Nấm
Phiên dịch tự do tại Hà Nội

3 loại chi phí quyết định bạn một đời tay trắng hay giàu có

Đăng 6 năm trước

Mỗi loại tự do, đều phải trả giá; mỗi loại lựa chọn, đều có chi phí. Bạn có thể đứng ở vị trí nào, có thể giàu có đến đâu, có thể sống một cuộc sống như thế nào, theo tôi nhìn nhận, thì do 3 loại chi phí này quyết định.

Ba loại chi phí này là: chi phí cơ hội, chi phí chìm và chi phí biên.

1. Chi phí cơ hội

Những khả năng bị chúng ta bỏ qua, mới là đắt nhất.

Chi phí cơ hội (Opportunity Cost), là lợi ích (lợi nhuận) tiềm tàng bị mất đi khi chọn một phương án này thay vì chọn phương án khác.

Nói theo kiểu văn chương thì là, giá trị cơ hội cho bạn biết rằng, thời gian là kẻ thù lớn nhất của bạn, bạn không bao giờ có thể tham lam mà chiếm hữu tất cả, khi bạn đưa ra lựa chọn, mỗi một mặt của đồng xu được tung ra, bạn đều không thể biết được mặt còn lại đã bị che, tương lai như thế nào. 

Lấy ví dụ thế này, rất rõ ràng tôi đầu tư thời gian vào bộ phận truyền thông mới, còn những mảng nghiệp vụ khác thì giao cho cộng sự và đội phụ trách. Bởi tôi biết rằng tài chính và giáo dục là mảng nghiệp vụ thiên về tính truyền thống, không có tính chu kỳ; mà tương lai phát triển của ngành truyền thông mới có không gian tưởng tượng lớn hơn, nhưng chu kỳ lợi nhuận lại ngắn, đòi hỏi ta phải tập trung tinh lực để theo dõi, mới có thể mở ra một đường máu cho mảng truyền thông mới vốn đã đầy khó khăn, để giành lấy được khả năng sống còn. Nhờ độc giả yêu mến và ủng hộ, trong lĩnh vực này tôi khá thành công, nhưng tôi vẫn rất lo. Bạn tôi bảo, hiện nay thu nhập của cậu trong mảng truyền thông mới tốt thế rồi, còn có gì đáng lo chứ. Tôi cười khổ, đúng thể mảng này thu nhập cũng coi là khả quan-nhưng ở thời đại này khắp nơi đều là cơ hội, nếu đầu tư thời gian vào các mảng nghiệp vụ khác, có khi còn kiếm được nhiều tiền hơn. 

Khi bạn ý thức được làm bất cứ việc gì cũng có thể kiếm được tiền, lựa chọn không làm cái gì, mới là khảo nghiệm thực sự cho trí tuệ. Có lẽ khi ấy cảm thấy mình rất giỏi, đợi một hai năm nữa ngoảnh lại, nhận ra không cẩn thận là bỏ lỡ cơ hội, kiếm ít bớt mấy trăm triệu, mắng mình ngu dốt. Kết thúc công việc không khác nào đánh trận mỗi ngày, đêm khuya tĩnh lặng, luôn có một tiếng nói xuất hiện tự hỏi: mình đang làm gì? Đây thực sự là lựa chọn tốt nhất ư? Vậy nên nếu bạn hỏi tôi đang kiếm được tiền hay đang thua lỗ, đây thực sự có phải một cuộc mua bán dễ dàng, tôi không nói được, thực sự chưa tới lúc đưa ra kết luận. Vậy nên ta mới không ngừng mời về những nhân tài ưu tú nhất của các mảng nghiệp vụ, dùng tiền bạc và nhân tài làm đòn bẩy để thúc đẩy các nghiệp vụ phát triển cùng lúc, cố hết khả năng để không tụt về phía sau. Với mỗi người trong chúng ta mà nói, cơ hội lựa chọn càng nhiều, thì có nghĩa là chi phí từ bỏ các lớn. 

Nguy hiểm hơn là đáp án chỉ được chọn một, không được chọn một lúc nhiều đáp án: thành phố cấp một cơ hội nhiều nhưng cạnh tranh khốc liệt, thành phố cấp hai cấp ba nhẹ nhàng thoải mái hơn, nhưng không gian phát triển không nhiều, bạn chỉ có thể chọn một thành phố để sinh sống lâu dài; cô gái này xinh, nhưng cô kia còn thông minh hơn, cô thứ ba thì tốt tính, bạn cũng chỉ có thể chọn một người để kết hôn. Người có năng lực, nhìn có vẻ tự do, nhưng vì chi phí cơ hội cao hơn nên bị giới hạn hơn, họ chỉ có thể bận rộn hơn, nhưng sự bận rộn ấy cao cấp hơn một chút. Bạn cứ nhìn Jack Ma thì biết, các sếp lớn và các trùm kinh tế không bao giờ nghỉ hưu, hoặc là nghỉ hưu trên danh nghĩa, thực tế chỉ lui về phía sau chứ không hưu. Bởi ngoài chi phí cơ hội, còn có một chi phí khác hạn chế họ, đó là chi phí chìm.

2. Chi phí chìm

Chi phí chìm là chi phí đã được tạo ra bởi quyết định trong quá khứ, mà không thể thay đổi bởi bất kỳ quyết định nào trong hiện tại và tương lai. Nói theo tiếng người thì là, khi ta quyết định có làm một việc nào đó hay không, không chỉ xét xem việc đó có lợi với mình hay không, mà cần xem xem trong quá khứ đã đầu tư vào việc này hay chưa. Chúng ta gọi những chi phí đã phát sinh và không thể thu hồi lại, như thời gian, tiền bạc, công sức, vv là "chi phí chìm" (Sunk Cost). 

Cuộc sống của chúng ta, khắp nơi đều là những cái bẫy chôn chi phí chìm. Chuyện nhỏ thì là bộ phim đã xem một nửa mới nhận ra là không hay nhưng lại tiếc tiền mua vé, lớn thì là một việc vô bổ nhưng đã tốn công tốn sức mấy năm trời, hoặc người yêu đã không còn yêu chỉ còn cảm giác mệt mỏi nhưng đã ở bên nhau quá lâu rồi. 

Trong bài viết "Khoảng cách của bạn với người hạng nhất, không chỉ là tiền" mà năm ngoái tôi đã viết có một đoạn thế này: Những quan niệm này cắm rễ trong gen, trong máu chúng ta khi ấy, kiểm soát thói quen tư duy của chúng ta trong những năm tháng trưởng thành, khiến ta đưa ra những lựa chọn mà hiện nay về mặt khách quan là không hợp lý. Quyết định của chúng ta hiện nay, thực ra là do quá khứ trói buộc. Phương thức tư duy của chúng ta trước đây là cách nhìn nhận đối với thế giới, giống như một cái lồng trói buộc tư tưởng, hình thành một phương thức tư duy cố định. Thế nên những áng văn súp gà cho tâm hồn và những nhà tâm lý học mới khuyên chúng ta từ bỏ những thứ không cần thiết để tâm hồn được giải thoát khỏi những thứ ồn ào phiền nhiễu, chỉ có từ bỏ ta mới thực sự có thể có được. Nhưng vấn đề là nếu không có khả năng phân biệt lựa chọn đúng đắn, đó không phải là trí tuệ, mà là thô bạo.

Làm sao để biết ta nên giữ lại thứ gì, và từ bỏ cái gì, để bắt đầu lại từ vạch xuất phát. Quan niệm của tôi là- đường đã đi qua, khổ sở đã từng chịu đựng, thành tựu đã có được, thanh danh mình đã đạt được, những mối quan hệ có duyên quen biết, tài sản đã tích lũy được, chỉ cần không ở trong trạng thái phát triển mạnh,  đều là những điều ta nên từ bỏ. Đừng để quá khứ mà ta nắm giữ trói buộc tương lai của chúng ta.

3. Chi phí biên

Theo google, chi phí biên biểu thị chi phí tăng thêm (hay phần gia tăng trong tổng chi phí) cần thiết để sản xuất thêm một đơn vị sản lượng (hay mức giảm trong tổng chi phí khi sản xuất ít đi một đơn vị sản lượng).

Bạn đang chết trong hiện tại hay sống trong tương lai, hiện tại tôi đặc biệt quan tâm đến điều này - mức giá cao thấp của chi phí biên (Marginal Cost), sẽ quyết định tương lai của bạn là tay trắng, hay giàu có. Tại sao mạng xã hội lại phát triển ở Trung Quốc, ngoài việc chúng tôi cần cù nhiệt huyết với công việc, còn có một nhân tố cực kỳ quan trọng, là vì dân số ở Trung Quốc rất đông. 

Khi một ứng dụng mới được ra mắt, chi phí để phục vụ mười nghìn người và một triệu người cũng tương đương nhau. Hơn nữa, quy mô càng lớn, thu nhập càng cao, nhưng chi biên có khuynh hướng bằng không. Tất cả những doanh thu mới tương đương với thu nhập sau thuế , điều này quá hấp dẫn. Dựa vào thời gian buôn bán và công sức lao động để làm nguồn thu nhập, là mức chi phí biên thấp nhất. Hôm nay có việc làm thì đó chính là thu nhập, ngày mai không có việc làm thì ăn đất. Công sức lao động mà hôm nay bạn bỏ ra, không có lợi cho bạn của ngày mai. Nếu như chỉ cần bỏ ra công sức lao động là có thể giàu có, vậy thì công nhân của Foxconn đã là những người giàu nhất trên đời rồi. 

Đổi một cách nói khác thì là, nếu như bạn có thể đem bán sản phẩm mà bạn tạo ra trong một khoảng thời gian, bán ra với số lượng nhiều hơn, đó chính là hành động làm giảm chi phí biên. Quy mô càng lớn, công sức mà bạn bỏ ra càng ít, và thu nhập của bạn càng cao. Ví như xuất bản truyền thống, và mạng xã hội của hiện tại, vẫn đang giảm dần chi phí, nâng cao hiệu quả. Vậy nên, mỗi người trong chúng ta đều phải hỏi bản thân mình, việc mà mình đang làm, có lợi nhuận trong tương lai hay không. Nếu như không có, vậy thì có lẽ bạn đang lãng phí thời gian quý báu của bản thân mình, cho dù có vẻ như ngày nào chúng ta cũng rất bận rộn vô cùng. 

Tác giả: Spenser - Nấm dịch

Chủ đề chính: #chi_phí_cơ_hội

Bình luận về bài viết này
1 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn