Phạm Trung Tình

Ý nghĩa độc đáo xung quanh huyền tích Táo quân

Đăng 8 năm trước

Không khí xuân đang náo nức đổ về trên mọi miền của tổ quốc. Trong tâm thức của mỗi người Việt những tín ngưỡng dân gian của dân tộc luôn có một sức hút thật đặc biệt.

Táo quân - một huyền tích ý nghĩa

Huyền tích Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng đã được Việt hóa thành "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp khi du nhập vào nước ta. Huyền tích Táo quân được truyền khẩu trong dân gian với nhiều dị bản khác nhau. Và bản dưới đây được cho là phổ biến nhất, xuất hiện nhiều nhất trong những cái "ngày xửa ngày xưa..." mẹ thường hay kể:

Xưa có 2 vợ chồng nghèo, người vợ quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, người chồng thì đi buôn bán, biệt tăm biệt tích, năm về vài lần. Trong một chuyến đi buôn xa, người chồng mặt vô âm tín, người vợ ở nhà mỏi mòn chờ đợi 10 năm. Nghĩ chồng đã chết nên người vợ lấy người chồng khác làm nghề săn bắn,nuôi 1 tên đầy tớ tên là Lốc.

Ngày nọ, người chồng mới và tên đầy tớ đi săn vắng nhà, đột nhiên người chồng cũ trở về và cho biết sở dĩ đi biền biệt là vì gặp giặc bắt lưu lạc trong rừng nay mới trốn thoát về được. Người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ khóc than, và dọn cơm rượu mời ăn. Khi chồng mới sắp về người vợ đưa chồng cũ ra đống rơm ẩn tạm. Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm rượu để làm bữa nhậu.

Người vợ tất tả chạy ra ngoài, người chồng và đầy tớ đốt đống rơm để thui cầy. Lửa vô tình đốt cháy thiêu người chồng cũ đang ngủ say. Giữa lúc đó, người vợ về thấy chồng cũ đã chết đau đớn, tự cảm thấy như thể vì mình mà chồng cũ chết, nên nhảy vào đống lửa chết theo.Người chồng mới thấy vợ chết cũng đâm đầu vào lửa. Người đầy tớ vừa thương chủ vừa hối hận vì chính tay mình châm lửa thiêu chết người cũng nhảy nốt vào lửa chết theo. Hôm đó là ngày 23 tháng chạp.

Ngọc Hoàng trên cao cảm động trước mối chân tình của cả ba người, ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi, hóa phép cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa. Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.Cho đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Có ai “lấy lửa thử tình”?

Mượn huyền tích Táo quân, dân gian có câu:

“Thế gian một vợ, một chồng,

Chẳng như vua bếp, hai ông một bà”

Câu ca dao trên muốn bàn về một triết lý trong cuộc sống. Trên thế gian, chỉ nên tồn tại mối quan hệ “một vợ, một chồng” thủy chung. “Chẳng như vua bếp, hai ông một bà” là quan hệ trái với “đạo lý” thường thường của người Việt vốn không chấp nhận chế độ đa thê, đa thiếp.

Song huyền tích Táo quân mà người xưa muốn nói không chỉ dừng lại ở những “đạo lý” thường thường giản đơn mà sâu sắc hơn ở cái “đạo tình”. Xưa nay, lấy lửa thử vàng chứ chưa ai lấy lửa thử tình. Bởi vậy, “lấy lửa thử tình” là chi tiết rất có ý nghĩa chứng minh tình nghĩa phu thê, sống chết trọn vẹn cùng nhau, muôn đời tình nghĩa sắt son.

Tại sao Táo quân lại cưỡi cá chép về chầu trời?

Trên mâm lễ vật cúng ông Táo thường gồm một vài món mặn, bánh kẹo, rượu, trầu cau, hoa quả, cùng với đó là 3 bộ mũ áo, hia hài. Trong đó, hai mũ dành cho các ông Táo và một mũ dành cho bà Táo. Đặc biệt, trong lễ cúng ông Táo không thể thiếu con cá chép. Bởi theo truyền thuyết,Táo quân phải cưỡi cá chép để về chầu Ngọc Hoàng cùng với ý nghĩa “cá chép hóa rồng”.

Bên cạnh ý nghĩa là "cá chép hóa rồng", làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, phong tục phóng thích cá chép trong ngày 23 tháng Chạp sau khi cúng còn thể hiện sự từ bi, nhân hậu của người Việt Nam. Trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa cho sự thăng hoa; biểu tượng của tinh thần vượt khó; biểu trưng cho nhân cách thanh cao của nòi rồng cháu tiên. Ngoài ra, nó còn mang một ý nghĩa sâu xa về văn hóa sông nước của người Việt cổ.

Đất nước ta vẫn đang trong quá trình giao lưu, hội nhập để phát triển. Nền kinh tế thị trường đang ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nét tín ngưỡng, phong tục của người Việt. Biểu hiện là qua những lễ vật trong mâm cúng ông Táo đã có những thay đổi, như thay từ việc lễ cá sống thì nhiều gia đình đã chuyển sang hóa cá giấy. Song những giá trị tốt đẹp và mang đầy ý nghĩa dân tộc luôn đi sâu vào trong tiềm thức của mỗi người Việt, để những độ hoa mai, hoa đào hé nụ ùa về.

Chủ đề chính: #táo_quân

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn