Nhím xinh Trên con đường của thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng.

Những điều bố mẹ cần làm để bảo vệ con khỏi bị bắt cóc.

Đăng 7 năm trước

Nạn bắt cóc trẻ em càng ngày càng trở nên phức tạp, hãy trang bị cho con những kiến thức tự bảo vệ trước khi quá muộn.

Đừng bao giờ ghi tên trẻ lên ba lô hay quần áo:

Một số bậc cha mẹ thường hay ghi tên trẻ lên ba lô của con mà không hề biết rằng việc làm đó đang tiếp tay cho bọn bắt cóc. Trẻ thường cảm thấy thân quen hơn với những người biết tên chúng, và bọn bắt cóc sẽ dễ dàng đánh lừa các bé khi đóng vai người quen của bố, mẹ trẻ. Vì thế, không bao giờ ghi tên con lên ba lô hay bất cứ thứ gì con mang trên người chính là cách bảo vệ con khỏi nguy hiểm.

Dạy con ghi nhớ ít nhất 2 số điện thoại của người thân:

Dạy con ghi nhớ ít nhất 2 số điện thoại của bố, mẹ và một người thân khác như ông, bà,... để đề phòng trường hợp trẻ đi lạc. Dạy trẻ nhiều hơn một số điện thoại để tránh tình trạng máy bận hoặc không liên lạc được. Bên cạnh đó, bố mẹ cần dạy cho trẻ thêm một số thông tin về gia đình như địa chỉ nhà, tên bố, mẹ,... Cần liên tục yêu cầu con nhắc lại để chắc chắn rằng con luôn ghi nhớ.

Dạy con từ chối tất cả những thứ mà người lạ đưa cho:

Kẻ bắt cóc thường lấy lòng trẻ bằng thức ăn hay những món đồ chơi, sau đó dụ dỗ trẻ đi theo chúng. Bạn cần phải dạy con từ chối tất cả những thứ đó và không đi theo người lạ, nhất là khi không có mặt bố mẹ. Dạy con chỉ nhận đồ của người quen sau khi đã được bố mẹ đồng ý.

Dạy con tự bảo vệ mình trước kẻ xấu:

Dạy trẻ bỏ chạy khi có người lạ cố tình tiếp cận trẻ. Dạy con hét lên: “Cứu cháu với, đây không phải là bố mẹ cháu”, nhắc con nhấn mạnh câu “đây không phải bố mẹ cháu” để những người xung quanh chú ý và giúp đỡ vì kẻ bắt cóc thường giả làm bố mẹ trẻ để đánh lạc hướng mọi người.

Dạy con xác định “nơi an toàn” và “người lạ đáng tin”:

Bố mẹ có thể nói với trẻ về những người lạ đáng tin như chú công an, cô bảo vệ, chú bộ đội,... dặn trẻ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đó. Dạy con khi bị kẻ xấu tấn công, hãy chạy tới những “nơi an toàn” là quầy thu ngân của siêu thị, cửa hàng bách hóa, đồn cảnh sát,...

Cùng trẻ xem các đoạn phim, video mô phỏng các tình huống:

Bố mẹ cùng con xem các đoạn phim dựng lại các tình huống nguy hiểm rồi phân tích cho con để trẻ dần hình thành ý thức tự bảo vệ khi gặp những tình huống tương tự.

Tập thói quen đi hỏi về chào:

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, hãy tập cho trẻ thói quen xin phép bố mẹ, ông bà trước khi đi đâu đó và chào hỏi khi trở về. Hãy biết chắc chắn nơi con bạn đến và những người con ở cùng.

Hạn chế đưa những thông tin về trẻ lên mạng xã hội:

Tâm lý chung của các ông bố bà mẹ là muốn khoe những tấm ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu của trẻ lên mạng xã hội, đặc biệt là facebook, và khi trả lời các bình luận, bạn vô tình để lộ thông tin về con như tên, tuổi, nhà trẻ nơi bé học. Điều đó giúp cho kẻ bắt cóc không tốn chút công sức nào mà vẫn có được thông tin của bé. 

Chủ đề chính: #Bắt_cóc_trẻ_em

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn