anpha beta Tôi viết vì tôi thích thế.

Tết trung thu: Khi đồng tiền bóp méo cả văn hóa

Đăng 6 năm trước

Trung Thu vốn là tết của thiếu nhi, tết của trẻ con. Nhưng, người lớn đã chiếm đoạt nó cho riêng họ, và động cơ của việc đó không hề tốt đẹp.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Gần đây, mỗi sáng đi làm, tôi đều cảm nhận rõ cái không khí mùa Thu đang tràn về, mặc dù con số trên cuốn lịch điện tử chỉ mới nhảy vào giữa tháng Bảy âm lịch. Nơi tôi sống, mùa thu không có cái se lạnh đặc trưng của thu Hà Nội, mà chỉ toàn những mưa tầm tã xen giữa cái nắng chói chang. Nhưng không vì thế mà mùa Thu của miền Nam lại kém nổi bật. Không những cơn gió heo may se lạnh, không  mùa sấu chín hay những mảnh sân đầy lá vàng rơi, mùa Thu nơi tôi sống tỏa mình bằng những ki - ốt bán bánh đỏ rực. 

Đúng là như vậy đấy, nếu không vì những lều bán bánh mọc lên dày đặc, có lẽ tôi cũng đã để mùa thu vuột mất. Mà nói cho cùng, miền Nam vốn không tồn tại mùa Thu, mọi người chỉ biết đến Tết và Bánh Trung Thu  mà thôi.

Ký ức của ngày Tết trẻ thơ. 

Tôi có thể hãnh diện nói rằng mình đã có một tuổi thơ khá trọn vẹn. Tôi nhớ như in, vào những ngày cận tết Trung Thu, tôi và đám trẻ con cùng lứa rước đèn tung tăng khắp xóm. Dưới ánh trăng rằm, bọn tôi đốt đèn tụ họp và bày đủ trò, từ rước đèn đến thổi lửa, thỉnh thoảng còn có bánh trái để ăn và hò hét um tỏi cho đến khi bị ba mẹ từng đứa kéo về. 

Tôi cũng nhớ rõ mùi giấy của tờ báo Nhi Đồng được ba mang về vào mỗi dịp này, anh em tôi tranh giành rồi ngấu nghiến nghiên cứu, đa số các mục đều nói về Trung Thu và cách trẻ em ba miền đón Tết, và cũng nhờ đó tôi khắc ghi trong tim mình hình ảnh một Tết Trung Thu hoàn toàn giành cho trẻ con. 

Và thực sự là như thế: Tết Trung Thu vốn là tết của thiếu nhi.

Thời đại Internet.

Hiện tại, tôi đã trưởng thành, xã hội cũng đã thay đổi. Điện tử và Internet bùng nổ đã thay đổi rất nhiều trong cách sinh hoạt của mọi người.

Đã xuất hiện nhiều phương tiện thông tin giải trí hơn, chúng chiếm lấy quỹ thời gian của mọi người, không ngần ngại xô ngã một phần các hoạt động truyền thống.

Tôi tiếc những hoạt cảnh trẻ con xôn xao náo nhiệt khi xưa, nhưng tôi không trách chúng, vì đó cũng là lẽ dĩ nhiên. Chúng không giống như thời của chúng tôi, mỗi khi thắp nến, chúng tôi như những ngôi sao. Còn giờ đây, ánh sáng leo lét phát ra từ những chiếc lồng đèn còn có nghĩa lý gì khi bị chìm nghỉm trong hàng ngàn tia sáng điện tử khác. 

Nhưng dù gì đi nữa, với tôi Tết Trung Thu vẫn là của trẻ con, dù chúng hưởng thụ nó bằng cách này hay cách khác. Trung Thu phải là Tết của thiếu nhi!

Khi cái Tết bị lợi dụng

Giờ đây, mỗi dịp cận Trung Thu, tôi mở tivi hay ra đường dạo phố, đập vào mắt luôn là những câu slogan: “Trung Thu - Tết của tình thân”,“Trung Thu là Tết đoàn viên”. Mỗi lần như vậy, tôi đều tự hỏi mình: truyền thống đã thay đổi rồi sao? 

Vẫn biết những câu slogan kia cũng truyền tải những thông điệp tốt đẹp về tình cảm gia đình, nhưng tôi vẫn thấy chút hụt hẫng. Tôi thất vọng vì cái cách người lớn chiếm đoạt một ngày lễ của trẻ con về tay họ, mà càng tệ hơn khi nhận ra nguyên do sâu xa của nó: kiếm tiền.

TRUNG THU LÀ TẾT THIẾU NHI! Mà thiếu nhi lại không thích ăn bánh Trung Thu, lại càng không có tiền mua bánh. Vì vậy, những thế lực bán bánh bắt đầu ra tay.

Cách đây vài năm, khi công ty phát bánh Trung Thu cho nhân viên, một chị đồng nghiệp đã rỉ tai tôi nhượng lại hộp bánh của mình cho chị, chị nói rằng mình sẽ mang bánh về tặng cha mẹ, vì rằng "Trung Thu là tết đoàn viên mà". Tôi chợt giật mình, bởi không biết từ lúc nào, mọi người đã nhận thức hoàn toàn khác về cái Tết vốn dĩ của trẻ con này.

Thì ra vào năm đó (và những năm trước nữa), một hãng bánh nổi tiếng đã chi mạnh tay cho khâu quảng bá, với câu slogan chủ chốt: "Trung Thu là tết đoàn viên", kèm theo đó là hình ảnh người lớn tặng nhau những hộp bánh sang trọng.

“Tết Trung Thu có được nghỉ ngày nào đâu mà đoàn viên? Không phải tết Nguyên Đán mới là Tết đoàn viên sao?” - Tôi thầm nghĩ. 

Ở thời đại công nghiệp, các công ty thực phẩm đã đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lên nhiều lần, lượng bánh sản xuất ngày một tăng,vì vậy họ tìm mọi cách để bán được nhiều hơn. Và dĩ nhiên, đối tượng mua bánh không thể là trẻ con, vì những chiếc bánh Trung Thu vốn không hề rẻ, mà cũng chẳng ngon (đối với đa số trẻ con).

“Khi bạn nói dối nhiều lần, người ta sẽ nghĩ đó là thật.”Trong trường hợp này quả không sai.

Các công ty sản xuất bánh đã thành công, bằng cách nói dối,không phải một mà nhiều lần. Từ năm này qua năm khác, họ tuyên truyền trên các đoạn quảng cáo của mình về một cái dịp mà người lớn mua bánh tặng nhau, con tặng cha, trò tặng thầy, lính tặng sếp, sếp tặng sếp cao hơn... Và chúng ta, không biết từ lúc nào, đã "thấm nhuần" những lời của họ. Tết thiếu nhi đã không còn, thay vào đó là Tết tình thân, Tết đoàn viên, một thứ Tết của người lớn. 

Qua mỗi năm, giá trị (bằng tiền) của các hộp bánh ngày càng tăng lên, đến nỗi chẳng ai dám mua bánh để thưởng thức, mà thay vào đó là tặng (chuyển) cho nhau, người này tặng người kia, người kia lại tặng tiếp người nọ, cho đến khi hết tết,không còn tặng được nữa. Thiếu nhi, vốn là những nhân vật chính, không rõ đang đứng đâu trong cái vòng luẩn quẩn này?

Kết

Tôi vẫn biết, “Tết đoàn viên” hay “Tết tình thân” vốn không phải tiêu cực, thậm chí ngược lại, nó hoàn toàn tốt đẹp. Nhưng những điều tốt đẹp ấy nên đứng riêng một mình, thay vì chúng đá bay những giá trị truyền thống dưới danh nghĩa “tình thân”.

Bởi những giá trị đạo đức giả dối, chúng ta đã bị cuốn vào một dòng xoáy không thoát ra được, mà đỉnh điểm là việc chiếm đoạt một cách không thương tiếc một ngày lễ của trẻ con, chỉ vì động cơ là tiền tài vật chất. Và tôi thấy tiếc vì điều đó.

Chủ đề chính: #tết_trung_thu

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn