Lạc Thư Trầm Gã mộng mơ lạc lối tìm lại chính mình bằng những con chữ ấp bằng cả niềm đam mê

Những giả thuyết thú vị quanh tên các 'Bà' ở Sài Gòn

Đăng 4 năm trước

Ở Thành Phố Hồ Chí Minh ngày nay vẫn còn rất nhiều địa danh mang tên Bà, như Bà Chiểu, Bà Quẹo ,Bà Hom... Vậy các địa danh này có gì đặc biệt và thật ra các Bà ấy là ai? hãy cùng Lạc Thư Trầm và thằng em con ông chú họ tìm hiểu xem sao nhé!

Dẫn Nhập : Câu chuyện "một ông năm bà"

Trước khi bắt đầu với các " Bà", tôi xin lướt qua một "ông" được nhiều người biết đến ở thành phố Hồ Chí Minh, là "ông Lãnh", trong cầu ông Lãnh hay chợ cầu Ông Lãnh.

Thằng em con ông chú họ bà con xa của tôi sau rất nhiều lần hớ hênh, phát biểu linh tinh,lần này cũng chịu tra cứu cho rõ ràng rồi mới kết luận. Ông Lãnh trong cầu Ông Lãnh chính là đang nói về ông Lãnh Binh Thăng.

Và theo học giả Trương Vĩnh ký,một trong 18 nhà bác học thế giới thế kỷ 19 cho rằng, Ông Lãnh là vị lãnh binh tên Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), võ tướng nhà Nguyễn thời vua Tự Đức. Ông thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên của Nam Kỳ.  

Ngày nay tên của ông còn được đặt cho một con đường ở quận 11, gần công viên văn hóa  Đầm Sen.

Và không biết từ đâu, mà thằng em con ông chú họ của tôi dẫn nguồn nhiều bài báo mạng cho rằng những bà như Bà Chiểu, Bà Hom, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo... là tên của những bà vợ của ngài lãnh binh. Và để tiện cho việc làm kinh tế và các bà vợ không chạm mặt nhau, ông Lãnh lập ra năm khu chợ ở năm vị trí xa nhau để các bà trông nom.

Nhưng thông tin này vấp phải nhiều tranh luận. Trước khi bước vào bài viết này, tôi xin dẫn lời của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển:

“Tiện đây tôi yêu cầu các học giả nên thận trọng lời diễn luận chẳng khá làm tàng bịa đặt tên “nhà thương Ðầm Ðất (như trong một tờ tạp chí kia), trong lúc dưỡng đường Grall được xây cất trên một đồn đất thật sự, ai ai cũng rõ biết, và cũng không nên vì thấy gần Sài Gòn có những chợ: “Ông Lãnh”, “Bà Chiểu”, “Bà Ðiểm, “Bà Hom”, “Bà Rịa”, “Bà Ðen” rồi đề quyết năm bà là thê thiếp ông Lãnh binh nọ. Tội chết đa! Tuy người mất rồi không nói được, chớ còn người cố cựu nữa chi?”.

Bà Chiểu

Khu vực Bà Chiểu không có tên trên bản đồ hành chính nhưng từ lâu đời đã nằm trong tâm thức bà con cư dân ở đây. Vùng Bà Chiểu được mặc định khoanh vùng từ đầu đường Nơ Trang Long chạy tới ngã năm Bình Hòa, xuống đường Chu Văn An, qua đường Đinh Bộ Lĩnh tới Điện Biên Phủ, chạy tới cầu Điện Biên Phủ quẹo bờ kè đường Trường Sa, bọc qua khu Miếu Nổi tới cầu Hoàng Hoa Thám, rồi qua đường Vạn Kiếp trở về tới BV Nhân dân Gia Định đầu đường Nơ Trang Long…

Chợ Bà Chiểu nằm cạnh lăng Ông, nên thường được gọi chung là Lăng Ông Bà chiểu. Rất dè dặt, thằng em tôi hỏi không biết chỗ này có liên quan gì đến nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu hay không. Nói thật, có một thời gian tôi cũng từng có thắc mắc như vậy, còn các bạn, những người đã và đang sống ở Sài Gòn,có như anh em tôi không ?

Dĩ nhiên khi tìm hiểu sẽ biết, mộ của cụ Đồ Chiểu được đặt ở tận BếnTre. Còn lăng Ông  ở Bà Chiểu là lăng của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Nói chung là không liên quan "lan quyên" gì ở đây cả!

Vậy còn bà Chiểu?

Khu vực chợ Bà Chiểu hiện nay ngày xưa là một cái ao tự nhiên trong một vùng đất cao, um tùm cây cao bóng cả. Dân cư bấy giờ còn thưa thớt. Họ tin nơi này rất linh thiêng nên đã dựng lên một cái miếu thờ Bà (theo tín ngưỡng dân gian) bên cạnh ao nước. Vì vậy từ “chiểu” không phải là tên bà nào cả, mà nghĩa chữ Hán là “cái ao” nên dân gian gọi nơi này là Bà Chiểu. Theo nhà văn - nhà nghiên cứu Sơn Nam, Bà Chiểu nghĩa là “Nữ thần thờ nơi ao nước”. Bà Chiểu trở thành tên vùng đất, giống như địa danh Linh Chiểu ở Thủ Đức vậy. 

Cũng theo nhà văn - nhà nghiên cứu Sơn Nam thì địa danh Bà Chiểu mới có từ thời Tự Đức. Còn chợ Bà Chiểu mãi đến năm 1942 mới chính thức được xây dựng. Năm 1987, chợ Bà Chiểu được trùng tu, nâng cấp với gần 800 gian hàng, nổi tiếng là chợ bán lẻ trong khu vực với hơn 40 ngành hàng.


Có những câu hỏi chúng ta để nó lướt qua trong cuộc đời, vì đinh ninh một câu trả lời mình nghĩ là không cần kiểm chứng hoặc giả là bị cuộc sống cuốn đi mà không có thời gian ngoái lại. Đôi khi lỡ một câu trả lời, cũng là lỡ một câu chuyện thú vị, các bạn có thấy vậy không ?

Bà Hom

Đường Bà Hom (quận Bình Tân) nối dài từ vòng xoay Phú Lâm về phía quốc lộ 1. Bà Hom không chỉ là một con đường mà là tên của cả một khu vực rộng lớn bao gồm cả cầu và chợ thuộc phường Tân Tạo. Từ sau năm 1954 dân cư tập trung đông, đường nông thôn trở thành đường phố, dân chúng quen gọi đường Bà Hom, sau này thành tên chính thức.

Theo lý giải của " ông già Nam Bộ" Sơn Nam thì đó là Bàu Hom (ao nước ngâm hom tre) nói chệch mà thành. Chợ Bà Hom trên đường Lộ Tẻ (xưa thuộc Bình Chánh nay là một phần của Quận Bình Tân) không có tư liệu nào xác định năm xây.

Theo cách lý giải này thì Bà Hom không phải tên của một bà nào hết, mà chỉ là cách đọc bị trại đi rất hay gặp ở xứ Nam kỳ !

Nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư,Bà Hom là địa danh cũ ở đất Phiên An, một trong năm ngũ trấn của trấn Gia Định từ năm 1802.Bà Hom có thể là tên của một người bán quán ở chợ xã Tân Tạo, nên ngôi chợ này cũng mang tên bà.

Chuyện xưa tích cũ, không thể tường tỏ, nhưng như đốm lửa lập lòe chẳng phải khiến chúng ta sẽ còn mãi băn khoăn mà tìm tòi ra tận nguyên gốc gác?

Chợ Bà Hoa

Một trong những chuyện vui mà tôi và thằng em con ông chú họ có dịp cùng nhau trải qua đó là tôi hen nó đi ăn mì Quảng ở chợ Bà Hoa. Nó đi dọc theo đường Trần Mai Ninh vào rồi đứng trước một ngôi chợ tên là chợ phường 11. Nó lấy điện thoại ra và gọi cho tôi mà nói lớn: " anh ba, em đứng trước chợ phường 11 rồi, mà không thấy chợ bà hoa bà bông gì đâu"

Sau này nó kể khi gác máy xuống thì các cô chú tiểu thương gần đó đều trừng mắt nhìn nó theo kiểu "Nhóc đến từ hành tinh nào vậy", một số ít còn còn vẻ khó chịu nữa. 

Bởi Cái chợ phường 11 ấy, có cái tên thân thuộc gần gũi hơn nhiều là Chợ Bà Hoa, theo tên người phụ nữ di cư vào Nam năm 1954, có công mua đất, thành lập chợ trong những năm 70 của thế kỷ trước.

Ngoài món Mì Quảng, ngôi chợ đan trong những con đường nhỏ gần ngã tư Bảy Hiền này còn là một thiên đường ẩm thực với nhiều đặc sản của di dân miền trung. 

Sài Gòn là đất của người tứ xứ, họ đến và mang theo những món ngon của quê hương mình. Coi như đó là điều may mắn cho những thực khách nơi này, ở tại chỗ mà  ăn món ngon khắp cả thế gian.

Bà Điểm

Khi nhắc đến Bà Điểm, chúng ta thường nhớ ngay đến Mười Tám Thôn Vườn Trầu, một căn cứ cách mạng huyền thoại. Nhưng bà Điểm là ai, tại sao lại được đặt tên cho vùng đất ngày nay thuộc địa phận Hóc Môn?

Thằng em con ông chú họ của tôi thì lanh chanh gọi tên ĐoànThị Điểm, một nhân vật có thựcc vừa được điện ảnh hóa trong một bộ phim đình đám đầu năm. Nhưng gần như chắc chắn nữ sĩ diễn nôm tác phẩm nổi tiếng Chinh Phụ ngâm không phải là nhân vật được đặt tên cho địa danh Bà Điểm.


Theo một số học giả,tương truyền vào năm 1868, đoàn người đi từ huyện Bố Chính thuộc tỉnh Quảng Bình vào vùng đất miền Nam khai phá, đến đây họ gặp người phụ nữ bán nước bên đường tên là Điểm, nên họ dùng chính cái tên này để gọi tên cho vùng đất là Bà Điểm. Còn một lý giải nữa cho tên gọi này, khi Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc ở vùng này, tại nhà bà lão tên Điểm nên thôn Tân Thới Nhứt (một trong 6 thôn đầu tiên của Mười tám thôn vườn trầu) có tên là Bà Điểm.

Bà Quẹo

Địa danh Bà Quẹo có từ thế kỷ 19, chỉ khu vực gồm phường 13 và 14 của quận Tân Bình. Đây còn là tên chợ trên đường Trường Chinh đoạn gần ngã ba Âu Cơ, thuộc phường 14.Chợ Bà Quẹo thành lập từ năm 1967, diện tích hơn 2.000 m2. Năm 1978, chợ được đổi tên thành Võ Thành Trang, là chợ đầu mối thu mua nông sản từ Củ Chi, Hóc Môn, Long An...

Nơi đây thì thân thuộc với cả tôi và thằng em con ông chú họ vì chúng tôi có một thời gian sống khá dài ở gần khu vực này.

Và cũng giống như Bà Hom, theo học giả Vương Hồng Sển thì đó cũng chỉ là cách trại đi của từ bầu quẹo hay bờ quẹo. Vì chợ này nằm nghe cua quẹo giao nhau giữa đường Trường Chinh và đường Âu Cơ.

Nhưng thằng em tôi thì bảo,nó đi hỏi những người lớn tuổi thì không biết tìm đâu ra thông tin xưa ở chợ có một phụ nữ không chồng con, tay bị tật (người miền Nam gọi là vẹo hay quẹo tay) buôn bán lâu năm. Người trong vùng lấy đặc điểm này đặt tên chợ cho dễ nhớ, lâu dần cách gọi này thành tên chợ.

Bạn nghiêng về giả thiết nào hơn?

Bà Hạt

Bà Hạt ngày nay chỉ còn là tên của môt con đường ở quận 10. Hiện nay không còn dấu tích của một ngôi chợ Bà Hạt nào nữa. Thông tin về việc từng tồn tại một ngôi chợ như vậy được cho là từ thời Pháp Thuộc nên thật ra rất khó kiểm chứng.Và giờ cũng không khảo sát được vì dân cư và địa lý hiện tại thay đổi quá nhiều.

Hiện cũng không nhiều học giả , những nhà nghiên cứu về Sài Gòn xưa dám đưa ra giả thuyết về địa danh Bà Hạt này. 

Chỉ có hai giả thuyết được đưa ra, trong đó có một cái là của thằng em con ông chú họ của tôi.

Giả thuyết thứ nhất là theo cuốn tên đường Thành phố Hồ Chí Minh.

 “Theo ông Kha Văn Dưỡng, Quận trưởng quận 4 thời Đệ nhất Cộng hoà và truyền văn được ông Thuần Phong thuật lại trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn chỉ nam thì xưa kia, trước khi người Pháp chiếm Sài Gòn, có một bà già tục danh là bà Hạt mở quán buôn bán ở đây”.Dân chúng thường dùng tên “quán Bà Hạt” để chỉ cả vùng. Lâu ngày, tên Bà Hạt trở thành địa danh. Khi người Pháp chỉnh trang vùng Chợ Lớn, bèn lấy tên Bà Hạt đặt cho con đường chạy qua theo tên dân bản địa thường gọi.

Còn giả thuyết của thằng em tôi, thì nếu sợ mất thời gian, bạn có thể bỏ qua, còn nếu đang muốn tìm một chút hài hước thì đây nguyên văn của anh chàng : " Vì ngày xưa ở đây có một bà chuyên bán lá bạc hà nói lái thành Bà Hạt"

Thôi, tôi xin miễn bình luận !

Vỹ Thanh

Dĩ nhiên mọi thứ đã đi qua chúng ta ngày hôm nay sẽ không thể tường minh hết thảy. Ai cũng sẽ có những định giải,những câu chuyện của riêng mình về một địa danh nào đó. Nhưng những thắc mắc nếu có nảy ra thì hãy đi tìm và kiểm chứng vì biết đâu hành trình đó sẽ thu hoạch phụ trội nhiều hơn bạn nghĩ.  

Hy vọng các bạn sẽ thích những bài viết tìm hiểu về đất Sài Thành, về những khoảng không gian xưa và này, những câu chuyện ẩn mình trong trầm tích thời gian. Nếu có, xin các ban đừng ngại mà để lại tương tác cho chúng tôi biết để còn mang cảm hứng mà đi xa hơn nữa...

Đi xa nhưng xích lại gần nhau, xích lại nguồn cội!

Chủ đề chính: #sài_gòn

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn