Lạc Thư Trầm Gã mộng mơ lạc lối tìm lại chính mình bằng những con chữ ấp bằng cả niềm đam mê

Những huyền thoại trong ngành tình báo Việt Nam đã đi vào phim ảnh

Đăng 4 năm trước

Nguyễn Chánh Tín đã có một vai Nguyễn Thành Luân để đời trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Nhưng không phải ai cũng biết, Nguyễn Thành Luân ấy được chuyển thể từ cuộc đời của một nhân vật tình báo hoàn toàn có thật trong lịch sử. Vậy chúng ta cùng xem có những huyền thoại tình báo Việt Nam nào đã được 'lên phim' nhé!

Đặng Trần Đức

Thiếu Tướng Đặng Trần Đức, còn được biết đến với bí danh Ba Quốc,trong chiến tranh Việt Nam, vào những năm 60 đến khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ 20, Ba Quốc hoạt động trong cơ sở tình báo số H.67. Từ năm 1963, Ba Quốc được cài vào làm một trong những trợ lý "trung thành" của Bác sĩ Trần Kim Tuyến tại bộ phận tình báo trong nước thuộc Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa (CIO) do Trần Kim Tuyến đứng đầu. Ở vị trí này, Ba Quốc được tiếp cận với hầu hết các tài liệu quan trọng trong mạng lưới tình báo của Việt Nam Cộng hòa.

Ông sinh năm 1922, trong một gia đình nghèo ở làng Thanh Trì, Hà Nội. Tháng 5.1945, ông tham gia cách mạng trong phong trào Việt Minh tại khu Hàng Trống (Hà Nội). Năm 1954, ông là một trong những cán bộ ưu tú được Trung ương Đảng chọn bí mật vào Nam hoạt động. 

Ông đã tạo được vỏ bọc, “leo cao, chui sâu” vào chính quyền chế độ cũ. Ngoài tin tức về gián điệp, biệt kích, ông còn cung cấp tin tức về quân sự. Đặc biệt là thông tin về việc Mỹ sẽ ném bom miền Bắc năm 1973 và những hồ sơ, dữ liệu rất có giá trị. Nhiều hồ sơ, ông lấy được trước cả khi nó được đặt lên bàn của tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, bị bắt buộc phải thanh lọc nội bộ bằng máy phát hiện nói dối, ông đã vượt qua thử thách, tiếp tục hoạt động cho đến ngày bị lộ vào tháng 5.1974. Trước khi rút, ông đã vận động một số nhân vật trong chính quyền Sài Gòn ủng hộ cách mạng - một việc làm táo bạo của một nhà tình báo. 

Hai mươi năm hoạt động trong lòng địch, ông và gia đình đã phải chịu một thiệt thòi, hy sinh lớn. Đó là người vợ đầu của ông - bà Phạm Thị Thanh - âm thầm chịu đựng tiếng đời khen chê, một mình nuôi con, quyết không hé lộ nửa lời về nhiệm vụ của chồng. Năm 1954, lúc ông ra đi, để giữ bí mật cho ông, vợ con ông đã chấp nhận rời Hà Nội, lên vùng rừng núi ở Nông trường Vân Lĩnh - Phú Thọ sống những tháng ngày cơ cực, bị phân biệt đối xử của xã hội vì tội có chồng và cha “theo giặc vào Nam”. Trong khi đó, những năm tháng ông hoạt động tại Sài Gòn, người vợ thứ hai của ông - bà Ngô Thị Xuân - cùng hai con đều tham gia công việc bí mật... Năm 1975, trở về, ông mới được biết rằng, ngay từ lúc mình ra đi, vợ con (ở Sài Gòn) đã phải vào tù ra khám, chịu đòn roi, ngược đãi vì tội có chồng, có cha “chống lại quốc gia”. 

Sau giải phóng, ông Ba Quốc là điệp viên duy nhất tiếp tục tham gia vào ngành tình báo quốc phòng VN, trong vai trò là một cán bộ tình báo và sau này là chỉ huy tình báo. Ông có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng, giúp lãnh đạo hiểu rõ tình hình và đưa ra những chủ trương đúng đắn, kịp thời về vấn đề Campuchia vào những năm bảy mươi thế kỷ trước.

Câu chuyện đầy cảm xúc về hai cuộc hôn nhân ấy đã được các nhà làm phim chuyển thể thành bộ phim truyền hình từng gây sốt, Vị tướng Tình báo và hai bà vợ. Không ngừng ở đó, 10 tập phim tài liệu về cuộc đời ông cũng đã được thực hiện...

Như chính những vị đạo diễn làm phim về ông từng nói, những thước phim 24 hình/ giây chỉ là những lát cắt hết sức chân phương về cuộc đời đầy những biến thiên của ông nhưng vẫn nguyện lòng son với đất nước,với tổ chức, còn hành trình dài , ly kỳ, và đấy hiểm nguy mà ông trải qua đã trở thành một phần của lịch sử hào hùng của dân tộc.

Phạm Ngọc Thảo

Đại tá Phạm Ngọc Thảo sinh năm 1922 tại Sài Gòn, nguyên quán ở tỉnh Bến Tre. Ông xuất thân trong một gia đình điền chủ có quốc tịch Pháp. Tốt nghiệp trung học Công giáo Taberd ở Sài Gòn và có theo học ngành công chính.Sau năm 1945 theo kháng chiến chống Pháp. Sau hiệp định Genève, ông dạy học ở Sài Gòn, Vĩnh Long và nhờ Ngô Đình Thục giới thiệu với tổng thống Diệm.


Giữ các chức vụ trong chính quyền Sài Gòn: tỉnh đoàn trưởng Bảo an Vĩnh Long, chỉ huy trưởng Bảo an Bình Dương, tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre).Khác với Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo là người duy nhất có thể tác động trực tiếp đến chính quyền Sài Gòn. 

Là sỹ quan cao cấp trong quân đội VNCH lai có lực lượng trong tay, ông chính là người đã trực tiếp đạo diễn và tham gia chỉ đạo hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển nền chính trị Miền Nam những năm 64-65, gây mất ổn định nghiêm trọng chế độ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam. Nếu cuộc đảo chính với Lâm Văn Phát gạt Nguyễn Khánh năm 1964 thành công, Phạm Ngọc Thảo trở thành thủ tướng VNCH thì lịch sử có thể đã có những thay đổi lớn. 

Khác với Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo hoạt động đơn tuyến, không hề có đồng đội trực tiếp hỗ trợ mà chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Bác Hồ và Lê Duẩn . 

Ông không làm công tác đưa tin đơn thuần mà lớn hơn là được giao nhiệm vụ "thay đổi chế độ tại miền Nam" (tương tự như mục tiêu regime change của Mỹ tại I-rắc, nhưng nếu như Mỹ phải dùng đến hàng chục vạn quân thì ta chỉ dùng 1 mình Phạm Ngọc Thảo và ở chừng mực nào đấy đã thành công). Sự nguy hiểm của Phạm Ngọc Thảo đối với tồn vong của chế độ Miền Nam lý giải tại sao chính quyền Thiệu-Kỳ phải quyết bằng mọi giá thủ tiêu ông. 

Ông là một con người cực kỳ dũng cảm và tài năng. Mỹ đã từng chọn ông để đào tạo trở thành Tổng thống tương lai của VNCH, đến khi nguy hiểm đã cận kề dù đồng chí Võ Văn Kiệt khuyên ông có thể ra căn cứ nhưng ông vẫn quyết tâm ở lại để tổ chức vụ đảo chính cuối cùng. Việc lớn không thành, bị bắt và tra tấn dã man nhưng Phạm Ngọc Thảo vẫn không để lộ tung tích của mình. Cho đến lúc hy sinh, không ai biết ông là một chiến sỹ tình báo cộng sản.

Thân phận thực sự của ông chỉ được công khai rất lâu sau ngày đất nước thống nhất, và ông chính là nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, Ván Bài Lật Ngửa.

Vũ Ngọc Nhạ

Ông tên thật là Vũ Xuân Nhã, sinh 30 tháng 3 năm 1928 tại xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (quê cha) nhưng từ nhỏ sống tại quê mẹ - Giáo xứ Phát Diệm, Ninh Bình.


Ông đã xây dựng cụm tình báo chiến lược A22 với nhiều điệp viên “chui sâu, leo cao” nắm giữ vị trí quan trọng trong chính quyền VNCH. Nhờ vậy, ông và đồng đội đã cung cấp những thông tin, tài liệu quan trọng góp phần vào chiến thắng của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.Tuy tổ chức chặt chẽ, nhưng cụm A22 bị địch phát giác và bắt giam năm 1969. Chúng đã đày ông cùng nhiều đồng chí khác ra Côn Đảo. Sau hiệp định Paris 1973, ông được trao trả. Ông vẫn tiếp tục hoạt động tích cực cho tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (30.4.1975).Năm 1988, ông được Nhà nước phong hàm Thiếu tướng. Ngày 7.8.2002, Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ qua đời ở TP HCM, hưởng thọ 75 tuổi. Với những chiến công xuất sắc, ông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều huân huy chương cao quý. Cụm A22 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Trong thời gian hoạt động lòng địch, bằng tài trí và sự linh hoạt của mình, ông đã tiếp cận và có được sự tin tưởng của nhiều nân vật chóp bu trong chính quyền Sài Gòn qua các thời kỳ như Ngô Đình Nhu hay Nguyễn Văn Thiệu. Những nhân vật này đều rất nể phục ông nên hay hỏi ý kiến của ông về những diễn biến trên chính trường, vậy nên đương thời hay gọi ông là "Ông Cố Vấn". Thậm chí đến khi CIA phát hiện ra vai trò của Vũ Ngọc Nhạ và cụm tình báo A22 trong vụ án chấn động lịch sử, thì Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn chưa muốn tin, vẫn xem đó là một "pha dàn cảnh' của người Mỹ...


Cuộc đời hoạt động của ông đã được nhà văn Hữu MaI kể lại trong cuốn truyện Ông cố vấn -hồ sơ một điệp viên, sau đó chuyển thể thành bộ phim Ông Cố Vấn từng làm say mê những người yêu lịvh sử Việt Nam.

Vỹ Thanh

Xin nhắc lại, bài viết này chỉ mang đến thông tin về những nhà hoạt động tình báo đã được chuyển thể thành một nhân vật trong môn nghệ thuật thứ 7. Vậy nên còn rất nhiều sự thiếu vắng của những tên tuổi trứ danh mà tổ quốc mãi mãi ghi công như điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn,tướng Lê Hữu Thúy,vị nữ tình báo đã vẽ bản đồ bên kia vỹ tuyến 17 Đinh Thị Vân hay tướng Hoàng Minh Đạo,người được xem là đã đặt viên gạch đầu tiên của ngành tình báo Việt Nam...


Với lòng ngưỡng mộ và hàm ơn những hy sinh to lớn, bài viết này xin thay những nén hương tôn kính gửi đến những người anh hùng trong trận chiến mang danh là nhị trùng nhưng thật ra là đơn tuyến đầy hiểm nguy này. Và cũng thật lòng mong mỏi sẽ có thêm nhiều bộ phim hay về các vị anh hùng tình báo để những câu chuyện về họ được phổ biến đại chúng hơn, cũng là một cách để lịch sử đến gần hơn vơi giới trẻ ngày nay.

Chủ đề chính: #tình_báo_việt_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn