mirumirumirumo Every day may not be good, but there is something good in every day.

10 phương pháp giúp việc giảng dạy trở nên thú vị

Đăng 4 năm trước

Đã bao giờ bạn bắt gặp học sinh của mình trong tình trạng 'tâm hồn treo ngược cành cây' khi bạn đang đứng lớp chưa? Việc 'giữ nhiệt' cho lớp học chưa bao giờ là dễ dàng đối với các giáo viên. Vì vậy hãy cùng khám phá 10 nguyên tắc để làm cho học sinh của bạn hứng thú hơn với việc học tập trên lớp nhé!

1. Biến bài học thành hành trình lật mở những bí ẩn

Sẽ cực kỳ vui nếu học sinh của bạn không biết được điều gì đang chờ đợi chúng ở phía trước. Một chút bất ngờ, một chút bí mật sẽ làm cho bài học trở nên cuốn hút. Khi bạn sắp sửa dạy một bài học mới, bạn có thể "spoil" dần dần nội dung của buổi học đó cho đến ngày cuối cùng trước khi bắt đầu tiết học. Việc tạo ra sự tò mò đối với học sinh sẽ kích thích mong muốn tìm hiểu của chúng và khiến chúng tham gia vào bài học một cách tự nguyện hơn.

2. Ôn tập bài cũ sáng tạo

Việc ôn tập lại bài cũ là điều cần thiết và quan trọng, tuy nhiên đừng lặp lại y nguyên một cách thức kiểm tra bài cũ nếu bạn không muốn thấy khuôn mặt ngao ngán của học sinh mình. Lần tới khi bạn muốn ôn lại kiến thức cho học sinh, hãy thử nghiệm một vài trò chơi ôn tập nhẹ nhàng để bài học cũ thêm phần sinh động. Một gợi ý nho nhỏ cho bạn là ôn tập theo phương pháp 3-2-1. Trong hoạt động này, học sinh sẽ vẽ một kim tự tháp vào vở mình và viết ra 3 điều chúng đã học được, 2 điều chúng thấy thú vị về bài học, 1 câu hỏi chúng đang băn khoăn và cần lời giải đáp. Phương pháp này có lẽ sẽ làm tư duy trở nên sâu sắc hơn so với các cách kiểm tra bài cũ truyền thống. 

3. Thiết kế những trò chơi bổ ích

Việc chơi trò chơi bao giờ cũng đem lại hứng khởi, cho dù là với một đứa trẻ 5 tuổi hay một sinh viên 25 tuổi đi chăng nữa. Chơi trò chơi cũng là một cách thức tuyệt vời để duy trì nguồn năng lượng của lớp học. Một trò chơi hiệu quả nên bao gồm cả yếu tố cạnh tranh và may mắn. Có thể chia lớp học thành những nhóm nhỏ để vừa tăng khả năng team-work trong nhóm, vừa thiết lập sự cạnh tranh với các nhóm còn lại. Chơi game không chỉ giúp việc học trở nên lý thú mà còn giúp hướng đến một tương lai với những đứa trẻ luôn tươi cười.

4. Trao cho học sinh cơ hội lựa chọn

Trong quá trình học tập, giáo viên nên đưa ra cho học sinh một vài lựa chọn và để chúng tự mình quyết định nên chọn điều gì. Sự lựa chọn là động lực thúc đẩy khả năng suy nghĩ độc lập và mong muốn cá nhân của con trẻ. Nếu bạn muốn lên kế hoạch cho hoạt động chọn lựa này thì có một gợi ý như sau: tạo ra một bảng 9 ô với 9 nhiệm vụ khác nhau. Mục tiêu là mỗi học sinh phải chọn một hàng 3 nhiệm vụ để hoàn thành, có thể là hàng ngang, hàng dọc hoặc đường chéo giống như chơi cờ ca-rô.

5. Sử dụng công nghệ hiệu quả

Giảng dạy bằng công nghệ là điều thiết yếu đối với giáo viên của thời đại 4.0. Thay vì đứng giảng bài trên lớp mỗi ngày, bạn có thể sử dụng bảng tương tác thông minh Smartboard. Bạn cũng có thể tạo ra môi trường học tập mang tính hợp tác bằng cách kết nối lớp học với một thành phố hay quốc gia khác thông qua hội nghị truyền hình. Sử dụng công nghệ theo nhiều cách khác nhau thì bạn sẽ thấy mức độ quan tâm của học sinh vào bài học có thể tăng lên theo cấp số nhân đấy. 

6. Đừng nghiêm trọng hoá việc giảng dạy

Dạy dỗ học sinh một cách hiệu quả và chỉn chu là công việc rất quan trọng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn phải luôn tỏ ra nghiêm túc trong khi giảng dạy. Bạn nên thả lỏng bản thân và học cách chấp nhận không phải học trò nào cũng có sở thích và phong cách học tập giống bạn. Thỉnh thoảng bạn cũng nên cười nhiều một chút nếu thấy học sinh của mình có những câu nói pha trò. Bạn sẽ sớm nhận thấy rằng khi bạn tiếp cận chúng với tư cách là một người bạn đồng hành thay vì một người giảng đạo, học sinh của bạn sẽ thoải mái trong việc bộc lộ bản thân hơn.

7. Tăng tính tương tác cho bài học

Đối với giảng dạy truyền thống, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh giáo viên đứng trên bục giảng giảng bài còn học sinh ở dưới cặm cụi ghi chép. Tuy nhiên, đây không phải là cách học hiệu quả để giúp học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức. Hãy làm cho việc học có độ tương tác cao hơn bằng cách khuyến khích học sinh tham gia vào các bài thực hành. Trong các thí nghiệm hóa học hay bài thảo luận nhóm, hãy cố gắng để mỗi người đều được đảm nhận một vai trò riêng. 

8. Liên hệ tài liệu học tập đến cuộc sống thực tế của học sinh

Cố gắng tạo ra một kết nối giữa thế giới thực với những gì học sinh của bạn đang học. Điều này sẽ giúp chúng hiểu rõ hơn về lý do tại sao chúng cần học những gì bạn đang dạy cho chúng. Nếu học sinh hỏi bạn "Tại sao chúng em lại phải học về tiền tệ?", bạn có thể đưa ra một câu trả lời đại loại như "Các em nên tìm hiểu về tiền bởi trong cuộc sống, các em sẽ cần biết cách mua thức ăn và thanh toán hóa đơn". Làm cho học sinh nhận thấy những kiến thức sách vở này có ích cho chúng trong tương lai là bước đầu tiên để xây dựng được sự chủ động từ cả hai phía trong giảng dạy và học tập.

9. Thử nghiệm mô hình "Lớp học đảo ngược"

Mô hình "lớp học đảo ngược" (flipped classroom) ngày càng trở nên phổ biến kể từ khi thuật ngữ "flipped" (lật ngược) bước vào thế giới giáo dục "mở" năm 2012. Mô hình này được thực hiện trên cơ sở: học sinh sẽ tự đọc toàn bộ tài liệu về bài học mới ở nhà, thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động như tư duy phê phán và củng cố khái niệm. Khi ý tưởng về mô hình giáo dục này được trình bày lần đầu tiên, rất nhiều người còn băn khoăn về hiệu quả của nó. 

Tuy nhiên, nhiều giáo viên đang sử dụng phương pháp này và đã đạt được những kết quả tích cực. Học sinh trong một lớp học đảo ngược có thể có tốc độ làm việc riêng. Điều này rất phù hợp khi sử dụng phương pháp học tập phân hóa (differentiated learning) và khiến cho học sinh tương tác với bạn học một cách có ý nghĩa hơn. 

10. Tư duy sáng tạo

Think-outside-the-box là kiểu tư duy mới lạ, không đi theo lối mòn ý nghĩ thông thường. Để tạo lập môi trường cho tư duy sáng tạo, có thể tổ chức các chuyến đi thực tế, khóa học ngoài trời hoặc mời những diễn giả đến lớp học. Khi bạn tạo ra một thứ gì mới lạ và khác biệt, rất có thể học sinh của bạn sẽ có những phản hồi tích cực hơn và suy nghĩ theo hướng rộng mở hơn. 

Hi vọng bài viết sẽ có ích cho bạn trong việc thử nghiệm các phương pháp giảng dạy hiệu quả.  

mirumirumirumo dịch

Nguồn dịch: thoughtco.com

Chủ đề chính: #giáo_viên

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn