Quyên Nguyễn "Life is a choice" Trong cuộc sống này, tất cả những việc mình làm đều là do mình lựa chọn. Nó đồng nghĩa với việc chọn làm việc tốt hay chọn việc làm trái với lương tâm; chọn sống cho mình hay chọn sống cho người khác; chọn nhìn về hướng tích cực hay chọn đi về hướng tiêu cực.

12 'tác dụng phụ' của việc tập thể dục mà bạn phải đối mặt

Đăng 6 năm trước

Việc tập thể dục làm tăng năng suất hoạt động của não bộ và các cơ quan khác cũng như giúp chúng ta có được thân hình lý tưởng và làm chậm quá trình lão hóa. Tuy nhiên, nhiều người mới bắt đầu tập thể dục thường gặp phải một số triệu chứng khó chịu xảy ra trong quá trình tập luyện. Chúng tôi ở Ohay TV đã tổng hợp 12 'tác dụng phụ' thông thường nhất của việc tập thể dục và chuẩn bị một số lời khuyên về cách để loại bỏ chúng. Mời bạn đọc cùng tham khảo!

Lưu ý:

Bất kỳ hoạt động thể chất nào, đặc biệt là nếu bạn thừa cân hoặc mắc một số chứng bệnh nghiêm trọng, bạn chỉ nên bắt đầu tập luyện thể dục dưới sự giám sát của một huấn luyện viên có kinh nghiệm hoặc bác sĩ. 

Bạn cũng phải chú ý đến những thay đổi bất thường trong cảm xúc của bạn. Nếu bạn lo lắng về tình trạng của mình, đừng cố gắng tự giải quyết - hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức!

1. Co giật cơ bắp

Nguyên nhân: Sự co thắt cơ xảy ra là do cơ thể bạn bị kiệt sức và mất cân bằng điện giải. 

Lời khuyên: Luôn luôn uống nước trong khi tập luyện. Bạn nên uống nước lọc, nhưng lựa chọn tốt nhất vẫn là các loại thức uống thể thao có chứa vi lượng (bổ sung khoáng chất) cần thiết cho cơ thể. 

2. Chảy hoặc nghẹt mũi

Nguyên nhân: Việc tập thể dục liên tục làm mở rộng và thu hẹp các mạch máu trong xoang mũi. Viêm mũi dị ứng cũng là một trong số những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Lời khuyên: Hãy tập luyện trong các phòng tập có máy lạnh. Ngoài ra, bạn nên tập thể dục trong những khuôn viên xanh sạch và tránh xa môi trường có khói bụi.

3. Ngứa

Nguyên nhân: Hoạt động thể chất làm cho tim bơm máu nhiều hơn và tất cả các mao mạch đều bị giãn nở. Chúng kích hoạt các dây thần kinh gửi tín hiệu đến não với biểu hiện bên ngoài là ngứa. 

Lời khuyên: Bạn nên tập thể dục đều đặn bởi vì bộ não của bạn sẽ quen với việc kích hoạt và ngừng phản ứng lại với hoạt động thể chất. Tập thể dục không thường xuyên có thể làm bạn bị ngứa nhiều hơn. Nếu có phát ban, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra.

4. Tiêu chảy

Nguyên nhân: Sự vận động liên tục ở chân gây tác động đến đường tiêu hóa và làm tất cả các cơ quan tại đó "bị động". Điều này xảy ra phổ biến nhất đối với người chạy bộ. 

Lời khuyên: Bạn nên nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng sau bữa ăn trước khi tập luyện thể dục, hạn chế các loại thức ăn có nhiều béo và chất xơ. Ngoài ra, đừng quên làm nóng cơ thể trước khi chạy bộ.

5. Lạnh bụng

Nguyên nhân: Trong khi luyện tập thể dục, máu thường tập trung nhiều nhất ở các cơ so với phần nội tạng. Cơ bắp sản sinh ra rất nhiều nhiệt và toả nhiệt thông qua da. Đó là lý do tại sao bạn thường cảm thấy bị lạnh bụng khi cơ thể vận động quá nhiều. 

Lời khuyên: Đây là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể. Sau khi bạn hoàn thành việc tập thể dục, cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất.

6. Buồn nôn

Nguyên nhân: Sự vận động làm co thắt dạ dày cũng như các cơ quan nội tạng, từ đó gây ra một số cảm giác khó chịu trong dạ dày. 

Lời khuyên: Đừng ăn nhiều chất xơ vào những ngày bạn tập thể dục. Tốt hơn hết, hãy ghi nhớ món ăn nào gây ra cảm giác đó, và cố gắng không ăn nó trước khi bạn đi đến phòng tập thể dục. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn, hãy uống vài ngụm nước lọc hoặc nước uống thể thao để bù nước. Ăn kẹo hoặc nhai kẹo cao su cũng là một cách hay để tăng mức glucose trong máu.

7. Chóng mặt

Nguyên nhân: Do tê cứng chân, sốc nhiệt hoặc ngừng việc tập luyện một cách đột ngột.

Lời khuyên: Bạn cần làm nóng cơ thể trước khi tập luyện bằng cách khởi động cơ thể với những động tác đơn giản. Để ngăn ngừa tình trạng ngất xỉu và thương tích có thể xảy ra, bạn nên ngồi xuống nếu bạn cảm thấy không khỏe hoặc thậm chí nằm xuống để đảm bảo máu chảy đều khắp cơ thể bạn.

8. Sưng chân

Nguyên nhân: Sưng chân là do sức nóng tỏa ra từ cơ bắp trong quá trình vận động, hoặc do giày của bạn quá chật, và có khi là do bạn bị viêm dây chằng.

Lời khuyên: Di chuyển các ngón chân của bạn thường xuyên để máu được lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, bạn nên chọn mua giày thể thao có kích thước phù hợp và thoải mái.

9. Bầm tím

Nguyên nhân: Do mạch máu của bạn lưu thông không đều, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, hoặc do bạn bị chấn thương. 

Lời khuyên: Bạn nên cẩn thận hơn trong khi luyện tập, không tập luyện quá sức và nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C. 

10. Hội chứng đau bụng ngắn hạn (ETAP)

Nguyên nhân: Hội chứng đau bụng ngắn hạn (ETAP) thường xảy ra với những người không khởi động trước khi chạy bộ. Từ đó, dòng máu chảy đến ruột và máu chảy từ nội tạng đến cơ bắp không được đồng đều. Vì thế, gan và lá lách phải tiếp nhận nhiều áp lực máu và gây sức ép lên các cơ quan chịu ảnh hưởng.

Lời khuyên: Nếu bạn đang chạy bộ, hãy dừng lại hoặc chạy thật chậm. Luôn luôn theo dõi hơi thở của bạn khi đang chạy bộ.

11. Nước tiểu đậm màu

Nguyên nhân: Điều này xảy ra là do cơ thể bạn bị mất nước.

Lời khuyên: Luôn uống nhiều nước trong các buổi tập. Nếu triệu chứng này vẫn không biến mất, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.

12. Hội chứng đau nhức cơ bắp (DOMS)

Nguyên nhân: Hội chứng đau nhức cơ bắp (DOMS) khi luyện tập sẽ bắt đầu sau 24 đến 72 giờ nếu người tập vận động quá nặng so với mức bình thường hoặc bỏ tập một thời gian. Nguyên nhân gây ra hội chứng bắt nguồn từ các tổn thương nhỏ và ảnh hưởng từ các loại thuốc tăng cơ bắp. Từ đó, nó sẽ dẫn đến các cơn đau trên cơ thể hoặc tại các vùng cơ thể được luyện tập. Đôi khi còn dẫn đến tê cứng cơ đối với vài người (nếu tệ hơn thì bạn sẽ khó có thể chuyển động dễ dàng lại như bình thường!).

Lời khuyên: Mặc dù đau, bạn hãy cố gắng di chuyển nhiều hơn, uống nhiều nước để thải hết chất độc ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt. Massage cũng mang lại hiệu quả tích cực cho bạn.

Quyên Nguyễn - Ohay TV

Chủ đề chính: #tập_thể_dục

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn