Woody Übermensch Mình thích thì mình viết thôi

10 điểm khác nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân

Đăng 7 năm trước

Bài viết so sánh sự khác nhau giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trên từng khía cạnh cụ thể.

1. Về sở hữu:

Doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm toàn bộ vốn điều lệ hoặc sở hữu phần lớn cổ phần.

Doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn thuộc sở hữu của tư nhân.

2. Về quy mô:

Doanh nghiệp nhà nước: quy mô lớn, tập trung vào những ngành then chốt.

Doanh nghiệp tư nhân: quy mô từ nhỏ đến lớn, phân tán trên nhiều loại ngành nghề khác nhau.

3. Về quản lý tài chính:

Doanh nghiệp nhà nước: chịu sự quản lý, điều tiết, giám sát của cơ quan chủ quản.

Doanh nghiệp tư nhân: tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tài chính.

4. Kiếm tiền:

Đầu tiên phải nói rằng: mọi doanh nghiệp, dù nhà nước hay tư nhân, đều có chung một mục tiêu quan trọng nhất, đó là kiếm tiền.

Doanh nghiệp tư nhân kiếm tiền từ khách hàng, doanh nghiệp nhà nước kiếm tiền từ ngân sách phía trên đổ xuống.

5. Về thua lỗ:

Doanh nghiệp tư nhân nếu thua lỗ vượt quá khả năng chịu đựng sẽ phá sản. Doanh nghiệp nhà nước nếu thua lỗ, sẽ được bù lỗ (bằng ngân sách hay nói trắng ra là tiền thuế của dân). 

Doanh nghiệp tư nhân sợ thua lỗ, doanh nghiệp nhà nước thích thua lỗ (mỗi lần rót thêm ngân sách là có thêm cơ hội ăn chia). 

Doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả là tất yếu, không có gì đáng ngạc nhiên. Doanh nghiệp nhà nước chiếm trên 60% tổng tín dụng, sử dụng phần lớn tài nguyên của đất nước nhưng chỉ tạo ra được 38% GDP.

6. Về vốn:

Vốn của doanh nghiệp tư nhân là tiền của chủ doanh nghiệp hoặc của nhà đầu tư nên họ phải tính toán cẩn thận để sử dụng đồng tiền đó hiệu quả nhất. 

Vốn của doanh nghiệp nhà nước là "tiền chùa" nên cứ xài thoải mái.

7. Ràng buộc ngân sách và các ưu đãi khác:

Ràng buộc ngân sách của doanh nghiệp tư nhân là cứng. Ràng buộc ngân sách của doanh nghiệp nhà nước là mềm: doanh nghiệp nhà nước là con cưng của Nhà nước nên được ưu tiên về chính sách, ưu tiên về công nghệ, bao cấp, được chậm nộp thuế thậm chí miễn thuế, hoãn nợ...

Doanh nghiệp nhà nước cũng có lợi thế hơn trong tiếp cận vốn vay nước ngoài, khi mà phần lớn vay nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam dành cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước.  Doanh nghiệp nhà nước cũng có ưu thế trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Dù pháp luật hiện hành không phân biệt việc giao, cho thuê đất sản xuất kinh doanh nhưng ước tính thực tế doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 70% mặt bằng sản xuất kinh doanh. 

8. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ và chất lượng chăm sóc khách hàng:

Bởi vì thu nhập duy nhất của doanh nghiệp tư nhân là từ khách hàng nên doanh nghiệp tư nhân buộc phải liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ và chất lượng chăm sóc khách hàng (tiếp đón, cung cách phục vụ, hậu mãi, bảo hành, khuyến mãi, trải nghiệm khách hàng...). Ngược lại, bởi việc phục vụ khách hàng chỉ mang tính tượng trưng đối với doanh nghiệp nhà nước nên từ chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ cho tới thái độ khi giao tiếp của nhân viên đối với khách hàng của doanh nghiệp nhà nước đều kém hơn doanh nghiệp tư nhân rất nhiều.

Một nguyên nhân khác khiến chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ của doanh nghiệp tư nhân hơn hẳn doanh nghiệp nhà nước là: doanh nghiệp tư nhân thường phải cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân khác nên phải thường xuyên cải tiến về mọi mặt, trong khi đó doanh nghiệp nhà nước thường được bảo hộ, thậm chí độc quyền nên không cần lo lắng về cạnh tranh, từ đó trở nên lười biếng, ù lì, chậm cải tiến.

Một số ý kiến sử dụng lý lẽ rằng trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ phải tối đa hóa lợi nhuận thì doanh nghiệp nhà nước phải gồng gánh trách nhiệm xã hội và lợi ích của người dân để giải thích cho việc doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thường hay thua lỗ. Câu hỏi đặt ra là: nếu doanh nghiệp nhà nước coi trọng lợi ích người dân, tại sao chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ lại kém như vậy? Thực tế là việc doanh nghiệp tư nhân theo đuổi lợi nhuận không mâu thuẫn với lợi ích người dân, thậm chí còn đồng hành với lợi ích người dân. Bởi việc nâng cao chất lượng là cách duy nhất để các doanh nghiệp tư nhân nâng cao lợi nhuận nên nếu các doanh nghiệp tư nhân càng theo đuổi lợi nhuận thì người tiêu dùng lại càng được lợi.

9. Về giải quyết nhu cầu việc làm:

Doanh nghiệp nhà nước: giải quyết nhu cầu việc làm cho những người có năng lực trung bình hoặc yếu kém nhưng có mối quan hệ hoặc biết chạy chọt.

Doanh nghiệp tư nhân: giải quyết nhu cầu việc làm cho những người có năng lực và tài năng thật sự.

10. Về tuổi thọ:

Doanh nghiệp nhà nước: gần như bất tử, chỉ ngáp ngáp chứ không chết. Tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ.

Doanh nghiệp tư nhân: yếu là chết ngay.

Tác giả: Woody Übermensch - Ohay TV

******************************

Các bài viết khác có thể bạn sẽ thích:

Chủ đề chính: #doanh_nghiệp_nhà_nước

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn