Lạc Thư Trầm Gã mộng mơ lạc lối tìm lại chính mình bằng những con chữ ấp bằng cả niềm đam mê

Những vai diễn sân khấu kinh điển không thể bỏ qua của NSƯT Thành Lộc

Đăng 4 năm trước

Thành Lộc luôn được mệnh danh là phù thủy trên sân khấu kịch nói. Và tên tuổi của anh cũng là một bảo chứng cho những vở diễn. Vậy chúng ta cùng điểm qua những vai diễn được cho là đáng xem nhất của NSƯT Thành Lộc nhé!

Cụ Đồ Chiểu- Nhạc kịch Tiên Nga

Đây là tâm huyết của mọi tâm huyết, di sản của mọi di sản trong cuộc đời làm nghệ thuật của Thành Lộc.

Người xem vừa được xem lại truyện thơ đã quá quen thuộc từ lúc ngồi trên ghế nhà trường ,vừa dược trải nghiệm thể loại nhạc kịch còn mới lạ tại Việt nam. Phần âm nhạc do nghệ sĩ Đức Trí đảm nhận cùng với diễn xuất tròn trịa của tất cả diễn viên đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đáng xem nhất trong hai năm qua.

Thành Lộc vừa là đạo diễn vừa vào vai Nguyễn Đình Chiểu, trong vai trò dẫn truyện ,tận dụng tối đa thủ pháp "hiệu quả gián cách" khiến người xem có cảm giác mình đi sâu vào bên trong câu chuyện chứ không phải chỉ đang ngồi xem...

Một vở diễn vừa hàn lâm, vừa quen thuộc, vừa đề cao lòng yêu nước vừa giàu tính văn học, và dĩ nhiên vẫn luôn trong tình trạng không có vé để xem...


TIên Nga vẫn đang được công diễn theo lịch tại sân khấu Idecaf, bạn hãy theo dõi lịch diễn để không bỏ qua cơ hội được thưởng thức những phút thăng hoa đầy cảm xúc này nhé!



Lạc Thư Trầm

Ông Tư - Dạ Cổ Hoài Lang

Năm 2014, Dạ Cổ Hoài Lang được công diễn và đón nhận rộng khắp với sự tài tình của cặp đôi nghệ sĩ gạo cội Thành Lộc- Hữu Châu.

Nhưng hai mươi năm trước, tại sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần, từng có một Dạ Cổ Hoài Lang với Thành Lộc và Việt Anh từng khiến bao nhiêu thế hệ khán giả say mê.

Dù là diễn với Việt Anh hay Hữu Châu, ông Tư búi tóc vẫn làmột trong những điểm nhấn không thể nào quên được trong sự nghiệp diễn xuất của NSƯT Thành Lộc. Nét diễn tinh tế, giàu nghiệm cảm của Thành Lộc đã dẫn người xem đi từ cười đến khóc, từ tận cùng cảm xúc này đến cảm xúc khác. Có thể nói đó là một đỉnh cao trong nghề nghiệp của chính anh. Người xem không thấy Thành Lộc diễn mà chỉ thấy một ông già tha hương đang khóc cười cho hoàn cảnh của mình, rồi những kỷ niệm ùa về. Mà những ông già tha hương như thế thì đâu thiếu trong đời sống hàng ngày, nên người xem cứ ngỡ như là mình,hay người thân của mình. Vậy nên trái tim họ rung động...


Nói ra thì chỉ vài câu, nhưng mang lại sự rung động ấy là cả một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, mà không phải ai cũng có thể làm được!

Thái giám Tạ Thanh- bí mật vườn lệ chi

Một trong những vở diễn lịch sử thành công nhất của sân khấu decaf. Vỡ kịch là một bức tranh hoàn hảo khi mỗi người nghệ sĩ đều làm tốt nhất khả năng của mình. 

Hữu Châu có vai diễn để đời,với Nguyễn Trãi. Thanh Thủy lột xác khỏi những tiểu phẩm hài thông thường để trở thành một thần phi Nguyễn Thị Anh đa chiều về cảm xúc. Hồng Ánh vượt qua yếu điểm về đài từ để vẫn sáng rực với hình tượng Nguyễn Thị lộ đoan chính và mang vẻ đẹp tri thức. Còn NSƯT Thành Lộc có một không gian khác trong sự nghiệp diễn xuất cảu mình với vai thái giám Tạ Thanh, mà chính anh đã tâm sự " Nhân vật đó không tin ai, nhất là với những người sống và làm những điều trái ý hắn ta."

Diễn một vai nham ác,làm hại nhân vật chính-nhân vật của lẽ phải, Thành Lộc đã hóa thân mà không chút ngại ngần,để người xem vừa ghét ,vừa sợ,vừa căm tức nhân vật phản diện ấy. Nhưng rồi ghét Tạ Thanh bao nhiêu, thì yêu thương và cảm phục tài năng của Thành Lộc bấy nhiêu vậy.


Vỡ kịch này có hai luồng chủ để xuyên suiốt khiến người xem phải băn khoăn, khiến những vấn đề lịch sử trở nên gần gũi và mang tính thời đại.

Thứ nhất là lời thoại đầy khí phách tựa như một câu tuyên ngôn của Nguyễn Trãi 

“Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị giết vì lẽ phải; nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức con người”.

Thứ hai là những biểu cảm đau thương tiếc hận của phe ác trong kịch bản,của Nguyễn Thị Anh và Tạ Thanh,khi họ rơi nước mắt lúc làm hại một người kiệt xuất như Nguyễn Trãi. Thành Lộc, trong vai trò đạo diễn, gửi gắm nhiều tâm tư vào lớp diễn này , như anh từng bày tỏ:

"Tôi đã đẩy mạnh cho nhân vật Nguyễn Thị Anh khóc hu hu, thương cho Nguyễn Trãi vì ông bị hại dưới âm mưu của mình. Giết đi những người tài đức, muôn người có một như thế, quả là đáng tiếc, nhưng phải giết thôi vì để họ sống thì cái sáng của họ sẽ hủy hoại cái tối của ta.Khi để dàn đồng ca lùng nhùng trong đống vải như hồn của đất, hồn của nhân loại cố làm như không biết, không thấy, không nghe... chẳng phải là tôi không biết đau. 

Một khán giả là một nhà sư bên Pháp về nói với tôi đã nhìn ra dàn đồng ca đó tuy là chứng nhân lịch sử, nhưng không thể nói ra những sự thật kinh hoàng mà mình vừa chứng kiến."

cô gái điếm- hợp đồng mãnh thú

Hợp Đồng Mãnh thú của tác giả Lê Hoàng là một kịch bản lạ mà không lạ. Lạ vì nguyên một vở diễn chỉ có bốn nhân vật. Nhưng không lạ vì nội dung cuối cùng quanh bốn nhân vật đó vẫn là mối quan hệ giữa người với người trong cuộc mưu sinh ngày càng quẩn quanh lọc lừa và tàn nhẫn hơn.

Ngược lại,trong vở kịch này Thành Lộc lại diễn một vai không lạ mà rất lạ. Không lạ là vì đó chẳng phải lần đầu người nghệ sĩ tài hoa này giả gái trên sân khấu. Nhưng lại rất lạ , bởi câu chuyện và số phận của nhân vật mà anh thủ vai. Vì đó là một nhân vật đàn ông chính hiệu, phải giả gái để làm trò vui cho những tay chơi đại gia để đổi lại những giá trị vật chất.

Kịch nghệ của NSƯT Thành Lộc thăng hoa xuất thần trong vai diễn này. Anh khiến cả khán phòng cười đó rồi khóc đó, khinh thị đó rồi thương cảm đó. Cùng với Huy Khánh ( sau là Lương Thế Thành) và Tuấn Khải tạo ra những lớp diễn đi vào lòng người. Những lớp diễn về con người và rất còn người!


Đây được xem là vỡ diễn thương hiệu của Idecaf. Trong năm vừa qua sân khấu này cũng có khoảng 10 suất diễn lại vở này và vẫn chưa ngừng"sốt vé".

Ông Tư - Tía ơi Má Dìa

Lại một "ông tư" khác xuất hiện trong sự nghiệp diễn xuất của Thành Lộc, sau "ông tư búi tóc" trong "Dạ Cổ Hoài Lang".

" Tía ơi! Má dzìa"  công diễn vào dịp Tết Nguyên Đán, được xem là một quyết định tương đối mạo hiểm khi đó.Vì thói quen của khán giả đi xem kịch Tết vẫn thích xem cái gì đó vui vẻ nhẹ nhàng phù hợp với không khí ngày đầu năm. Nhưng rồi, một tác phẩm chính kịch vẫn khiến Khán giả kín rạp mỗi suất diễn, và những trải nghiệm cảm xúc đều luôn trọn vẹn. Trường đoạn khi ông Tư chơi vơi trong nỗi nhớ vợ làm người ta phải sụt sùi theo. Khi ông Tư hát “Ai nhớ ai đêm này?…Chờ nhau, nhớ nhau bao ngày… Mười năm lòng chẳng phai…Chờ ngóng hoài bóng ai…”, hay trường đoạn ông Tư vật trong cơn say rượu lẫn say nỗi chờ mong khiến người ta nhận ra rằng, đâu phải người đàn ông thì tình cảm không sâu đậm như đàn bà. Xem “Tía ơi! Má dzìa” rồi mới thấu được rằng, cái đau của đàn ông nó âm thầm mà  dữ dội ghê gớm!


"Ông Tư đờn kìm" của NSUT Thành Lộc một lần nữa chinh phục khán giả bằng cách diễn tài tình tinh tế cùng với sự đa nghệ: ca- múa - diễn, khiến người xem không khỏi thán phục. Đây là một vở kịch không chỉ thành công tại Việt Nam, mà còn gây được tiếng vang khi lưu diễn ở Mỹ. 


Có vẻ như Thành Lộc có duyên đặc biệt với những "ông tư" trên sân khấu?

Dì ba Duyên- Ngôi nhà không có đàn ông-

Lại là một lần quay lại với một kịch bản cũ sau 20 năm, nhưng khác với Dạ Cổ Hoài Lang, trong Ngôi Nhà Không có Đàn Ông của đạo diễn Vũ Minh phục dựng, NSƯT Thành Lộc không còn nhận vai cũ (ông Thiện) mà chuyển sang một vai mang màu sắc khác hơn, là vai dì ba Duyên.

Việc giao một vai nữ cho Thành Lộc lại một lần nữa dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng tranh luận là bao cũng không thể phủ nhận sự hoá thân duyên dáng đến mức "xuất quỷ nhập thần" của người nghệ sĩ này. Anh là người cầm trịch sân khấu, dùng những miếng hài  vừa đủ để cân bằng sự ngột ngạt mà "ngôi nhà" tạo ra. Sự cân bằng ấy là phù hợp với thị hiếu của khán giả bây giờ. Họ sẵn sàng xem chính kịch, thậm chí là bi kịch, nhưng phải có một chút gì đó hài hoà.Không ai lại bỏ tiền ra dể khiến mình khóc từ đầu đến cuối, vốn dĩ cuộc sống thực tại cũng đủ căng thẳng rồi.

Bạn muốn truyền tải một thông điệp, thì trước nhất phải có người ngồi nghe bạn nói đã chứ!

Nên Dì ba Duyên của Thành Lộc thể hiện tính thời đại của sân khấu ngày nay vậy !

Lý Đạo Thành - Câu thơ yên ngựa-

Thành danh trên sân kịch nói nhưng Thành Lộc  vốn xuất thân từ một gia tộc cải lương hồ quảng trứ danh. Và gần như cả sự nghiệp Thành Lộc dành hết tâm huyết cho thoại kịch,việc anh xuất hiện trên sân khấu cải lương được xem là việc vô cùng hiếm.

Nhưng trong năm kỷ niệm của gia tộc, cả gia đình dòng họ anh dựng lại vở cải lương Câu Thơ Yên Ngựa. Anh nhận một vai quan trọng  là vai Lý Đạo Thành. Thần Thái, điệu bộ, và lối ca diễn của anh chinh phục tất cả. Anh tạo nên một Lý Đạo Thành của riêng mình nhưng lại là một niềm cảm hứng vô tận về lòng yêu nước và sự chính nghĩa...

Bạn hãy xem thử phù thủy kịch nói diễn cải lương tuồng cổ như thế nào nhé!

Ông Thiện- Ngôi nhà không có đàn ông-

Đây lại là một lựa chọn cho thấy sự chuyên nghiệp và yêu nghề của Thành Lộc. Nếu như bạn biết vai diễn ấy có tổng thời gian xuất hiện không đến 1/10 của vở diễn,số câu thoại không nhiều,và không thể xếp vào hàng vai chính được, vậy mà một tên tuổi như Thành Lộc tại thời đểm đó vẫn vui vẻ nhận vai. Không chỉ nhận cho có, anh đào sâu tìm hiểu tâm lý nhân vật, để rồi tạo ra một "ông Thiện" như một hình mẫu trong sách giáo khoa cho các bạn diễn viên trẻ, về chuyện tạo ra sức sống cho một vai diễn nhỏ giữa một vỡ kịch dài..

Cách anh nhấn nhá từng lời như cố trốn tránh câu từ biệt, rồi nụ cười mỉm mỉa mai hay thở hắt ra khi thoại câu nói với Hạ, như một đúc kết về mối tình yêu vô vọng giữa một ông già hơn năm mươi tuổi và một cô gái hai mươi, khiến khán giả  không thể không bồi hồi ,lắng đọng và ám ảnh. 

Tôi có tất cả những thứ Hạ không cần, nhưng có một thứ Hạ cần tôi lại không có”

Nghe mà không buốt rát, không đau lòng sao được,nỗi khắc khoải hoài vọng về tình yêu cứ thế đi vào tâm tưởng người xem không biết từ lúc nào?


Lưu ý, bản mà NSƯT Thành Lộc đảm nhận vai Ông Thiện là bản dựng tại sân khấu 5B Võ Văn Tần, cách đây hơn hai mươi năm. Và nếu bạn muốn xem lại diễn xuất tài tình tinh tế đến ám ảnh đó, trên youtube vẫn còn lưu giữ lớp diễn kinh điển ấy nhé!

Cám - Tấm Cám

Vai này của Thành Lộc thì không phải bàn, không cần bàn, không dám bàn và không nên bàn. Nói chung là miễn bàn, vì đó là cô Cám xuất sắc nhất mọi thời đại...

Thành Lộc không có thói quen nhắc đến nhũng vai diễn thuộc thể loại hài kịch của mình, nhưng anh vẫn dành tình cảm đặc biệt cho nhân vật này, rõ ràng , sự tahn2h công của vai diễn này cũng có một ý nghĩa nhất định trong sự nghiệp diễn xuất của anh.

Chu Xung- Lôi Vũ

Lôi Vũ là tác phẩm nổi tiếng của nhà biên kịch Trung Quốc Tào Ngu, gồm 4 màn và 2 màn “tự mạc”, “vĩ thanh”. Tác giả đã dựng lại cuộc sống hủ bại và đầy tội ác của một gia đình phong kiến tư sản hóa – hình ảnh tượng trưng của xã hội nửa phong kiến, nửa thuộc địa Trung Quốc, lên án chế độ xã hội kỳ quái và chỉ rõ con đường hủy diệt không tránh khỏi của nó.

Ở Việt Nam, tác phẩm được dựng nhiều lần, nhưng bản ấn tượng nhất là của đạo diễn tài ba Hoa Hạ, tại sân khấu huyền thoại: Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần. Vỡ diễn có sự tham gia của Việt Anh, Quốc Thảo,Minh Hải,Minh Trang, Phương Linh , Hồng Vân và Thành Lộc.

Vai Chu Xung dường như sinh ra chỉ để cho Thành Lộc. Một gương mặt trong ngần thánh thiện, vừa bước ra sân khấu gọi hai tiếng “Phượng ơi!” là khán giả đã vỗ tay. Anh quá trẻ, và trái tim nghệ thuật cũng quá đắm say, trong trẻo, nên nhân vật của anh đủ sức rung động khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mọi thứ như ánh lên tình yêu của nhân vật Chu Xung dành cho Lỗ Thị phượng, một tình yêu trong veo nhưng nghiệt ngã và cái kết đầy bất hạnh.


Ngày nay vở diễn chưa có đơn vị sân khấu nào phục dựng nhưng bạn có thể xem lại bản thu của HTV được trình chiếu trên Youtube, đó là cơ hội để bạn có thể thưởng thức một vỡ diễn kinh điển cùng với "thời thanh xuân" của một loạt nghệ sĩ kịch nói gạo cội của miền nam.

Chủ đề chính: #nghệ_sĩ_Thành_Lộc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn