Lạc Thư Trầm Gã mộng mơ lạc lối tìm lại chính mình bằng những con chữ ấp bằng cả niềm đam mê

Những sự kiện lịch sử Việt Nam đã đi vào ca dao như thế nào? (phần 1)

Đăng 5 năm trước

Lịch sử có thể là những quyển sách ngàn trang chi tiết đến tận cùng. Nhưng lịch sử cũng có thể được phản ánh qua những bài ca dao, một cách điểm xuyến thôi nhưng tài tình và giàu tính gợi mở. Vậy các tác giả dân gian đan cài những câu chuyện lịch sử nào trong những câu ca dao quen thuộc như 'Đường Vô xứ nghệ' ,' con cò tiếng khóc nỉ non' hay 'Nụ Tầm xuân nở ra xanh biếc'... Chúng ta hãy cùng nhau khám phá nhé!

Huyền Trân Công Chúa và cuộc hôn nhân chính trị

Huyền Trân công chúa đã góp phần vào sự thái bình và phát triển của đất nước theo cách của riêng mình. 

Bà là con gái của vua Trần Nhân Tông,em gái của vua Trần Anh Tông. 

Năm 1306, Huyền Trân công chúa được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân(tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên - Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Một cuộc hôn nhân mang đậm màu sắc chính trị.Và một công chúa khuê các phải trải qua một hành trình dài đến một phương xa, với thủy thổ và con người hoàn toàn khác biệt. Sự hy sinh của phận nữ nhi ấy cũng đâu kém cạnh gì các đấng mày râu.Vậy nên các tác giả dân gian mới vừa hàm ơn vừa xót xa mà ví rằng:

"Tiếc thay cây quế giữa rừng 

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo".


Một năm sau hôn lễ, Chế Mân qua đời. Theo tục lệ, Huyền Trân phải hoả thiêu theo chồng. Không nỡ để em gái chịu hủ tục tàn nhẫn,vua Anh Tông sai lão tướng Trần Khắc Chung mang thuyền nhẹ đến cứu công chúa về. Nhưng hành trình trên biển sau khi giải cứu Huyền Trân từ Chiêm Thành về đến Thăng Long kéo dài hơn nửa năm khiến dấy lên những mối hoài nghi giữa Trần tướng quân và vị công chúa truân chuyên.

Vậy nên ca dao lại có câu :

"Tiếc thay hạt gạo trắng ngần

Hết vơ nước đục lại vần lửa rơm".


Nói không ngoa khi cuộc đời nhiều giai thoại của bà khiến bà trở thành nàng công chúa nổi tiếng bậc nhất lịch sử Việt Nam.Dựa trên nguồn cảm hứng từ những câu chuyện ấy, sau này, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết một bài nhạc bất hủ về hành trình huyền thoại của Huyền Trân công chúa với nhan đề " Nước Non ngàn dặm ra đi"...

Buổi đầu khởi nghĩa Lam Sơn

"Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ"

Thủa nhỏ,khi nghe câu ca dao này chúng ta cứ ngỡ đó đơn thuần là một câu lục bát ca ngợi vẻ đẹp của quê hương. Nhưng có tìm hiểu thì mới ngộ ra những thâm sâu thú vị đằng sau. Thì ra, nội dung của câu ca dao ấy không phải miêu tả môt địa danh như chúng ta vẫn tưởng, mà là thuật lại một thời điểm, một cột mốc...

Đó là những năm tháng khởi đầu đầy khó khăn của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Và trong thời kỳ mà "Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu" ,"Lam Sơn động chủ" đã may mắn có cho mình một vị quân sư thiên tài, mà kế sách của ông được xem là điểm nhấn quan trọng để khởi nghĩa Lam Sơn bước qua một giai đoạn khác. Ông là Nguyễn Chích. 

Khởi thủy của nghĩa quân Lam Sơn là đất Thanh Hóa. Và với lòng ái quốc mong muốn quật cường đánh đuổi giặc Minh đang đô hộ, Lê Lợi và nghĩa quân tổ chức những trận đánh hướng về Thăng Long,tuy anh dũng như vô vọng. Và rồi Nguyễn Chích hiến kế cho chủ tướng của mình là phải quay lại chiếm lấy Nghệ An, làm hậu phương, làm bàn đạp, làm cơ sở phát triển lực lượng lâu dài. Lê Lợi nghe theo và chuyển hướng về phía Nam. Và từ đó với căn cứ Nghệ An nghĩa quân phát triển nhanh chóng. Anh hùng nhân sĩ khắp nơi đỗ về xứ Nghệ để hội tụ. Vậy nên "tranh họa đồ" trong câu ca dao ấy đâu phải chỉ là tranh sơn thủy mà còn là bức tranh cơ đồ của một dân tộc đang hồi sinh thắp sáng niềm hy vọng của "dân đen" khốn khổ dưới "ngọn lửa hung tàn" .

Một cặp lục bát , mười bốn chữ, nhưng thuật lại một cột mốc trọng yếu của dân tộc.Đó chẳng phải là điều trác tuyệt của ca dao hay sao?

Chiến tranh Nam Bắc Triều

"Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo, đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Nàng về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Ở nhà có nhớ anh chăng?

Để anh kể chuyện Cao Bằng cho nghe ."

Lịch sử chiến tranh Việt Nam có thể tạm chia thành hai phân khúc. Phân khúc chiến tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc luôn là những trang sử anh hùng bất khuất và đáng tự hào. Nhưng phân khúc còn lại là những cuộc nội chiến, thì bi ai và đầy những tiếng thở dài. Không thể chối bỏ những mâu thuẫn tự sinh giữa các phe phái, hành trình xây dựng quyền lực và những cuộc chiến đẫm máu không thiếu những bài học thú vị, những nhân sinh thế luận của tiền nhân truyền lại. Nhưng đã là nội chiến thì làm sao mà không bi ai, làm sao mà không thở dài cho được,khi người Việt đánh người Việt,máu người Việt chảy vì chính bàn tay người Việt...

Tiếng thở dài trong câu ca dao trên cũng đề cập đến một thời kỳ như thế.

Chiến tranh Nam- Bắc Triều.

Bắc Triều ở đây là nhà Mạc do Mạc Đăng Dung lập ra sau khi cướp ngôi vua Lê, tạo nên đoạn kết của triều Lê Sơ.

Nam Triều là là do Nguyễn Kim và sau này là Trịnh Kiểm, lập con cháu Hoàng Thất nhà Lê nối tiếp vương triều Hậu Lê cũ. Sử gọi là nhà Lê Trung Hưng.

Và cuộc nội chiến ấy kéo dài từ năm 1533 đến năm 1592 khi nhà Mạc mất Thăng Long. Nhưng chiến tranh thật sự thì kéo dài mãi đến năm 1677, vì tông thất nhà Mạc nghe theo lời khuyên của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, " Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể" (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được), đã cát cứ đất Cao Bằng và hai lần phản công tái chiếm kinh thành.

Và cuộc chiến nào cũng đầy máu và nước mắt, đầy đau thương và sự cách chia. Nên tiếng nỉ non ấy âu cũng là tiếng vọng chung của dân gian trong thời khói lửa của nội chiến vậy!

Lũy Thầy và Trịnh-Nguyễn Phân tranh

"Lũy Thầy ai đắp mà cao

Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu."


Câu ca dao ấy lại nhắc đến một cuộc nội chiến khác trong lịch sử dân tộc : Trịnh -Nguyễn phân tranh. Và trong hai vế, các tác giả dân gian cũng đã đề cập đến hai ranh giới phân chia Đàng Trong Đàng ngoài thời điểm ấy. Một là ranh giới thiên nhiên,tức sông Gianh. Hai là một công trình kỳ vỹ của con người, Lũy Thầy.

"Thầy" trong Lũy Thầy đang nhắc đến một trong những nhân vật quan trọng nhất của Đàng Trong đó là quân sư Đào Duy Từ.

Đào Duy Từ  vốn quê ở Thanh Hóa, nghĩa là vùng đất thuộc Đàng Ngoài. Tương truyền ông không được tham gia khoa cử vì là "con phường gánh hát". Mang chí lớn, cùng hùng tài thao lược, nhưng không có đất dụng võ nên ông sống ẩn dật tại quê nhà. Mãi đến năm 1625,khi đã 53 tuổi, ông mới bỏ trốn vào nam, tìm đến đất Thuận Hóa để phò chúa Nguyễn. Hiền tài gặp được minh chúa, như cá gặp nước,Đào Duy Từ mặc sức vẫy vùng với tài kinh ban tế thế đến tổ chức quân sự, phòng thủ lẫn phản công. Vậy nên chúa Nguyễn Phúc Nguyên hết sức tin tưởng và cảm phục tài năng của ông, và kính trọng gọi ông là "Thầy". 

Bản chất, ông chỉ phụng sự cho chúa Nguyễn được tám năm, nhưng trong tám năm đó, ông tạo ra những cơ sở vững chắc cho vương triều Đàng Trong phát triển rực rỡ. Và Lũy Thầy chính là một bảo chứng thực tế cho những đóng góp của ông.

Lũy Thầy là một tổ hợp các công trình quân sự kiên cố,giúp tạo ra thế phòng thủ vững chắc cho xứ Đàng Trong. Lũy Thầy bao gồm, Lũy Trường Dục,Lũy Động Hải (hay còn gọi là Lũy Trấn Ninh),lũy này lại gồm lũy Đầu Mâu và Lũy Nhật lệ,còn lại là Lũy Trường Sa. Tương truyền, tất cả đều do Đào Duy Từ khởi xướng, sắp đặt và thiết kế. Nhưng ông chỉ trực tiếp chỉ đạo thực hiện hai lũy TrườnG Dục và Nhật lệ, còn các công trình còn lại được thực hiện bởi Nguyễn Hữu Dật,là môn đồ của ông.

Và nhờ hệ thống phòng thủ này,mà suốt thời Trịnh Nguyễn phân tranh khốc liệt, quân chúa Trịnh không một lần nam tiến thành công trong suốt hơn 50 năm..

Vậy ra mới có câu:

“Khôn ngoan qua được Thanh Hà 

Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”.

"Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay" - Nỗi tiếc nuối của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng ?

"Trèo lên cây bưởi hái hoa, 
Bước ra vườn cà hái nụ tầm xuân;
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em lấy chồng anh tiếc lắm thay."


Bài ca dao Nụ Tầm Xuân vốn dĩ là một bài ca dao phổ biến và được biết đến rộng rãi trên phương diện tâm tư tình cảm của một cặp trai gái yêu nhau,nhưng lỡ làng xa xách. Từng câu như những tiếng thở dài buồn bã,vừa trách vừa thương nhưng cũng không biết cách nào trước hàon cảnh éo le...


Nhưng có một giai thoại được truyền tụng rằng, toàn bộ bài ca dao này là đoạn đối đáp giữa Thanh đô Vương Trịnh Tráng và Lộc Khê Hầu Đào Duy từ.

Như trong phần về Lũy Thầy, chúng ta đã biết phần nào về cuộc đời kỳ lạ của danh sĩ Đào Duy Từ. Mãi đến năm 53 tuổi khi vào Nam theo chúa Nguyễn, ông mới bước ra ánh sáng với tài năng sánh với " Ngọa Long,Tử Phòng". Khi biết chuyện, chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài vừa tức giận vừa tiếc nuối khi đã lỡ mất cuộc tương phùng với một quân sư kỳ tài, tệ hơn,lại để người đó xuôi nam vào dưới trướng kẻ thù.Thanh Đô Vương Trịnh Tráng bèn cho người mang nhiều vàng bạc châu báu kèm với một bức tâm thư vào Nam để gặp riêng Đào Duy Từ để mong ông "hồi hương" mà giúp sức cho Đàng Ngoài. Và bốn câu mở đầu của bài Nụ Tầm Xuân được cho là lời tỏ bày của chúa Trịnh với Đào Duy Từ.


"Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước ra vườn cà hái nụ tầm xuân;
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em lấy chồng anh tiếc lắm thay."

Những nhân vật "anh" được cho chúa Trịnh, "em" là Đào Duy Từ và "chồng" là Chúa Nguyễn.Những câu thơ miêu tả về "trèo lên cây bưởi" và  "bước xuống vườn cà" được xem là những lời gợi nhắc về quê cha đất tổ  mà chúa Trịnh muốn nói với quân sư họ Đào. Câu cuối cùng của đoạn thơ thì thể hiện rõ ràng tâm ý của Thanh Đô vương.

Nhưng Đào Duy Từ một lòng với Chúa Nguyễn, thể hiện sự trung thành nguyện lòng son sắt với bậc minh chúa .

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
 Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Bây giờ đọc lại từng câu từng chữ của bài ca dao ngỡ nói chuyện lứa đôi, mà giờ vận vào một cuộc "lỡ làng" của hai nhân vật lịch sử, ta mới thấy thú vị và hiếu kỳ làm sao. Vì chẳng thể nào biết giai thoại ấy xác tín được mấy phần, sự thật nằm ở đâu hay chăng tất cả cũng chỉ là chút sáng tạo lúc trà dư tửu hậu của người đời mà vin vào cho một trường đoạn lịch sử của dân tộc?

Lịch sử còn đó, Thanh Đô Vương Trịnh Tráng và Nội tán Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ đã đi vào lịch sử, chuyện chiêu dụ và khước từ cũng đã rõ ràng nhưng câu chuyện văn chương thì vẫn còn là những ẩn khuất. Chắc là sẽ khó tường minh vì xét cho cùng thì đó cũng như bài ca dao, chỉ là những câu chuyện truyền miệng từ bao đời.

Nhưng chẳng phải nhờ vậy mà ta mới nhận ra lịch sử không phải là điều gì đó khuôn khổ,khô khan và xa cách. Lịch sử đi vào văn hóa dân gian, đi cùng những giai thoại khiến chúng ta bị lôi cuốn vào cuộc tìm tòi khi nào không rõ...

Trên đây là những bài ca dao đầu tiên được cho là gắn liền với những sự kiện lịch sử của dân tộc. Vẫn còn nhiều điều thú vị chờ đón ở phần hai của bài viết. Nếu các bạn cảm thấy hứng thú hay có những điều muốn chia sẻ xin để lại tương tác để chúng tôi có động lực gửi đến những bài viết ngày một thú vị hơn.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn