Jalter

Nỗi lòng đại học và 5 vấn đề đáng lưu tâm dành cho tân sinh viên

Đăng 4 năm trước

Mỗi năm, cứ vào tháng 8, một cơn sóng gió lại nổi lên như một thử thách đầu đời dành cho các sĩ tử vừa hoàn thành kì thi tốt nghiệp phổ thông. Một khi điểm chuẩn đại học được công bố, cũng là lúc mà những thí sinh trúng tuyển, cùng với cả gia đình, phải vật lộn với đủ việc linh tinh rối rắm. Từ mở tiệc chiêu đãi bà con hàng xóm, làm lễ tạ ơn ông bà tổ tiên cho đến làm đơn nhập học, rồi lo nơi ăn chốn ở để chuẩn bị bắt đầu cuộc đời sinh viên...

Mỗi năm, cứ vào tháng 8, một cơn sóng gió lại nổi lên như một thử thách đầu đời dành cho các sĩ tử vừa hoàn thành kì thi tốt nghiệp phổ thông. Một khi điểm chuẩn đại học được công bố, cũng là lúc mà những thí sinh trúng tuyển, cùng với cả gia đình, phải vật lộn với đủ việc linh tinh rối rắm. Từ mở tiệc chiêu đãi bà con hàng xóm, làm lễ tạ ơn ông bà tổ tiên cho đến làm đơn nhập học, rồi lo nơi ăn chốn ở để chuẩn bị cho các bạn bắt đầu cuộc đời sinh viên...

Các bạn sẽ có rất nhiều những trải nghiêm "lần đầu", với biết bao cảm xúc đan xen, từ bỡ ngỡ, e dè đến nôn nao háo hức, hay đắm mình trong tâm thế của người chiến thắng, các bạn đơn giản là xách ba lô lên và bắt đầu cuộc hành trình chinh phục tuổi trẻ của mình... Và những chú cừu ngây thơ đâu biết được rằng, chút khó khăn đó chỉ là "khúc dạo đầu bi tráng" cho cái đêm kinh hoàng sắp mở ra với chúng. (Đùa thôi, có lẽ vậy...)

Môi trường đại học gần như một bản beta test của xã hội vậy, kiểu là một bãi biển nhân tạo được tạo ra để thả sinh viên vào tập bơi trước khi quăng chúng vào ngụp lặn trong xã hội. Trong cái biển nhân tạo này, có thể bạn sẽ được an toàn một phần nào đó nếu tuân thủ đúng quy tắc, nhưng nếu bạn mong muốn có được cuộc sống sinh viên nhàn nhã, bạn phải nhanh chóng biết bơi (hoặc có một cái phao thật tốt), còn với những ai không bơi được, thì nơi đây, chẳng khác nào địa ngục.

Vậy, làm thế nào để bơi được? Mình không biết, hãy lo để không chết chìm trước đi! Dù cũng không biết cách giúp các bạn tránh chết chìm, nhưng mình xin đưa ra một vài vấn đề mà có lẽ tân sinh viên cần lưu tâm, ít nhất nó sẽ phần nào giúp các bạn tránh sốc mà ngỏm. (Đùa thôi, có lẽ) 

1.Học tập

"Thầy bước vào giảng đường, tươi cười chào các sinh viên, thầy cầm phấn lên,

thầy viết một mạch đầy sáu mặt bảng, rồi thầy xóa đi, viết tiếp đầy sáu mặt bảng nữa, 5 lần như thế, hết giờ thầy tươi cười chào cả lớp rồi đi, để lại đám sinh viên nheo nhóc nhìn nhau không hiểu chuyện gì vừa diễn ra..."

Đó là một câu chuyện đùa, biết đâu đấy, nói về sự khác biệt của việc giảng dạy ở đại học so với thời học sinh. Sinh viên năm nhất nào cũng đều được học các môn đại cương. Kiến thức trong một tiết học là rất nhiều, đòi hỏi giảng viên phải giảng rất nhanh, và không hề có nhấn trọng tâm vào những phần quan trọng để làm bài tập,  chỉ riêng việc chép kịp bài giảng đã là thành tựu rồi chứ đừng nghĩ đến hiểu bài giảng. Cứ qua vài bài giảng như vậy, lại thêm môi trường ít gò bó khác hẳn thời học sinh, sinh viên dễ lâm vào tình trạng mông lung, chán nản mà bỏ bê học tập. Cuối cùng cái gì đến sẽ đến, những sinh viên không bơi được sẽ bị trượt môn, thành tích kém lại càng khiến họ chán nản, rồi lặp lại thất bại, thế là đời sinh viên tươi đẹp đi tong. 

Để tránh mắc phải sai lầm này, bạn cần hiểu cách học của đại học thiên về sự tự giác nghiên cứu, hãy tự đề ra lịch học cho mình và ép bản thân tuân thủ. Về bài giảng trên lớp, bạn không cần cố chép nó, nếu lọc được những ý quan trọng thì tốt, còn không thì bạn chỉ cần bám sát giáo trình và làm bài tập đầy đủ, đến gần kì thi thì hãy tìm đề các năm từ thư viện hoặc người quen để làm.

2. Sinh hoạt

Đa số sinh viên đại học đều ở nhà trọ hoặc kí túc xá, dù chọn cái nào, thì vấn đề cân bằng giữa học tập và sinh hoạt cũng khá nan giải. Từ cuộc sống được mẹ chăm cho đến cái ăn cái mặc, rất nhiều sinh viên đã phải vật lộn với việc phải tự mua đồ, nấu ăn, giặt giũ... ngày qua ngày. Rồi biết bao vấn đề như tiền điện, tiền nước, xăng xe, phí sinh hoạt, tiền về quê...Bao thứ phải lo khiến bạn không tập trung được cho nhiệm vụ học tập, hậu quả là bạn thi trượt và điều đó khiến bạn càng chán nản. Cuộc đời sinh viên của bạn cũng đi tong.

Cách duy nhất là bạn phải thích nghi càng sớm càng tốt thôi, bạn có thể lập ra kế hoạch chi tiêu cho cả tháng, cũng như tự đặt lịch sinh hoạt cho mình, hãy chủ động nắm bắt những địa điểm quan trọng như cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc, chợ và những hàng quán ở gần nơi bạn sống.

3. Di chuyển

Đối với sinh viên, có 4 phương tiện di chuyển được ưa chuộng nhất: xe máy, xe đạp, xe bus và đôi dép. Mỗi phương tiện lại có ưu điểm riêng của nó, nhưng với sinh viên thì mình cho rằng xe bus chính là lựa chọn hoàn hảo hơn cả. Chỉ với 100K mỗi tháng, bạn có thể đi bất cứ đâu trong thành phố. Dù bạn có thường dùng đến hay không, hãy làm một cái vé tháng xe bus.

Vấn đề đi lại có điều đáng lưu tâm nhất có lẽ là tắc đường. Các bạn ở quê chân ướt chân ráo lên Hà Nội ắt hẳn từng vài lần bàng hoàng khi không hiểu vì sao mình chỉ đi từ trường về nhà có 3 cây số thôi mà mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Thời gian tắc đường hàng ngày thường vào khoảng 7-9h sáng và 5-7h tối. Vào thời điểm này nếu không có nhu cầu gì đặc biệt thì tốt nhất các bạn đừng nên ra ngài đường, nếu bạn đi học hay đi về thì nên tránh những thời điểm trên bằng cách đi sớm hơn và về muộn hơn chẳng hạn. Còn nếu bí quá thì đi bộ cũng là phương án khá ổn. Đừng vì chút khó khăn ấy mà bùng học luôn, máu lười sẽ nổi lên và bạn sẽ phải trả giá đấy.

Một vấn đề khác là về việc về quê vào những ngày lễ tết, những ngày này các chuyến xe bus thường chật ních đến chỗ đứng cũng không có. Nếu bạn muốn về vào những dịp này, hãy đi chuyến sớm nhất hoặc muộn nhất và hi vọng mình gặp may.

4. Giao lưu

Nếu bạn là người ít giao tiếp và không có bạn bè thời học sinh, và hi vọng vào cuộc sống sinh viên sẽ khác? Vậy bạn phải nắm bắt cho tốt những ngày đầu tiên vào, hãy làm những điều mà bạn chưa bao giờ làm, hãy đi chơi khi được rủ, tham gia đá bóng dù không biết đá, chủ động nói chuyện với bạn cùng lớp... Những ngày đầu tiên vô cùng quan trọng để tạo dựng mối quan hệ. Những tân sinh viên trong cùng 1 lớp vốn không ai quen ai, nhưng sẽ rất nhanh để những hội nhóm hình thành, và đến khi đó, nếu bạn không phải một trong số họ thì có nghĩa là bạn đã thất bại rồi đó. Có thể bạn nghĩ bạn bè chẳng quan trọng, dù sao khi ra ngoài xã hội thì những mối quan hệ cũng tự tan biến thôi. Nhưng mình hi vọng các bạn sẽ kết được nhiều bạn bè, dù khó để ìm được một người anh em tâm đầu ý hợp hay một cô bạn gái, ít nhất nếu kết thân được với lớp thì điều họ sẽ giúp bạn rất nhiều trong học tập và sinh hoạt.

5. Làm thêm

Với năng lượng và nhiệt huyết, các bạn tân sinh vên thường nghĩ đến việc làm thêm từ khá sớm, dù có vấn đề tài chính hay không. Mình không phản đối điều đó, nhưng theo mình thì các bạn cần đạt được 2 điều trước khi nghĩ đến làm thêm. Một là đã quen và không gặp vấn đề gì về học tập hay sinh hoạt. Hai là nhận thức được rằng bạn đi làm thêm vì tiền và để kiếm tiền, còn bạn tích lũy được kinh nghiệm gì thì cũng là sản phẩm phụ thôi. Nếu bạn đang gặp rắc rối hãy ưu tiên giải quyết rắc rối trước khi lôi thêm rắc rối vào mình. Nếu bạn có một nguồn tài chính khá giả và không có nhu cầu kiếm tiền, bạn có thể cân nhắc các lựa chọn tham gia tình nguyện hoặc vào hội học sinh, những việc đó không chỉ giúp bạn tích lũy kinh nghiệm mà còn giúp cho tấm bằng tốt ngiệp thêm phần giá trị.

Bạn có thể tìm thấy đủ loại việc làm thêm khác nhau trên mạng, từ việc làm phục vụ cho đến làm cộng tác viên, rồi thì kiếm tiền online... Nếu thích bạn vẫn có thể thử cho vui, nhưng TUYỆT ĐỐI hãy tránh xa những việc hình thức đa cấp, những lời mồi chài đầu tư, vay lãi... 

Với sinh viên thì lựa chọn làm phục vụ vẫn là phổ biến nhất, nhưng công việc này đòi hỏi bạn phải bỏ nhiều thời gian cố định mà đồng lương chẳng đáng bao nhiêu. Nếu được bạn có thể chọn làm gia sư, việc này không phải ai cũng làm được nhưng có lẽ lại là nghề phù hợp nhất với sinh viên.

Có thể nói, phía sau cánh cổng đại học không phải nơi an nhàn gì cả, nhưng cũng nhờ đó mà sinh viên sẽ gặt hái được nhiều bài học quý giá để trưởng thành và chín chắn hơn. Mình hi vọng các bạn tân sinh viên đọc được bài này sẽ tìm được lối đi đúng đắn nhất và an toàn tốt nghiệp.

Chủ đề chính: #sinh_viên

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn