Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

11 Căn bệnh cố hữu của người Việt dưới góc nhìn người xưa

Đăng 5 năm trước

Trong giai đoạn Pháp thuộc, giữa lúc đất nước gặp nhều rối ren, dân trí mịt mờ chưa được khai sáng, thực dân ra sức kìm kẹp áp bức dân tộc ta, nhiều nhần nhân sĩ trí thức đã mạnh dạn đưa ra những tư tưởng, chỉ rõ những “căn bệnh cố hữu” của dân ta nhằm thực hiện được lối canh tân, khôi phục tự do. Sau gần 100 năm, những tư tưởng phê bình về “thói hư tật xấu” của người Việt đến nay vẫn rất hợp thời đại.

Chúng ta hãy thành thật nhìn nhận về những khuyết điểm của người Việt, như câu nói “bắt đúng bệnh mới bốc đúng thuốc”!

1. Không chịu học hỏi

Câu nói bất hũ của ông: "Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin cố một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là "Chi Bằng Học"

Như cụ Phan Châu Trinh nhận xét“Người nước ta thường tự xưng là đồng loại, đồng đạo, đồng văn với Nhật Bản, thấy họ tiến thì nức nở khen, chứ không khi nào chịu xét vì sao họ được tiến tới như thế. Họ chỉ đóng tàu, đúc súng mà được giàu mạnh hay họ còn trau dồi đạo đức sửa đổi luân lý mới được như ngày nay? Tôi rất lấy làm lạ cho những người đã qua Nhật không đem cái hay cái tốt về cho dân nhờ mà chỉ làm giàu thèm tính nô lệ!”

2. Không biết cách học

Và nhà Nho học Trần Trọng Kim cũng ý kiến rằng

“Người mình lại cứ quen một mặt thuận thụ theo cái khuôn nhất định của tiền nhân để lại, việc phải trái hay dở thế nào cũng chỉ ở trong cái khuôn đó chứ không chệch ra ngoài được, sự phê bình phán đoán càng ngày càng hẹp lại, không biết còn có tư tưởng nào nữa.”

“Cái tình trạng nước ta hôm nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra biển, không biết phương hướng nào mà đi cho phải.”

3. Chịu ảnh hưởng văn hóa, sính ngoại

Dương Quảng Hàm viết

Cái gì của Tàu cũng cho là hơn mà chịu khó nghiên cứu, cái gì của mình cũng cho là dở là kém không thèm nhìn tới. Thành ra núi sông đình miếu nước Tàu thì biết mà núi sông đình miếu nước mình thời không hay, danh lam thắng tích bên Tàu thì rõ mà danh lam thắng tích nước mình thì không tường, lịch sử địa dư nước Tàu thì thiệp liệp, mà lịch sử địa dư nước mình thời mịt mù, phong tục nhân vật nước Tàu thời tường tất mà phong tục nhân vật nước mình thời tối tăm. Mà có phải mình thiếu gì cái đẹp cái hay, cái đáng ngắm...”

4. Tư tưởng gia nô

Phan Bội Châu – Cao đẳng quốc dân 1928

“Xem lịch sử nước ta tư xưa đến nay hơn ba nghìn năm, chỉ có gia nô mà không có quốc dân. Quyền vua có nặng, nặng không biết chừng nào; gia dĩ  quyền quan lại hứng đỡ quyền vua mà từng từng áp chế. Từ cửu phẩm kể lên cho đến nhất phẩm, chồng càng cao, ép càng nặng, đến dân là vô phẳng thân giá  lại còn gì.Thằng này là con ngựa thằng nọ là con trâu buộc cương vào thì cắm cổ cứ đi, gác ách vào thì cúi đầu cứ lủi .

Gặp Đinh thì làm nô với Đinh, gặp Trần thì làm nô với Trần, gặp Lê Lý thì làm nô với Lê Lý.Phận con hầu thằng ở, được đôi miếng cơm thừa, canh thải, đã lấy làm hớn hở vênh vang; tối năm  đứng đầu ruộng mới được bát cơm ăn, suốt đêm ngồi bên bàn khung cửi mới được tấm áo mặc, mà mở miệng ra thì “cơm vua áo chúa”; đồng điền này, sông núi nọ mồ hôi lẫn nước mắt cày cấy mở mang, nhưng mà “chân đạp đất vua”, lại giữ chặt một hoạt kê vô lý .

Cái tư tưởng gia nô! Cái trí thức gia nô! Bệnh gia truyền làm nô đó không biết tự bao giờ để lại, bắt ta phải gông đầu khoá miệng, xiềng tay xiềng chân, chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp.”

5. Thông minh hóa ra tinh vặt, chưa thực sự coi trọng việc Học

Lương Đức Thiệp viết trong “Việt Nam tiến hóa sử, năm 1944”

“Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam phần nhiều là thông minh, song những người có trí tuệ lỗi lạc thì xưa nay vẫn hiếm. Nhiều khi từ thông minh không có chỗ dùng thuận tiện thường lại biến ra não tinh vặt. Trí nhớ của người Việt Nam rất nẩy nở, đến não tường tượng thì hoàn toàn bị não thực tiễn làm tê liệt. Não thực tiễn này mở nguồn cho nhiều đức tính khác, cho nên người Việt Nam hiếu học không phải vì khát hiểu biết mà chỉ vì mong một địa vị ưu thắng trong xã hội: Học đối với người Việt.không phải để thỏa mãn một khát khao trí tuệ, mà chính là để làm kế mưu sinh.”

6. Tính ỷ lại, thiếu trách nhiệm

 Phan Bội Châu - Cao đẳng quốc dân 1928

“Tục ngữ có câu rằng Tháp đổ đã có Ngô xây – Việc gì vợ góa lo ngày lo đêm. Tháp đó là tháp của ta, ta không xây được hay sao? Nghểnh đầu nghểnh cổ trông ngóng, nếu Ngô không sang thì vạn tuế thiến thu chắc không bao giờ có tháp. Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bù nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao? Thì chỉ vì ỷ lại.

Câu tục ngữ ấy thật vẽ đúng tâm tình người nước ta. Nếu ai cũng lo gánh vác một phần trách nhiệm của mình thì có gánh gì không cất nổi. Nhưng tội tình thay, anh nào chị nào trong óc cũng chất đầy một khối ỷ lại. Anh Cột trông mong vào chú Kèo, cô Hường trông mong vào thím Lục, mà chú Kèo, thím Lục lại ỷ có anh Cột, cô Hường rồi. Rày lần mai lữa, kết cục không một người làm mà cũng không một người phụ trách nhiệm.”

7. Quá tin ở những điều viển vông (Mê tín, hủ tục)

Phan Bội Châu – Cao đẳng quốc dân 1928

"Mê tín sinh ra những việc nực cười. Ngày giờ nào cũng là trời bày định mà bảo rằng có ngày dữ ngày lành; núi sông nào cũng là đất tự nhiên mà bảo rằng có đất tốt đất xấu; vì nấu ăn mới có bếp mà bảo rằng có ông thần táo; vì che mưa gió mà có nhà mà bảo rằng có ông thần nhà; cho đến thần cửa thần đường, thần cầu tài, thần cầu tử, trăm việc gì cũng trông mong vào thần; kết quả thần chẳng thấy đâu, chỉ thấy những cửa nát nhà tan, của mòn người hết, tin thần bao nhiêu thì tai họa bấy nhiêu…"

8. Không lo xa, dễ thỏa mãn

Lương Dũ Thúc viết trong Nông Cổ mín đàm 1902:

“Người nước của chúng ta, bởi không từng trải ít thấy rộng ít nghe xa (...) hễ vừa mới động nở nòi ra một thí (khá giả một tí)  là đổi tính đổi nết, làm bề làm thế (làm le, làm dáng, khoe mẽ), muốn nghỉ mà ăn chơi. Bởi làm sao vậy? Bởi trong trăm người mới có một thì là trong một xóm ở chừng một trăm, người ấy đã đặng trên mấy bợm khác. Có bạc chục bạc trăm, cho vô cho ra, đã có người thiếu nợ mình rồi; cho nên hết muốn ráng sức nữa.Vì vậy nhiều khi nghèo nàn khổ sở trở lại.

Đến lúc nghèo rồi lại than thở trách trời, sanh mình sao mà vận xấu, mới cho khá rồi lại làm cho nghèo, tại trời không thương.”

8. Không biết cách làm kinh tế

Phan Bội Châu viết trong Việt Nam quốc sử khảo 1908

Tiền của tức là máu mỡ của dân. Tôi không nói là không nên yêu tiếc. Nhưng yêu tiếc thì phải bảo vệ nó làm cho nó sinh sôi nẩy nở. Muốn vậy phải có cách để biến nó thành một món to, không phải chỉ một món nhỏ. Như thế mới gọi là yêu tiếc.Chỉ dùng đồng tiền để phục vụ cho bản thân, không vì những cái chung, "không biết đến có việc gì khác" - Đó là nhận xét của Phan Bội Châu về lối sống, kinh doanh của cư dân Việt.

Thế nhưng người nước ta yêu tiếc tiền của riêng thì lại chỉ để tiền của cung phụng cho cái mồm cái bụng riêng của mình, chứ không biết đến có việc gì khác, đó là một. Có kẻ lại bới đất đào lỗ để chôn giấu của cải, chỉ sợ người khác biết, chôn lâu đến hỏng nát, đó là hai. Cả hai hạng người này một bên thì xa xỉ, một bên thì keo kiệt, tuy không giống nhau, nhưng đều ngu như nhau.”

9. Không đoàn kết, đố kỵ nhau

Phan Khôi, cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, Thần chung, Sài Gòn, năm 1930 viết

"Người An Nam mình kém học ít nghe cạn nghĩ, lại thêm không biết phán đoán, mà cái lòng ghét điều ác quá nồng nàn, bao biếm nhiều khi thất thiệt, bị người ta lợi dụng mà gieo điều nghi kỵ, thành ra ngờ vực nhau chia rẽ nhau."

10. Không thật thà trong kinh doanh, thiếu uy tín, ham lợi nhỏ

Thạch Lam – Hà Nội băm sáu phố phường 1940

“ Cái chí của người Việt Nam ta cũng khác: món quà bán thì cứ muốn bán cho rẻ và nhiều, thích thế để xiêu lòng khách còn cái phẩm có tốt hay không, không quan tâm đến. Bát mằn thắn của người mình có đủ cả rau thơm, xá xíu, đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt. Mằn thắn làm rất to bột, nặn xuề xoà để trông càng to hơn, nhưng nhân thì hết sức kín đáo và nhỏ bé vì được một tí thịt chỗ bàng nhạc (chỉ chỗ thịt dai không có nạc ) mua rẻ của các hàng thịt lậu ôi ở ngoại ô, lúc trút hàng bán rẻ. Nước cũng rất nhiều nữa, dềnh lên như ao sau trận mưa, nhưng nhạt ví như nước bèo.”

“Đó là một sự thực giản dị trong nghề buôn bán mà tiếc thay nhiều nhà buôn người mình không biết đến, làm tồi bán rẻ rồi đánh lừa được người mua thì lấy làm sung sướng.”

11. Đạo đức của giới trẻ ngày càng sa sút

Nguyễn Văn Huyên - Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ, năm 1939“ Song song với vấn đề nghèo khổ, còn phải giải quyết vấn đề giáo dục. Khi ta tò mò đi vào các làng xóm ngày nay, ta bị sửng sốt vì vẻ hỗn xược vì thô lỗ của trẻ con nông thôn. Xưa kia hầu như nơi nào cũng có một ông thầy đồ. Xung quanh chiếc sập của ông, lũ trẻ dù không học được bao nhiêu chữ cũng đều nom thấy chiếc roi mây dài treo trên vách và nghe đi nghe lại câu răn dạy của đạo nho "Tiên học lễ, hậu học văn".Ngày xưa, thầy và bạn học bao quanh lũ trẻ và ngăn chúng làm điều xấu. Ngày nay chẳng ai chú ý đến chúng. Trong vòng mười năm nữa, sẽ rất khó dắt dẫn các dân tộc lúc đó đã mất hết đạo lý. Một trào lưu cá nhân chủ nghĩa đã phát huy hết hiệu quả của nó trong một số môi trường.”

Tóm lại, có thể thấy những mặt tiêu cực trong đời sống của dân ta như một căn bệnh cố hữu cần được triệt bỏ tận gốc để phát triển và phồn vinh. Như cái bài thuốc của cụ Phan Châu Trinh đưa ra cho quốc dân đồng bào ngày nước ta còn Pháp thuộc “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh


Khai dân trí: “Nhân bất học, bất tri lý”

Tri thức là tài sản vô giá có thể đưa con người đến một cuộc sống ấm no, đầy đủ. Chúng ta phải phát huy truyền thống hiếu học của người Việt có từ ngàn đời nay. Học không chỉ trên mặt lý thuyết, học vị mà từ gồm cả những kĩ năng, kiến thức trong thực tiễn. Trau dồi vốn hiểu biết liên tục từ thấp đến cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhìn ra thế giới để nắm bắt, cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm.Học để hiểu đạo lý làm người, luốn có hành vi ứng xử cho đúng với những chuẩn mực đạo đức.


Chấn dân khí:

Dân khí là sức mạnh tinh thần là ý chí vươn lên vượt qua mọi nghịch cảnh, thử thách. Sức mạnh tinh thần càng quan trọng hơn khi phải “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”. Loại bỏ những tư tưởng an phận, vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật trong tác phong làm việc đưa lợi ích của tập thể, hình ảnh của quốc gia lên hàng đầu. Qua đó, chúng ta có thể tiến đến thành công vượt bậc.


Hậu dân sinh :

Nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã từng viết “Dân sinh yếu nhược lôi ta đến đường vong quốc

Công cuộc “khai dân trí, chấn dân khí” chỉ có kết quả vững chắc khi biết làm cho đời sống của dân được đầy đủ, hùng hậu. Cụ thể là phải làm cho người dân có ăn, có mặc, có cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn, hùng hậu hơn. Muốn được vậy thì phải phát triển sản xuất, cải tiến kĩ thuật, không ngừng nâng cao công nghệ.Xây dựng dân sinh tức là quá trình xây dựng kinh tế của mỗi cá nhân dựa trên nền tảng tri thức, kĩ năng chuyên môn và tinh thần, ý chí làm giàu.

Qua những điều nói trên, mong bạn đọc dành chút ít thời gian để suy ngẫm và cùng nhau có những thay đổi trong tư duy, nâng cao tinh thần để mỗi người Việt trong tương lai đều là những công dân thành công trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam vốn bị nhiều điểm đen trong thời gian qua trong con mắt quốc tế.

Hồ Hoàng Anh tổng hợp

Bài thàm khảo thêm "Nghệ thuật Cờ Tướng trong kinh doanh"

Chủ đề chính: #người_Việt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn