Hoàng văn Ái

Người phụ nữ H'mông có ảnh hưởng nhất Việt Nam

Đăng 7 năm trước

Đây là người phụ nữ dân tộc thiểu số đầu tiên được lọt vào danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.

Có lẽ ít ai biết rằng ở nơi địa đầu tổ quốc – tỉnh Hà Giang xa xôi lại có một người phụ nữ dân tộc tài giỏi, có công rất lớn đem lại hàng trăm công ăn, việc làm cho phụ nữ dân tộc H’mông. Chị là Vàng Thị Mai sinh năm 1962 tại xã Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang. 

Sinh năm 1962 tại xã Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang, Vàng Thị Mai đã có hơn 20 năm trong vai trò Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ của xã (từ 1980 – 2006) nên cô thấu hiểu đời sống khó khăn của bà con dân tộc H’mông, nhất là phụ nữ. Cô chia sẻ: “Đời sống bà con khi đó còn thiếu đói lắm. Chị em phụ nữ chăm chỉ, làm quần quật suốt ngày mà không đủ ăn, hết lên nương, vào rừng rồi lại chăn nuôi, chăm chồng con không nghỉ mà vẫn cơ cực, thương lắm. Phụ nữ H’mông chịu khó mà còn khéo tay nữa. Lên 13 tuổi, ngoài lên nương, các cô gái đã biết se sợi, dệt vải, thêu thùa và may váy áo. Vậy mà vẫn đói khổ. Tôi nghĩ, sao không dệt lanh may váy áo để bán, cải thiện đời sống?”.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm từ kêu gọi chị em địa phương duy trì giữ gìn truyền thống, hướng dẫn thêu thùa, may vá đến tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã, cô Vàng Thị Mai đã đưa lanh Lùng Tám đi khắp nơi trên thế giới. 

Năm 2009, Hợp tác xã Hợp Tiến ký kết với tổ chức hướng nghiệp quốc tế của Pháp Association Batik International mở lớp hướng dẫn nâng cao tay nghề may, dệt lanh. Năm 2008, 2010 và 2011 chị được Đại sứ quán Pháp và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mời tham dự Hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu. Đây là cơ hội vàng để cô giới thiệu sản phẩm vải lanh ra thế giới. Cô trực tiếp đưa sản phẩm vải lanh của người H’mông Quản Bạ đi khắp các nước Ý, Mỹ,Pháp, Thụy Sĩ…

Không phụ sự miệt mài của cô trong suốt thời gian qua, Forbes Việt Nam chọn cô vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 vì vai trò tiên phong trong việc đưa sản phẩm dệt lanh thổ cẩm có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế. Việc làm này giúp cải thiện đời sống của phụ nữ, thay đổi tư duy truyền thống trọng nam khinh nữ của người Mông khi người phụ nữ trở thành trụ cột kinh tế gia đình. Ngoài ra, mô hình này sử dụng nguyên liệu địa phương, giúp người dân tiếp tục gắn bó và duy trì, phát triển những giá trị truyền thống của dân tộc.

Một số hình ảnh của hợp tác xã dệt lanh của cô Vàng Thị Mai

Hoàng Ái - OhayTV

Chủ đề chính: #Làng_dệt_lanh_Lùng_Tám

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn