Lê Nhàn

10 cách thiết thực để dạy con về những giá trị sống đúng đắn - Cha mẹ nào cũng nên đọc một lần

Đăng 4 năm trước

Hầu hết các bậc cha mẹ đều nhận thức được rằng việc nuôi dưỡng những phẩm chất tốt trẻ là rất cần thiết nhưng lại không biết bắt đầu dạy chúng từ đâu. Dưới đây là những lời khuyên thiết thực mà cha mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ hiểu và thấm nhuần những giá trị sống đúng đắn ngay từ hôm nay:

Sự lễ phép, tử tế, trung thực, can đảm, kiên trì, tính kỷ luật, lòng từ bi, sự hào phóng và sự tín nghĩa là những phẩm chất mà phần lớn các bậc cha mẹ mong muốn dạy con mình. Họ tin rằng làm như vậy sẽ bảo vệ đứa trẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực tiềm ẩn của xã hội và tạo nền tảng cho chúng trở thành những công dân tốt trong tương lai. Việc không tạo dựng được nền móng đạo đức vững chắc cho con cái cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không làm tròn trách nhiệm của bậc sinh thành. 

 Tất nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm bởi vì việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian - cái mà nhiều bậc phụ huynh ngày nay luôn luôn thấy thiếu. “Nền kinh tế cạnh tranh ngày càng khốc liệt đã dẫn đến việc cha mẹ đang dành nhiều thời gian hơn cho công việc thay vì cho con cái” - ông Gary Hill, Tiến sĩ, Giám đốc Dịch vụ khám bệnh lâm sàng tại Viện Gia đình ở Đại học Northwestern, Hoa Kỳ nhận xét. 

 Những ảnh hưởng bên ngoài như áp lực bằng trang phải lứa và các dịch vụ của ngành công nghiệp giải trí như Internet, truyền hình, phim ảnh, trò chơi điện tử, âm nhạc đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc định hình quan điểm, góc nhìn của trẻ hơn bao giờ hết. 

Vậy cha mẹ cần phải làm gì đây? Theo sự khuyến nghị của Tiến sĩ Hill: “Điều cần thiết là hãy dành ra những khoảng thời gian chất lượng, hữu ích bên con cái. Trò chuyện với chúng về sự đúng - sai, nói cho chúng biết điều gì làm nên một nhân cách tốt và điều gì thì không. Thường xuyên thảo luận với con bạn những nội dung về giá trị sống cho đến khi nó trở thành thói quen trong cuộc sống gia đình bạn. Bằng cách đó, nếu sau này con bạn rơi vào những tình huống khó xử về mặt đạo đức, chúng sẽ muốn tìm đến tâm sự với cha mẹ hơn là với bạn bè, Ngược lại, nếu bạn không giải quyết những rắc rối đó cùng với con, chúng sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài xã hội!”

 Điều này thoạt nghe có vẻ rất khó khăn, đặc biệt là khi hầu hết các cuộc trò chuyện của bạn với con chỉ xoay quanh các chủ đề: “Tối nay ăn gì? Chiếc điều khiển từ xa ở đâu?”. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều cách để đan xen những bài học về đạo đức vào các hoạt động tương tác hàng ngày giữa bạn và con. Hãy cùng xem xét 10 gợi ý thiết thực và hữu ích sau đây:

 1. Hãy là tấm gương sáng

 Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm là trở thành hình mẫu đẹp trong lòng con cái. Chúng luôn rút ra bài học từ việc xem cách bạn cư xử với chúng, nghe cách bạn nói chuyện với người khác và quan sát cách bạn làm ở mỗi tình huống khác nhau trong ngày.

 Nếu bạn muốn được nhìn thấy sự trung thực, lòng tự trọng và lòng từ bi nơi con cái thì bản thân bạn phải là người có những phẩm chất đó. Mọi sự giáo điều trên đời này đều trở nên vô nghĩa nếu như chúng thấy cách bạn hành xử đi ngược lại với điều mà bạn đã nói. 

 Ví dụ, những đứa trẻ của bạn sẽ không bao giờ nghĩ sự kiên trì là cần thiết nếu chúng thấy bạn thường xuyên bỏ chế độ ăn kiêng và các chương trình tập thể dục, hoặc trốn tiết ở trường đại học khi bài vở trở nên khó khăn. Con bạn cũng không nghĩ việc giữ cam kết là quan trọng nếu thấy bạn rút lui khỏi việc tổ chức gây quỹ nhà thờ hoặc không đưa chúng đi chơi sở thú như bạn đã hứa. Chúng cũng không cho rằng việc nói dối là sai nếu nghe thấy bạn nói dối sếp rằng bạn bị ốm trong khi thực chất chỉ là bạn không muốn đi làm, hoặc bạn bảo con trả lời người gọi điện đến rằng bạn không có ở nhà trong khi thực tế không phải như vậy.

 “Nếu bạn nói một đằng và làm một nẻo, những đứa trẻ sẽ phớt lờ những gì bạn nói với chúng. Nhưng nếu hành động của bạn nhất quán với lời nói thì thông điệp của bạn sẽ được củng cố thêm. Con trẻ sẽ biết rằng những gì bạn bảo chúng thực hiện là rất quan trọng nếu chúng thấy bạn luôn luôn “nói đi đôi với làm” - Tiến sĩ Hill nhấn mạnh. 

  Dĩ nhiên, không phải lúc nào mọi người cũng duy trì được sự cam kết một cách tuyệt đối. Sẽ có khi bạn phải hủy chuyến đi đến sở thú vì trước đó đã không thực sự cân nhắc hết tất cả những việc khác phải làm trong tuần. Trường hợp này, hãy cho con bạn biết rằng việc giữ chữ tín hoặc nuôi dưỡng những phẩm chất tốt khác vẫn luôn quan trọng đối với bạn. Nếu không, trẻ sẽ cho rằng lý do mà bạn không thực hiện những điều đó là bởi vì bạn không xem trọng lời hứa. 

 2. Xin lỗi con khi bạn mắc lỗi 

 Khi bạn thất hứa với con trẻ, bạn không chỉ cần thẳng thắn nhìn nhận lỗi của mình mà còn cần phải nói với chúng rằng bạn xin lỗi. Điều này cho chúng  thấy rằng bạn coi trọng suy nghĩ, quan điểm và cảm xúc của con. Khi làm việc đó, bạn cũng đang dạy trẻ cách thể hiện sự tôn trọng người khác và chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình.

Đây cũng chính là bài học mà chị Janet đến từ Oakland, California học được vào một ngày nọ. “Tôi đã nghĩ việc sửa chữa chiếc xe ô tô chỉ tốn 200 đô la nhưng rốt cuộc nó ngốn tận 2.000 đô la và điều đó khiến tôi bực mình. Cùng lúc đó, con gái tôi đi học về và nói rằng bài kiểm tra môn toán của nó bị điểm kém. Vậy là tôi bắt đầu rầy la và đuổi nó về phòng”, Janet nói. 

Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, cô ấy cảm thấy ân hận kinh khủng vì biết mình đã phản ứng thái quá và trút giận vô cớ lên con cái. Janet cũng nhận thấy mình cần phải xin lỗi nên đã nói với cô bé: “Mẹ xin lỗi, mẹ không nên hét lên với con như thế”. Con gái cô có vẻ nhẹ lòng hơn và tha thứ cho Janet.

 Vài ngày sau, khi con gái Janet bắt đầu thua trong lúc chơi cờ với anh trai, cô bé ném bàn cờ đi và xông ra khỏi phòng. Tuy nhiên, vài phút sau cô bé quay lại và bảo với anh trai rằng cô rất ân hận. Janet nói: “Nếu tôi không xin lỗi con bé vài ngày trước đó thì chẳng biết nó có sẵn sàng xin lỗi anh trai nó nhanh đến như vậy hay không?” 

 Khi bạn xin lỗi con cũng tức là bạn đang dạy chúng làm điều tương tự khi chúng phạm lỗi.

3. Sử dụng kinh nghiệm hàng ngày làm “bàn đạp” cho cuộc trò chuyện

 Hầu như mỗi ngày đều có một điều gì đó xảy ra mà bạn có thể biến thành cơ hội dạy con về chuẩn mực sống. Hãy sử dụng chúng để bắt đầu cuộc trò chuyện. Đó có thể là một tình huống bạn biết được khi nghe tin tức, một việc bạn hoặc con bạn làm hay quan sát thấy người khác làm. Những điều này sẽ là những ví dụ minh họa tuyệt vời. 

 Nếu bạn đọc được một bài báo về một hành động anh hùng, bạn có thể hỏi con xem chúng sẽ làm gì nếu ở trong tình huống tương tự như vậy. Nếu bạn đang đứng xếp hàng với con tại bưu điện và thấy một khách hàng đang tranh cãi với nhân viên ở đó, bạn có thể nói với bé: “Con nghĩ gì về cách mà vị khách hàng đó nói chuyện với nhân viên bưu chính?” 

 Hãy cố gắng đưa ra những câu hỏi mở để thúc đẩy trẻ suy nghĩ về các đức tính tốt. Ngay trong gia đình mình, bạn cũng sẽ tìm thấy rất nhiều thứ để thảo luận với con. Ví dụ, hãy nói với con gái rằng bạn nghe thấy bé chế giễu kiểu tóc mới của em trai. Đây là một cách tự nhiên để bắt đầu cuộc nói chuyện với con về lòng tốt và sự tôn trọng người khác. 

 Nếu bạn đang ở cùng con tại một cửa hàng tạp hóa và nhân viên thu ngân đưa cho bạn một tờ hóa đơn 10 đô la tiền thừa trong khi đáng ra chỉ là 1 đô la thì hãy trả lại đồng thời nói cho con bạn biết. Đây là cơ hội lý tưởng để giáo dục bé về sự trung thực. 

 Có thể rằng bạn không thể luôn hành xử mẫu mực một cách tuyệt đối. Nếu vậy, hãy biến những thiếu sót của mình thành bài học để dạy con. Ví như, bạn có thể nói với bé:“Ồ, mẹ đã không nên bực mình khi người lái xe khác chiếm chỗ đậu xe của mẹ”. Ban đầu bạn có lẽ sẽ ngượng ngùng khi nói như vậy, nhưng càng thực hành nhiều, bạn sẽ càng cảm thấy tự nhiên.

 4. Đọc Kinh Thánh cùng con

 Hãy lên kế hoạch tìm hiểu về Kinh Thánh cùng với trẻ và sau mỗi lần đọc, hãy rút ra một bài học đạo đức khác nhau. Chẳng hạn, tuần này bạn có thể cùng con tìm hiểu về sự trung thực hoặc lòng biết ơn, tuần sau đó lại đọc những gì Kinh Thánh nói về lòng từ bi, sự hòa đồng và lòng khoan dung. Hãy giúp con thấy rằng những điều hay lẽ phải mà bạn dạy chúng không phải đơn thuần là quan điểm của riêng bạn mà chính là Lời Của Chúa.

 Mỗi lần cùng con tìm hiểu Kinh Thánh, hãy chọn ra một nhân vật tiêu biểu người mà thể hiện sức mạnh đặc biệt khi đối mặt với các tình huống và thử thách khác nhau. Chắc chắn sẽ có nhiều vị anh hùng trong Kinh Thánh bạn có thể dùng để thảo luận với con, nhưng khi mới bắt đầu, hãy chọn câu chuyện của Joseph (Kinh Cựu Ước 37-50) vì nó mang đến những bài học tuyệt vời về sự trung thực, lòng can đảm và sự tử tế. 

 Tiếp đó, câu chuyện về Isaac và Rebekah trong Kinh Cựu Ước 24 rất lý tưởng cho việc dạy các đức tính về sự tốt bụng, hiếu khách và tinh thần tương thân tương ái. Cuốn sách của Ruth lại nói cho bạn về lòng trung thành của Ruth với Naomi và sự hào phóng, tốt bụng của Boaz đối với Ruth. 

Câu chuyện về Ananias và Sapphira (Công vụ 5: 1-11) là bài học cảnh tỉnh về kết cục của sự gian dối còn câu chuyện về người cai ngục Philipin (Công vụ 16: 16-34) lại dạy người ta về sự tự chủ, tín nghĩa và công bằng. 

 Khi bạn đọc xong một phần Kinh thánh, hãy nói với con về những phẩm chất cụ thể được dạy trong đó. Tuy nhiên, không phải khi nào bạn cũng nên làm như vậy, thi thoảng bạn phải hỏi con xem chúng rút ra được những bài học gì qua những câu chuyện trong Thánh Kinh và liệu rằng có những nguyên tắc nào có thể áp dụng vào cuộc sống ngày nay hay không. 

 5. Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của bạn với con 

 Hầu hết chúng ta đều có thể hồi tưởng lại những kinh nghiệm trong quá khứ đã mang đến bài học quý cho bản thân. Đừng ngại ngần chia sẻ một vài trong số chúng với con của bạn, đặc biệt là những câu chuyện minh chứng cho việc bạn đã kiên định với việc lựa chọn làm người tốt như thế nào. 

Bạn có thể kể về lần bạn kiên định với quan điểm của mình thay vì nghe theo đám đông, kết bạn với một cậu bé/cô bé cùng lớp thường hay bị mọi người ở trường trêu chọc, nộp lại chiếc ví ai đó đánh rơi thay vì giữ tiền cho chính mình, làm việc thật chăm chỉ để đạt được một mục tiêu cụ thể nào đó.Với mỗi câu chuyện, hãy giải thích tại sao nó lại là một tình huống khó xử về mặt đạo đức, chỉ rõ bạn đã đưa ra quyết định như thế nào và mọi thứ diễn ra sau đó ra sao.

Bạn cũng có thể chia sẻ về những lần bạn lựa chọn sai trong quá khứ và phải trả cái giá quá đắt cho những bài học. Điều này đặc biệt hiệu quả với những đứa trẻ vị thành niên vì chúng cũng có thể đang phải đối mặt với sự đấu tranh tinh thần tương tự như vậy.

6. Hãy để con cái chịu trách nhiệm cho lỗi của mình

 Thi thoảng con bạn có thể gây nên những rắc rối như làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm trong lúc chơi bóng chày, làm việc kém và bị đuổi, bị giữ lại trường sau khi tan học vì vi phạm nội quy. 

Có thể bạn nôn nóng muốn can thiệp vào việc của con và cố gắng cải thiện mọi thứ ngay lập tức bằng cách đến gặp hiệu trưởng và xin ông ta thả con mình hoặc bạn tự trả tiền cho chiếc cửa sổ mà con làm vỡ, nhưng đừng làm thế. Nếu bạn cứ dang tay “cứu” con trong tất cả những lần chúng phạm lỗi thì chúng sẽ không biết chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Chúng cần phải biết rằng mọi sự lựa chọn sai lầm đều sẽ dẫn đến những hậu quả không mấy dễ chịu.

Cô Melodie ở Richardson, Texas, chia sẻ về việc cậu con trai 12 tuổi của cô vô tình làm hỏng màn hình máy tính của bạn khi cậu bé ném cây thước kim loại vào nó: “Chas đang ở trong phòng ngủ của bạn mình và chơi đùa với cái thước như thể nó là một chiếc máy bay giấy”. Cô và chồng kiên quyết mua cho gia đình cậu bạn kia một chiếc màn hình máy tính mới và yêu cầu Chas trả tiền cho nó. Giá của một màn hình mới là 140 đô la và Chas không có đủ số tiền lớn như vậy. Cha mẹ cậu đưa ra giải pháp là trả cho cậu 140 đô la nếu cậu làm thêm việc vặt ở nhà. Bằng cách đó, Chas đã kiếm đủ tiền cho chiếc màn hình và trả lại họ.

Melodie nói: “Chúng tôi biết việc Chas làm vỡ màn hình máy tính chỉ là vô tình, nhưng thằng bé vẫn cần phải học được rằng sự bất cẩn trong cuộc sống đôi khi phải trả giá bằng rất nhiều tiền”. Cô không muốn chỉ đơn thuần “khắc phục hậu quả” cho Chas bởi vì như vậy cậu bé sẽ không học được gì từ sai lầm của mình. Melodie hy vọng lần sau khi Chas đi cùng bạn bè, cậu bé sẽ cố gắng tự kiểm soát hơn và tránh được rắc rối. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sẽ không học được những điều đó nếu chúng không bao giờ phải chịu trách nhiệm cho lỗi của chính mình.

7. Đừng để con bạn đầu hàng trước thử thách một cách dễ dàng

Bên cạnh những điều trên, bạn nên yêu cầu con theo đuổi đến cùng các kế hoạch mà chúng đã bắt đầu, ngay cả khi sự tiếp tục thật khó khăn, mệt mỏi và đầy chán chường. Giả sử con trai bạn năn nỉ để được đăng ký vào đội bóng đá nhưng sau hai tuần luyện tập lại muốn bỏ cuộc. Giả sử con gái bạn đã đăng ký lớp tiếng Pháp nhưng một tuần sau cô bé không muốn học nữa vì phát hiện ra giáo viên mong đợi quá nhiều ở kết quả học tập của học sinh. 

Với phần lớn những trường hợp như vậy, bạn không nên để con phá vỡ cam kết của chúng (tất nhiên cũng có ngoại lệ). Nếu con bạn đặt ra một việc gì đó để làm, chúng cần phải theo đến cùng. Bạn chắc chắn không muốn con trở thành những đứa trẻ hay bỏ cuộc. Vậy hãy khuyến khích con hoàn thành các kế hoạch mà chúng đã bắt tay vào làm. Chính trong quá trình này, chúng sẽ nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và hình thành tính kiên trì. 

 8. Khuyến khích trẻ ủng hộ và giúp đỡ người khác

 Hãy cổ vũ con bạn giúp đỡ người khác bất cứ khi nào chúng có thể. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy con mình có thể giúp ích được ai đó chỉ bằng những hành động tử tế nho nhỏ như làm thiệp chúc sức khỏe cho người bị ốm, kết bạn với những đứa trẻ nhút nhát hoặc mới vào trường, mở cửa ra vào tại hàng tạp hóa để một bà mẹ đẩy xe qua, trò chuyện với bà lão đang ngồi một mình ở công viên.

Cố gắng khuyến khích trẻ làm những điều tương tự như thế. Quan sát xung quanh xem ai đang cần giúp đỡ và hướng dẫn trẻ đến bên họ. Bạn cũng có thể cho con tham gia vào những chương trình mang tính chất cộng đồng hơn như đến thăm các viện dưỡng lão, đi gom thức ăn đóng hộp do mọi người quyên góp cho ngân hàng thực phẩm địa phương, tham gia vào một tổ chức dịch vụ cộng đồng. 

 Đây không chỉ là một cách tuyệt vời để giúp đỡ người khác mà còn là cơ hội để con bạn phát triển và thực hành những đức tính như sự hào phóng, tốt bụng, lòng từ bi và sự tôn trọng người khác. “Trẻ có thể trải nghiệm trực tiếp việc giúp đỡ người khác là như thế nào và điều này khiến chúng thích thú”, bác sĩ Hill nói.

9. Giám sát việc xem truyền hình và sử dụng Internet của trẻ

 Khi nói đến việc dạy trẻ về các giá trị đạo đức, nếu ngay từ đầu bạn hạn chế cho chúng tiếp xúc với những quan niệm, tư tưởng sai lầm thì sẽ có ít thứ cần phải “sửa chữa” hơn ở chúng. Cứ cho là bạn không thể bảo vệ con khỏi mọi thứ, nhưng bạn có thể hạn chế việc chúng xem truyền hình và Internet.

Hãy cân nhắc việc đặt máy tính trong nhà bạn, chỉ nên để nó ở nơi cả gia đình tụ họp cùng nhau. “Bạn sẽ không muốn con mình ngồi trong phòng ngủ của chúng và lướt Web trên máy tính trong khi bản thân bạn không biết chúng đang nhìn thấy những gì chứ?”, Tiến sĩ Hill cảnh báo. 

Nếu con bạn có máy tính trong phòng riêng, hãy cài đặt “parental controls” (các chức năng giúp phụ huynh quản lý chuyện lướt web của trẻ) để con không truy cập vào các trang web mà bạn không muốn chúng xem. Đối với ti vi cũng như vậy, bạn chỉ nên đặt ở những nơi cả nhà cùng ngồi với nhau thay vì ở trong phòng ngủ của trẻ.

Chị Barb ở Lake Villa, Illinois chỉ dùng một chiếc tivi cho cả gia đình năm người và đặt nó trong phòng của chị. “Cả gia đình tôi luôn xem ti vi cùng nhau và chúng tôi chắc chắn rằng đó là một chương trình không cổ súy cho những giá trị xấu”, chị nói. “Nếu chồng tôi hoặc tôi không thích một cái gì đó trên ti vi, chúng tôi sẽ thảo luận với lũ trẻ ngay và luôn, trong khi vẫn đang xem chương trình”.

 “Việc cùng xem” như người ta vẫn hay thường nhắc đến là một cách rất hiệu quả để chọn lọc những tư tưởng, quan điểm đang đi vào gia đình bạn và là cách để bạn nhận biết xem con đang tiếp xúc với hệ giá trị nào. Nếu có điều gì đó không tốt xuất hiện trong một chương trình truyền hình, đừng ngại ngần đưa ra ý kiến của bạn hoặc thậm chí tắt đi nếu cần thiết.

Sau khi xem xong một chương trình, hãy nói chuyện với con về những gì bạn vừa xem. Có bài học đạo đức nào được rút ra hay không? Những nhân vật có ưu điểm hay khuyết điểm nào? Hành động của nhân vật có thể hiện những đức tính tốt hay không?

 10. Khen ngợi những việc làm tốt 

 Khi bạn quan sát thấy con làm việc tốt, hãy cho chúng biết bạn hài lòng với hành động của chúng. Cảm ơn con vì chúng dọn phòng khi bạn không yêu cầu hoặc khi chúng làm bài tập về nhà mà không than vãn. Công nhận sự cố gắng của con khi chúng hoàn thành một nhiệm vụ có vẻ khó khăn ở trường. Nếu bạn bước vào phòng khách và thấy các con đang chơi đùa vui vẻ, hãy nói cho chúng biết bạn cảm thấy tuyệt vời như thế nào khi chúng hòa hợp với nhau. 

 “Lời khen ngợi chân thành rất hiệu quả trong việc thúc đẩy các hành động mà bạn muốn nhìn thấy nhiều hơn ở con”, bác sĩ Hill nói. Hãy chỉ ra những việc cụ thể mà con bạn đã làm tốt để chúng biết chính xác nên tiếp tục làm điều gì. Hãy chia sẻ nhiều hơn với con. Thay vì chỉ nói:  “Hôm nay ở nhà thờ con đã tỏ ra là một cậu bé tốt” thì hãy nói: “Thật vui khi thấy con mỉm cười và nói chuyện lịch sự với bà McDonald tại nhà thờ hôm nay”.

Giao tiếp là chìa khóa

 Điểm mấu chốt là bạn cần chú trọng giao tiếp với con cái. Nói cho con biết chúng đã làm đúng và sai điều gì, làm thế nào để luôn cư xử đẹp, những đức tính nào Chúa mong đợi ở chúng ta, lý do bạn đưa ra những lựa chọn nhất định trong cuộc sống của mình... Hẳn nhiên, những cuộc trò chuyện kiểu này thường cần nhiều thời gian, nhưng bạn sẽ thấy kết quả của nó rất đáng để đầu tư.

 “Đừng cho phép bản thân bận rộn đến mức bỏ qua những cuộc trò chuyện thực sự với con mình”, Tiến sĩ Hill nhấn mạnh. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng thật sự trẻ lớn rất nhanh. Tùy vào tuổi của con, chúng có thể chỉ sống cùng bạn trong năm hoặc mười năm nữa. Tiến sĩ Hill kết luận rằng: “Bạn phải sử dụng thời gian ở bên con một cách khôn ngoan. Hãy chắc chắn rằng trong lịch trình của mình, bạn luôn dành ra những khoảng thời gian chất lượng để trò chuyện cùng con trong khi chúng vẫn còn là những đứa trẻ”.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn