Mai Chí Trung

Không Thể Chia Tay – Phải Chăng Bạn Là Người Đồng Phụ Thuộc?

Đăng 7 năm trước

Theo bạn, tình trạng đồng phụ thuộc có thể gây ra những hệ lụy nào trong đời sống tình cảm và tinh thần của người mắc phải? Đã bao giờ bạn chứng kiến tình cảnh của một người đồng phụ thuộc chưa? Cùng Ohay nghiên cứu bài viết sau đây nhé!

Nhiều người nhận thấy mình lặp đi lặp lại một số hành vi không lành mạnh khi quen với ai đó – bất kể là họ có ý tốt.

Hãy xem xét mối quan hệ đồng phụ thuộc –khi hai người có những tính cách bất thường cùng kéo nhau đi xuống. Mớ bòng bong này xuất hiện khi mà giới hạn của hai người trở nên nhập nhằng.

Thử nghĩ về cặp đôi “cơm không lành, canh không ngọt” nhất mà bạn từng gặp xem. (Hy vọng bạn không phải một trong hai người này.) Hẳn là bạn cũng tự hỏi tại sao họ vẫn sống chung với nhau. Người trưởng thành tự nguyện tham gia vào các mối quan hệ. Và dù không êm ấm thì nó vẫn có thể mang lại một số lợi ích cho các bên. Những lý do thường thấy cho việc duy trì mối quan hệ bao gồm con cái, tài chính, thời gian đã bỏ ra và sợ bị xấu hổ nếu chia tay. Nhưng vấn đề lớn hơn là do một trong hai hoặc cả hai tin rằng họ đáng bị đối xử tệ.

Các dấu hiệu của đồng phụ thuộc

Định nghĩa truyền thống về đồng phụ thuộc tập trung vào việc kiểm soát, nuôi dưỡng và duy trì mối quan hệ với người lệ thuộc vào hóa chất, hoặc có những hành vi tiêu cực, ví dụ như ái kỷ. Mô hình đồng phụ thuộc điển hình là người chồng nghiện rượu và người vợ “cho” chồng mình uống rượu.

Dupont và McGovern (1991) biện luận rằng những cá nhân đồng phụ thuộc “cùng gây ra hành vi không lành mạnh, chủ yếu vì họ chỉ tập trung vào những hành vi tiêu cực, đồng thời gắn lòng tự trọng và hạnh phúc của mình với hành vi của thành viên kia.” (trang 316).

Le Poire (1992) cho rằng thành viên bình thường dung dưỡng thành viên bất thường khi thực hiện hành vi tiêu cực. Về cơ bản, điều này khiến thành viên bất thường thích thú, dẫn đến việc họ càng thực hiện nó nhiều hơn. Người kiểm soát những “phần thưởng” lớn nhất (thứ xây dựng nền tảng quyền lực của họ) được xem là người nắm quyền, trong khi thành viên còn lại là người chịu ơn. (Beattie, 1987). Mượn một câu nói từ người thầy của tôi, Reevah Simon,“Ở đâu có xung đột, ở đó có thỏa thuận ngầm.” Nói cách khác, “một tay vỗ không kêu”, và thành viên bất thường có thể không yếu đuối, bị động hoặc vô tội nhưng bề ngoài của họ.

Những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn xác định xem liệu mối quan hệ của mình có phải người đồng phụ thuộc hay không:

  1. Có phải bạn muốn hy sinh hết mức để thỏa mãn nhu cầu của đối phương không?
  2. Bạn có khó từ chối khi đối phương cần đến bạn không?
  3. Bạn có bao che cho việc sử dụng ma túy, uống rượu bia hoặc phạm pháp của đối phương không?
  4. Bạn có thường xuyên lo lắng không biết đối phương nghĩ gì về mình không?
  5. Bạn có cảm thấy tù túng trong mối quan hệ này không?
  6. Bạn thường chọn im lặng để tránh cãi vã không?

Sự phát triển của đồng phụ thuộc

Bản chất con người chúng ta bẩm sinh là dễ tổn thương và phụ thuộc hoàn toàn vào người nuôi dưỡng về nguồn thức ăn, sự an toàn và các quy tắc. Mối liên kết của trẻ sơ sinh với một hoặc nhiều người nuôi dưỡng đặc biệt quan trọng cho sự sinh tồn về mặt thể chất và tinh thần. Sự gắn kết cơ bản này khiến trẻ phụ thuộc vào nhu cầu và độ nhạy cảm của người nuôi dưỡng.

Lớn lên với bậc cha mẹ không đáng tin cậy hoặc vô tâm đồng nghĩa với việc đảm nhận vai trò của người chăm sóc và/hoặc người hỗ trợ. Đứa trẻ trong hoàn cảnh này đặt nhu cầu của cha mẹ lên hàng đầu. Những gia đình bất thường không thừa nhận vấn đề này. Kết quả là các thành viên thường đè nén cảm xúc và lờ đi nhu cầu của bản thân để tập trung vào nhu cầu của người cha/mẹ (hoặc cả hai) thiếu quan tâm. Khi lớn lên, đứa trẻ “già dặn” này sẽ lặp lại lối hành xử này trong những mối quan hệ của mình.

Khi bạn không thừa nhận nhu cầu và mong muốn của bản thân, oán giận sẽ tích tụ dần. Một xu hướng hành vi phổ biến là phản ứng thái quá hoặc bất thình lình nổi giận khi đối phương làm bạn thất vọng. Thiếu kiểm soát nội tâm đồng nghĩa với bạn sẽ đi tìm sự công nhận và kiểm soát từ bên ngoài. Bạn có thể cố kiểm soát hành vi của đối phương để bản thân cảm thấy ổn. Bạn có thể cư xử hách dịch và luôn cho rằng mình đúng, và có những đòi hỏi vô lý với người kia. Và khi nhận ra mình không thể kiểm soát tâm trạng hoặc hành động của họ, bạn đâm ra thất vọng và có thể bị trầm cảm.

Phục hồi từ tình trạng đồng phụ thuộc

Liệu pháp chữa trị đồng phụ thuộc thường bao gồm việc tìm ra những vấn đề thời thơ ấu và mối liên hệ của nó với hành vi tiêu cực ở hiện tại. Kết nối với những cảm giác tổn thương, mất mát và giận dữ vốn đã khắc sâu trong lòng sẽ giúp bạn xây dựng lại những hành vi đúng đắn trong một mối quan hệ.

Liệu pháp tâm lý hiệu quả cao vì những đặc điểm tính cách này đã trở thành “thâm căn cố đế” và rất khó tự thay đổi. Chọn đúng bác sĩ tâm lý có thể tạo nên sự khác biệt trong việc phục hồi của bạn. Bạn sẽ biết mình đang đi đúng hướng khi những đặc điểm sau trở thành một phần tính cách của bạn:

  • Bạn nuôi dưỡng nhu cầu và mong muốn của chính mình, đồng thời phát triển mối liên kết với thế giới nội tâm của bản thân. Bạn thấy mình đáng tin, thông minh và có năng lực.
  • Bạn không còn hành xử tiêu cực. Ý thức, thay đổi và phát triển là rất cần thiết cho bạn và cho đối phương để loại bỏ những thói quen xấu trong mối quan hệ. Bạn thừa nhận hành vi chăm sóc và dung dưỡng và chấm dứt nó.
  • Bạn phản hồi thay vì phản ứng với người yêu/bạn đời – và với những người khác. Vạch ra ranh giới rõ ràng, kiên định nghĩa là bạn không tự động phản ứng lại với suy nghĩ và cảm xúc của mọi người, và không “xù lông nhím” mỗi khi bất đồng với ai đó. Bạn hiểu mình phải chịu trách nhiệm với phản ứng của mình. Bạn biết hoài nghi một cách tích cực đối với những gì người khác nói về bạn (tốt hoặc xấu), và do đó, lòng tự trọng của bạn không bị mất cân bằng. Bạn biết từ chối, và biết chấp nhận lời từ chối.

Khi phục hồi từ tình trạng đồng phụ thuộc, bạn không còn cảm thấy bị buộc phải ở lại trong một mối qua hệ đau khổ, không hạnh phúc nữa. Bạn biết mình phải chịu trách nhiệm với hạnh phúc của bản thân, chứ không phải của ai khác, và vì thế bạn cảm thấy thoải mái với quyết định chia tay.

Tác giả: Linda Esposito

Xem thêm các bài viết hay khác của tôi tại đây

Chủ đề chính: #chia_tay

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn