Võ Ngọc Anh Thư Một nữ blogger 17 tuổi chuyên viết review về du lịch - ẩm thực, viết lách về các vấn đề trong cuộc sống. Hiện tại, là học sinh chuyên Văn và đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch câu lạc bộ Phát thanh của trường.

Trải nghiệm thực tế: ẨM THỰC VIỆT NAM - BÁNH XÈO TÔM NHẢY MỸ CANG

Đăng 6 năm trước

Sau 4 năm ngoảnh mặt làm ngơ với quê hương xứ Nẫu, tôi cũng lựa chọn trở về như chú cá hồi sau một vòng đời luân chuyển đó đây đã lựa chọn lội ngược dòng lên thượng nguồn - nơi nó được sinh ra - để sống và chết trong bầu nước ngọt lịm, thanh khiết của tình thương quê mình.

Quê tôi - một vùng quê nghèo mang tên Tuy Phước - chẳng có những điểm đến du lịch hấp dẫn như thành phố biển Quy Nhơn lộng gió nhưng lại níu giữ hồn người bằng mùi vị đậm đà của những món ăn dân dã khó quên, bằng sự phục vụ chân thành không vụ lợi, bằng tình quê nồng đượm những ân cần, hỏi han xoay quanh một đĩa bánh. Hay tôi vẫn thường gọi những thứ ấy là "quà quê". 

 Hôm nay, xin được viết bài về một trong những nét đặc sản của Tuy Phước (Bình Định) - BÁNH XÈO TÔM NHẢY MỸ CANG. 

Về quê không phải là lần đầu nhưng quả thực Tết 2017 là năm đầu tiên tôi biết mặt loại đặc sản này. Không biết những người xa quê mà cả tuổi thơ gắn bó với chiếc bánh xèo nhỏ xíu này, năm dài tháng rộng đó đây đây đó nơi quê người có cảm thấy nhung nhớ da diết món ăn này không nhưng riêng tôi, ngay lần đầu tiên, đã ấn tượng rất đặc biệt.

 Bánh không quá to như bánh xèo miền Nam, bánh chỉ tầm một cái dĩa tròn, đường kính vừa vặn một gang tay. Bánh cũng không quá mỏng và khô mà dày nửa lóng ngón út, ăn vào thấy bột bánh chín mềm vừa đủ, còn sóng sánh nước nhìn rất đã mắt. Bánh không vàng ươm,vàng cháy mà vàng nhè nhẹ, đôi lúc cứ ngỡ là trắng ngà, tuy vậy vẫn giữ được độ giòn giòn ở mặt dưới bánh, lúc ăn vào nghe tiếng rạo rạo mà say lòng. Đổ bánh cũng là một nghệ thuật. Tuy mọi khâu đều làm bằng thủ công nhưng đứng nhìn người đổ bánh chẳng khác nào người thợ. Họ đổ liên tục và đứng thành từng khâu một: một khu bắc dầu cho tôm thịt lên chảo, sau khi tôm thịt đã bắt đầu chín thì chuyển qua khâu đổ bột, đổ và tráng đều tay để bánh nào nhìn cũng đều đều thích mắt, khi bánh đã chín và có độ giòn dai chuyển sang khâu cuối cùng là cho giá và hành lá tước sợi lên mặt bánh và cho bánh ra dĩa sứ phục vụ khách. Ở đây, người ta không đổ bánh quá nhiều dầu, họ chỉ cho một lần muỗng cà phê dầu, tráng đều cả chảo nên lúc ăn không có cảm giác quá béo hay hôi dầu. Một điểm nữa là tôm tráng bánh xèo là tôm sống, đến cả khi lên chảo cũng thấy được độ "sống" của nó, đó là nguồn gốc của cái tên "Bánh xèo tôm nhảy" mà nhiều người vẫn thắc mắc. 

Điểm độc đáo nữa của quán bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang là ở cách phục vụ. Ở đây, họ phục vụ một bàn mỗi lần một bánh, cứ hết một bánh lại tiếp tục được phục vụ một bánh khác, cho đến khi khách đưa tay dừng lại thì sẽ ngừng phục vụ bàn đó và tiếp tục phục vụ bàn khác với cách thức tương tự. Mỗi lần như vậy họ sẽ chỉ phục vụ một bàn và những bàn khác phải đợi đến khi bàn vô trước được phục vụ xong. Nhiều người không quen với phong cách phục vụ này thường khen chê nhiều lời nhưng tôi thì lại thấy hay, phục vụ như vậy đôi lúc lại có ý nghĩa rất tinh tế ấy chứ, người được phục vụ không chỉ có việc nhâm nhi mà còn phải nhìn xung quanh, ăn vừa đủ, thưởng thức vừa đủ để còn tới lượt người khác, còn người chưa được phục vụ thì sẽ phải kiên nhẫn nếu muốn được thưởng thức món ăn này. 

 Những điểm độc đáo đó không phải ở đâu cũng có, cái chân tình mỗi lần được phục vụ chu đáo là thêm một lần người ta ghi nhớ tên tuổi của quán bánh xèo giản dị, đơn sơ sống đời gần nửa thế kỉ qua với người dân nơi đây. Nhiều khi, không phải đơn giản là chiếc bánh xèo để ăn mà còn là một bài học nào đó để ngẫm nghĩ về cuộc đời mình. 

 Ăn và ngẫm, đó cũng là một nghệ thuật sống!

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn