Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

3 giai đoạn trong phát triển sự nghiệp, bạn đang ở giai đoạn nào?

Đăng 7 năm trước

Hiểu rõ bạn đang ở giai đoạn nào trên con đường phát triển sự nghiệp sẽ giúp bạn biết được những gì cần phải làm và mục tiêu cần đạt được là gì để vươn tới những nấc thang tiếp theo.

Giá trị của bạn đối với chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ thay đổi theo một khuôn mẫu cực kỳ giống với cách mà các nhà vật lý mô tả các đặc tính của năng lượng. Họ ám chỉ năng lượng tiềm năng (thế năng), năng lượng nghỉ và động năng (năng lượng được sinh ra khi chuyển động). Sự nghiệp cũng tương tự như vậy. 

Khi bạn nhận được một vài công việc đầu tiên và bắt đầu tích lũy kinh nghiệm, tiềm năng này sẽ được chuyển thành bước đà (Momentum) vì bạn ngày càng trở nên có giá trị hơn dựa trên sự thành thạo trong công việc, danh tiếng và lịch sử các thành tích đã đạt được. Hãy tưởng tượng một đứa trẻ trên một cái đu, ép chân xuống đất khiến cậu đu cao hơn. Đó là cách mà sự nghiệp của bạn lấy đà. Bạn khởi động sự nghiệp với tỷ lệ được biểu thị là nặng ở phần tiềm năng và nhẹ ở kinh nghiệm. 

Khi đã tiến lên những nấc thang mới trong sự nghiệp, các tỷ lệ sẽ dịch chuyển và phần kinh nghiệm cuối cùng sẽ tăng trưởng để nặng hơn phần tiềm năng. Mẹo ở đây là gia tăng phần kinh nghiệm của phương trình mà không làm cạn kiệt phần tiềm năng. Bạn càng biến các giá trị tiềm năng thành những kinh nghiệm có giá trị, thứ mà khi đó có thể được chuyển đổi thành tiềm năng lớn hơn thì bạn càng trở nên có giá trị trên thị trường lao động theo thời gian. 

3 giai đoạn trong phát triển sự nghiệp

Giai đoạn 1: Aspiration Phase (Giai đoạn khát vọng)

Khoảng thời gian: 0 đến 3 năm đầu đi làm.

Đặc trưng: Khám phá và xem xét nội tâm, quá trình học hỏi và phát triển kiến thức. 

Bạn nên hướng tới đạt được điều gì: Trong giai đoạn này, giá trị của bạn trên thị trường lao động hoàn toàn dựa trên tiềm năng của bạn. Thế nên, mục tiêu quan trọng nhất đó là khám phá các điểm mạnh và các mối quan tâm của bạn, đồng thời bắt đầu học hỏi những kỹ năng có thể “bán” được. Hãy thử càng nhiều loại công việc và nghề nghiệp khác nhau càng tốt. Nhận lấy các feedback từ giáo sư, đồng nghiệp và các cố vấn – những người mà có thể giúp bạn nhận ra bạn giỏi về cái gì – và thứ bạn không giỏi. 

9 câu hỏi giúp bạn tìm thấy công việc mơ ước

Nếu sử dụng giai đoạn Khát vọng để tích lũy kinh nghiệm, xây dựng kỹ năng, cải thiện các điểm yếu và lấp đầy những lỗ hổng kiến thức thì bạn sẽ xây dựng được các tiềm năng và tăng cường khả năng để cung cấp giá trị cho các ông chủ hiện tại và tương lai. Thế nên, hãy tập trung vào việc giành được các kỹ năng sống mà có giá trị cho từng lĩnh vực: viết lách, tư duy phản biện, lắng nghe, giải quyết vấn đề và tương tác hiệu quả với những người khác (hay nói cách khác là làm việc nhóm).

Và đừng quên tập trung sự chú ý vào cuộc sống của bạn ngoài công việc. Dành thời gian xây dựng tình bạn ý nghĩa, thiết lập các thói quen sống lành mạnh và tham gia vào các hoạt động bạn yêu thích. Những kỹ năng này, kết hợp với những kỹ năng mà bạn sẽ phát triển trong công việc là nền tảng cho bất kỳ sự thành công nào trong sự nghiệp và cuộc sống. Nếu hình thành chúng bây giờ, bạn sẽ ở tư thế sẵn sàng cho thành công khi bạn phát triển nhiều kỹ năng chuyên môn hơn ngay sau đó ở giai đoạn Hứa hẹn (Promise Phase).

Giai đoạn 2: Promise Phase (Giai đoạn Hứa hẹn)

Thời gian: 3 đến 10 năm tiếp theo.

Đặc trưng: Được công nhận bởi những người đã thuê bạn thông qua các khoản tiền thưởng, thăng tiến, được tiếp cận với những cố vấn giỏi nhất và được giao các công việc quan trọng nhất. 

Bạn nên hướng tới đạt được điều gì: Bạn sẽ tiếp tục khám phá các mối quan tâm và khả năng của bản thân, nhưng bạn cũng sẽ bắt đầu phát triển các kỹ năng chuyên môn cụ thể và tạo ra những đóng góp có ý nghĩa cho tổ chức. Một mục tiêu của giai đoạn này đó là thể hiện rằng việc các quản lý cấp cao đã đánh cược vào khả năng của bạn là hoàn toàn đúng. Bạn sẽ làm điều đó bằng cách trở nên được biết đến như là một người tích cực, tự tin, luôn hoàn thành deadline với hiệu quả cao bất kể nhiệm vụ được giao là gì và không ngừng đưa ra các câu hỏi có ích.

12 cách giúp bạn thăng tiến trên con đường sự nghiệp trong vòng 1 năm

Mục tiêu thứ hai của giai đoạn hứa hẹn đó là xác định vị trí của bản thân trong giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp bằng việc thử trải nghiệm một loạt các vị trí và môi trường làm việc khác nhau. Đầu tiên, bạn có hướng tới một vị trí mà mục tiêu của nó là tạo ra doanh thu hay bạn có thích hỗ trợ các phòng ban khác? Thứ hai, bạn có thành thạo và hứng thú với quản lý người khác hay bạn có thích trở thành một cộng tác viên độc lập hơn? Thường, các câu trả lời cho những câu hỏi này chỉ xuất hiện qua thời gian. Bạn có lẽ cần chuyển đổi văn phòng, công ty và thậm chí là ngành để trả lời chúng và bạn nên cân nhắc cẩn thận chúng bằng việc so sánh với 10 năm đầu của sự nghiệp. 

Nếu xây dựng được một nền tảng vững chắc các mối quan hệ trong công việc và danh tiếng về việc đã đạt được các kết quả xuất sắc thì bạn có khả năng sẽ được chuyển đổi công việc ngay tại công ty đang làm, từ đó, tìm ra được đáp án cho những câu hỏi mấu chốt này.  Đó là phận sự của bạn nhằm tìm ra môi trường và vai trò tốt nhất để bạn có thể cống hiến và tiến sâu hơn vào khu vực đã lựa chọn dựa trên các thành tích và kinh nghiệm đã tích lũy. Điều này có nghĩa một mục tiêu quan trọng khác của giai đoạn Hứa Hẹn chính là phát triển các kỹ năng quản lý sự nghiệp của chính bạn. 

Giai đoạn 3: Momentum Phase (Giai đoạn lấy đà)

Thời gian: 10-20 năm tiếp theo.

Đặc trưng: Thành tích và danh tiếng của bạn sẽ được biết đến rộng rãi hơn trên thị trường lao động.

Bạn nên hướng tới đạt được điều gì: Giai đoạn lấy đà là khi giá trị kinh nghiệm của bạn đã vượt quá giá trị tiềm năng vì bạn đã phát triển công việc được thể hiện bởi việc vốn hóa các kinh nghiệm, tầm vóc, các kỹ năng và sự thành thạo của bạn. Bằng cách làm điều này, bạn sẽ có nhiều cơ hội để được thăng tiến trong công ty và có khả năng được tuyển dụng nhiều hơn trong ngành của bạn và các ngành liên quan. 

Ngoài việc tạo đòn bẩy đưa các kinh nghiệm của bạn thành nhiều cơ hội mới, thành công trong giai đoạn lấy đà cũng được xác định bởi chất lượng đội nhóm mà bạn xây dựng và quản lý. Đây có lẽ là điều đầu tiên mà các CEO và nhân viên HR cân nhắc khi quyết định liệu bạn có phù hợp cho vị trí điều hành trong công ty. Bạn muốn được biết đến như là một “nhà quản lý tài năng”, người mà xây dựng một văn hóa tích cực bên trong tổ chức, thu hút những nhân tài hàng đầu thế giới từ bên ngoài, phát triển các tài năng nội bộ và sử dụng tất cả các nguồn lực này để tạo ra các đội nhóm làm việc với hiệu quả rất cao. 

Xây dựng thiện chí bằng việc hỗ trợ những người xung quanh bạn và trở thành một nhà lãnh đạo, một đồng nghiệp tích cực, thân thiện, nhiệt tình. Đây là điều đặc biệt quan trọng khi không thể tránh khỏi những chướng ngại vật trong giai đoạn này của sự nghiệp. Lòng tốt mà bạn xây dựng từ việc hỗ trợ những người xung quanh bạn và từ việc trở thành một nhà lãnh đạo, một đồng nghiệp tích cực, thân thiện, nhiệt tình càng lớn thì bạn càng nhận được nhiều sự trợ giúp khi muốn duy trì đà của bạn và cân bằng công việc với cuộc sống cá nhân như hôn nhân, nuôi dạy con và các vấn đề sức khỏe…


Theo Time

Xem thêm các bài viết khác của mình

Chủ đề chính: #sự_nghiệp

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn