Quyên Nguyễn "Life is a choice" Trong cuộc sống này, tất cả những việc mình làm đều là do mình lựa chọn. Nó đồng nghĩa với việc chọn làm việc tốt hay chọn việc làm trái với lương tâm; chọn sống cho mình hay chọn sống cho người khác; chọn nhìn về hướng tích cực hay chọn đi về hướng tiêu cực.

17 sự thật về thành phần của những thực phẩm đóng gói có thể bạn chưa biết

Đăng 5 năm trước

Có thật là thanh cua được làm từ cua tươi không, hay nó được làm từ một nguyên liệu khác? Do cuộc sống bận rộn nên mỗi ngày chúng ta ăn rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhưng có bao nhiêu người biết được rằng những loại thực phẩm đóng gói quen thuộc chứa những thành phần gì trong đó. Bài viết dưới đây tổng hợp về 17 sự thật này. Mời bạn đọc Ohay TV cùng xem!

1. Tương cà

Nhắc đến tương cà thì nhiều người vẫn nghĩ nó được làm 100% từ những quả cà chua chín mọng, đỏ chót, thơm ngon,... Thế nhưng sự thật thì chẳng mấy ai biết được rằng thành phần chính để tạo nên hương vị của một chai tương cà là một loại bột nhuyễn được làm từ cà chua và bột ngô.

Lượng cà chua thật trong hỗn hợp này phụ thuộc vào chất lượng của chai tương cà mà bạn mua, tùy nhà sản xuất mà họ cho từ 6% đến 10% cà chua vào hỗn hợp. Tương cà còn được cho thêm siro ngô để làm tăng độ nhớt. Vậy nên để mua được một chai tương cà ngon, tốt nhất là bạn nên đọc kỹ thành phần có trong thực phẩm và chọn ra loại có thành phần chứa nhiều cà chua hơn các loại khác.

2. Thanh cua

Thanh cua là một nguyên liệu thường thấy ở các món ăn của người Nhật, tên gọi như thế nhưng sự thật thì chúng không hề được sản xuất từ nguyên liệu là những chú cua biển tươi ngon đâu. Tệ hơn, loại cá được dùng để sản xuất thanh cua thường không phải là những loại đắt tiền với chất lượng cao. Khi sản xuất, họ sẽ thái lát những miếng cá, làm sạch chúng và cố gắng loại bỏ mùi tanh càng nhiều càng tốt. Sau đó nhà sản xuất sẽ nghiền nhỏ cá, trộn cùng với các thành phần như đường, muối, protein đậu nành, dầu thực vật, màu thực phẩm và các chất phụ gia khác.

Những sản phẩm thanh cua chất lượng cao khi bị uốn cong thường khó gãy, được gói chặt trong bao bì dày. Nếu chúng dễ dàng gãy khi bị uốn cong thì những thanh cua này chứa một lượng lớn bột bắp chứ không phải là cá như mọi người vẫn nghĩ.

3. Snack khoai tây

Thành phần chính của các loại snack khoai tây là loại bột chủ yếu được làm từ các củ khoai tây chứ không phải khoai tây tươi ngon như nhiều mẩu quảng cáo của các nhà sản xuất. Tiếp đó thì bột ngô, hoặc bột mì cũng được thêm vào trong sản phẩm này.

Người ta còn phát hiện sản phẩm của một vài thương hiệu snack khoai tây có lượng hóa chất vượt quá mức an toàn (0.2 microgram/kg). Một điều lưu ý nữa là những miếng snack khoai tây này được chiên nên chúng luôn chứa nhiều dầu hơn bạn nghĩ.

4. Ngũ cốc ăn liền

Ngoài các thành phần chính là ngũ cốc, đường, muối, chất phụ gia, một số loại ngũ cốc còn có chứa dầu cọ, thậm chí chúng còn có một lượng lớn sirô bắp trong đó.

Đặc biệt, trong ngũ cốc còn có hàm lượng đường fructose rất cao mà đa phần các nhà sản xuất không in lên trên bao bì sản phẩm. Vì có hàm lượng đường và bột ngô cao nên các chuyên gia khuyên bạn không nên cho trẻ ăn ngũ cốc mỗi ngày.

5. Sữa chua hoa quả

Sự thật thì các loại trái cây chỉ chiếm khoảng 1% - 5% thành phần của các loại sữa chua này. Trong những hộp sữa chua này thường chứa bột ngô, đường, hương liệu, chất điều vị axit. Một số chất được dùng làm chất ổn định như gelatin, natri alginate và nhựa cây.

Loại sữa chua tốt cho sức khỏe là loại được làm từ sữa nguyên chất và những lợi khuẩn. Kem và bơ sữa cũng là những thành phần có thể chấp nhận được trong một hộp sữa chua.

6. Nutella (Sôcôla chảy)

Những "fan cuồng" đồ ngọt có lẽ đã quá quen thuộc với loại sôcôla được làm từ hạt phỉ này. Nutella (sôcôla chảy) thường được thêm vào dầu thực vật, đa phần là dầu dừa cùng một số chất khác như vanilla, chất nhũ hoá, chất làm đặc và hương liệu.

Khi mua Nutella, bạn không nên chọn loại có lớp màng trắng, vì chúng có khả năng chứa rất nhiều dầu dừa. Những nhà sản xuất loại sôcôla này cũng khuyên rằng chúng ta không nên ăn quá 2 muỗng một ngày.

7. Sôcôla trắng

Sôcôla trắng là loại đã đánh lừa được nhiều người với thành phần của nó nhất. Sôcôla thực sự thường chỉ chứa bơ và cacao, tuy nhiên các nhà sản xuất thường pha loãng chúng với dầu dừa và bơ hạt mỡ. Một số thành phần khác bao gồm chất nhũ hóa, hương liệu và các chất phụ gia. Những loại sôcôla chất lượng cao thường rất giòn và cứng, khi vỡ chúng vụn ra chứ không hề vón cục.

8. Sữa đặc có đường

Sữa đặc có đường thường được làm bằng cách bốc hơi chất lỏng từ sữa tươi, do đó thành phần còn lại sẽ là chất béo động vật. Các nhà sản xuất thường giảm lượng sữa thực và thêm vào đó chất béo thực vật, cùng với chất làm đặc để đạt được hàm lượng chất và độ đặc mong muốn.

9. Màu đỏ thực phẩm

Ít người biết rằng màu đỏ thực phẩm hiện nay thường được lấy từ rệp son - một loài côn trùng sống trên thân cây xương rồng, xác của rệp cái đã khô hoặc trứng của chúng được dùng để làm màu đỏ cho thực phẩm, chẳng hạn trong món mứt, kem, hay đá bào tuyết… Loài rệp này không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người, chỉ trừ một vài trường hợp hiếm hoi là gây dị ứng. Tuy nhiên, từ khi có sản phẩm màu đỏ nhân tạo, người ta ít dùng rệp để làm màu cho thực phẩm.

10. Màu vàng và cam thực phẩm

Màu vàng thực phẩm thực ra được lấy từ cây điều màu (hay còn gọi là cây son môi) - một loài cây sống ở các vùng nhiệt đới hay cận nhiệt đới trên toàn thế giới. Hạt của nó có hương thơm thoang thoảng và vị cay nhẹ, dùng để chế tạo màu vàng và màu cam cho thực phẩm, chẳng hạn pho mát và các loại bơ sữa, gia vị, khoai tây chiên, ngũ cốc… Trong một số trường hợp, nó có thể gây dị ứng cho người sử dụng.

11. Màu thực phẩm nói chung

Rất nhiều người đã bất ngờ khi biết nhựa than đá lại được dùng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, dùng để tạo màu cho các loại cá, đồ ngọt, và thức uống có cồn. Hiện tại ở một số nước châu Âu, chất này đã bị cấm sử dụng vì nghi gây ung thư cho người tiêu dùng.

12. Các sản phẩm tinh bột đóng gói

Thật sự thì các sản phẩm tinh bột đóng gói thường được làm từ cystein - một loại axit amin được tổng hợp từ lông của các loại gia cầm, lông heo hay thậm chí cả tóc người. Chúng được cho thêm vào các loại bột để làm bánh mì, bánh donut, cupcake, bánh sừng bò,… để giúp cho bột được nhào nặn và chế biến dễ dàng hơn. Dù nghe có vẻ ghê rợn nhưng chất cysteine này lại giúp cho tóc và da chắc khỏe, giúp bảo vệ cơ thể khỏi chất phóng xạ và lão hóa.

13. Gelatin

Ít người biết rằng thành phần để sản xuất ra chất gelatin dùng để chế biến thạch, mứt, và kem,... là từ collagen  - một loại protein được tìm thấy ở các mô thịt và mô liên kết của động vật, chẳng hạn gân, xương, da, sụn,… Không chỉ được sản xuất từ collagen, một số loại kem còn có thành phần là axit decanoic, một loại axit béo bão hòa, được chiết xuất từ mỡ động vật.

14. Xúc xích

Sự thật thì quả dứa cũng là một nguyên liệu không thể thiếu của các nhà sản xuất xúc xích. Trong quả dứa có một loại enzyme có tên là bromelain có chức năng phân giải protein. Nó được dùng để làm mềm thịt trong quá trình tạo ra những sản phẩm từ thịt như xúc xích, thịt viên, thịt hộp,… Ngoài dứa ra thì chất bromelain này còn được chiết xuất từ một số quả khác như quả đu đủ, quả sung ngọt (fig).

15. Bia

Dám cá là những tín đồ của thức uống có cồn này không nhiều người biết rằng bong bóng cá cũng là một nguyên liệu dùng để sản xuất bia. Trong bong bóng của một số loài cá lớn, người ta chiết xuất được một loại collagen dùng trong ngành công nghiệp chế tạo bia vì chúng có chức năng làm cho bia "nhẹ đô" hơn. Dù trong thành phẩm cuối cùng, số lượng collagen này là rất ít, nhưng nhiều người ăn chay trên thế giới vẫn phản đối việc đưa nó vào chế tạo bia.

16. Kẹo cao su

Theo truyền thống, kẹo cao su được làm từ nhựa cây chicle, một loại cây ở vùng Trung Mỹ. Tuy nhiên, vì lý do kinh tế và chất lượng nên nhiều nhà sản xuất đã đưa các loại polymer tổng hợp vào thay thế, mà nhiều nhất là latex, một chất được dùng để chế biến cao su. Hiện tại, người ta vẫn chưa chắc chắn về những tác hại của polymer đối với cơ thể người, nhưng các chuyên gia khuyến cáo không nên nhai kẹo cao su lâu hơn 10 phút.

17. Kẹo

Nhựa cánh kiến - một loại nhựa do bọ cánh kiến đỏ sống trên một số loài cây gỗ trong rừng tiết ra, bao bọc lấy thân cây. Sau khi được thu hoạch và chế biến, loại nhựa này được dùng để chế tạo ra thạch, sôcôla, kẹo, và một số loại thức ăn tráng miệng khác.

Quyên Nguyễn - Ohay TV

Nguồn: Brightside

Chủ đề chính: #thực_phẩm_đóng_gói

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn