Hoàng Vi

15 dấu hiệu cho thấy nhân viên của bạn đang chuẩn bị nhảy việc

Đăng 7 năm trước

Hầu hết các nhà lãnh đạo thường khó đoán biết được lúc nào mình sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân sự do nhiều nhân viên lâu năm đột ngột rủ nhau xin từ chức

Trong guồng quay hoạt động hàng ngày của một doanh nghiệp, chỉ cần thiếu đi một nhân viên có kinh nghiệm cũng đã đủ để gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả bộ máy công ty. Và nếu bạn đang điều hành một doanh nghiệp nhỏ hoặc một dự án khởi nghiệp thì chuyện này sẽ dễ dàng khiến bạn phá sản. Vì vậy, để bảo đảm mọi chuyện đều ổn thỏa, trước tiên bạn phải học cách đọc được những dấu hiệu bất ổn từ chính các nhân viên của mình.

Dưới đây là 16 dấu hiệu cơ bản mà một nhà lãnh đạo khôn ngoan không thể bỏ qua để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng nhân sự bất ngờ: 

1. Tác phong thay đổi

Nếu nhân viên của bạn đột nhiên ăn bận chỉnh chu hơn bình thường, đây là dấu hiệu cho thấy có khả năng họ đang chờ đợi một cuộc hẹn phỏng vấn vào giờ nghỉ trưa hoặc sau khi tan sở.

Trái lại, việc họ ít quan tâm đến tác phong của bản thân cũng là biểu hiện rõ rệt của sự chán việc, đơn giản vì họ đã nản đến mức chả buồn quan tâm liệu có ai đó phàn nàn về trang phục của mình hay không rồi.

2. Thường xuyên xin nghỉ phép

Nếu một nhân viên từng dẫn đầu danh sách chuyên cần nay lại thường xuyên xin nghỉ vì nhiều lý do, điều này chứng tỏ họ đã bắt đầu mất dần hứng thú làm việc. Ngoài ra, có thể họ đang tận dụng ngày phép để tham dự các cuộc phòng vấn xin việc mới. 

Mặt khác, đây cũng là dấu hiệu cho thấy họ đang cố gắng sử dụng hết mọi phúc lợi của mình ở công ty cũ. Đây là tâm lý chung và phổ biến của nhiều người bởi khi bắt đầu một công việc mới đồng nghĩa là họ sẽ bắt đầu lại từ đầu, gồm cả những quyền lợi đi kèm. Chính vì vậy, họ sẽ tận dụng tối đa những gì công ty cũ mang lại để sắp xếp công việc riêng và đảm bảo lợi ích của bản thân.

3. Biểu hiện hời hợt trong công việc

Bạn nên để tâm nếu đột nhiên nhân viên của mình ngừng đưa ra các ý tưởng mới và lười góp ý trong các cuộc họp chung.Họ bắt đầu thể hiện thái độ hời hợt và thiếu tập trung đối với các dự án của công ty. Đơn giản là vì khi đã chuẩn bị rời khỏi công ty thì ai lại muốn quan tâm đến những dự án mà chắc chắn mình sẽ không tham gia chứ. 

4. Vừa mất cơ hội thăng chức

Nếu ai đó vừa mất cơ hội thăng chức mà họ đã mong chờ từ rất lâu thì rõ ràng cảm giác thất vọng này chẳng thoải mái chút nào. Điều này dễ khiến cho họ cảm thấy mình bị xem nhẹ và có xu hướng tìm kiếm một môi trường làm việc mới nơi mà họ cảm thấy sự cống hiến của mình sẽ được đánh giá cao và trân trọng. 

5. Thiếu hài hước

Những nhân viên có ý định nghỉ việc thường không còn hài hước thân thiện như trước đó nữa, thay vào đó thái độ của họ sẽ trở nên thực tế và thẳng thắng hơn. Lý giải cho việc thay đổi này là do họ đã không còn cần phải gây ấn tượng với đồng nghiệp hoặc cấp trên nữa.

6. Bắt đầu bị xao nhãng

Dần xao nhãng trong công việc là một biểu hiện tiềm tàng báo hiệu rằng nhân viên của bạn đang trong quá trình tìm kiếm công việc mới. Và do biết là mình sẽ không còn gắn bó lâu dài với công ty nên họ cũng không còn chú tâm nhiều đến các nhiệm vụ của mình nữa.

7. Trở nên xa cách

Khi bạn bắt đầu cảm thấy sự lạnh nhạt mơ hồ dường như đang lởn vởn đâu đó trong văn phòng, đây là một dấu hiệu nhắc nhở rằng bạn nên lưu tâm hơn vì nếu tình trạng này ngày càng lan rộng hơn, điều đó chắc chắn là một hay nhiều nhân viên của bạn đang chuẩn bị nộp đơn xin từ chức.

8. Vừa bị giáng chức

Tương tự như trường hợp bị mất cơ hội thăng chức, một nhân viên bị giáng chức cũng sẽ phải chịu cảm giác thất vọng tương tự. Dĩ nhiên, với tâm trạng tệ hại đó thì việc họ sẽ bắt đầu tìm kiếm một sự giải thoát cho bản thân tại một nơi làm việc đầy hứa hẹn khác cũng chỉ là chuyện sớm muộn.

9. Thay đổi thái độ làm việc

Khi nhân viên của bạn trở nên cáu kỉnh và thỉnh thoảng lại đưa ra những bóng gió mỉa mai về đường lối phát triển của công ty kèm với một thái độ thiếu tin tưởng, thì đây chính là một dấu hiệu “cờ đỏ” bảo đảm rằng bạn sắp phải đăng vài thông báo tuyển dụng đấy.

10. Hiệu suất công việc giảm

Nếu một nhân viên chuyên cần bỗng nhiên lười biếng, nộp báo cáo trễ, từ bỏ thói quen làm thêm giờ hoặc chỉ duy trì hiệu suất công việc ở mức vừa đủ thì rõ ràng đây là một biểu hiện bất thường đáng lưu tâm.

11. Thay đổi cách giải quyết bất đồng

Khi ai đó đã sẵn sàng thôi việc, cách họ dàn xếp bất đồng với những người khác cũng bởi thế mà có những thay đổi tương ứng. Họ sẽ chẳng còn quá hào hứng chứng minh ý kiến của bản thân như trước hoặc trở nên hiếu chiến và thôi cẩn trọng trong giao tiếp với các đồng nghiệp,nguyên do đơn giản là vì họ sẽ không tính ở lại để gánh chịu các hậu quả đó.

12. Không thoải mái khi thảo luận về những dự án dài hạn

Nếu ai đó đang có ý định tìm kiếm một môi trường tốt hơn thì họ sẽ thể hiện rõ rệt thái độ không thoải mái của mình khi được đề nghị tham gia các dự án dài hạn.

13. Thiếu vắn các mối quan hệ xã giao ngoài công việc

Nếu một nhân viên đang cân nhắc việc từ chức, họ sẽ hạn chế tham gia các cuộc thảo luận với những đồng nghiệp khác –bất kể là qua email, nói chuyện trực tiếp hoặc trong tất cả các mối quan hệ xã giao ngoài công việc nói chung. Ngoài ra, họ cũng sẽ tránh trả lời những câu hỏi mang tính cá nhân liên quan đến dự định tương lai của mình vì chúng có thể gây ảnh hưởng đến công việc hiện tại nếu họ vẫn đang tìm kiếm một công việc mới.

14. Thay đổi thời gian biểu cá nhân

Nếu đột nhiên một nhân viên thay đổi thời gian biểu của mình một cách đáng lưu tâm như thường xuyên đi trễ, về sớm và mất hút trong giờ nghỉ trưa – đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ có thể đang “săn việc” hoặc tham gia các cuộc phỏng vấn với những nhà tuyển dụng khác. 

15. Trì hoãn trả lời các vấn đề liên quan đến công việc

Nếu một hay nhiều thành viên trong nhóm của bạn đang có ý định rời bỏ, họ sẽ trở nên thờ ơ trong việc tìm kiếm giải pháp nếu phát sinh khó khăn trở ngại trong công việc. Đây là do họ không còn tha thiết gì và đã sẵn sàng ra đi.

16. Hãy tin vào trực giác của bản thân

Lời khuyên cuối cùng chính là hãy tin vào trực giác của bạn, nếu đột nhiên bạn cảm thấy dường như có một sự gượng gạo và thiếu hòa hợp trong mối quan hệ giữa các nhân viên của mình với nhau, thì nhiều khả năng là có ai đó đang chuẩn bị nộp đơn xin thôi việc đấy.

Cuối cùng, để trở thành một nhà lãnh đạo thành công, ngoài việc đưa ra các quyết định dẫn dắt công ty đạt được những thành tựu trong công việc thì bạn còn cần phải quan tâm hơn đến nhân viên của mình. Việc nhận biết được những dấu hiệu thể hiện sự bất mãn ngầm ngầm của nhân viên dưới quyền luôn là một kinh nghiệm quý báu không thể thiếu của một nhà lãnh đạo khôn ngoan. 

Hoàng Vi

Theo BusinessInsider

Chủ đề chính: #môi_trường_làm_việc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn