Hạnh Nguyễn

14 điều khác biệt trong việc nuôi dạy con ở Pháp.

Đăng 5 năm trước

Sự khác biệt trong văn hoá và cách nuôi dạy con của người Pháp. Trải nghiệm của một bà mẹ Mỹ hai con.

Đây là loạt bài nằm trong series Hành trình làm mẹ vòng quanh thế giới của blog cupofjo.com. 

Emilie Johnson cùng người chồng Pháp Xavier của cô, đang sống cùng hai cô con gái nhỏ tại một ngôi làng ở Provence, bao quanh nhà là một vườn nho. Dưới đây là 14 điều đã khiến Emilie kinh ngạc về cách dạy con ở Pháp.  

Đôi điều về Emilie: Emilie lớn lên ở Massachusetts, Minnesota, Maine và Seattle, vì cha cô thường xuyên phải di chuyển vì công việc. “Chúng tôi là một gia đình gắn bó với tám đứa trẻ, và mái ấm đối với chúng tôi chính là có nhau”, cô nói. 

Cô đã gặp người chồng bây giờ của mình, Xavier, ở New York rồi sống ba năm ở Paris. Sau đó, họ quay về New York rồi chào đón hai cô con gái của mình là Colette và Romy. Nhưng cả Emilie và Xavier đều làm những công việc tài chính mạnh mẽ, và họ đều cảm thấy là mình đã không cân bằng được giữa công việc và cuộc sống.

 “Vì vậy, tôi đã nhìn bản đồ thế giới rồi hỏi chồng tôi: Mình sẽ đi đâu nếu như mình có thể đi khắp thế giới?”. Và câu trả lời là Provence

Hai năm trước, họ đã bán căn hộ ở New York rồi chuyển đến một ngôi nhà 400 tuổi ở Provence và bắt đầu một công ty công nghệ tài chính ở đó. Quá trình chuyển đổi không hề thiếu những khó khăn. Xavier đã luôn nói tiếng Pháp với con gái mình, nhưng ở New York thì chúng luôn trả lời anh bằng tiếng Anh. 

“Cô con gái 4 tuổi của tôi lúc đó đã rất sợ hãi khi thấy mình trong một lớp học mà cô bé không thể nói rõ ý mình”, Emilie nói. Trong những tháng đầu, Colette như một đứa trẻ Mỹ đang bập bẹ tiếng Pháp, cố vượt qua sự hỗn loạn của âm “r” trong cổ họng. Việc chuyển đổi cũng chẳng dễ dàng gì với bé Romy, người chưa bao giờ được trải nghiệm ở cả hai ngôn ngữ. Nhưng đến nay, sau hai năm, thì chúng đã là người Pháp hoàn toàn. 

1. Thời gian ngoài trời nhiều hơn

Chúng tôi sống trong một ngôi làng ở nông thôn, vì vậy tôi luôn muốn đưa các con ra ngoài bất cứ khi nào có thể. Chúng tôi yêu nơi thiên nhiên hoang dã này: bàn luận với nhau về những luống đất trên cánh đồng lúa mạch, ăn những quả trứng nóng hổi mới được lấy từ ổ (vẫn còn dính chút lông gà), lũ trẻ hít hà mùi hoa nhài trong vườn rồi chơi đùa chạy nhảy cả ngày.  

Ngôi nhà chúng tôi nằm trong một trang trại, bao quanh bởi một vườn nho. Ở đây, tôi được thấy những củ khoai từ khi nảy mầm đến khi thu hoạch, và quá trình trưởng thành của vườn nho. Chỉ là những điều giản dị bình thường thôi, nhưng với tôi lại là những điều quý giá nhất.

2. Không còn cảm giác tội lỗi.

Hồi còn ở New York, mỗi sáng tôi đều đi làm trước khi các con dậy, rồi đến tối mịt mới trở về nhà, trong đầu luôn nhẩm tính những việc cần làm để không bỏ sót điều gì. Tôi đã làm mẹ như thế, và luôn chìm trong cảm giác tội lỗi… rất lâu, trước khi sự thay đổi xoá nhoà đi cảm giác đó. 

Ở Pháp, những bậc cha mẹ vừa đi làm vừa nuôi con là việc hết sức bình thường, hầu hết các bà mẹ đều như vậy trong thời gian con họ còn bé, mà không hề bị xã hội buộc tội một cách tiêu cực. Đây là lý do mà Pháp là quốc gia có số lượng phụ nữ đi làm nhiều nhất ở Châu Âu. Văn hoá ở đây ủng hộ công việc của các ông bố bà mẹ, nhất là những người thường xuyên phải đi làm xa nhà. 

3. Trường học.

Ở đây, trẻ em có thể đi học lúc ba tuổi. Trường mầm non bắt đầu từ 8 rưỡi sáng đến 4 rưỡi chiều, bao gồm cả giờ ngủ trưa. Có tất cả hai giáo viên cho 28 trẻ. Khi mới đến, tôi không nghĩ là giáo viên ở đây lại nghiêm khắc đến vậy, nếu không tận mắt chứng kiến. Con gái thứ hai của tôi hay bắt chước cô giáo của nó khi ở nhà, tôi nghĩ là họ hơi khắc nghiệt quá. ”Không được, không đúng, quay lại chỗ của em NGAY LẬP TỨC!”, cô giáo thường nạt chúng như vậy với khuôn mặt nghiêm túc. Dù vậy, cả hai đứa đều có vẻ rất thích thú.

4. Văn hoá ẩm thực

Văn hoá ẩm thực ở Pháp rất phong phú, và nghi thức trong bữa ăn là nguồn gốc cũng như sự gìn giữ của nó. 

Khi chúng tôi mới đến đây, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy 20 đứa trẻ ở nhà trẻ của Romy, từ 0 đến 3 tuổi, ngồi quanh bàn ăn cho bữa xế chiều và không một đứa trẻ nào được phép nhúc nhích trước khi tất cả đeo yếm của mình lên và xếp đĩa xong xuôi. Một điều như thế chỉ xảy ra ở một nền văn hoá mà các quy tắc trong bữa ăn được giảng dạy và thực hành mỗi ngày. Ngoài bữa xế ra, thì trẻ em ở đây không ăn gì giữa các bữa chính, như một quy luật. Một người bạn Pháp của tôi nhấn mạnh: một đứa trẻ nên cảm thấy đói mỗi ngày, trước khi đến bữa ăn. Cô nói, chỉ một cái bụng rỗng hoàn toàn mới biết trân trọng thức ăn là như thế nào. 

5. Bữa trưa ở trường.

Một ngày, tôi thấy một nhóm phụ huynh tụ tập quanh cổng trường, và tôi đã lại gần xem sao. Hoá ra, họ đang nhìn bảng thực đơn trong tuần của lũ trẻ: với củ cải đường, phô mai dê, rau diếp, bí ngòi, thịt bê và nhiều nữa nhiều nữa. Thực đơn được chia thành ba bữa: chính, phụ và tráng miệng. Nghe nói, là họ đã rất sốc khi biết được hoa quả trái mùa được phục vụ trong món tráng miệng của lũ trẻ. Họ sẽ đưa vấn đề này lên trong cuộc họp phụ huynh tiếp theo. 

Trẻ nhỏ ở đây thường ăn trái cây theo mùa. Dâu tây vào tháng tư, tháng năm và sáu, và nếu ăn ngoài những tháng đó thì trẻ sẽ hỏi tại sao, làm cách nào? Tôi đã thấy người dân ở đây từ chối một quả dưa vì nó được trồng cách làng hơn 15 cây số…Ở đây người dân rất cảnh giác với những gì có hại cho sức khoẻ.

6. Doudou.

Có một thứ rất phổ biến trong trường học ở Pháp đó là doudou (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp doux, có nghĩa là mềm mại, ngọt ngào). Nó là những con gấu bông, một món đồ chơi hoặc chiếc chăn riêng của trẻ, chúng bầu bạn và giúp bọn trẻ ngủ trưa. Tại trường nữ sinh, có một bức tường doudou riêng, ở đó mỗi đứa trẻ đều có một cái túi riêng đựng đồ chơi như thế kia.  

Một vài đứa rất gắn bó với đồ chơi của chúng, đôi khi khiến cho việc giặt giũ khó khăn và nếu chẳng may làm mất thì còn rắc rối hơn nhiều. Vì thế mà còn có hẳn một dịch vụ gọi là SOS Doudou, chuyên tìm những món đồ thất lạc cho trẻ nhỏ. Họ còn tìm hộ bạn món đồ giống hệt như món đã mất và chịu vận chuyển chúng đến tận nhà trong đêm

7. Làm mọi việc theo phong cách Pháp.

Luôn luôn có một cách nào đó để làm mọi việc theo cách của người Pháp. Khi lần đầu nấu ăn cùng mẹ chồng, cụ thể là gọt khoai. Tôi đã làm theo cách mà mẹ chồng tôi phải thở dài, như thể bà ấy chưa từng thấy điều gì tương tự vậy. Tôi sốt sắng hỏi bà và bà nói rằng không thể gọt khoai như thế. 

Đây là một ví dụ tương tự với việc nuôi con, như việc tắm rửa cho chúng chẳng hạn. Tôi thường tắm cho con tôi trước khi đi ngủ, nhưng hầu hết những ông bố bà mẹ ở Pháp mà chúng tôi biết, đều tắm rửa cho con họ trước khi ăn tối vào 8 giờ, trong khi chúng mặc đồ ngủ và áo tắm trên bàn ăn. Ông bà nội Pháp của bọn trẻ thấy cách làm của tôi thật ngược đời và lạ lùng. Đôi khi tôi thấy bất hoà với họ trong nhiều chuyện, tôi muốn làm việc theo cách mà tôi đã biết, thay vì theo cách của người Pháp.

8. Ngôn ngữ.

Nhìn các con gái tôi trở thành người Pháp, tôi rất kinh ngạc; thực sự thì, tôi rất sốc. Vì một lý do nào đó, tôi thấy lo lắng rằng các con mình sẽ đánh mất văn hoá của quê hương mẹ chúng - một cảm giác mà tôi không ngờ tới. Nhìn cách chúng phát âm, những biểu cảm và cử chỉ (phồng má khi bực tức hay bĩu môi khi khó chịu)… chúng thực sự đã trở thành người Pháp. Một ngày, tôi thấy Colette làm động tác kéo bọng mắt để trêu tôi. Tôi thấy kỳ lạ vô cùng khi các con tôi có một nền tảng văn hoá mà tôi không bao giờ hiểu được hoàn toàn. Tôi là một người nhập cư còn chúng là người bản địa, một sự phân chia rõ ràng.

Ngoài ra, tôi cảm thấy mình sẽ không bao giờ trở nên hài hước trong tiếng Pháp - sự khác biệt văn hoá, thời điểm, vân vân… tôi có thể, bằng tiếng anh, nhưng bằng một ngôn ngữ khác thì không. Chị dâu tôi không nói tiếng Anh, và chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Pháp trong suốt 12 năm. Có một phần trong tôi mà tôi luôn muốn chị biết.

9. Lũ bọ.

Ở vùng thôn quê Provence này, có rất nhiều bọ, chúng bò trên tường, trên cây - những con rất khủng bố. Các con tôi lại rất thích chúng, mỗi khi nhìn thấy một con bọ cánh cứng viền sọc, chúng sẽ thốt lên “Lại xem con này nè, hay chưa!”. Nhưng nếu ở New York thì chúng sẽ phải nhảy cẫng lên.Chúng còn có hẳn một bộ sưu tập bọ như bọ cạp, ve sầu, bọ cánh cứng hay nhện. Trên cây sung dâu nhà tôi có một đàn ong làm tổ, chúng đục lỗ trên thân cây tự bao giờ, và chúng bay ra bay vô vo ve mỗi ngày. Đêm trước, tôi đã phải đuổi một con dơi bay vào nhà trong đêm, “Điên thật sự!”

10. Tôn giáo.

Chồng tôi lớn lên theo Đạo Thiên Chúa, như mọi người Pháp khác. Nhưng anh nói rằng anh Vô thần, và chẳng thấy mẫu thuẫn nào cả. Hơn 5% dân số Pháp là những người vô thần công khai, và 2/3 những người trẻ cũng vậy. Cha mẹ tôi là người sùng đạo Mặc Môn, mặc dù tôi không còn theo nữa, nhưng giữa chúng tôi có một sự khác biệt văn hoá rất thú vị. Đôi khi con gái Colette sẽ hỏi tôi “Con muốn biết Chúa có đó không”. Mẹ nghĩ, các con sẽ phải tự tìm câu trả lời cho mình.

Các gia đình Provence thường đi chơi trong đêm Giáng sinh, có rất nhiều truyền thống ở đây không tồn tại ở bất cứ nơi nào của Pháp. Chúng tôi ăn 13 món ngọt ở Provence, bao gồm bánh dầu ô liu, kẹo nu gát (kẹo hạnh phúc), và bánh callisson (giống bánh hạnh nhân của Ý) và nhiều thứ khác. Trẻ em thì để những đôi giày đẹp nhất của chúng dưới cây thông để ông già Nô en đến tặng kẹo. Còn người dân thì ăn nho vào dịp này, nghĩa là họ sẽ vào vườn và ăn những quả nho khô còn lại sau mùa thu hoạch.

11. Những lời động viên.

Những phụ huynh người Pháp mà tôi biết thường không hay khen ngợi con của họ. Khi tôi nói với con mình, “Ồ Romy, con vẽ đẹp lắm!” hay “Colette con giỏi lắm” thì họ hay nhìn tôi chằm chằm một cách lạ lùng. Đương nhiên là tôi chỉ muốn khen ngợi và ủng hộ con mình, nhưng sau đó tôi đọc được một bài viết về việc trẻ con sẽ không làm những việc mà chúng muốn vì yêu thích nữa, mà vì chúng muốn được người khác khen ngợi. Tôi thấy được điều đó, ngay cả ở những đứa con tôi. Vì thế mà tôi phải nén lại mong muốn khen ngợi của mình, tôi muốn các con tôi bơi lội vì chúng thích chứ không phải vì có tôi động viên bên cạnh.

12. Sách tranh cho trẻ em.

Sách tiếng Pháp thường không ngần ngại đề cập đến những chủ đề nặng nề. Họ không sợ nhắc đến cái chết, hay những thứ tương tự như vậy. Những câu chuyện không phải lúc nào cũng có hậu. Vài cuốn sách tiếng Pháp trong phòng con gái mà tôi tìm thấy, trong đó có cuốn Peau d’ane (câu chuyện về một cô gái phải trốn cha cô dưới tấm da lừa, người muốn cưới cổ) hay La Barbe Bleue (kể về Bluebeard, một cô vợ giết người) và một cuốn khác về một người khổng lồ cầm dao. Hình ảnh và cách kể chuyện trần trụi cho trẻ em ở mọi lứa tuổi này là một phần của văn hoá nơi đây.

13. Quan niệm tình dục ở tuổi mới lớn.

Khi nói đến tình dục hay kinh nguyệt, những người bạn Pháp của chúng tôi nói chuyện rất cởi mở với con cái của mình. Họ đều có con đang ở tuổi mới lớn, và họ nói chuyện về bao cao su và tránh thai rất thoải mái, khi bọn trẻ muốn. Còn với tôi, người lớn lên trong một gia đình tôn giáo, thì tình dục là một điều gì đó rất xấu hổ. Ở Pháp, tình dục không bị coi là tội lỗi. Tôi rất ngưỡng mộ điều này.

14. Mối quan hệ thân thiết giữa cộng đồng.

Mỗi khi đi chợ, tôi thường đến chợ làng - nơi mà các cửa hàng như bánh mì, phô mai hay thịt đều nằm cách nhau. Nhưng các chủ hàng hay đứng nói chuyện với nhau rất lâu, ngay cả khi có năm người đang xếp hàng sau tôi. Cuộc sống chậm rãi ở đây khiến tôi rất ngưỡng mộ. Ngoại trừ việc tôi phải lên chuyến bay sớm và đang cần bánh mì. Những mối quan hệ thân thiết là một phần của ngôi làng. Người bán thịt kể là con trai anh sẽ tiếp nhận cửa hàng sau khi anh nghỉ hưu, và anh ấy đang huấn luyện con mình về cách làm xúc xích. Khi gia đình tôi đi nghỉ mát, con trai của anh ấy đã tưới cây và cho mèo nhà tôi ăn.

Tôi hy vọng gia đình mình sẽ ở đây thật lâu. Chúng tôi rời New York khi chưa biết mình sẽ làm gì. Tất cả bạn bè đều cho rằng chúng tôi điên rồi. Nhưng sự cân bằng mà tôi tìm thấy nơi đây và cách những đứa con của tôi dần hoà nhập với ngôi làng, chính là điều mà tôi luôn mơ ước.

Nguồn: cupofjo

Chủ đề chính: #cách_dạy_con

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn