Củ Đậu

3 hình ảnh lá cờ chiến thắng làm chấn động thế giới.

Đăng 6 năm trước

Cờ của các tập đoàn kinh tế, quốc gia, phe phái chính trị đã trở thành biểu tượng, khẳng định vị trí trên trường quốc tế. Trong thế kỷ XX có 3 hình ảnh về 3 lá cờ của chiến thắng làm chấn động thế giới, làm cho cục diện chính trị thế giới thay đổi. Sau đây, tôi cùng các bạn sẽ tìm hiểu về 3 lá cờ này nhé.

1. Cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô cắm trên Nhà Quốc hội Đức Reichstag (năm 1945).

Ngày 1/9/1939, Phát xít Đức tấn công Ba Lan, mở đầu cho đại chiến thế giới lần thứ Hai. Đây là cuộc chiến tranh tàn khốc trên phạm vi rộng, từ ở Đại Tây Dương, Châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải sang Thái Bình Dương, Đông Nam Á; làm 70 triệu người chết.Trong cuộc Đại chiến này, liên minh Đức – Ý – Nhật là phe chủ chiến, âm mưu đánh bại các quốc gia lớn, chia lại thị trường thế giới. Nhưng phe phát xít đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân Đồng Minh Nga – Anh – Pháp – Mỹ. Hồng quân Liên Xô là lực lượng chính trong cuộc chiến tranh chống phát xít, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của chúng ở Châu Âu. 

Từ ngày 16/4/1945, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch Berlin, đánh vào sào huyệt cuối cùng của Đức Quốc xã. Hồng quân Liên xô gồm 162 sư bộ binh, 21 quân đoàn tăng cơ giới, 42.000 pháo cối, 7.500 máy bay, 63.000 xe tăng, tổng số quân 2.500.000 người. Phát xít Đức có các tập đoàn quân Visla và trung tâm phòng ngự Berlin, gồm 63 sư đoàn (có 15 sư tăng – cơ giới), 10.400 pháo cối, 1.500 xe tăng, 3.310 máy bay, tổng số quân 1.200.000 tên. Ngoài ra còn một số lực lượng lân cận rút về yểm trợ. 

Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt. Từ chiều 29/4, quân đội Xô Viết đã mở nhiều cuộc tấn công để chiếm nhà Quốc hội Đức; và đến chiều ngày 30/4/1945, Hồng quân Liên Xô đã cắm cờ trên nóc nhà Quốc Hội Đức Reichstag. Sau đó, Hitler tự sát, tập đoàn phòng ngự Berlin chấm dứt sự chống cự. 

Trong thời khắc lịch sử này, phóng viên Ebgeni Khaldei của hãng Thông tấn TASS đã chụp tấm hình các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ chiến thắng lên toà nhà Quốc hội Đức. Mặc dù sau đó, ngày 8/5, phát xít Đức mới ký văn kiện đầu hàng không điều kiện; đến ngày 2/9, Đại chiến thế giới lần thứ Hai mới kết thúc, nhưng hình ảnh lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trên nóc nhà Quốc hội Đức làm rung động thế giới, là biểu tượng chiến thắng phát xít.

2. Cờ Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát tại Điện Biên Phủ (năm 1954)

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược. Quân Pháp bị thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương, lúng túng cả về chiến lược và chiến thuật. Từ năm 1950, Mỹ can thiệp sâu vào vấn đề Đông Dương; viện trợ quân sự cho Pháp để giành thế chủ động trên chiến trường. Địch xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ với hỏa lực mạnh hòng “nghiền nát Việt Minh” – Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quânđội Pháp và can thiệp Mỹ. 

Lực lượng địch ở Điện Biên Phủ có: 17 tiểu đoàn, 10 đại đội, 3 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đơn vị vận tải gồm 200 xe, 1 phi đội không quân thường trực gồm 12 máy bay và 80% máy bay vận tải ở Đông Dương, về phía ta, lực lượng tham gia chủ yếu có: 3 sư đoàn và 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đoàn pháo binh; 261.461 dân công, 11.800 thuyền bè, 20.000 xe đạp thồ. 

Ngày 13/3/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu tiến công chiến lược vào căn cứ Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm, chiều ngày 7/5/1954,quân đội ta đã đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng Đờ Cát và hơn một vạn tên địch phải đầu hàng, là thất bại thảm hại của quân Pháp tại chiến trường Đông Dương, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trong thời khắc lịch sử này, phóng viên Karmen (Liên Xô) đã chụp bức hình Cờ chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát. Bức ảnh như cáo chung về sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.

3. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập của chính quyền Sài Gòn (năm 1975).

Sau khi có Hiệp định Giơnevơ (1954), Mỹ hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam. Âm mưu của Mỹ là chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam, thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, ngăn chặn và đẩy lùi phong trào cách mạng ở khu vực ĐôngNam Á. 

Trong quá trình xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động sức người, sức của các đồng minh của Mỹ, thực hiện hàng loạt chiến lược chiến tranh hết sức tàn bạo ở cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Nhưng chúng đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta, liên tiếp thất bại trên khắp các chiến trường.Cuối năm 1974, Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam. 

Chiều ngày 26/4/1975, quân giải phóng miền Nam mở chiến dịch Hồ Chí Minh, 5 mũi tiến công đồng loạt đánh vào đô thành Sài Gòn - cơ quan đầu não của chính quyền địch. Quân ta có: 15 sư đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn tăng thiết giáp, 6 trung đoàn đặc công; gồm 280.000 quân, 625 xe tăng, 420 pháo. Lực lượng địch có: 5 sư đoàn bộ binh, 18 sư đoàn thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn dù, 4 liên đoàn biệt động quân; gồm 240.000 quân, 625 tăng, thiết giáp, 400 pháo. 

Chỉ sau 4 ngày tấn công, quân giải phóng đã nhanh chóng chiếm lĩnh các mục tiêu. 11h30’ ngày 30/4/1975, quân ta tiến thẳng vào dinh Độc Lập, Tổng thống chính quyền Sai Gòn Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Trong thời khắc lịch sử này, nữ ký giả Pháp Fran­ cois de Mulder đã chụp được hình ảnh chiếc xe tăng mang cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam húc đổ cổng dinh Độc Lập.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng nước ta - Thời kỳ đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Bức ảnh là cáo chung chủ nghĩa thực dân nói của Mỹ trên toàn thế giới.    

Quang Nghĩa tổng hợp

Chủ đề chính: #lịch_sử_thế_giới

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn