đo đạc gì đó với hai viên gạch này. Đám đông tò mò bu quanh. Gã cầm viên gạch đầu tiên lên, đến chỗ viên thứ hai rồi đi thêm mười bước nữa, rồi lại quay người ngắm ngắm, vẻ như tính toán dữ lắm. Có người bảo: “Người ta đang đo để xây cái trung tâm mua sắm mới đó.” Người khác bảo: “Không có đâu. Họ đang đo xem mỏ than mới được tìm ra ở George’s Creek trải dài tới đâu đấy thôi.”

Gã đàn ông gầy của chúng ta chẳng thèm để ý tới những thứ mà mọi người đang suy đoán, cứ tiếp tục một cách vô cùng có hệ thống và phương pháp: gã cứ đặt viên này cách viên kia mười bước chân. Còn đám đông à? Đám ngày càng đông cứ đi từ từ theo xem gã đang làm gì.

Lúc đó tôi mới chín tuổi thôi, tóc tai như tổ quạ, giò dài tong teo, mắt to tròn ngây thơ. Khi ấy tôi len lỏi như con lươn trong vũng bùn, luôn tìm được cách đứng được ngay đầu hàng dù đám đông có đặc kín cỡ nào đi nữa.

Sau khi đi được khoảng bốn dãy nhà, gần như cả cái thị trấn Frostburg đã hành quân theo gã gầy xa lạ ấy. Thế rồi bỗng gã dừng ngay trước khu vui chơi của thị trấn. Ngay tại nơi ấy, gã nhẹ nhàng vứt mấy viên gạch sang một bên, mở cuộn giấy ra. Trên cuộn giấy có mấy dòng chữ, ghi là gánh hát Cleveland Minstrels sẽ đến diễn ở đây vào tuần tới, bà con nhớ đến xem.

Gã đàn ông với mấy viên gạch đã dạy tôi bài học đầu tiên trong việc thu hút sự chú ý của đám đông và kéo họ về phía mình. Thay vì đánh trống thổi kèn, gã chỉ cần yên lặng làm việc với hai viên gạch."

Con sư tử và huyền thoại truyền thông

Thông thường, một sản phẩm tốt nếu rơi vào tay một bậc thầy truyền thông có thể trở thành huyền thoại. Nhưng thậm chí, nếu nó chỉ rơi vào tay một chuyên gia tầm thường, con đường phía trước vẫn rất thênh thang. Thế nhưng, đời không như là mơ, không phải sản phẩm nào bản thân cũng tốt, nhất là trong những ngành nghề thuở đầu sơ khai. Và khi không ai dám nhận những món hàng đó, người chủ phải làm thế nào? May thay, luôn có một người sẵn sàng lên tiếng…

Đầu những năm 1920, nước Mỹ là một thiên đường hoang sơ của các công ty khởi nghiệp điện ảnh. Công ty phim xuất hiện khắp nơi, người người làm phim, nhà nhà làm phim, ai cũng mong có thể phất lên nhanh chóng. Tuy nhiên, khi ai cũng đổ xô đi làm thì thượng vàng hạ cám có đủ, đặc biệt là khi những tiêu chí chất lượng vào thời kì này chưa mấy thống nhất. Khác với những sản phẩm thông thường, điện ảnh lúc này thường là những canh bạc tất tay, được ăn cả ngã về không, phim sống thì ít mà chết thì không đếm xuể.

Và đối với Samuel Goldwyn – nhà sáng lập của hãng phim MGM – ông sắp phải đối mặt với một bộ phim thất bát. “Sự trở lại của Tarzan” là phần thứ ba trong chuỗi phim Tarzan, kể về chuyến phiêu lưu của Tarzan cùng một con sư tử. Câu truyện về chàng trai người rừng bị bỏ lại cùng muôn thú này, vốn từ lâu đã là chủ đề khai thác ưa thích của các hãng phim truyện. Thế nhưng, làn sóng Tarzan lúc này không được hot cho lắm, và chất lượng của bộ phim lần này cũng chả mấy khá khẩm. Đặc biệt ở thời điểm đó, làm gì có internet hay TV rộng rãi, các bài quảng cáo báo chí sẽ không tài nào cứu nổi một bộ phim dở, và tương lai của bộ phim khi ấy đúng nghĩa chỉ mành treo chuông.

“Cho tôi một con sư tử thật, tôi sẽ biến bộ phim dở tệ này thành quả bom tấn.” Vị cao nhân đáp, với giọng điệu vô cùng tự tin. “Một con sư tử thật ư? Anh chàng này định làm cái gì chứ?” Goldwyn nghĩ thầm. Nhưng, hiện tại ông biết làm gì hơn ngoài tin tưởng. Tìm đến vị cao nhân này cũng là phương án cuối cùng mà ông có thể lựa chọn, nhất là khi chính anh cũng là người từng làm nên thành công của phim Tarzan phần 1 trước đây.

Thế rồi, 8 ngày trước khi bộ phim công chiếu, một giáo sư âm nhạc đi đến một khách sạn ngay trung tâm thành phố. Vì không muốn chiếc đàn piano của mình bị hằn dấu dây kéo lên lầu, ông đặt một phòng ngay tại tầng trệt. Chiều hôm đó, một hộp đựng đàn to lớn được chở tới và mang vào phòng ông. Sáng hôm sau, vị giáo sư gọi phục vụ phòng yêu cầu món ăn. “À cho tôi thêm bảy cân thịt sống.” Người phục vụ ngạc nhiên thắc mắc, tại sao lại phải cần thịt sống? Vị giáo sư ra vẻ thông cảm và giải thích cho người phục vụ rằng đó là dành cho thú cưng của ông – vốn là một con sư tử – được mang đến trong chiếc hộp đàn hôm qua.

Tay phục vụ kinh hãi chạy đi thông báo với sếp. Tưởng rằng nhân viên của mình bị hâm, vị sếp đích thân tới xem và không mất quá nhiều thời gian để ông nhận ra sự thật về con sư tử. Ba chân bốn cẳng, ông phi đến sở cảnh sát rồi nhanh chóng dẫn họ tới. Chứng kiến cảnh tượng vị giáo sư đang đưa đầu vào miệng sư tử cũng như ra lệnh cho nó diễn trò, những người chứng kiến mặt không còn chút máu. Sự việc sau đó, khi mọi người hoàn hồn, vị giáo sư kể rằng ông đọc được câu chuyện về cậu bé người rừng sống chung với thú và dự định đi tới rừng già so kè xem sao. Đại loại thì ông giàu, ông có thú cưng sư tử và ông tính đổi tên thành T. R. Zann cho giống tên nhân vật.

Sáng hôm sau, câu chuyện về T. R. Zann lan tràn trên báo như bệnh dịch. Mẫu tin này hot đến độ nó kéo dài qua những tập san và tạp chí tuần xuất bản sau đó. Ngay khi thời cơ lên đến chín muồi, vị cao nhân cho bung bài quảng cáo về bộ phim “Sự trở lại của Tarzan” sẽ được ra mắt ở rạp Broadway, NewYork. Thông tin nối tiếp thông tin, liên tưởng nối tiếp liên tưởng, ngay lập tức sự tò mò về bộ phim tăng nhanh một cách chóng mặt. Theo ước tính, có đến 25.000 bản tin liên quan đến Tarzan cháy trên khắp mặt báo. Đỉnh điểm trong ngày công chiếu, vị giáo sư xuất hiện cùng con sư tử trong sự kiện ra mắt bộ phim, và bao nhiêu máy ảnh cứ thế chớp lia lịa. Khỏi phải nói, bộ phim ban đầu vốn tưởng kiếp bom xịt này trong phút chốc bỗng hóa thành một quả bom khủng, và tin tức về nó cứ lan truyền mãi đến tận về sau.

Vị giáo sư âm nhạc chịu chơi kia hóa ra chính là một nhà huấn luyện thú trứ danh, và con sư tử đó chính là bạn diễn của ông. Kịch bản từ đầu đến cuối được dàn dựng hoàn toàn bởi vị cao nhân, người một lần nữa khẳng định biệt tài thu hút đám đông, biến không thành có của mình.Ngày nay, khi nhắc đến Hollywood, người ta thường liên tưởng ngay đến những bom tấn vô cùng hoành tráng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nền điện ảnh nơi đây cũng có khởi đầu vô cùng gian khó. Đã từng có thời các hãng phim phải mày mò tồn tại với từng bộ phim một, và thậm chí không có một bộ phim nào ra hồn trong suốt khoảng thời gian dài. Rất nhiều ông lớn điện ảnh có thể đã không trụ được nếu thiếu đi hơi thở của vị cao nhân đó, con người đã đặt nền móng cho nền điện ảnh Hoa Kỳ rực rỡ như ngày hôm nay, người đàn ông với cái tên Harry Reichenbach.

Mọi câu nói, chi tiết trong bài viết đều được trích ra từ cuốn sách "Bóng ma danh vọng" - David Freedman & Harry Reichenbach (Sách do dịch giả Nguyễn Hạo Nhiên dịch và được NXB Kinh tế Tp.HCM xuất bản). Sau này được chuyển thể thành bộ phim "Một nửa sự thật" (The Half-naked Truth) và đạt thành công lớn.

Lê Tiến - Ohay.tv

Chủ đề chính: #bóng_ma_danh_vọng

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn