A Hun

3 nguyên tắc ra quyết định - Lời nhắn nhủ của ba gửi tới con trai

Đăng 7 năm trước

Mong con sẽ hiểu và áp dụng vào công việc và cuộc sống của con sau này, giúp con có những quyết định hợp lý.

Con trai thân mến!

Hôm nay ba muốn kể cho con câu chuyện về cách mọi người ra quyết định như thế nào.

Rất nhiều lựa chọn trong cuộc sống không có những kết quả rõ ràng. Lựa chọn giữa hai phương án thường xuyên ẩn chứa rủi ro, ví dụ như khi con quyết định tiêu tiền sinh nhật của mình để mua một chiếc xe đạp mới hay một máy chơi game Playstation. Mỗi lựa chọn giống như 2 mặt của đồng xu: con sẽ phải đối mặt với khả năng đánh đổi thứ gì đó (mất mát) để có cơ hội thu lại được thứ gì đó (chiến lợi phẩm).

Nếu con dành số tiền sinh nhật đó để mua chiếc xe đạp mới, con sẽ bỏ qua chiếc máy Playstation mới nhất, nhưng con sẽ có được cảm giác sung sướng khi lướt trên chiếc xe đạp và khám phá mọi ngõ ngách của khu phố. Còn nếu con mua chiếc máy Playstation, con sẽ đánh mất cơ hội với những trải nghiệm cùng xe đạp mới, nhưng bù lại con lại được sung sướng chơi điện tử cùng bạn bè. Với cả hai lựa chọn, con đều phải cân nhắc giữa được và mất.

Những lựa chọn như vậy luôn luôn bị tác động bởi ba nguyên tắc tư duy, ảnh hưởng đến việc chúng ta đánh giá các kết quả kỳ vọng sẽ nhận được từ quyết định của chúng ta và cuối cùng đánh giá các phương án ta lựa chọn.

Nguyên tắc ám ảnh thua lỗ

Với con người chúng ta, việc bị mất mát một thứ gì đó thường đem lại cảm xúc mạnh mẽ hơn khi ta thu nạp được. Trong thực tế, khoa học ám ảnh thua lỗ đã nói rằng khi mất mát, chúng ta buồn gấp đôi so với khi chúng ta vui vẻ nếu nhận được thứ giống chính xác như vậy. Vì vậy, nếu mất 100.000 đồng, con sẽ buồn gấp đôi so với khi con nhặt được 100.000 đồng.

Như thế, nếu con đánh rơi mất tờ tiền 100.000 đồng hôm nay và lại tìm được nó ngày hôm sau, con sẽ vui gấp ba lần so với hôm trước khi con đánh rơi mất tiền.

Nguyên tắc độ nhạy cảm ngày càng giảm đi

Hầu hết mọi người đều thích món bánh kem mứt sô cô la. Nếu con chọn làm món tráng miệng, muỗng đầu tiên con ăn luôn luôn ngon hơn muỗng thứ năm, và muỗng thứ năm thì ngon hơn muỗng thứ sáu.

Điều đó có nghĩa độ nhạy cảm của chúng ta với bất kỳ thứ gì đó sẽ ngày càng bị giảm đi. Nếu ba để đèn mờ trong phòng tối khi con ngủ, nó sẽ có hiệu quả lớn. Nhưng cũng đèn đó con sẽ khó để ý hơn khi để trong phòng sáng vào ban ngày. Tương tự, nếu ba mẹ bớt 5.000 đồng từ tiền tiêu vặt của con là 20.000 đồng, con sẽ cảm thấy rõ ràng hơn khi con có 30.000 đồng, và sẽ mờ nhạt hơn khi con có 10.000 đồng tiền tiêu vặt, mặc dù số tiền ba mẹ bớt đi của con đều như nhau (5.000 đồng).

Nguyên tắc thông tin tham chiếu

Con hãy tưởng tượng con đang uống một ly coca đá sau khi ăn một tô súp nóng hoặc sau khi ăn một que kem. Ly coca có vẻ sẽ lạnh hơn sau khi con ăn súp hơn là sau khi con ăn kem. Điều đó xảy ra vì miệng con quen với nhiệt độ của món ăn trước đó (nóng của tô súp và lạnh của que kem) và lấy đó làm thông tin tham chiếu để giúp con tương tác với việc tiếp theo là con uống ly coca.

Khi mọi người suy nghĩ về tiền bạc, mọi người cũng sử dụng thông tin tham chiếu, thường xuyên là những gì mọi người kỳ vọng. Kết quả tốt hơn những gì con kỳ vọng coi như con có lời. Trong kinh tế học còn gọi là thặng dư. Ngược lại là con bị mất. Vì vậy, nếu con quen  nhận được tiền 500.000 đồng tiền mừng tuổi từ ông bà và năm nay ông bà chỉ mừng con 200.000 đồng, con sẽ thấy mình hụt hẫng. Nhưng ngược lại nếu trong quá khứ con nhận được 100.000 đồng tiền mừng tuổi, thì năm nay với 200.000 đồng tiền mừng, con lại cảm nhận mình có thêm được tiền.

Ba viết những dòng này mong con sẽ hiểu và áp dụng vào công việc và cuộc sống của con sau này, giúp con có những quyết định hợp lý để có một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn! 

Ba yêu con nhiều!

A HUN dịch bài của giáo sư Gleb Tsipursky - đại học bang Ohio

Chủ đề chính: #Ba_và_con_trai

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn