Dieu Anh

13 cách hiệu quả đánh bay mọi phiền não với đồng nghiệp đáng ghét

Đăng 5 năm trước

Bạn gặp một vài vấn đề khó chịu với đồng nghiệp tại chốn công sở? Cô đồng nghiệp quá bầy hầy bừa bộn hay cậu chàng nhân viên sao nói nhiều thật ồn ào? Không cần lo lắng thêm nữa, vài ý tưởng sau đây sẽ cải thiện môi trường làm việc của bạn ngay thôi!

Mối quan hệ với đồng nghiệp chẳng phải bao giờ cũng "mưa thuận gió hòa" đâu nhé! Thông thường bạn sẽ phải gắn bó với họ suốt một thời gian dài, nhưng điều đó không có nghĩa bạn được phép chọn đồng nghiệp của mình là ai. Để duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp luôn được tốt đẹp, bạn sẽ phải nhẫn nhịn và không được nói lên những nỗi lòng, bức xúc của mình. Tuy nhiên, đôi khi điều này sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của bạn, thậm chí là cả cuộc sống của bạn!

Nhưng để nói cho họ biết rằng bạn đang cảm thấy thật bực mình với những điều họ đang làm thì thật khó, phải không?

Hãy yên tâm rằng có rất nhiều cách giải quyết vấn đề khéo léo hay ho mà bạn có thể học tập. Chẳng cần phải lời qua tiếng lại để rồi "chiến tranh lạnh" dai dẳng, bạn vẫn hoàn toàn có thể "quẳng bay" mọi ưu phiền theo cách thật nhẹ nhàng mà lại chẳng hề ảnh hưởng tới mối quan hệ!

Bằng cách nào? Đọc bài và áp dụng ngay thôi!

1. Đồng nghiệp của bạn quá ồn ào

Nếu đồng nghiệp của bạn bật nhạc quá to hay bật chế độ loa ngoài khi nói chuyện điện thoại, điều đó có thể ảnh hưởng tới hiệu quả công việc của bạn. Khi đó, đừng ngần ngại mà hãy giải quyết theo cách này:

  • Nhẹ nhàng nói rằng: "Tôi thích cái bài hát cậu đang nghe lắm, nhưng mà hơi khó cho tôi để mà vừa nghe vừa làm việc. Cậu sử dụng tai nghe được không?"
  • "Có thể cậu không nhận ra, nhưng mỗi khi nghe nhạc cậu đều gõ ngón tay cộc cộc lên bàn. Tôi cố không quan tâm nhưng mà chẳng hiệu quả, hay là cậu lót cái gì mềm mềm rồi gõ được không?"

2. Đồng nghiệp luôn trong trạng thái tiêu cực

Cô đồng nghiệp ủ rũ không ngừng kể lể với bạn về hàng loạt các nỗi lo hàng ngày của cô ấy? Bạn muốn nói cô ấy hãy thôi đừng kể nữa, nhưng làm vậy thì thật nhẫn tâm? Chẳng sao cả! Hãy gác chuyện đó sang một bên vì bạn tới đây để làm việc cơ mà! Hãy nói rằng:

  • "Tôi biết là cậu đang bất mãn với mọi thứ ở đây lắm, nhưng nói thật là tôi không quá quan tâm vấn đề này. Hay mình nói về cái gì khác hay ho hơn đi?"
  • "Nói về chuyện này hoài cũng làm tôi ủ rũ quá. Tìm điều gì hay ho để nói chuyện, để cảm thấy sảng khoái và lạc quan hơn đi cậu!"

Hoặc nếu cho tới lần phàn nàn tiếp theo của cô ấy, hãy hỏi rằng:

  • "Rồi cậu tính giải quyết chuyện này sao đây?"

3. Đồng nghiệp tò mò quá nhiều về đời tư của bạn

Nếu đồng nghiệp tò mò về đời tư của bạn quá nhiều (như về tình yêu, sức khỏe hay thậm chí là những kế hoạch tương lai), bạn không bắt buộc phải trả lời mọi câu hỏi của họ!

Một vài gợi ý để lảng tránh những câu hỏi như trên:

  • "Nó là chuyện riêng tư của tui!"
  • "Cậu hỏi làm chi?"
  • "Tôi không thích nói mấy chuyện đời sống riêng tư lắm."
  • "Mấy chuyện này không nên nói ở nơi làm việc cậu ơi. Nhạy cảm lắm!"
  • "Woa, hơi bị kì đó nha."

4. Bạn lỡ hành xử thô lỗ với ai đó

Nếu đã lỡ đánh mất hình tượng bảnh bao lịch sự của mình trong mắt đồng nghiệp, bạn nên nói một lời xin lỗi. Lời xin lỗi không chỉ giúp bạn chịu trách nhiệm với hành vi của mình mà còn giúp bạn thêm "cool ngầu". Hãy xin lỗi với thái độ thật lịch thiệp:

  • "Tôi muốn xin lỗi vì chuyện lúc nãy. Tôi đã hơi cáu gắt lúc tụi mình nói chuyện, nhưng mà không phải khi nào tôi cũng vậy đâu, xin lỗi nhiều nha!"

(Lưu ý, nếu suốt ngày bạn cứ phải đi xin lỗi thì là chuyện khác đấy nhé, vấn đề thật sự đang nằm ở bạn đó!)

5. Đồng nghiệp không ngừng bình luận về đồ ăn của bạn

Nếu bạn phải làm việc với kiểu người thích bình luận về đồ ăn của người khác - ví dụ như "Ô hôm nay ăn ít vậy, giảm cân à?" hay "Cái bánh đó không ngon đâu", hãy thử nói rằng:

  • "Đừng nói về giảm cân nữa - không tốt cho bất kỳ ai đâu"
  • "Nè, đừng có nói về thức ăn của tui nữa được không? Cảm ơn!"
  • "Mỗi việc ăn thôi cũng đã đủ áp lực rồi. Đừng có mang cái áp lực đó vào tận chỗ làm việc luôn nha!"

6. Đồng nghiệp không trả lời mail của bạn

Nếu bạn làm việc với những người chẳng bao giờ đoái hoài tới email, bạn chỉ cần nói trực tiếp với họ hay đơn giản là gọi điện thoại cho đỡ mất thời gian. Mà trước hết, bạn có thể thử:

  • "Tôi để ý cậu ít khi trả lời mail của tôi lắm nha! Hay cậu thấy không thoải mái và muốn tôi làm theo kiểu khác?"

Hay nếu việc trả lời mail của đồng nghiệp có liên quan tới tiến độ công việc của bạn, hãy đề xuất:

  • "Nếu thứ Năm nay tôi không thấy mail của cậu, tôi sẽ tiếp tục làm theo kế hoạch X để công việc không bị trì trệ."

7. Đồng nghiệp thích sai bảo

Còn với những đồng nghiệp bảo thủ, thích chỉ đạo rằng bạn nên làm thế này thế kia? Tốt nhất là nên ngó lơ họ đi. Ngoài ra, những câu nói ngắn gọn sau cũng sẽ giúp ích bạn rất nhiều:

  • "Cảm ơn nhiều nha, tôi sẽ xem xét chuyện đó."
  • "Tôi làm xong rồi, nhưng mà cảm ơn nhiều nhé!"
  • "Tôi thích làm như bây giờ hơn, nhưng nếu tôi cần sự trợ giúp tôi sẽ hỏi cậu liền!"

Nói càng ngắn gọn càng tốt, đừng quan tâm nhiều!

8. Dị ứng với mùi nước hoa nồng nặc của đồng nghiệp

Nếu hương nước hoa tỏa ra từ đồng nghiệp khiến bạn nhức đầu hay "khó thở", bạn cần góp ý với họ. Hãy nói thật rõ ràng không phải bạn đang phê phán hay soi mói họ, chẳng qua là bạn bị dị ứng với mùi hương họ sử dụng. Ví dụ như:

  • "Nước hoa của cậu thơm thiệt đó, nhưng mà hình như tui lại dị ứng với nó nên bị nhức đầu. Thiệt tình xin lỗi, nhưng bạn đừng sức nó khi tới chỗ làm việc được không?"
  • "Tôi rất xin lỗi khi mà phải nói cái này, nhưng mũi tôi bị dị ứng mùi hương rất nặng, và hình như đang dị ứng với nước hoa của cậu. Hơi quá quắt, nhưng cậu có thể giúp cái mũi của tôi bằng việc đừng dùng nó nữa không?"

9. Bạn bị bắt góp tiền để cùng các đồng nghiệp tổ chức tiệc tùng

Ở một vài nơi, quyên góp tiền để tổ chức sinh nhật, ăn mừng đám cưới đồng nghiệp và hàng loạt các dịp lễ khác đã trở thành một "tục lệ". Nhưng nếu số tiền quyên góp vượt ra ngoài khả năng của bạn, đừng ngần ngại cho người khác biết!

  • "Tôi xin lỗi, nhưng ngân sách của tôi không đủ mất rồi."
  • "Mặc dù tôi hết sạch tiền rồi, nhưng tôi sẽ cố gắng ủng hộ một ít."
  • "Tui chỉ có thể đóng 100.000 thôi, ví tiền của tui không cho tui đóng hơn nữa. Nếu mọi người cũng cảm thấy giống tui, hay chúng ta mua cái gì rẻ hơn đi? Quan trọng là tấm lòng!"

10. Bạn không muốn quá thân thiết với đồng nghiệp

Khi một đồng nghiệp muốn có tình bạn thân thiết với bạn mà bạn không mong muốn - chẳng hạn đi chơi sau giờ làm, gọi điện tâm tình mỗi tối,...-thì làm sao để từ chối thật tế nhị? Trả lời thân thiện sẽ làm họ ảo tưởng rằng bạn hứng thú với mối quan hệ này, nhưng nếu từ chối sẽ làm tổn thương tới họ. Thật khó xử phải không?

  • "Xin lỗi nhưng hôm nay lịch trình mình kín hết rồi, mình không thể đi với cậu."
  • "Deadline dồn dập, email phải trả lời còn quá nhiều, mình phải quyết cho hết công việc nên không thể đi với cậu, rất tiếc :("

Nhưng nếu những cách từ chối trên vẫn không hiệu quả, sẽ tốt hơn nếu bạn thẳng thắn:

  • "Mình thích đi chơi lắm, nhưng mà vài tháng mình mới đi một lần cơ. Mình chẳng đi chơi thường xuyên thế này đâu!"
  • "Mình có nhận được tin nhắn rủ đi chơi của cậu rồi. Cơ mà thật tình thì công việc và cuộc sống của mình là hai-điều-khác-nhau, nên mình không đi chơi với đồng nghiệp nhiều lắm. Dù gì đi nữa với mình bạn rất tuyệt, hy vọng bạn sẽ có thời gian vui vẻ hơn!"

11. Đồng nghiệp làm phiền bạn với những tin nhắn công việc sau giờ làm

Nếu đồng nghiệp liên tục nhắn tin với bạn kể cả khi không làm việc (và bạn cảm thấy phiền), có 2 cách để chấm dứt tình huống khó chịu này:

  • "Nhắn tin tới tối làm tôi không thể gác công việc sang một bên. Đừng nói là cậu làm việc cả ngày đấy nhé? Đáng khen đấy!"
  • "Tôi đang cố gắng không nghĩ tới công việc dù chỉ 1 lần. Nếu cậu còn nhiều việc cần làm, hãy gửi email cho tôi thay vì nhắn tin nhé. Khi nào quay trở lại "chế độ làm việc", tôi sẽ trả lời ngay!"

12. Bạn lỡ gửi tin nhắn tán dóc linh tinh của mình tới TẤT CẢ ĐỒNG NGHIỆP

Bạn nhắn tin nói xấu cô đồng nghiệp chảnh chọe nào đó, và không may, bấm gửi cho rất nhiều người? Chẳng còn cách nào khác, chịu trách nhiệm và xin lỗi đi thôi.  Có thể sẽ khá ngại ngùng cho cả hai, nhưng vẫn tốt hơn là để yên và cảm giác ngại ngùng sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Bạn có thể nói:

  • "Tôi rất xin lỗi về tin nhắn đó, tôi đã gửi nó lúc nãy. Tôi đã nhận xét về cậu thật khiếm nhã và tôi thấy thật xấu hổ. Xin lỗi nhiều nhé!"

 Còn nếu mâu thuẫn giữa hai bạn đã kéo dài từ trước đó, hãy tận dụng cơ hội để chia sẻ thẳng thắn với nhau!

  • "Tôi xin lỗi về tin nhắn hôm qua nhé. Tôi đã nói những lời không hay về cách bạn thực hiện dự án X...Thật sự tôi khá bực mình vì bạn đã trễ deadline và đẩy công việc cho tôi. Đáng ra tôi nên nói thẳng với bạn, chứ không nên phàn nàn với người khác."

13. Bạn say xỉn tại bữa tiệc của công ty

Nếu đồng nghiệp đã chứng kiến mọi khoảnh khắc đáng xấu hổ bạn đã làm khi say rượu, cách tốt nhất là đương đầu với tình huống đó.

  • "Tui thấy xấu hổ về mấy việc mình làm ở bữa tiệc hôm thứ Sáu quá, tui không hề biết là tui đã uống quá nhiều. Xin lỗi nếu tui có làm bạn với mọi người cảm thấy khó chịu, tui sẽ không bao giờ say xỉn tại các bữa tiệc của công ty nữa đâu!"

Hoặc đơn giản hơn, chỉ cần nói rằng hôm đó bạn quá đói bụng nên lỡ "chén" quá đà. Mọi người sẽ thông cảm cho bạn thôi!

Bài viết được chuyển thể từ quyển sách Ask a Manager: How to Navigate Clueless Colleagues, Lunch-Stealing Bosses, and the Rest of Your Life at Work. của tác giả Alison Green

Theo Buzzfeed

Chủ đề chính: #kỹ_năng_giao_tiếp

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn