Cao Lê Văn Thuận

Lăng kính trẻ về hạnh phúc chuẩn Việt

Đăng 6 năm trước

Ngày 21.7.2016, một ngày bình thường nhưng đối với tôi nó rất đặc biệt. Bởi lẽ đó là dấu son đánh dấu một sự công nhận mang tính quốc tế dành cho đất nước tôi – đất nước Việt Nam. Khó ai tin được rằng một nước nhỏ bé như vậy lại được bình chọn là quốc gia hạnh phúc thứ 5 trên thế giới. Ở nơi này tôi biết thế nào là “hạnh phúc chuẩn Việt” và tôi cảm thấy rất tự hào về dải đất hình chữ S thân yêu.

Thế nào là hạnh phúc chuẩn Việt ?

Hạnh phúc chuẩn Việt theo tôi là sự hạnh phúc, sự thoả mãn theo quan điểm của từng cá nhân mà cụ thể là những người dân đang sống, học tập và làm việc trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Hạnh phúc đạt chuẩn phải là sự đáp ứng những nhu cầu bất thiết của xã hội xoay quanh yếu tố con người. Có con người, có những mong muốn thầm kín thì hạnh phúc mới được nảy sinh và phát triển. 

Con người và nhu cầu hạnh phúc có mối liên hệ qua lại. Và theo tôi Việt Nam trở thành một quốc gia hạnh phúc là nhờ vào những phẩm chất, những lối sống cả về vật chất lẫn tinh thần của con người nơi đây vốn được hun đúc từ ngàn xưa. Theo thời gian những bản ngã tốt đẹp của người Việt vẫn vẹn nguyên giá trị dù sức mạnh vô hình của thời gian có tác động khôn lường. Người Việt Nam chung thuỷ, thật thà. Họ đôn hậu, thân thiện mang trong mình một trái tim ấm áp sưởi ấm và có sức lan toả diệu kỳ đến người mọi người. Họ luôn luôn nhạy bén với cái mới, biết linh động và sáng tạo, làm chủ hoàn cảnh để vươn mình, phá bỏ những rào cản để có thể chinh phục  những thành công. Đôi khi hạnh phúc đơn giản chỉ là một cái ôm nồng, một lời chào thân thiện hay một sự nỗ lực, kiên trì để đạt được mục đích. Với lại hơn hết con người Việt Nam hiếu học, siêng năng, có tinh thần tương thân tương ái, đặc biệt là có tinh thần yêu nước rất cao. Những điều tưởng chừng như quá nhỏ nhặt lại mang lại sự hạnh phúc chính đáng và cao cả biết nhường nào. Và Bác Hồ hay vị tướng Võ Nguyên Giáp là những hiện thân sáng ngời cho những phẩm chất tốt đẹp và cao quý của con người Việt Nam. 

Bên cạnh đó, hạnh phúc chuẩn Việt còn được tạo lập bởi những giá trị cốt lõi của văn hoá truyền thống Việt Nam. Nó mang trong mình một bản sắc mà ở đó sự kết tinh giữa tinh hoa và linh hồn dân tộc được hoà quyện. Cụ thể là áo dài Việt Nam ngày nay dù vẫn giữ được nét truyền thống, cổ điển nhưng khi xã hội đang trên đà hội nhập thì dường như chiếc áo dài đã được thổi vào mình một làn gió mới, một hơi thở trẻ trung, năng động hơn. Từ đó những chiếc áo dài cách tân ra đời là kết quả của sự hài hoà Đông kim cổ và Tây hiện đại, dù được phá cách đầy cá tính nhưng vẫn không làm mất đi dấu ấn riêng, tinh thần hoài niệm của chiếc áo dài ngày xưa. 

Mặc khác, theo tôi thì hạnh phúc chuẩn Việt còn được thể hiện qua dáng hình của người phụ nữ Việt Nam, qua những đường nét, những giá trị nhân cách tốt đẹp của họ. Phụ nữ Việt Nam “ kiên cường – bất khuất – trung hậu – đảm đang”. Họ xứng đáng làm nên những hạnh phúc bình dị nhất đối với mỗi người dân nước Việt. Họ có thể là người mẹ già luôn tảo tần, sớm hơn lo cho chồng cho con. Họ có thể là những người phụ nữ luôn chung thuỷ , sẵn sàng hi sinh xông pha nơi chiến trận để bảo vệ tình yêu, gia đình và cả đất nước. Có thể nói nhờ những phẩm chất “công – dung – ngôn – hạnh” từ xưa mà ngày nay phụ nữ Việt Nam không những vẹn tròn về đạo đức mà họ còn nhận được sự công nhận bình đẳng, luôn được yêu thương trân trọng cũng như có thể toả sáng và bay xa hơn trong những lĩnh vực mà họ theo đuổi. Đến với Việt Nam là đến với một đất nước biết yêu thương, san sẻ, và đồng cảm.

Những yếu tố làm nên hạnh phúc chuẩn Việt.

Trên hết theo quan điểm của tôi một quốc gia được bình chọn là hạnh phúc còn phải thể hiện sự tương quan phù hợp nhất về các chỉ số hạnh phúc khác nhau. Và có thể nói rằng sự hài lòng của người dân đối với đất nước mình đang sinh sống là một điều kiện tiên quyết nhất định cấu thành nên một quốc gia hạnh phúc. Nước tôi đã làm được điều ấy khi có những thay đổi tích cực về giáo dục, chính trị - kinh tế - xã hội cũng như triển khai những dự án mang tính hội nhập để đảm bảo cho sự ấm no, hạnh phúc của con người. Tuổi thọ trung bình của người dân mỗi nước cũng được xem là thước đo đánh giá chỉ số hạnh phúc của một quốc gia. Nhờ chủ động và tích cực thực hiện những chính sách thích hợp cũng như sự đồng thuận của Nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức quốc tế về những chế độ an sinh xã hội… mà tuổi thọ trung bình của nước ta đạt tới mức ổn định. Khắc phục được những mặt hạn chế và đặt lợi ích chung của con người, xã hội lên hàng đầu là phương châm sống quý báu nhất giúp mang lại nhu cầu hạnh phúc đầy thiết thực cho mọi người dân.

Ngoài ra sự bất bình đẳng về thu nhập GDP cũng như thu nhập trong các vấn đề giao lưu, học thuật sáng tạo, hội nhập và dấu chân sinh thái cũng là hai tiêu chí đặc biệt quan trọng. Một quốc gia có mức thu nhập quá cao hay quá thấp đều nảy sinh những hệ luỵ vì thế tốt hơn hết là phải có những đề xuất hợp với xu hướng chung của thời đại để có  thiểu sự bất bình đẳng thu nhập về cả quốc nội và quốc ngoại. Dấu chân sinh thái là cán cân tác động người dân ở mỗi nước đối với môi trường.Tức là ý thức cũng như trách nhiệm bảo vệ môi trường được xem xét là giá trị bình phẩm tiêu chuẩn hạnh phúc mỗi quốc gia. Và Việt Nam tôi, quốc gia tôi đã thực hiện tốt những tiêu chí trên nên tôi thấy rất tự hào khi nói rằng “ Tôi đang sống ở một quốc gia hạnh phúc, quốc gia đẹp bởi tạo hoá thiên nhiên, đẹp bởi yếu tố con người và cả những tinh hoa văn hoá nhân loại nữa”.

Điều quan trọng cuối cùng mà đối với tôi một quốc gia hạnh phúc là không thể thiếu được đó là sự hoà bình,không chiến tranh, không có sự xung đột sắc tộc, tôn giáo, màu da, không có sự bất bình đẳng giới và trẻ em – những thiên thần nhỏ, những mầm mon tương lai –phải được chăm lo, hỗ trợ tích cực về giáo dục, về tình cảm để các em nhỏ ấy có thể nhận thức được rằng bản thân mình thật sự hạnh phúc khi sống trong một xã hội hạnh phúc.Tóm lại tiêu chuẩn hạnh phúc theo quan điểm của tôi, quan điểm góc nhìn của một người trẻ Việt Nam là thế đấy,tôi cảm nhận bằng chính tình yêu, óc quan sát suốt 18 năm qua cũng như xem xét những giá trị xã hội, giá trị truyền thống và giá trị hội nhập để tôi biết được rằng bản thân mình thật may mắn khi được sinh ra và là một phần của đất nước Việt Nam. Chiếc la bàn quốc tế vẫn luôn soi sáng và hướng tới sự tiến bộ thông minh của các quốc gia và tôi tin rằng trong tương lai Việt Nam vẫn đáp ứng đầy đủ những tiêu chí cần có của một quốc gia hạnh phúc. Nước chúng tôi tuy nhỏ nhưng có thể học hỏi từ những nước khác để rồi có những chiến lược phát triển để đảm bảo sự tồn tại lâu dài, hướng xã hội đến một cuộc sống bền vững, ấm no và hạnh phúc.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn