Hanh Tran

11 Bí quyết để đặt câu hỏi hoàn hảo trong buổi phỏng vấn xin việc

Đăng 7 năm trước

Bài viết về cách đặt các câu hỏi gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng

Một buổi phỏng vấn xin việc không bao giờ đến từ một phía cả. Trong quá trình phỏng vấn, để thể hiện bản thân mình một cách thành công nhất, bạn cần phải hỏi một số câu quan trọng và thể hiện rằng bạn đã có tìm hiểu về công ty. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý những câu hỏi của mình và không để chúng gây ra những ấn tượng không tốt cho nhà tuyển dụng.

John VanderSande, chuyên gia về lĩnh vực nhân sự, đã cung cấp một số lời khuyên về những gì nên hỏi – cũng như những gì nên tránh – trong suốt buổi phỏng vấn.

     1. Đừng bao giờ hỏi ngay về tiền lương thưởng hay trợ cấp.

Điều này vô cùng quan trọng khi một số bạn nghĩ rằng mình cần phải thể hiện rằng mình quan tâm tới công ty, nhưng ở vị trí là người đi xin việc và đề cập đến vấn đề lương thưởng ngay trong vòng phỏng vấn đầu tiên, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. “Nếu đề cập ngay tới vấn đề tiền lương thưởng, trợ cấp, thời gian làm việc linh động – làm tại nhà, chính sách nghỉ phép, thai sản … sẽ làm nhà tuyển dụng không hài lòng và loại bạn ra khỏi danh sách ứng tuyển ngay” – VanderSande nói.

Trong khi những vấn đề đó rất cần thiết và cần phải hỏi, nhưng các bạn – những người ứng tuyển vào các công ty – hãy đợi cho tới khi phía công ty đề cập tới nó trước.

2. Đừng bao giờ đề cập tới tính ổn định lâu dài của công ty.

Bạn xứng đáng được biết về sự ổn định lâu dài của công ty bạn ứng cử cũng như công việc của bạn – nhưng không cần thiết phải tìm hiểu ngay lúc này. Còn nếu bạn thấy thực sự cần thiết phải hỏi về mức độ ổn định lâu dài của công ty – “có thể bạn không cần phải hỏi họ, đúng không nào?” – VanderSande nói.

 3.    Tập trung vào vai trò hiện tại của bạn.

Nhiều ứng cử viên vào các vị trí luôn tìm kiếm các cơ hội để thăng tiến lên các chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, bạn cũng chỉ nên tập trung hỏi về các vấn đề liên quan đến công việc hiện tại mà bạn đang ứng tuyển vào, và đừng tập trung quá nhiều vào một công việc khác. “Nhà tuyển dụng có thể nghĩ rằng bạn không thực sự thích công việc mà bạn đang ứng tuyển. Có hoài bão thì tốt thôi, nhưng cẩn thận đừng để bị hiểu nhầm” – VanderSande chia sẻ.

4.    Tránh những câu hỏi chung chung.

Một vài câu hỏi chung chung như “Công ty anh có bao nhiêu nhân viên?” hay những câu hỏi về lịch sử thành lập công ty chẳng hạn, hỏi như vậy cũng được thôi, nhưng bạn phải chú ý hơn vào những câu hỏi được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Những kiểu câu hỏi như vậy, đều có thể dễ dàng trả lời chỉ với một ít thời gian tìm hiểu thôi, và nếu hỏi như vậy là chứng tỏ bạn đã không chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn.

 5.    Các câu hỏi đều cần phải được cân nhắc kĩ lưỡng.

Hãy hỏi những câu mà thể hiện được bạn đã có tìm hiểu về công ty rồi. Có thể mở đầu bằng cách “Tôi đã đọc một bài báo nói như thế này…” để thể hiện rằng bạn rất quan tâm tới công ty. Bạn cũng nên đặt các câu hỏi mở (không phải dạng câu hỏi đúng – sai, có –không đơn thuần), vì bạn không chỉ nhận được thông tin bạn cần, mà chắc chắn rằng nỗ lực cũng như sự quan tâm mà bạn dành cho công ty cũng sẽ được ghi nhận.

VanderSande gợi ý rằng bạn nên đặt một vài câu hỏi kiểu như sau: “Công ty đã có những kế hoạch gì để tăng sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng ngày càng tăng không?”

6.    Tập trung vào nhà tuyển dụng.

Hầu nhưcác buổi phỏng vấn đều tập trung vào kinh nghiệm, kỹ năng cũng như những kế hoạch trong tương lai của bạn cho công ty, tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý một chút tới nhà tuyển dụng. Tìm hiểu một số thông tin về người phỏng vẩn bạn, và hỏi họ một vài câu hỏi liên quan tới công việc hay kinh nghiệm của họ trong quá khứ mà có liên quan tới công việc hiện tại của họ. Những câu hỏi thế này sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hơn về công ty mà bạn đang ứng cử.

VanderSande khuyên bạn nên đặt câu hỏi như: “Tôi có tìm hiểu và biết được anh đã từng làm ở công ty ABC trước khi chuyển đến công ty XYZ, vậy điều gì đã khiến anh chọn XYZ và điều mà anh thích nhất ở đây là gì?”

7.    Tìm hiểu về đối thủ của công ty.

Bạn cũng có thể tìm hiểu về các đối thủ của công ty, và hỏi nhà tuyển dụng về cách thức mà công ty bạn đang ứng tuyển vào có thể vượt xa các đối thủ của họ cũng như cách mà các sản phẩm của họ có được vị trí tốt trên thị trường như vậy.

8.    Hỏi về cơ cấu tổ chức hoạt động của công ty.

Bạn nên hỏi thêm về quá trình vận hành và tổ chức các hoạt động của công ty, để có thể hiểu rõ hơn cũng như biết được mình có phù hợp với môi trường làm việc như vậy hay không. Bạn có thể hỏi rằng, các thông tin sẽ được trao đổi như thế nào giữa các nhóm với nhau, và họ tương tác với nhau bằng cách nào; hoặc là dựa vào sự thống kê của công ty thì mặt hàng nào được khách hàng ưa chuộng nhất?

9.    Bạn có thể hỏi về mức độ phát triển của công ty.

Bạn có thể hỏi rằng công ty đã làm gì để có thể thích nghi với môi trường xã hội ngày càng yêu cầu cao hơn, cũng như các nhóm khách hàng ngày càng lớn.

VanderSande gợi ý rằng bạn có thể hỏi: “Theo như tôi tìm hiểu thì công ty anh đã đạt được lượng khách hàng khá lớn là 5000 khách mỗi tháng, và công ty đang có mục tiêu đạt được lượng khách lớn hơn gấp đôi con số trên. Vậy công ty đã có kế hoạch mở rộng để đạt được mục tiêu chưa?”

10. Hỏi về vai trò và công việc của bạn.

Bạn cần phải thể hiện rằng bạn sẽ thực hiện đầy đủ những yêu cầu mà công ty đưa ra cho vị trí này, vì vậy mà bạn cần phải có thông tin về nó. Câu hỏi đặt ra có thể là: “Tôi cần phải hoàn thành những gì cho vị trí này trong thời gian thử việc (hoặc 3-6 tháng theo yêu cầu của công ty)? Khi hỏi như vậy, bạn sẽ biết chính xác là bạn cần phải đạt được điều gì cũng như sẽ giúp bạn có quyết định đúng đắn hơn trong việc chọn lựa công việc.

11. Chuẩn bị kĩ càng trước buổi phỏng vấn.

Bạn nên chuẩn bị vài câu hỏi trước buổi phỏng vấn, nhưng đừng hỏi quá nhiều. Bạn chỉ nên hỏi khi được nhà tuyển dụng yêu cầu thôi.

“Hãy để nhà tuyển dụng làm chủ buổi phỏng vấn,hãy trả lời những câu hỏi của họ và ngay khi được họ cho phép, bạn sẽ làm họ bất ngờ bằng một vài câu hỏi sâu sắc, được chuẩn bị kĩ lưỡng và thể hiện rằng bạn có quan tâm và tìm hiểu đến công ty!” – VanderSande nói.

Nguồn Boston.com

 

Chủ đề chính: #câu_hỏi

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn