Mai Chí Trung

Ý Kiến Chuyên Gia: 8 Loại Thực Phẩm Nên Tránh

Đăng 7 năm trước

Sau đây có phải là những thực phẩm mà bạn vẫn thường ăn? Hãy cùng Ohay tìm hiểu vì sao nên tránh 8 loại thực phẩm này nhé!

1. Hotdog, ba chỉ hun khói và xúc xích

Bonnie Taub-Dix, Thạc sĩ, Chuyên gia và Cố vấn dinh dưỡng, và đồng thời là tác giả của cuốn Read It Before You Eat It (Xem Bao Bì Trước Khi Ăn), cho biết rằng cô kiên quyết tránh xa 3 loại thực phẩm trên. Vậy chúng có tác hại gì? Theo tờ Everyday Health, một chế độ ăn có nhiều thịt đã qua chế biến như ba chỉ hun khói và xúc xích có thể làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư hay bệnh tim mạch.

Nếu bạn không thể sống mà thiếu các loại đồ ăn chế biến sẵn, hãy để dành pepperoni (xúc xích bò/heo có rắc tiêu), hot-dog, xúc xích, ba chỉ hun khói và thịt nguội cho một ngày đi xem thi đấu bóng chày hoặc những dịp tiệc tùng. Taub-Dix đề nghị, bạn cũng có thể thử thay thế hot-dog, xúc xích thịt heo bằng hot-dog, xúc xích thịt gà.

2. Nước sốt salad không béo

Nước sốt salad không béo nghe có vẻ rất tuyệt, nhưng không hẳn thế. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Nước sốt salad (loại bình thường, không tách béo) là một hỗn hợp gồm có dấm – giúp điều hòa đường huyết, và các loại dầu thực vật vốn chứa các axit béo và chất chống ô-xi hóa. Nói cách khác, loại nước sốt này tốt cho sức khỏe của bạn.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Yahoo, mọi người bị mắc vào nỗi sợ chất béo một cách vô thức, khiến cho các công ty phải tạo ra những chế phẩm không béo. Để loại bỏ chất béo khỏi sản phẩm nước sốt, các công ty bắt đầu thêm vào những chất khác mà chúng ta không biết, nhằm duy trì hương vị của sản phẩm mà vẫn tránh được chất béo. Tất cả đều là mùi vị nhân tạo, không lợi ích gì cho bạn cả. Đừng ngại sử dụng nước sốt chứa béo ở mức vừa phải – điều này tốt hơn nhiều so với loại nước sốt tuy không béo nhưng chứa các chất thay thế.

3. Cà chua đóng hộp

Trên trang Prevention, Fredrick Vom Saal, một chuyên gia về nội tiết tố học thuộc Đại học Missouri, khuyến cáo chúng ta tránh xa cà chua đóng hộp. Vấn đề là lớp nhựa bên trong hộp có chứa “bisphenol-A (BPA), một estrogen tổng hợp có liên quan đến nhiều loại bệnh, gây nên các vấn đề từ sức khỏe sinh sản đến tim mạch, tiểu đường và béo phì.”

Cũng theo trang Prevention, cà chua nổi tiếng có tính axit, đặc điểm này gây nên sự rò rỉ BPA từ vỏ hộp vào cà chua. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu lượng BPA trong cơ thể vượt quá mức cho phép sẽ gây suy giảm lượng tinh trùng được sản xuất, hoặc làm tổn hại nhiễm sắc thể trong trứng động vật.

Giáo sư Vom Saal cho biết thêm, “Bạn có thể hấp thụ 50mcg BPA từ mỗi hộp cà chua, và hàm lượng đó đủ để ảnh hưởng đến cơ thể người, đặc biệt là những người còn trẻ. Tôi sẽ không bao giờ ăn cà chua đóng hộp.” Thay vì muốn sử dụng cà chua hộp, thì hãy chọn cà chua trong hũ thủy tinh (không có lớp nhựa này). Nếu công thức nấu ăn của bạn yêu cầu phải có cà chua hộp, hãy thay thế bằng sốt mì ống đóng chai.

4. Soda

Patricia Bannan - Thạc sĩ, Chuyên gia về chế độ dinh dưỡng, và cũng là tác giả quyển Ăn Uống Lành Mạnh Khi Không Có Thì Giờ (Eat Right When Time Is Tight), đã phát biểu trên trang The Huffington Post rằng chúng ta phải luôn tránh xa soda. “Loại đồ uống này không chỉ có vị quá ngọt mà còn dư thừa năng lượng. Một lon soda khoảng 355ml chứa gần 40g đường, ngoài ra các nghiên cứu cho thấy lượng đường dư thừa có thể dẫn đến thừa cân và hàng loạt vấn đề về sức khỏe. Nếu bạn thực sự ưa thích soda, hãy giới hạn mỗi tháng chỉ uống một đến hai lần, đồng thời làm quen với các lựa chọn khác như nước lọc có ngâm lát cam/chanh hoặc trà đá không đường.”

Bạn đang tìm những bằng chứng cho thấy soda không tốt cho sức khỏe? Trang Rodale News cho biết soda có một vài tác dụng phụ gây hại, như làm tăng lượng mỡ trong cơ thể, tăng lượng đường huyết, tăng nguy cơ phát triển ung thư, và đẩy nhanh quá trình lão hóa.

5. Bỏng ngô từ lò vi sóng

Olga Naidenko, một nhà khoa học kỳ cựu của Environmental Working Group (Tổ chức Sứ mạng Môi trường) đã chia sẽ trên trang Prevention rằng các hóa chất trong lớp lót của túi bỏng ngô là nguyên nhân chính khiến chúng ta nên tránh dùng loại thức ăn này. Những hóa chất này có liên quan đến chứng vô sinh, và qua thử nghiệm trên động vật, những hóa chất này gây ung thư tuyến tụy, tinh hoàn và gan. Quá trình xử lý trong lò vi sóng khiến các hóa chất trong túi bị bốc hơi và ngấm vào bỏng ngô của bạn.

Các chất trên cũng không bị đào thải khỏi cơ thể. Naidenko cho biết, thực chất chúng cư ngụ trong cơ thể qua nhiều năm và tích tụ dần, và điều này khiến các nhà nghiên cứu e rằng mức độ tích tụ của chúng cuối cùng sẽ chạm đến mức gây ung thư. Nhiều nhà sản xuất cam đoan đến năm 2015 sẽ loại bỏ PFOA (tên của loại hóa chất chính gây ra các vấn đề trên), tuy nhiên từ giờ đến lúc ấy, bạn hãy tránh không ăn loại bỏng ngô dùng trong lò vi sóng! Nhưng mặc khác, bạn có thể dễ dàng thay thế món này, chỉ bằng cách tự tách hạt ngô và chế biến; đó là cách thay thế tiết kiệm và đơn giản. 

6. Ngũ cốc đóng hộp

Khó có thể tìm thấy sản phẩm ngũ cốc đóng hộp nào không chứa ít nhất một loại đường. Bạn có biết những hình dạng vui mắt của ngũ cốc (dạng chữ “O”, dạng mảnh dẹt, dạng xốp) từ đâu mà ra không? Để tạo nên những hình dạng đó, ngũ cốc phải trải qua rất nhiều khâu xử lý, thường thì quá trình này sẽ khiến lúa mì mất đi những chất dinh dưỡng vốn có. 

Michelle Pfennighaus, Cố vấn sức khỏe và dinh dưỡng của FindYourBalanceHealth.com, cho biết trên trang She Knows: 

Ngay cả khi không chứa đường, ngũ cốc đóng hộp chẳng qua chỉ là một hộp chứa đầy carbohydrate đã qua chế biến. Đây không phải loại thức ăn bạn có thể tự làm ở nhà, mà là sản phẩm của quy trình chế biến công nghiệp.

7. Các loại margarine cứng*

Hãy tránh ăn trans fat (chất béo chuyển hóa): các loại chất béo này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bởi chúng thúc đẩy hàm lượng cholesterol xấu (cholesterol có chứa LDP – đạm béo tỷ trọng thấp) và có thể làm giảm hàm lượng cholesterol tốt (cholesterol có chứa HDP – đạm béo tỷ trọng cao). Theo trang Every Health, Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên hạn chế dung nạp lượng trans fat vào cơ thể xuống mức thấp hơn 1% tổng năng lượng hằng ngày, nghĩa là nếu bạn theo chế độ ăn 2.000 calo một ngày thì chỉ nên có 20 calo trong số đó từ trans fat.

Trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật (như thịt và sữa) đã có sẵn một lượng nhỏ trans fat, vì vậy khi ăn thịt bạn có thể đã nạp đủ 20 calo trên. Dung nạp thêm nhiều trans fat từ các thực phẩm đã qua chế biến là một công thức dẫn đến bệnh tật. Trang Every Health khuyến nghị, nếu công thức nấu ăn yêu cầu phải dùng chất béo thì bạn có thể chọn bơ thay vì các loại magarine.

*Sản phẩm giả bơ gồm hỗn hợp các chất béo và dầu

8. Các loại cốm gạo

Từng một thời ủng hộ phong trào ăn kiêng không béo, thấp calo, nhưng tạp chí Shape cho biết các loại thực phẩm ăn kiêng này có chỉ số đường huyết (GI) cao đến 91 (đường nguyên chất có GI là 100), tức đó là loại carbohydrate có thể khiến đường huyết của bạn tăng vọt. Tóm lại, chúng không tốt cho sức khỏe và kế hoạch giảm cân của bạn.

Xem: Giảm cân thất bại vì... ĂN ÍT

Trang My Fitness Pal cho biết nếu bạn xem qua bao bì của cốm gạo, bạn sẽ thấy thực sự chúng có hại cho sức khỏe như thế nào. Không chất béo, không chất xơ, rất ít vitamin và khoáng chất. Một thanh/miếng cốm gạo sẽ không bồi dưỡng hoặc cung cấp năng lượng lành mạnh cho cơ thể trong suốt một ngày. Đó chỉ là một thứ “refined carbohydrate” (carbohydrate dạng đơn giản) được rắc thêm muối và trộn lẫn các chất tạo hương vị.

Tác giả: Kirsten Klahn

Chủ đề chính: #ý_kiến_chuyên_gia

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn