Adonis Nguyễn Thanh Thông tin cá nhân sơ lược: • Họ và tên: Nguyễn Thanh • Ngày sinh: 06 tháng 08 • Quê quán: An Giang • Trình độ học vấn: Đại học - chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh - năm tốt nghiệp: 2010 • Nghề nghiệp: biên dịch viên tự do • Sở thích: đọc sách báo, nghiên cứu, dịch thuật, nghe nhạc nhẹ, xem bóng đá,… • Facebook: Adonis Nguyễn Thanh • Zalo: Nguyễn Thanh

10 điều có thể bạn chưa biết về Ai Cập cổ đại

Đăng 5 năm trước

Tác giả: Joyce Tyldesley Người dịch: Adonis Nguyễn Thanh Từ xưa đến nay vùng đất của các pharaoh vốn nổi tiếng với những kim tự tháp khổng lồ, xác ướp được băng bó chằng chịt và các kho báu chứa đầy vàng. Nhưng bạn thực sự biết bao nhiêu về Ai Cập cổ đại? Bài viết dưới đây của nhà Ai Cập học Joyce Tyldesley sẽ cung cấp 10 sự thật mà rất ít người biết.

1. Người Ai Cập cổ đại không cưỡi lạc đà

Cho đến cuối thời vương triều người Ai Cập không cưỡi lạc đà thường xuyên cho lắm. Thay vào đó, họ dùng lừa để gánh hàng hóa còn tàu thuyền thì được xem như một phương tiện vận chuyển rất tiện lợi.

Sông Nile chảy qua trung tâm vùng đất màu mỡ của Ai Cập vừa tạo ra một “tuyến đường cao tốc” tự nhiên đồng thời đóng vai trò như con kênh thoát nước. Dòng nước mang lại lợi ích to lớn cho những ai cần chèo thuyền xuôi từ nam ra bắc, trong khi gió cũng giúp cho những con thuyền đi theo hướng ngược lại được dễ dàng hơn. 

2. Không phải ai cũng được ướp xác

Xác ướp - xác chết bị moi bỏ gần hết nội tạng, sấy khô và băng bó - đã trở thành một hiện vật đặc trưng của Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, quá trình ướp xác rất tốn kém và mất nhiều thời gian, vốn chỉ dành cho những thành phần giàu có trong xã hội. Đa phần tử thi của người Ai Cập được mai táng trong những hố cát đơn sơ ở sa mạc.

Vậy tại sao giới thượng lưu cảm thấy cần phải có nhu cầu ướp xác? Họ có niềm tin rằng mình sẽ sống lại ở thế giới bên kia, nhưng với điều kiện là cơ thể phải giữ lại được nhân dạng để dễ nhận ra. Trớ trêu thay, một phương pháp hút ẩm tự nhiên sau đó đã ra đời: chôn người chết tiếp xúc trực tiếp với cát sa mạc nóng và khô cằn. Tuy nhiên, giới thượng lưu lại muốn được chôn cất trong quan tài đặt trong các ngôi mộ. Điều này khiến cho thi thể của họ không còn tiếp xúc trực tiếp với cát nữa và bắt đầu thối rữa. Ngành khoa học về ướp xác nhân tạo sau đó đã ra đời nhằm đảm bảo các yêu cầu về trang thiết bị mai táng công phu cũng như không làm cho cơ thể trở nên khó nhận dạng.

3. Người sống “chia sẻ” thức ăn với người chết

Mộ phần được thiết kế như một ngôi nhà trường cửu dành cho xác ướp và linh hồn (người Ai Cập gọi hồn vía là “ka”) sống bên cạnh nhau. Một nhà nguyện được xây cất lộ thiên để cho gia đình, người cầu an, thầy tu đến thăm người quá cố rồi để lại các lễ vật thông thường mà “ka” yêu cầu, trong khi một buồng mai táng nằm ẩn khuất có tác dụng bảo vệ xác ướp khỏi bị hư tổn.

Trong nhà nguyện, thức ăn và đồ uống được cung cấp thường xuyên. Sau khi dâng cúng cho các linh hồn “hấp thụ”, theo lẽ tự nhiên thì đồ cúng này sẽ trở thành thức ăn của người sống. Trong một dịp lễ thường niên nhằm tưởng niệm người chết và sự hồi sinh có tên gọi là “Mỹ tiệc vùng Thung lũng” (Beautiful Festival of the Valley), nhiều gia đình đã qua đêm trong các nhà nguyện, nơi thờ tổ tiên của họ. Dưới ánh đuốc họ tổ chức ăn uống và tiệc tùng thâu đêm như một dịp sum họp giữa người dương gian và người đã khuất.

4. Phụ nữ Ai Cập có quyền bình đẳng với nam giới

Ở Ai Cập, đàn ông và phụ nữ có địa vị xã hội ngang nhau được xem là bình đẳng trước pháp luật. Điều này có nghĩa là phụ nữ có quyền sở hữu, kiếm chác, mua bán và thừa kế của cải tài sản. Họ có thể sống không cần người nam bảo vệ mình. Nếu góa chồng hoặc ly dị, họ có thể nuôi con. Trước tòa, họ có thể khởi kiện và bị phạt theo luật pháp. Họ còn được cho là có quyền đại diện cho chồng trong các vụ làm ăn buôn bán những khi người chồng vắng mặt.

Ở Ai Cập cổ đại khi nam nữ đến độ tuổi kết hôn thì người chồng và người vợ đóng những vai trò vừa đối nghịch vừa bổ khuyết cho nhau trong hôn nhân. Người vợ, “bà chủ của mái ấm gia đình” sẽ chịu trách nhiệm cho mọi việc nội trợ trong nhà. Họ nuôi con và quán xuyến việc nhà trong khi chồng họ, người có vai trò chi phối trong hôn nhân, đảm trách việc "đối ngoại" và kiếm tiền.

5. Các viên thư lại hiếm khi dùng chữ tượng hình để viết

Chữ tượng hình vốn là một dạng bản thảo có chứa hàng trăm các “ký tự” dưới dạng hình ảnh và biểu tượng phức tạp – xem thì rất đẹp nhưng để tạo ra nó phải mất nhiều thời gian. Do đó nó chỉ tồn tại trong các văn bản quan trọng nhất, các chữ khắc trang trí lăng mộ và tường các ngôi đền cũng như các văn bản ghi chép lại những thành tựu của hoàng gia.

Khi trở về với công việc thường nhật, các viên thư lại Ai Cập thường xuyên sử dụng loại chữ của giới tu sĩ - một biến thể tốc ký/được giản lược của chữ tượng hình. Đến cuối thời vương triều họ đã sử dụng chữ bình dân: loại chữ thậm chí còn đơn giản hơn cả chữ của giới tu sĩ. Cả 3 dạng chữ viết trên đều được dùng để ghi lại cổ ngữ Ai Cập.

Rất ít dân Ai Cập cổ đại có thể đọc được chữ tượng hình hoặc chữ của giới thầy tu: ước tính rằng không quá 10% (có lẽ còn ít hơn nữa) dân số thời đó biết chữ.

6. Vua Ai Cập có thể là phụ nữ

Chế độ lý tưởng là vua truyền ngôi cho con trai. Điều này tuy vậy không phải lúc nào cũng khả thi vì nghi thức đăng cơ có thể đưa một nhân vật bất ngờ lên kế vị và trở thành bậc đế vương bất khả phế truất.

Có ít nhất ba lần nữ giới lên nắm vương quyền và cai trị theo cách riêng của họ (dưới tư cách là nữ vương) - với đầy đủ chức tước của một vị vua. Người có thành tựu to lớn nhất trong số họ phải kể đến Hatshepsut – bà đã trị vì Ai Cập trong hơn 20 năm phồn vinh.

Từ “vua” (king) trong tiếng Anh mặc nhiên mang giới tính nam, vì vậy chúng ta lẽ ra nên xếp những người như Sobeknefru, Hatshepsut và Tausret vào một nhóm gọi là “nữ vương”. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ Ai Cập, cụm từ mà chúng ta vẫn thường hay dịch ra là “nữ hoàng” (queen) lại có nghĩa đen là vợ vua/hoàng hậu. Đây là một lối chuyển ngữ hoàn toàn không phù hợp với những nhân vật nữ này.

7. Rất ít đàn ông Ai Cập lấy chị em của mình làm vợ

Một vài vị vua Ai Cập kết hôn với chị em ruột hoặc chị em cùng cha khác mẹ. Những cuộc hôn nhân loạn luân này nhằm đảm bảo hai mục đích: (1) hoàng hậu được học lễ nghi triều chính từ khi sinh ra và (2) hoàng hậu vẫn một lòng một dạ trung kiên với chồng con của mình. Điều đó một mặt mang lại cho các công chúa (có thể chưa muốn thành thân) những đấng phu quân phù hợp mặt khác lại hạn chế số lượng “đối thủ tiềm năng” lên kế vị ngai vàng. Thậm chí điều này còn có liên quan đến các vị thần khi mà phần đông trong số họ (chẳng hạn như Isis và Osiris) có quan hệ hôn nhân loạn luân. Tuy nhiên, việc kết hôn giữa anh chị em với nhau chưa bao giờ mang tính bắt buộc và một vài trong số những hoàng hậu Ai Cập nổi bật nhất (đơn cử như Nefertiti) lại không có xuất thân hoàng tộc.

Cho đến tận cuối thời vương triều, ngoại trừ trong giới hoàng tộc, hôn nhân loạn luân không phổ biến. Danh xưng trong vương triều Ai Cập còn hạn chế (“cha”, “mẹ”, “anh/em trai”, “chị/emgái”, “con trai” và “con gái” là những từ xưng hô nghèo nàn), thêm vào đó là xu hướng dụng ngôn lỏng lẻo: từ “chị/em gái” mang nhiều giá trị biểu đạt giống nhau - cùng chỉ người chị/em gái, vợ hoặc tình nhân. Vấn đề này đã làm phát sinh rất nhiều nhầm lẫn.

8. Không phải tất cả các pharaoh đều cho xây Kim tự tháp

Gần như tất cả các pharaoh thời kỳ Cổ Vương quốc (khoảng năm 2686-2125 TCN) và Trung Vương quốc (khoảng năm 2055-1650 TCN) đã cho xây dựng lăng mộ/kim tự tháp ở các sa mạc phía bắc Ai Cập. Các di tích lồ lộ này không những là sợi dây liên kết giữa vua với thần mặt trời Ra mà còn mô phỏng một ngọn đồi của đấng sáng tạo nhô lên từ mặt nước sau thưở hỗn mang của thời khai thiên lập địa.

Nhưng cho đến đầu thời kỳ Tân Vương quốc (khoảng năm 1550 TCN) việc xây dựng kim tự tháp đã không còn hợp thời nữa. Bấy giờ các vị vua sẽ cho xây hai đền tưởng niệm hoàn toàn riêng biệt. Xác ướp của họ sẽ được chôn cất trong những ngôi mộ làm bằng đá cắt nằm ẩn khuất trong vùng Thung lũng các vị vua (Valley of the Kings) ở bờ tây sông Nile tại thànhphố phía nam của Thebes, trong khi một ngôi đền tưởng niệm hoành tráng hơn - nằm tiếp giáp giữa vùng đất canh tác (nơi có sinh khí) và sa mạc khô cằn (nơi có tử khí) - sẽ đóng vai trò trọng yếu của một nhà nguyện hoàng tộc.

Sau sự cáo chung của thời Tân Vương quốc, các vị vua đời sau được chôn cất trong các ngôi mộ ở miền bắc Ai Cập. Một vài hài cốt trong số đó cho đến nay vẫn chưa được phát hiện.

9. Đại Kim tự tháp không phải do nô lệ xây nên

Sử gia cổ đại Herodotus tin rằng có khoảng 100.000 nô lệ tham gia xây Đại Kim tự tháp. Họ bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em lao động vất vả bất chấp hiểm nguy trong điều kiện rất khắc nghiệt. “Nhãn quan” này của Herodotus được tái hiện hết sức phổ biến dưới bàn tay của các nhà làm phim hiện đại. Tuy nhiên, điều này là sai hoàn toàn!

Bằng chứng khảo cổ học chỉ ra rằng trên thực tế Đại Kim tự tháp do một lực lượng lao động được trả lương (gồm 5.000 nhân công cơ hữu cùng với con số lên tới 20.000 nhân công thời vụ) xây dựng nên. Đó là những người đàn ông tự do, bị triệu tập theo một hệ thống sưu dịch cấp nhà nước. Sau một đợt lao dịch kéo dài 3-4 tháng họ sẽ về đoàn tụ với gia đình. Những người này được cung cấp chỗ ở là khu lều trại tạm thời gần Kim tự tháp. Nơi đây họ được trả công bằng thức ăn, nước uống, chăm sóc sức khỏe,… bao gồm cả việc chôn cất tại nghĩa địa gần đó - trong trường hợp có người chết khi đang lao động.

10. Nữ hoàng Cleopatra có thể không đẹp cho lắm

Nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập cổ đại Cleopatra VII - người đã đánh cắp trái tim của hai trong số những người đàn ông quyền lực nhất của Rome thời đó là Julius Caesar và Mark Antony - chắc hẳn phải là một mỹ nhân khuynh thành?

Tuy nhiên, những đồng xu cổ có khắc hình Cleopatra cho ta thấy sự thật không phải vậy. Theo chân dung trên mặt đồng xu, bà có cái cổ khá to, mũi khoằm, tai dài, cằm nhô, môi thâm mỏng và đôi mắt sâu. Tất nhiên, những đồng xu này chỉ phản ánh kỹ thuật của các nhà đúc tiền đương thời và rất có khả năng nữ hoàng không muốn xuất hiện quá nữ tính trên các hiện vật vốn đại diện cho chủ quyền của mình trong và ngoài cõi Ai Cập.

Thật không may khi hiện nay chúng ta không có bất kỳ một chân dung nào của nhân vật lịch sử này. Tuy nhiên, nhà sử học cổ đại Plutarch - người chưa bao giờ diện kiến Cleopatra – tiết lộ với chúng ta rằng sự quyến rũ của nữ hoàng nằm ở chính phong thái và giọng nói tuyệt vời của bà.

Ghi chú về tác giả:

Joyce Tyldesley là giảng viên cao cấp chuyên ngành Ai Cập học tại Đại học Manchester. Ông là tác giả của hai cuốn sách “Myths and Legends of Ancient Egypt” (tạm dịch: Thần thoại và Truyền thuyết Ai Cập cổ đại, xuất bản năm 2010) và “Tutankhamen’s Curse: the developing history of an Egyptian king” (tạm dịch: Lời nguyền của Tutankhamen: trang sử chưa hoàn chỉnh về một vị vua Ai Cập, xuất bản năm 2012).



Bài viết do Adonis Nguyễn Thanh dịch từ nguyên bản Anh ngữ “10 things you (probably) didn’t know about ancient Egypt” được đăng lần đầu trên HistoryExtra – trang web chính thức của BBC History Magazine và BBC World Histories Magazine, số tháng 1 năm 2016.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn