Purple Allium Bông hẹ màu tím, tròn tròn, bự bự

10 đặc sản miền Tây có thể dùng làm quà biếu Tết

Đăng 7 năm trước

Biếu Tết là một tập tục cổ truyền của người Việt Nam. Sau một năm bận rộn với những lo toan cuộc sống, biếu Tết chính là lúc bạn thể hiện sự quan tâm của mình với nhũng người thân. Hy vọng bài viết sau sẽ giúp bạn dễ dàng tìm được món quà Tết phù hợp.

1. Kẹo chuối cuộn

Ẩn sau mỗi miếng kẹo chuối cuộn xinh xắn là cả một quá trình chế biến công phu. Cắn vào một miếng kẹo, bạn có thể cảm nhận được mùi vị của chuối khô được xào kỹ, sự giòn tan của những hạt đậu phộng rang vàng lẫn một chút thơm cay khe khẽ của gừng và vỏ quất thái chỉ. Tất cả được bao phủ bởi một lớp bánh tráng dừa nướng, công đoạn này yêu cầu người thực hiện phải cuộn thật chặt tay để khi cắt lát các thành phần của kẹo không bị tách rời. Hình thức của mỗi miếng kẹo còn gợi cho chúng ta nhớ đến tấm lòng của quê hương, bao bọc, gắn kết tất cả những người anh em trên mọi miền đất nước cùng nhau chia sẻ đắng cay ngọt bùi, cùng nhau đón chào một năm mới tràn đầy hy vọng và vui vẻ. 

2. Mắm tép Bến Tre

Từ những con tép tươi được bắt từ con nước sông quê, những người bà, người mẹ Bến Tre đã sáng tạo nên món mắm tép, một món ăn gần như không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của hầu hết các gia đình nơi đây. Mắm tép Bến Tre có hình thức tương đối giống với mắm tôm chua của miền Trung, điểm khác biệt lớn nhất là khi ăn, người miền Tây còn thích trộn thêm vào mắm đu đủ bào sợi, những lát tỏi tươi trắng tinh và những lát ớt sừng trâu tuy cay xé lưỡi nhưng cực kỳ có tác dụng trong việc kích thích vị giác. Mắm có vị chua chua, mặn mặn, cay cay là món ăn kèm giúp giải ngấy hiệu quả cho những ngày Tết quá nhiều các món thịt mỡ. Tuy là đặc sản địa phương nhưng mỗi gia đình lại có một công thức riêng biệt trong việc làm sao để những con tép được đỏ mà không bị nhũng, đu đủ vẫn giữ được độ giòn qua nhiều ngày,... Và người dân Bến Tre sau khi làm mắm tép thường mang biếu tặng cho những người thân hoặc bạn bè vừa để tỏ lòng thơm thảo vừa thể hiện được sự tinh tế, khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình. 

3. Mứt dừa

Trong những năm gần đây, cứ năm hết Tết đến là các chị em công sở, các hội khéo tay hay làm thường rủ nhau cùng làm mứt và khoe hình ảnh thành quả cũng như công thức mà mình đã dày công nghiên cứu, thực hiện. Mứt thủ công có thể không đẹp rực rỡ như mứt ngoài hàng nhưng bù lại, nó giúp các chị em an tâm hơn về độ sạch và an toàn cho sức khỏe người thân. Với thành phần nguyên liệu dễ tìm, cách thực hiện đơn giản, mứt dừa gần như là một trong những lựa chọn hàng đầu của hội chị em khi bắt đầu tự làm mứt. Từ món mứt dừa trắng nguyên thủy, với sự sáng tạo và khéo léo của mình, các chị em đã phát triển thêm các mùi vị cho mứt dừa như cafe, lá dứa,...vừa tạo thêm màu sắc cho mứt vừa tăng độ mới lạ cho món ăn quen thuộc. Năm 2017, thị trường mứt dừa lại ra mắt thêm hai người bạn mới là mứt dừa được tạo hình thành những đóa hoa hồng và hoa cúc đẹp mắt, hứa hẹn là món quà tặng độc đáo, rất phù hợp để xuất hiện trên khay mứt đầu xuân của các gia đình.

4. Bánh tét

Nếu ngày Tết miền Bắc không thể thiếu bánh chưng, bánh dày thì chắc chắn ngày Tết của miền Nam không thể vắng mặt bánh tét. Bánh tét là món ăn truyền thống vừa dùng để thờ cúng ông bà vừa là món ăn cứu cánh cho những lúc lười nấu nướng hay mệt mỏi sau một chuyến du xuân. Qua thời gian, bánh tét có rất nhiều biến tấu mới lạ và đẹp mắt như bánh tét nếp cẩm, bánh nhân thịt trứng muối thơm ngon hay bánh có nhân là chữ mang ý nghĩa tốt đẹp,...Chính sự sáng tạo không ngừng của những người con miền Tây đã biến món ăn truyền thống này thành một thức quà tặng độc đáo mỗi khi xuân về.

5. Bánh tráng dừa

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, mỗi khi vào tháng 11, 12 âm lịch là cái xóm bánh tráng quê tôi lại rục rịch chuẩn bị tráng bánh dừa cho Tết. Thỉnh thoảng mẹ lại bảo tôi sang nhà bà Ba hàng xóm mua bánh tráng dừa vừa tráng xong (là bột vừa được tráng thành bánh và được hấp chín), những chiếc bánh còn ướt mềm mại, béo ngậy đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ ngọt ngào của tôi. Bánh tráng sau khi phơi khô, đóng gói cẩn thận sẽ trở thành món quà tặng độc đáo, mang đậm bản sắc của quê hương xứ dừa Bến Tre. Trong tiết trời se se của những ngày xuân, ngồi ngắm những cành mai vàng rực trĩu bông, uống một tách trà thơm, tay bẻ một miếng bánh tráng dừa đã nướng vàng cho vào miệng nhai chầm chậm, cùng bạn bè, người thân ôn lại những kỷ niệm thuở thiếu thời hay chia sẻ một vài ý tưởng ấp ủ cho năm mới cũng sẽ khiến câu chuyện đầu năm càng rôm rả, càng muốn kéo dài mãi không dừng.

6. Bánh phồng sữa

Từ những củ mì (củ sắn)được hấp chín, đánh tơi, người dân miền Tây đã nghĩ ra cách làm món bánh phồng mì sữa khi kết hợp cùng những nguyên liệu như bơ, nước cốt dừa, đường ,sữa, hương lá dứa,...Là loại bánh có thể ăn trực tiếp mà không bắt buộc thông qua chế biến lại, bánh phồng sữa cũng trở thành một trong những món quà biếu tết vừa kinh tế vừa tiện dụng để bạn mang tặng bạn bè trên khắp mọi miền đất nước.

7. Rượu dừa

Được ủ nên từ những quả dừa già, rượu dừa nhanh chóng chiếm được tình cảm của đông đảo người tiêu dùng vì mùi vị thơm ngon, dễ uống, phù hợp cho cả nam lẫn nữ. Rượu dừa không chứa cồn gây hại cho sức khỏe và còn  mang đến nhiều công dụng tuyệt vời như giúp hỗ trợ tiêu hóa, làm đẹp da, giảm cân,...Vỏ ngoài của những bình rượu dừa cũng được chăm chút rất tỉ mỉ, trở thành những tác phẩm thủ công mỹ nghệ kỳ công. Một cặp rượu dừa với mức giá dao động từ 150.000 - 300.000 đồng là một gợi ý hấp dẫn nên có trong danh mục quà Tết mà bạn cần mua để biếu tặng.

8. Lạp xưởng

Theo Wikipedia: "Lạp xưởng, còn gọi là lạp xường là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lạp xưởng được làm từ thịt nạc và thịt mỡ heo (lợn) xay nhuyễn trộn với rượu, đường rồi nhồi vào ruột heo (lợn) khô để chín bằng cách lên men tự nhiên. Lạp xưởng phơi là "lạp xưởng khô", còn không phơi là "lạp xưởng tươi". Lạp xưởng màu hồng hoặc nâu sậm, vị ngọt. Có thể bảo quản lâu."Với sự phát triển của công nghệ sản xuất, lạp xưởng không còn là món ăn chỉ xuất hiện trong ba ngày Tết, bất cứ khi nào đến các siêu thị hay cửa hàng của Vissan, CP,...bạn cũng dễ dàng tìm thấy loại thực phẩm này. Tuy nhiên, sự phổ biến đó vẫn không làm mất đi vị trí của lạp xưởng trong danh sách những thực phẩm mà các bà các mẹ cần mua để ăn Tết hay làm quà biếu. Ở miền Tây, lạp xưởng và bánh pía Sóc Trăng thường là bộ đôi quà tặng vừa chất lượng vừa hợp túi tiền lại dễ đáp ứng nhu cầu vị giác của nhiều tầng lớp lứa tuổi trong các gia đình.

9. Bưởi da xanh

Những quả bưởi to đẹp lớp lớp vỏ xanh tươi, giữ được trong một thời gian dài, bên trong chứa đầy những múi đỏ hồng mọng nước. Được người dân miền Tây sông nước mệnh danh là vua bưởi. Bưởi da xanh là món quà đặc biệt phù hợp để đặt lên bàn thờ ông bà trong những ngày Tết cổ truyền. Trong những ngày cận kề Tết cổ truyền Đinh Dậu như hiện nay, giá một cặp bưởi da xanh dao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg.

10. Thơm phụng

Với hình dáng độc đáo và màu sắc rực rỡ, thơm phụng sẽ góp phần giúp mâm ngũ quả nhà bạn thêm phần bắt mắt. Thơm phụng cũng sẽ là món quà tặng độc đáo mà bạn dành tặng cho người thân hay bạn bè trong dịp Tết Đinh Dậu này đấy. Một quả thơm phụng loại đặc biệt với hình dáng đẹp có giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng.

Chủ đề chính: #Đặc_sản_miền_Tây

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn