Nguyễn Minh Ngọc Hà Dream as if you'll live forever. Live as if you'll die today. - James Dean -

10 điều quan trọng bạn nên biết về việc NHỚ và QUÊN

Đăng 7 năm trước

Bạn có bao giờ thử tưởng tượng một cuộc sống mà không có ký ức? Bạn không thể làm được điều đó đúng không? Hãy cùng Ohay khám phá 10 điều quan trọng bạn nên biết về việc NHỚ và QUÊN.

Ký ức giống như từng mảnh ghép nhỏ của một câu đố lớn, chúng cùng nhau tạo nên một bức tranh cuộc sống tuyệt vời. Chúng ta có xu hướng xóa bỏ những ký ức đau buồn và trân trọng những ký ức hạnh phúc nhưng bất kể chúng ta cố gắng như thế nào, bộ não của chúng ta lại có những kế hoạch riêng cho từng loại ký ức. Tại sao bạn lại nhớ những thứ không cần và quên đi hoàn toàn những gì bạn thực sự muốn giữ lại như là một ký ức?

Hãy cố gắng hiểu cách bộ não của bạn vận hành và những gì chúng ta có thể làm để khiến nó quên và nhớ mọi thứ.

1. Bạn có thể nhớ mọi thứ và sự kiện chỉ vì bạn đã quên tất cả những thứ không cần thiết

Bộ não của chúng ta là ông chủ duy nhất trong việc nhớ và quên. Vì vậy nó phải quyết định những thông tin nào là quan trọng và nơi để lưu trữ thông tin đó. Bạn chắc chắn sẽ nhớ ngày cưới hoặc những trải nghiệm căng thẳng mà bạn đã có và bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi những ký ức ấy. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng quên đi những việc hàng ngày, những sự kiện nhàm chán hay những hoạt động thông thường. Điều này được gọi là hiệu ứng tẩy xóa.

2. Bạn có thể ép buộc bộ não nhớ về một điều gì đó

Bộ não đang cố gắng bảo vệ chúng ta khỏi tất cả các thông tin không cần thiết. Nếu chúng ta nhớ tất cả mọi thứ nhỏ nhặt đã xảy ra trong cuộc sống có lẽ chúng ta sẽ phát điên mất. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự muốn nhớ điều gì đó, bạn có thể thử lặp lại liên tục những tình huống hoặc sự kiện ấy, như thể bạn đang nói về nó với một ai đó. Đó là một mẹo tuyệt vời để khiến bộ não của bạn nghĩ rằng tình tiết này là quan trọng đối với bạn.

3. Bạn có thể hồi tưởng lại một số thông tin mà không hề biết rằng mình có nó

Một bệnh nhân hay quên (amnesia) - bệnh mất ký ức đã được đưa cho một danh sách các từ để nhớ. Sau nhiều nỗ lực, anh ta đã thất bại. Tuy nhiên, khi được đưa một danh sách các câu để điền vào chỗ trống bằng những từ đã nhìn thấy trước đó, anh ta lại điền được! Sao có thể như thế? Sự thật là bộ não của chúng ta nhớ lại mọi thứ mà thậm chí chúng ta còn không nhận ra. Bất cứ khi nào bạn cần thông tin cụ thể, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên với thực tế là bạn đã thực sự có thông tin đó ngay từ đầu.

4. Bộ não của bạn kết nối thông tin mới liên quan đến những trải nghiệm trong quá khứ

Bộ não của chúng ta liên tục kết nối thông tin mới liên quan đến những trải nghiệm trong quá khứ. Bạn không nhận thấy điều ấy? Được rồi, hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn đọc một quyển sách hay xem tivi. Khi bạn nhìn thấy một diễn viên mới, ngay lập tức bạn sẽ cố nhớ xem liệu bạn có nhìn thấy cô ta trước đó hay chưa. Hay khi bạn đọc một quyển sách, bạn sẽ cố so sánh những sự kiện trong cuộc sống của nhân vật chính với những trải nghiệm của chính mình. Càng nhiều trải nghiệm, trí nhớ bạn càng tốt hơn.

5. Nếu bạn cảm thấy thứ gì đó khó nhớ, hãy thử sử dụng hình ảnh

Đó là một kỹ thuật phổ biến để ghi nhớ chính xác những hình ảnh thị giác hoặc sử dụng ký ức lưu ảnh. Bạn chỉ đơn giản chuyển đổi các thông tin mình cần thành một chuỗi hình ảnh. Hãy thử phương pháp ghi nhớ bằng hình ảnh - chỉ cần kết nối ký ức với một số hình ảnh trong đầu bạn. Nếu bạn có một trí tưởng tượng sinh động, bạn sẽ thấy phương pháp này dễ thực hiện và rất hiệu quả.

6. Nếu bạn đang cố gắng nhớ một điều gì đó quan trọng, hãy đặt thế giới vào chế độ im lặng

Bất kỳ âm thanh xung quanh nào, thậm chí là âm thanh dễ chịu đi nữa cũng gây phiền nhiễu cho bộ não hồi tưởng lại thông tin bạn cần ngay lúc này. Trong những tình huống như vậy, bộ não sẽ không chắc liệu bạn cần ghi nhớ những âm thanh đó hay cần hồi tưởng lại một vài thông tin đặc biệt khác. Vì vậy, nếu bạn thực sự muốn nhớ lại một điều gì đó, hãy đảm bảo rằng bạn đang ở một mình và trong sự im lặng tuyệt đối.

7. Bộ não lưu giữ thông tin tốt hơn nếu bạn vừa mới ăn xong hoặc đang bị căng thẳng

Glucose từ bữa ăn sáng hoặc trưa sẽ kích hoạt những kỹ năng ghi nhớ của bạn và giúp bạn nhớ mọi thứ dễ dàng hơn. Hiệu ứng tương tự cũng có thể được sinh ra bởi căng thẳng. Những tình huống cảm động và căng thẳng đều tốt hơn cho quá trình ghi nhớ.

8. Nếu suốt cuộc đời, bạn lao động trí óc hơn là lao động chân tay, rất có thể bộ nhớ của bạn sẽ trẻ mãi

Các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng các giáo sư đại học có thể dễ dàng nhớ lại một đoạn văn cụ thể từ các bài giảng của họ ngay cả khi họ đang nghỉ hưu. Ngược lại, những người lao động chân tay gặp vấn đề ghi nhớ công cụ khi họ già đi. Vì vậy, không bao giờ là quá muộn để bắt tay vào một cuộc hành trình khoa học và cung cấp cho bộ nhớ của bạn một cơ hội, không phải sao?

9. Bạn có thể thử ghi nhớ chữ và số bằng cách sử dụng âm thanh

Một nhà phiên dịch và ngôn ngữ học người Áo, Hans Eberstark đã sử dụng phương pháp riêng của mình để ghi nhớ chữ và số. Ông tập trung vào âm thanh vang lên của từng từ mà không phải cách viết của nó. Một khi bạn nghe thấy từ, bạn hầu như có thể nhớ nó ngay cả khi bạn không biết nó có nghĩa gì. Đối với số, ông đã từng đọc 11.944 chữ số liên tiếp của số Pi từ trí nhớ. Sau này ông đã mô tả phương pháp của mình, để thành công trong việc ghi nhớ những điều như vậy ta nên thay thế chữ số bằng chữ cái. Ví dụ, số 7 có thể được ghi nhớ như chữ L bởi vì chúng trông giống nhau khi lật ngược số 7 trở lại.


10. Một trạng thái trầm cảm nghiêm trọng và căng thẳng liên tục có thể phá hủy bộ nhớ và bộ não của bạn

Hãy ghi nhớ điều này và làm theo lời khuyên của chúng tôi: Bất kể tình trạng như thế nào, hãy bình tĩnh, hít vào, thở ra và giúp bộ não của bạn tìm đường ra. Nó chắc chắn sẽ hiệu quả.

Ghi nhớ bằng âm thanh, ghi nhớ bằng hình ảnh... Bạn sẽ chọn cho mình cách ghi nhớ hiệu quả nào?

Theo Brightside

Dịch: Ngọc Hà - Ohay TV

Xem thêm:

Chủ đề chính: #nhớ_và_quên

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn