Adonis Nguyễn Thanh Thông tin cá nhân sơ lược: • Họ và tên: Nguyễn Thanh • Ngày sinh: 06 tháng 08 • Quê quán: An Giang • Trình độ học vấn: Đại học - chuyên ngành: Ngôn ngữ Anh - năm tốt nghiệp: 2010 • Nghề nghiệp: biên dịch viên tự do • Sở thích: đọc sách báo, nghiên cứu, dịch thuật, nghe nhạc nhẹ, xem bóng đá,… • Facebook: Adonis Nguyễn Thanh • Zalo: Nguyễn Thanh

15 loài động vật đẹp nhất từng tồn tại trên Trái đất

Đăng 5 năm trước

Trong 10.000 năm qua, những tác động của con người lên môi trường đã gây ra sự tuyệt diệt của nhiều loài động vật xinh đẹp. Bài viết sau đây của Thomas Swan - một sinh viên đầy nhiệt huyết ngành lịch sử tiến hóa và có lòng yêu mến sâu sắc dành cho thế giới tự nhiên - sẽ cung cấp những hình ảnh và sự thật về 15 loài sinh vật tuyệt chủng có khả năng thu hút sự chú ý của chúng ta.

Lưu ý:

  • Các ghi chú có gắn dấu * là của người dịch
  • Đơn vị đo chiều dài đều được quy đổi sang mét (m)

Trong thời hiện đại từng có hai giai đoạn tuyệt chủng do tác động của con người:

  1. Khoảng 10.000 năm trước, đợt tuyệt chủng đầu kỷ Băng hà Holocene (* còn gọi là thế Toàn Tân) là hậu quả của hiện tượng gian băng, gây ảnh hưởng xấu đến môi sinh của một số loài động vật. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt hàng loạt động vật lớn (quy mô quần thể) của con người cũng là một phần nguyên nhân.
  2. Giai đoạn thứ hai trùng với thời kỳ phát kiến địa lý và khai thác thuộc địa của con người, bắt đầu vào khoảng 500 năm trước. Phần đông các loài đã không chuẩn bị trước sự xâm nhập của con người và gia súc vào môi trường của chúng, kéo theo đó là hành vi săn bắn, hủy hoại môi sinh đã gây nên sự tuyệt chủng.

Khi mà nhiều loài nhỏ bé đã chết đi thì các loài lớn hơn thường gợi nên trí tưởng tượng phong phú nhất trong mỗi chúng ta. Trong danh sách tuyệt chủng sau, số liệu nằm trong ngoặc đơn là thời gian tuyệt chủng (gần đúng).

1. Mèo răng kiếm Smilodon (10.000 năm TCN)

Nơi sinh sống: Bắc và Nam Mỹ

Thời điểm sinh sống: cuối kỷ băng hà sau cùng, mặc dù nó đã tiến hóa thành một loài riêng biệt khoảng 2,5 triệu năm trước.

Mô tả:

Loài lớn nhất trong chi họ của nó là Smilodon populator, có thể đạt trọng lượng 400 kg, dài 3 m và cao 1,4 m tính từ vai. Mặc dù thường bị gọi là hổ răng kiếm, kỳ thực trông nó giống như một con gấu. Sở hữu các chi ngắn và khỏe, loài này không có sở trường về tốc độ. Những chiếc răng nanh nổi bật của nó có thể dài tới 0,3 m nhưng rất mỏng manh, chủ yếu dùng để cắn vào phần mô mềm ở cổ của những con mồi bị nó khuất phục. Hàm của nó có thể mở ra 120 độ nhưng đòn cắn thì tương đối yếu. 

Nguyên nhân tuyệt chủng:

Smilodon chủ yếu săn những con mồi lớn như bò rừng, hươu và voi ma mút nhỏ (mặc dù nó cũng là một loài ăn xác chết) – điều này cho thấy nó là một loài vật xã hội (* có nghĩa là săn mồi theo bầy). Rất có thể nó đã gặp khó khăn trước các con mồi nhỏ bé và nhanh nhẹn, chính điều này có lẽ đã góp phần vào sự tận sinh của nó. Tuy nhiên, sự tuyệt chủng của Smilodon trùng với sự xuất hiện của những người được cho là các tay săn bắt động vật bản địa.


* Tham khảo thêm: "Hổ răng kiếm giúp loài người thành… nhân!"

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=marticle&sid=217740

2. Nai sừng tấm Ireland (5.200 năm TCN)

Danh pháp khoa học: Megaloceros giganteus 

Nơi sinh sống: tập trung phần lớn ở Bắc Âu, từ Ireland đến vùng Siberia 

Thời điểm sinh sống: cuối kỷ băng hà sau cùng 

Mô tả: 

Vì chúng có ít điểm chung với các loài nai sừng tấm còn tồn tại nên chúng được gọi chính xác hơn là "nai khổng lồ". Chúng có thể cao hơn 2,1 m tính từ vai và nặng tới 700 kg. Gạc của chúng thuộc dạng lớn nhất trong họ hươu nai, với chiều rộng hơn 3,6 m. Có khả năng những cặp gạc to lớn ấy là kết quả của sự tiến hóa thông qua chọn lọc giới tính: con đực dùng gạc để đe dọa đối thủ và gây ấn tượng với con cái. 

Nguyên nhân tuyệt chủng:

Loài này tiến hóa khoảng 400.000 năm trước và tuyệt diệt cách đây khoảng 5.000 năm. Có khả năng nạn săn bắt đã góp phần vào sự tuyệt chủng của chúng. Tuy nhiên, tình trạng gian băng, vốn giúp cho các loài thực vật phát triển phong phú, có thể dẫn đến sự thiếu hụt khoáng chất trong “khẩu phần”. Cụ thể, các cặp gạc khổng lồ luôn cần một nguồn cung cấp canxi tốt để phát triển.

3. Voi ma mút lông xoăn (2.000 năm TCN)

Danh pháp khoa học: Mammuthus primigenius 

Nơi sinh sống: phần lớn các vùng lãnh nguyên của Bắc bán cầu

Thời điểm sinh sống: đầu kỷ Băng hà Holocene 

Mô tả:

Những sinh vật to lớn này có thể đạt chiều cao trên 3,3 m, nặng 6 tấn, có kích thước tương đương với voi châu Phi, mặc dù họ hàng gần nhất của chúng là voi châu Á. Tuy nhiên, không giống như voi, chúng có bộ lông màu nâu, đen và hoe. Đuôi chúng bị teo ngắn nhằm giảm thiểu tê cóng. 

Nguyên nhân tuyệt chủng: 

Cặp ngà dài của chúng vừa để chiến đấu và tìm kiếm thức ăn vừa là mối quan tâm săn lùng của con người. Chúng cũng bị săn bắt để lấy thịt, nhưng có khả năng là sự tuyệt chủng của chúng đã được thúc đẩy bởi tình trạng biến đổi khí hậu vào cuối kỷ băng hà sau cùng. Băng tan khiến phần lớn môi trường sống của chúng biến mất, làm giảm số cá thể đến mức chỉ cần nạn săn bắn của con người thôi cũng đủ để quét sạch chúng. Trong khi hầu hết đã chết khoảng 10.000 năm trước, các quần thể nhỏ vẫn tiếp tục tồn tại ở những vùng xa xôi cho đến cách đây 4.000 năm.

4. Chim Moa (năm 1400)

Danh pháp khoa học: Dinornithes, thuộc bộ Dinornithiformes 

Nơi sinh sống: có nguồn gốc từ New Zealand 

Thời điểm phát hiện: (* năm 1839, bởi một thương gia yêu thích lịch sử tự nhiên có tên là John W. Harris)

Mô tả: 

Chim Moa là một loài chim khổng lồ và không biết bay. Chúng có thể cao tới gần 4 m, nặng 230kg. Mặc dù có chiều cao kinh khủng, các đốt sống của chim cho thấy chúng thường xuyên rướn cổ về phía trước. Những chiếc cổ dài như vậy có thể tạo ra tiếng gọi với âm thanh vang vọng và trầm. 

Nguyên nhân tuyệt chủng: 

Xét nghiệm DNA hồi năm 2014 đã chứng minh rằng con người là nguyên nhân chính dẫn đến sự tận diệt của chim Moa. Bằng chứng khảo cổ cũng cho thấy rằng con người đã ăn thịt loài chim này bất kể độ tuổi. Tất nhiên, điều đó sẽ gây nhiều khó khăn cho tỷ suất sinh của chúng.

Có thể bạn chưa biết

Việc tính toán mức độ tuyệt chủng có thể là điều khó khăn, một phần vì không ai biết chính xác có bao nhiêu loài. Các nhà khoa học đã xác định được ít nhất 1,9 triệu loài động vật; trong khi số loài chưa được định danh có thể lên đến hàng triệu!

5. Bò biển Steller (năm 1768)

Danh pháp khoa học: Hydrodamalis gigas 

Nơi sinh sống: các vùng duyên hải Bắc Thái Bình Dương

Thời điểm phát hiện: năm 1741

Mô tả:

Đây là loài hữu nhũ to lớn sống ở biển, ăn thực vật, có ngoại hình trông giống như loài lợn biển. Tuy nhiên, nó có thể dài tới 9 m và nặng 3 tấn. (* Nó được đặt theo tên của nhà sinh vật học, nhà thám hiểm người Đức Georg Wilhelm Steller - người đã phát hiện ra nó.)

Nguyên nhân tuyệt chủng: 

Loài động vật thuần hóa này rất dễ bị săn bắt vì chúng hay có mặt ở vùng nước nông, nơi chúng ăn lau sậy. Chúng bị săn bắt để lấy thịt, mỡ làm dầu thắp còn da thì để lót thuyền. Trong vòng ba thập kỷ, dân châu Âu - những người lần theo hải trình của Steller - đã săn bắt nó đến tuyệt chủng. (* Nạn đánh bắt bò biển Steller từng diễn ra dồn dập đến mức gấp 7 lần so với quy định đánh bắt vào thời đó.)

6. Chim Anca Lớn (năm 1852)

Danh pháp khoa học: Pinguinus impennis

Nơi sinh sống: bắc Đại Tây Dương

Thời điểm sinh sống: (* không rõ, nhưng có bằng chứng khảo cổ cho thấy rằng cách đây hơn 100.000 năm loài chim này có thể đã từng nằm trong "thực đơn" của người Neanderthal!)

Mô tả:

Loài chim không biết bay này có ngoại hình giống như chim cánh cụt ngày nay - cơ thể được giữ ấm nhờ lớp mỡ dày. Chúng là những “vận động viên bơi lội” cừ khôi, làm tổ với mật độ đông đúc theo bầy đàn và giao phối suốt đời. Chúng có thể cao tới gần 1 m và sở hữu một cái mỏ đen cong nhìn có vẻ nặng nề.

Nguyên nhân tuyệt chủng:

Đầu thế kỷ 16, người châu Âu đã săn lùng Anca Lớn để có được những chiếc lông vũ quý giá dùng làm gối. Loài chim này sau đó đã bị săn bắt ở Bắc Mỹ để làm mồi câu cá và thường phải chịu đựng sự tàn bạo của con người: bị lột da và thiêu sống để lấy lông và thịt! Anca Lớn rất dễ bị bắt vì chúng không biết bay. Khi mà loài này trở nên quý hiếm, các viện bảo tàng động vật và nhà sưu tầm khao khát có được mẫu vật (đã chết) của chúng, cuối cùng đã đẩy loài chim này vào nạn diệt vong hồi năm 1852.

(* Năm 1971 Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Iceland đã mua lại mẫu vật của loài chim này với giá 9.000 bảng Anh, liệt nó vào Sách kỷ lục Guinness là mẫu chim nhồi bông đắt nhất thế giới! Giá trứng của nó có khi còn gấp 11 lần số tiền mà một công nhân lành nghề kiếm được trong một năm!)

Vào những năm 70 thế kỷ 18, Quốc hội Anh đã thông qua một trong những luật bảo vệ môi trường sớm nhất trong lịch sử nhằm ngăn cấm nạn giết hại chim Anca ở Anh, nhưng đã quá muộn.

7. Gấu Atlas (1870)

Danh pháp khoa học: Ursus arctos crowtheri 

Nơi sinh sống: Bắc Phi, đặc biệt là ở vùng núi Atlas

Thời điểm phát hiện: Các nhà động vật học đã phân loại nó thành một loài riêng biệt sau khi một quân nhân người Anh có tên Crowther phát hiện ra nó vào năm 1840 và điều này đã thu hút sự chú ý của công chúng.

Mô tả

So với loài gấu đen Mỹ, cơ thể chúng có màu nâu đen, săn chắc và cường tráng hơn (* nhưng mõm và móng vuốt ngắn hơn, và không có vết trắng trên mõm; bộ lông dài 10-12 cm, bộ lông ở phần dưới có màu đỏ cam. Chúng được cho là dài chừng 2,7 m và nặng tới 450 kg). Đó là loài gấu bản địa duy nhất của châu Phi từng sống sót trong thời hiện đại.

Nguyên nhân tuyệt chủng:

Gấu Atlas đã tuyệt chủng vào khoảng cuối thế kỷ 19. Giống như nhiều loài khác trong danh sách này, tình trạng thay đổi môi trường và mất đi môi sinh có thể đã dẫn đến sự sụt giảm số lượng cá thể. Nạn săn bắt ồ ạt của đám thợ săn địa phương cùng với sự ra đời của hỏa lực hiện đại - vốn giúp cho việc tiêu diệt những con gấu dễ dàng hơn - cũng đóng vai trò to lớn.

(* Tranh cãi: Gấu Atlas được cho là loài ăn thực vật: thức ăn của chúng là rễ cây, các loại hạt, đôi khi là trứng cá nhưng vì hầu hết các loài gấu ngày nay đều là loài ăn tạp, nên chúng có thể là loài ăn thịt. Có khả năng chúng bị tuyệt chủng do sự bành trướng của đế chế La Mã: khi tới châu Phi, dân La Mã săn bắt chúng như một thú tiêu khiển để “trui rèn tính liều lĩnh”. Sau khi bắt được gấu Atlas họ sẽ bỏ đói nó - khiến nó yếu đi và dễ bị đánh bại hơn. Vào thời kì đó, hàng ngàn con đã bị đưa vào các “cuộc chiến” trong các đấu trường La Mã.)

8. Ngựa Quagga (1883)

Danh pháp khoa học: Equus quagga quagga

Nơi sinh sống: Nam Phi

Thời điểm sinh sống: (* dựa trên các nghiên cứu di truyền) đây là một phân loài tách ra từ giống ngựa vằn đồng bằng khoảng 200.000 năm trước. 

Mô tả:

Ngựa Quagga có thân hình chỉ vằn nửa thân trước. (* Chúng được cho là có chiều dài khoảng 2,5 m và chiều cao tính từ vai là 1,2–1,3 m). Tên của chúng bắt nguồn từ chữ tượng thanh (* của tộc người Khoikhoi), mô phỏng tiếng kêu của loài này.

Nguyên nhân tuyệt chủng:

Nó đã bị săn bắt đến tuyệt chủng vào năm 1883 để bảo tồn diện tích đất đai cho chăn nuôi gia súc, cũng như để lấy thịt và da. Dân định cư xem ngựa Quagga là “đối thủ cạnh tranh” đối với cừu, dê và vật nuôi của họ. Ngoài ra, do có nhiều người đã dùng từ "Quagga" để chỉ ngựa vằn nói chung cho nên không ai thực sự để ý đến sự suy vong của chúng, đến khi quá muộn.

Một nỗ lực để để hồi sinh loài này có tên là “Dự án Quagga” (Quagga Project), đã được khởi động vào năm 1987.

(* Trong thập niên 1980, nhà sinh vật học phân tử Allan Wilson của Đại học Berkeley (California) đã tìm cách để nhân bản các gene của ngựa Quagga từ những tấm da 140 năm tuổi của chúng!)

9. Sói Nhật Bản, hay còn gọi là sói Honshu (1905)

Danh pháp khoa học: Canis lupus hodophilax

Nơi sinh sống: các đảo Shikoku, Kyushu và Honshu của Nhật Bản

Thời điểm sinh sống: (* không rõ, theo nghiên cứu gần đây: cách nay chừng 20.000 năm)

Mô tả:

Đây là loài sói nhỏ nhất thuộc họ Canis lupus: thân dài chưa tới 1 m, cao chừng 0,3 m tính từ vai. (* Liệu chúng có phải là một phân loài của sói xám hay không vẫn còn gây tranh cãi.)

Trong Thần đạo Shinto (tôn giáo truyền thống của Nhật Bản), “ōkami” (sói) được coi như một sứ giả của các “kami” (linh hồn) và cũng mang lại sự bảo vệ trước những kẻ phá hoại cây trồng như lợn rừng và hươu nai. Chỉ riêng trên đảo Honshu thôi ước tính đã có khoảng 20 ngôi miếu thờ thần sói Shinto.

Nguyên nhân tuyệt chủng:

Vào năm 1732, khi con người đưa bệnh dại vào quần thể sói Honshu (có chủ ý hoặc thông qua giống chó nhà), căn bệnh này đã giết chết một lượng lớn cá thể và khiến chúng trở nên hung hãn trước con người. Sự tiếp cận ngày càng tăng của chúng với con người là hệ quả của nạn chặt phá rừng, vốn là môi trường sống tự nhiên của chúng, buộc chúng phải “đáp trả” lại và đã dẫn đến tình trạng bị săn lùng ráo riết cho đến khi chúng tuyệt chủng vào năm 1905.

Có thể bạn chưa biết

Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất từng xảy ra vào khoảng 250 triệu năm trước, khi đó có lẽ 95% tất cả các loài đã diệt vong!

(còn tiếp) 

Chủ đề chính: #động_vật

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn